Hà Tĩnh: Hơn 200 giáo viên 'khóc ròng' vì mất việc

19:10 | 07/10/2015

2,699 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong đơn kêu cứu, các giáo viên viết: “Ở bất cứ vị trí nào chúng tôi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Theo chúng tôi để phát triển giáo dục thì rất cần những người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm giảng dạy và lòng yêu nghề...”

Đã hơn 1 tháng kể từ ngày bị mất việc, hơn 200 giáo viên ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) rơi vào tình cảnh vô cùng khốn khó. Đáng chú ý là đa phần các thầy, cô giáo bị cắt hợp đồng lao động đợt này đều là những người đã có thâm niên công tác, cống hiến nhiều cho ngành giáo dục huyện nhà.

Theo đơn kêu cứu gửi đến Báo Năng lượng Mới – PetroTimes, cùng các đơn vị chức năng các giáo viên viết: "Vào cuối tháng 5/2015, tất cả giáo viên hợp đồng trên huyện Kỳ Anh chính thức nhận được thông báo của Hiệu trưởng nhà trường nơi công tác với nội dung: "UBND huyện và phòng giáo dục yêu cầu Hiệu trưởng các trường chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên đang hợp đồng tại trường". Sau đó, UBND huyện lại có thông báo về việc tiếp tục hợp đồng cho đến ngày 30/9/2015.

Đến chiều 25/8, chúng tôi được triệu tập đến hội trường UBND huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh để nghe UBND huyện thông báo về quyết định của UBND tỉnh về việc "Yêu cầu xử lý giáo viên dôi dư hợp đồng tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Cuộc họp này do ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh trực tiếp chủ trì".

ha tinh hon 200 giao vien khoc rong vi mat viec
Đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng của các giáo viên huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Cũng trong đơn kêu cứu, các giáo viên ở huyện Kỳ Anh thông tin: Tại cuộc họp ngày 25/8, các giáo viên đã đề xuất nguyện vọng với UBND huyện, phòng giáo dục và đào tạo, phòng nội vụ được tiếp tục công tác và ổn định cuộc sống. Nhưng phía lãnh đạo huyện Kỳ Anh không có câu trả lời thiết thực về phương hướng giải quyết công ăn việc làm cho các giáo viên trong khi huyện đang thiếu giáo viên trầm trọng.

Chưa hết, trong đơn kêu cứu, các giáo viên cũng trình bày rằng, sau khi gửi lời cảm ơn và xin lỗi tới các giáo viên, ông Nguyễn Minh Hoàn - Phó Chủ tịch huyện Kỳ Anh đã khuyên: "Đứng giữa ngã ba đường, các đồng chí nên rẽ theo một hướng khác".  

Theo tìm hiểu của PV thì hơn 200 giáo viên của huyện Kỳ Anh bị mất việc đợt này, nhiều thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn. Đa số các giáo viên đều có thâm niên nhiều năm công tác trong ngành, nên việc đột ngột bị cắt hợp đồng đã khiến các giáo viên không khỏi bị sốc.

Mang thai đến tháng thứ 8 mà vẫn phải vác bụng đi “kêu cứu” là điều bất đắc dĩ đối với cô giáo Trần Thị Hồng – trường THCS Kỳ Khang. Cô Hồng nói: "Bản thân tôi đã có 9 năm giảng dạy nên việc đột nhiên bị mất việc, lại trước thềm năm học mới khiến tôi rất buồn. Hiện tôi đang nuôi con nhỏ 4 tuổi, lại mang thai 8 tháng nhưng việc chấm dứt hợp đồng vẫn diễn ra với tôi. Mang thắc mắc hỏi thanh tra Sở Nội vụ thì họ giải thích rằng: Những người có thâm niên 5 năm hay 10 năm cũng như những người 1 năm, không có ưu tiên gì hết, cứ hết hợp đồng là họ cắt".

ha tinh hon 200 giao vien khoc rong vi mat viec
Cô Trần Thị Hồng (ngồi giữa) mang thai 8 tháng vẫn vác bụng đi kêu cứu

Được biết, trong số hơn 200 giáo viên mất việc đợt này có đến hơn 10 cô giáo đang mang thai và có con dưới 13 tháng tuổi. Có trường hợp, cả hai vợ chồng bị mất việc cùng một lúc.

Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1989), giáo viên công tác tại trường THCS Kỳ Xuân và chồng là anh Lại Văn Nhất (SN 1987), giáo viên tại trường Tiểu học Kỳ Xuân.

Mặc dù thời gian công tác vợ chồng chị Nhung chỉ hưởng 85% lương hợp đồng, nhưng đây cũng là thu nhập chính của gia đình anh chị. Từ ngày nhận quyết định cho thôi việc, kinh tế gia đình trở nên lao đao. Cô giáo Nhung tâm sự: “Hai vợ chồng đều là giáo viên hợp đồng, đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nay cả hai lại bị cắt hợp đồng, tôi thực sự không biết nên làm sao. Con cái thì còn nhỏ dại (một đứa 2 tuổi, một đứa 7 tháng tuổi – PV) nên rồi đây vợ chồng tôi không biết bám trụ vào đâu để lo cho cuộc sống".

Dù đã 12 năm cống hiến cho nghề nhưng chị Nguyễn Thị Nga (SN 1979), giáo viên trường THCS Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) cũng bị cắt hợp đồng đợt này. 12 năm công tác trong ngành là 12 năm vất vả khi chị phải chuyển công tác liên tục. Cứ sau mỗi năm học, khi đồng nghiệp nghỉ hè trong yên tâm thì một giáo viên hợp đồng như chị Nga lại cầm hồ sơ đi xin dạy từng năm 1 ở các trường. Nỗi lo cứ kéo dài năm này qua năm khác, nhưng với lòng yêu nghề chị vẫn quyết bám trụ và cố gắng. Thế nhưng, việc bị cắt hẳn hợp đồng đợt này khiến chị Nga suy sụp hoàn toàn.

Kể từ khi bị mất việc, hơn 200 giáo viên của huyện Kỳ Anh đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng đều rơi vào… vô vọng. Thế nhưng, bằng tình yêu nghề tha thiết được cống hiến tiếp cho sự nghiệp giáo dục, các giáo viên này vẫn mòn mỏi mong được cơ quan chức năng lưu tâm.

Được biết, việc hơn 200 giáo viên huyện Kỳ Anh đã được ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục thị xã Kỳ Anh giải thích rằng: Trước khi chưa tách địa giới hành chính huyện Kỳ Anh (nay thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh) thì huyện tuyển giáo viên hợp đồng nhưng không qua thi tuyển. Nay tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu tinh giản biên chế, chỉ những trường hợp ký hợp đồng, qua xét tuyển từ tỉnh mới được giữ lại, còn lại các giáo viên do huyện ký hợp đồng đều buộc phải chấm dứt hợp đồng.

Đặt vấn đề dù huyện Kỳ Anh chuẩn bị tách thành hai đơn vị hành chính nhưng nếu các trường vẫn có nhu cầu thì liệu có nên giữ giáo viên lại tiếp tục làm việc như hiện nay thay vì cắt ngang và xem xét để hợp đồng lại hay không?

Ông Trần Huy Liệu, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho rằng: Việc buộc thôi việc các giáo viên là thực hiện theo công văn 343/SNV-TCBC về phương án bố trí nhân sự của Sở. Các trường học là đơn vị sự nghiệp, văn bản của Sở chỉ yêu cầu cắt các giáo viên và nhân viên hợp đồng vượt chỉ tiêu đã được giao cho các trường. Theo quan điểm cá nhân ông thì nên giữ các giáo viên lại tiếp tục giảng dạy như vậy vì lâu nay huyện Kỳ Anh không điều tiết được nhân lực, việc cắt hợp đồng là kiểu "quýt làm cam chịu" thì người chịu thiệt thòi là các giáo viên.

Trước mắt, việc cho thôi việc hơn 200 giáo viên một lúc thì có lẽ huyện Kỳ Anh đang lâm vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Còn các quyết định của tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy 214 giáo viên vào cảnh thất nghiệp, khủng hoảng tâm lý và chưa biết đi đâu về đâu sau nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục.

Huyền Anh