Hà Nội: Chất lượng sống thiếu nhiều tiêu chí

06:51 | 01/11/2013

1,414 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một thành phố thế nào sẽ được đánh giá là nơi lý tưởng, đáng sống trên thế giới? Hà Nội của chúng ta có đạt tiêu chí nào hay không?

Thật đáng buồn là Hà Nội thiếu quá nhiều tiêu chí!

Tiêu chí được đặt ra là một thành phố dễ sống không đông dân. Người nước ngoài chắc cũng chẳng lạ gì mức độ “đậm đặc” ở khu phố cổ Hà Nội nữa (mật độ 84.000 người/km2). Tính rộng hơn nữa, mật độ dân số trung bình toàn Hà Nội cũng đã gấp… 8 lần mật độ chung của cả nước.

Và cũng chẳng cần phải tính toán đâu xa, hình ảnh nạn tắc đường, quá tải bệnh viện, trường học, nhà ga, bến xe cũng đủ thấy Hà Nội đã quá chật.

Nhiều ao hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm nặng

Tiêu chí chất lượng nước và không khí thì cần khẳng định ngay là niềm “mơ ước” của người Hà Nội. Số liệu công bố tại Hội thảo góp ý Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013, do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức tại Hà Nội mới đây  khiến chúng ta không khỏi giật mình:

Mức độ ô nhiễm ở Hà Nội vượt ngưỡng nhiều lần quy chuẩn Việt Nam (QCVN). Nồng độ bụi tại hầu hết các điểm quan trắc xung quanh các khu, điểm, cụm công nghiệp, tuyến giao thông đều vượt ngưỡng quy định, thậm chí một số điểm còn vượt tới 3-4 lần. Kết quả giám sát chất lượng môi trường không khí thậm chí còn nêu: Nồng độ chì trong môi trường có biểu hiện xuất hiện trở lại ở một số đô thị lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và chủ yếu tập trung ở các nút giao thông…

Nguồn nước - một yếu tố sống còn của nhân loại thì hiện ô nhiễm các sông, ao, hồ ở Hà Nội cũng chạm ngưỡng báo động do gánh nặng chất thải sinh hoạt từ các nhà máy, bệnh viện, nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm. Tỷ lệ người dân Hà Nội “dám dùng” nước giếng khoan hiện nay gần như là không có.  Vì thế giá bán nước sinh hoạt thành phố cũng đã tăng từ tháng 10 này và sẽ còn tăng nữa trong các năm tiếp theo. Đáng lo ngại, “cơn khát” nước sạch của người dân thủ đô đã được tính toán, cảnh báo vì thực trạng ô nhiễm môi trường.

Rác là vấn đề quá lớn đang “treo” trên đầu 7 triệu người, chưa kể dân số cơ học tăng 5 vạn người/năm từ các địa phương về “tạm trú”… tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đã tăng gấp ba lần 5 năm trước. Trong khi ấy, công tác thu gom chỉ đạt vỏn vẹn khoảng 70%, tương đương 2.500 tấn/ngày. Khu xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) dự tính đến năm 2019 mới đầy, nhưng với đà này chỉ khoảng 1-2 năm nữa sẽ chính thức đóng cửa. Mọi hy vọng đều chờ đến cuối năm 2014, hệ thống xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại thành điện năng ra đời ở Nam Sơn may ra giải tỏa phần nào lo ngại của toàn thành phố.

Về cây xanh - lá phổi của Hà Nội cũng từng có thời được xếp vào thành phố có diện tích cây xanh lớn ở châu Á, vì nơi đây có khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi. Nay thì cây xanh đang thiếu nghiêm trọng, hầu hết các tuyến đường chỉ lác đác vài cây con còi cọc, những tuyến đường mới mở thì càng không có. Qua 5 năm mở rộng, Hà Nội đã tăng hơn gấp 4 lần và nếu không có một đề án kịp thời thì Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề do không có 3 “tế bào sống” đó là: công viên, hồ nước và cây xanh.

Một tiêu chuẩn lớn khác là giao thông thành phố. Nạn giao thông ứ tắc ở nhiều nơi dễ gây căng thẳng cho cư dân. Hà Nội cũng hiếm những nơi hoàn toàn dành cho người đi bộ, dù đây là phương pháp tốt nhất để thư giãn có lợi cho sức khỏe. Vấn đề là quy hoạch không tạo ra các khoảng trống đi bộ lý tưởng có cây cao bóng mát, chỉ san sát cửa hàng với mái che, nạn lấn chiếm vỉa hè.

Hãy nhìn vào Đà Nẵng về vấn đề giải phóng mặt bằng để làm đường. Không như các thành phố khác, khi giải phóng mặt bằng để làm đường, Đà Nẵng thường lấy vào 2 bên đường mới một khoảng không 30-50m và sau đó quy hoạch bán đấu giá. Việc này đã tạo ra những con đường khang trang, sạch đẹp do việc xây dựng đồng bộ, không có chuyện nhà siêu mỏng, siêu méo như Hà Nội, nó còn tạo ra nguồn vốn lớn từ chính quỹ đất này do đường sá khang trang, rộng rãi.

Và còn rất nhiều chuyện khác biệt đã tạo nên một Đà Nẵng văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp như ngày hôm nay là Đà Nẵng còn rất tôn trọng ý kiến của các chuyên gia, các nhà chuyên môn trong việc định hướng quy hoạch và phát triển Đà Nẵng.

Còn với Hà Nội, câu chuyện chất lượng sống “đi xuống” toàn diện đã được cảnh báo nhiều. Các nhà xã hội học, môi trường học khuyến cáo phải nhìn ra những yếu kém về quy hoạch. Song lâu nay, sức ì do cơ chế chính sách, chồng chéo phức tạp là nguyên nhân làm bài toán đô thị hóa ngày càng nan giải, kéo theo những hệ lụy nêu trên.

M.Kiên