Hà Nội chấn chỉnh hoạt động xích lô, taxi

09:11 | 01/06/2011

1,078 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 800 xích lô du lịch hoạt động sai quy định. Khu Phố cổ và Hồ Hoàn Kiếm chỉ dành cho người đi bộ.

>> Xích lô – gìn giữ hay xóa bỏ?

Chiều 31/5, Công an Thành phố và Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội tổ chức họp báo thông báo về kết quả kiểm tra xử lý xe xích lô du lịch và các điểm trông giữ xe sai quy định và công bố kế hoạch tổ chức tuyến phố đi bộ.

Chưa cấm xích lô du lịch

Theo báo cáo của Công an Thành phố, Hà Nội hiện có 4 doanh nghiệp được Thành phố cấp phép kinh doanh xích lô du lịch với 264 xe hoạt động.

Theo quy định các doanh nghiệp này chỉ được phép hoạt động ở khu vực phố cổ theo giờ nhất định và mỗi đoàn xe không quá 5 xe và khoảng cách mỗi xe là là 100m khi lưu thông.

Tuy nhiên, thực tế có trên 1.000 xe xích lô hoạt động, đi khắp các tuyến đường, kéo dài từ 15-20 xe, đỗ dừng sai quy định, gây cản trở giao thông.

Qua kiểm tra lực lượng liên ngành đã xử phạt hành chính 254 trường hợp vi phạm, phát hiện 40 trường hợp không đúng chủ xe đăng ký hoạt động, tạm giữ 84 xích lô, trong đó có 61 xe không biển không giấy tờ.

Du lịch xích lô thăm phố cổ tại Hà Nội.

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội khẳng định, Thành phố hiện chưa cấm xích lô du lịch hoạt động. Hoạt động của xích lô vi phạm phải được chấn chỉnh quản lý theo hướng siết chặt đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ của đội ngũ hành nghề. Xe hoạt động đúng lộ trình tuyến đường, đúng điểm đỗ… theo đúng quy định của thành phố.

“Tương lai thành phố cũng sẽ tính đến việc bỏ loại phương tiện này bởi không phù hợp với điều kiện phát triển của một thành phố hiện đại, đông dân như thành phố Hà Nội”, ông Nhanh cho biết.

Cũng theo ông Nhanh, trong thời gian tới thành phố cũng sẽ có quyết định dừng cấp phép hoạt động taxi. Tuy nhiên, thời gian cụ thể chưa được thông báo.

Hiện trên địa bàn thành phố có 114 doanh nghiệp vận tải khách bằng taxi hoạt động với trên 15.000 xe.

Chấn chỉnh hoạt động trông giữ xe

Về xử lý các điểm trông giữ xe sai quy định, người đứng đầu Công an Thành phố cho rằng, một trong những yếu kém trong công tác quản lý của thành phố là vấn đề giao thông.

Theo thống kê hộ khẩu của CATP, năm 2008 Hà Nội có 6,4 triệu dân và đến năm 2010 đã tăng thêm 500.000 người, trong khi quỹ đất dành cho giao thông tĩnh làm thiếu kiên quyết. Việc xã hội hóa các điểm đỗ xe do chậm thu hồi vốn nên không hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư. Đây là những nguyên nhân khiến sức ép về giao thông ngày một lớn.

Theo ông Nhanh, chỉ tính riêng 10 quận nội thành, hiện có 1.055 điểm trông giữ xe, trong đó có 309 điểm tự quản. Riêng quận Hoàn Kiếm thực hiện khoán quản cho 5 công ty với 162 điểm (có 5 điểm giữ xe ô tô) tổ chức khai thác cả vỉa hè và lòng đường. Tất cả các điểm này qua kiểm tra hầu hết đều có vi phạm, đặc biệt có 14 điểm hoạt động không phép, không nộp thuế, thu tiền vé cao hơn giá vé…

Ông Nhanh cho rằng, để chấn chỉnh hoạt động trông giữ xe đúng quy định cần tổng kiểm tra lại toàn bộ các điểm trông giữ xe. Điểm nào không phép kiên quyết đình chỉ. Điểm nào phù hợp quy hoạch trông giữ xe thì cấp phép, điểm nào gây ảnh hưởng đến giao thông cần loại bỏ.

“Nếu cần thiết chúng tôi sẽ cho cảnh sát kinh tế tham gia bắt giữ những điểm trông xe thu phí trái quy định”, ông Nhanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, phân cấp trong cấp phép hiện nay cũng còn nhiều điểm gây khó khăn cho việc quản lý của thành phố như lòng đường giao Sở Giao thông Vận tải cấp phép còn vỉa hè lại giao UBND quận, huyện cấp.

Phố cổ và hồ Hoàn Kiếm chỉ dành cho người đi bộ

Cũng theo Giám đốc Công an Hà Nội, CATP và Sở GT-VT Hà Nội đang nghiên cứu tổ chức giao thông khu vực phố cổ chỉ dành cho người đi bộ để trình UBND thành phố xem xét.

Theo ý tưởng của đề án, trước mắt các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân sẽ tiến hành thí điểm đi bộ vào các ngày thứ 7 và Chủ Nhật, ngày lễ, Tết cả ngày lẫn đêm.

Khu vực xung quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm cũng sẽ trở thành khu vực đi bộ trong tương lai. Các tuyến phố này sẽ thực hiện đi bộ tất cả các ngày sau khi ổn định tổ chức các điểm trông giữ xe. Nếu được Thành phố cho phép, thời gian thực hiện khoảng 1-2 tháng tới.

Ông Nhanh cho biết: “Để thực hiện được tuyến phố đi bộ này chúng tôi đang nghiên cứu các loại phương tiện giao thông của các hộ gia đình trong khu vực đi bộ phải bố trí sao cho hợp lý. Thêm vào đó cũng cần phải nghiên cứu việc tổ chức hợp lý điểm đỗ cho xe bus, taxi”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết thêm, hiện ngành giao thông đang tiến hành khẩn trương điều tra xã hội về cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của những người dân sống trong khu vực phố cổ. Khi có sự đồng thuận của người dân đề án mới có thể được triển khai.

Theo vov

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc