Hà Nội: Tái lấn chiếm vỉa hè - bao giờ kết thúc?

09:31 | 17/06/2017

1,482 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở Hà Nội, việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ được ví như một “bản trường ca” với nhiều cao trào là những lần ra quân của lực lượng chức năng, có cả những đoạn giáng và rồi lại thăng của hoạt động chiếm dụng vỉa hè. “Bản trường ca” này đã tồn tại lâu nay và vẫn có những lần “cao trào” mới, ngày càng quyết liệt hơn, hiệu quả nhanh hơn nhưng kết quả vẫn không “bảo lưu” được lâu dài. Mỗi lần có đợt ra quân lấy lại vỉa hè là một lần người dân thủ đô mong chấm dứt “bản trường ca” này...   

Hàng quán lại bung ra, xe cộ tràn lên hè phố

Tiến trình lấy lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội bắt đầu từ ngày 10-3-2017 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ban đầu, kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, không lâu sau đó, nhiều người dân, chủ cửa hàng trên địa bàn Hà Nội đã tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, dừng đỗ xe sai quy định.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 197 thành phố nhận định: Từ khi bắt đầu triển khai lấy lại vỉa hè cho người đi bộ đến cuối tháng 5-2017, các lực lượng cảnh sát trật tự phản ứng nhanh, CSGT, thanh tra giao thông đã lập biên bản, xử phạt hơn 54.000 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 21 tỉ đồng. Qua hơn 2 tháng lập lại trật tự đô thị trên địa bàn Thủ đô, tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt, nhưng kết quả này chưa bền vững, vẫn còn điểm phức tạp cần phải xử lý, giải quyết. Cụ thể, tình trạng chiếm dụng hè phố, lòng đường vào giờ cao điểm vẫn còn tồn tại, nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị Nhà nước chưa chấp hành, vẫn tự ý để xe trên hè, lòng đường. Tình trạng phức tạp về trật tự đô thị tại các tuyến phố nhỏ, ngõ, ngách vẫn diễn ra và chưa có xu hướng giảm…

ha noi tai lan chiem via he bao gio ket thuc
Một đoạn phố Hàng Thiếc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị người dân lấn chiếm để kinh doanh

Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều tuyến đường của Hà Nội như: Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Đê La Thành, Xuân Thủy, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Trần Bình... tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã trở lại không khác gì trước đây. Dọc tuyến phố này, các quầy quần áo, giày dép, quán ăn mặc sức bung ra, hàng hóa còn được bày tràn xuống cả lòng đường. Người đi bộ lại quay về với thực trạng bất chấp nguy hiểm để đi xuống lòng đường. Trên phố Liễu Giai, cảnh ôtô đỗ không đúng nơi quy định diễn ra tràn lan, các hàng quán cũng thoải mái sử dụng vỉa hè làm bãi để xe, bày hàng hóa, các quán cóc cũng lại tràn ra. Phố Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy là một tuyến phố mới được hoàn thiện, mặt đường rộng, lại ít dân cư và phương tiện qua lại nên đây là điểm lý tưởng để đỗ ôtô. Thậm chí tại hầm cầu vượt giữa phố Nguyễn Khánh Toàn giao với phố Đào Tấn, quán nước ngang nhiên mọc lên kèm theo dịch vụ trông xe máy...

Chẳng riêng gì các tuyến đường phố của các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, địa bàn quận Hoàn Kiếm được coi là khu trung tâm gần với các trụ sở UBND thành phố, Thành ủy Hà Nội... nhất nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng bị tái lấn chiếm vỉa hè. Điển hình như hè phố Phan Đình Phùng rộng rãi với hai hàng cây, với biển cấm đỗ xe rõ ràng nhưng vẫn thấy cả dãy ôtô đỗ trên vỉa hè. Người dân ở khu vực này cho biết họ đã quen với cảnh này, bởi tình trạng này diễn ra đã lâu nay, thi thoảng lực lượng chức năng lại đi qua nhắc nhở nhưng cũng không xử lý triệt để. Đã từng là một trong những quận tổ chức rầm rộ nhất phong trào lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, tuy nhiên vỉa hè các tuyến phố của quận Hoàn Kiếm cũng bị “tái lấn chiếm”. Một số hộ kinh doanh trên phố Hàng Buồm, Hàng Da, Hàng Bạc, Hàng Khoai... đã “chiếm dụng” vỉa hè của người đi bộ với dãy xe máy và quầy hàng vươn ra, nhiều cửa hàng còn để xe đỗ tràn lan dưới lòng đường. Việc “tái chiếm” này còn mạnh mẽ hơn vào buổi tối, khi các lực lượng chức năng đã hết giờ làm việc. Các hộ kinh doanh bung ra với đủ loại bàn ghế, xe cộ, hàng hóa...

Các lực lượng chức năng sắp “ra quân”

Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải trả lời báo chí: Hiện vẫn còn nhiều hộ kinh doanh lợi dụng lúc vắng bóng lực lượng chức năng để chiếm dụng vỉa hè của người đi bộ. “Để việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường không rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, cùng với tăng cường tuyên truyền, Thanh tra Sở GTVT sẽ phối hợp với lực lượng chức năng cấp phường, quận đẩy mạnh tuần tra, phân rõ trách nhiệm theo tuyến phố, khu vực quản lý, kiên quyết không để tái phạm. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các đội Thanh tra, đặc biệt tại các địa bàn tái lấn chiếm phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý các vi phạm để Hà Nội thực sự là một thành phố văn minh”.

Theo Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, tới đây các hoạt động kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng cần phải đi kèm với công tác bố trí, sắp xếp hợp lý phục vụ cho việc kinh doanh, đi lại, đỗ xe cũng như thu nhập của người bị xử lý thì vỉa hè mới bền vững và không bị tái lấn chiếm. Đồng thời, Ban Chỉ đạo 197 thành phố cũng đề xuất chọn những tuyến phố có bán hàng rong; mở rộng các tuyến phố đi bộ; tổ chức khẩn trương rà soát các quỹ đất, các điểm của người dân hoặc của chính quyền quản lý mà có thể phục vụ cho công tác này thì cần ưu tiên đưa vào quy hoạch cấp phép và giải quyết sớm các thủ tục.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 197 đã đề xuất Thành ủy, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, đơn vị cơ quan Đảng, chính quyền các cấp và các sở, ngành phải đi đầu trong việc nghiêm túc thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; phải bố trí cán bộ, nhân viên điều hành nhắc nhở, điều hành xếp xe ra vào cổng cơ quan, tránh tình trạng đỗ xe sai quy định gây cản trở giao thông.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố cần tập trung chống tái lấn chiếm vỉa hè, đề nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội đôn đốc lực lượng cảnh sát trật tự, công an phường phối hợp với chủ tịch UBND các phường nhắc nhở hộ kinh doanh, người dân chấp hành nghiêm việc giữ gìn trật tự vỉa hè.

Lại một lần nữa, cuộc chiến đấu lấy lại vỉa hè cho người đi bộ diễn ra ráo riết, câu chuyện về khả năng mở rộng các tuyến phố đi bộ, rà soát quỹ đất để dành riêng cho các hàng quán hoạt động được đề cập tới một cách cấp thiết. Sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các lực lượng chức năng lại thêm lần nữa đòi hỏi gắt gao hơn, nhằm mong đạt được kết quả tốt hơn và lâu dài hơn. Dư luận vẫn cứ trăn trở: Bao giờ thì “bản trường ca” lấy lại vỉa hè cho người đi bộ mới kết thúc?

ha noi tai lan chiem via he bao gio ket thuc

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải: Trong 6 tháng đầu năm 2017, việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, quận, huyện còn chưa quyết liệt, chưa bảo đảm tiến độ, đặc biệt việc tái lấn chiếm vỉa hè, rác thải, nước thải, môi trường, trật tự xây dựng... vẫn chưa đạt được kết quả bền vững, vẫn cứ tái lấn chiếm bởi tình trạng đánh trống bỏ dùi và cách làm còn hình thức.

Bí thư Thành ủy Hà Nội tiếp tục yêu cầu bí thư, chủ tịch các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt hơn nữa vấn đề này, đặc biệt phải xử lý cán bộ buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng mỗi cái vỉa hè không làm được.

ha noi tai lan chiem via he bao gio ket thuc

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Các quận, huyện, thị xã phải đôn đốc, nhất là các phường tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp liên quan đến lòng đường vỉa hè, nếu làm tốt việc này sẽ thúc đẩy việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Gia Huy

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc