Hà Lan và công trình đê biển vĩ đại nhất hành tinh

15:36 | 18/11/2017

7,813 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cùng với những công trình nổi tiếng như kim tự tháp Giza ở Ai Cập, đấu trường La Mã cổ đại, kênh đào Panama, đường hầm qua eo biển Manche… hệ thống đê biển Afsluitdijk ở Hà Lan cũng vinh dự được nhiều kiến trúc sư nổi tiếng thế giới bầu chọn là một trong những công trình vĩ đại nhất hành tinh.  

Công trình vĩ đại của thế giới

Hà Lan được biết đến là quốc gia có nhiều công trình lấn biển nhất trên thế giới (thống kê có tổng cộng khoảng 3.500 công trình lấn biển, thành phố được xây dựng dọc các con kênh). Đáng chú ý, những công trình này được các kỹ sư Hà Lan tính toán rất kỹ về vấn đề thích ứng, chống chọi với thủy triều và ngập lụt. Công trình Afsluitdijk là minh chứng rõ ràng nhất cho khát vọng chinh phục thiên nhiên của người Hà Lan.

Năm 1916, một trận bão khiến nhiều tuyến đê của Hà Lan bị vỡ, 16 người thiệt mạng, gây ngập lụt trên diện rộng (300km2), Chính phủ Hà Lan đã lên kế hoạch đóng kín cửa vịnh bằng một con đê mang tên Afsluitdijk.

Afsluitdijk có tổng chiều dài hơn 32km, rộng 90m, độ cao ban đầu 7,25m trên mực nước biển trung bình. Đây là công trình trải dài từ mũi Den Oever thuộc tỉnh Noord Holland lên đến mũi Zurich thuộc tỉnh Friesland. Điều phi thường là chỉ sau 6 năm (từ 1927 đến 1933), công trình “đồ sộ” này đã hoàn thành. Được biết, số lượng vật liệu sử dụng cho công trình này khoảng 23 triệu m3 cát và 13,5 triệu m3 xi măng, với 4.000-5.000 công nhân tham gia lao động trên công trường mỗi ngày.

ha lan va cong trinh de bien vi dai nhat hanh tinh
Toàn cảnh đê biển Afsluitdijk - công trình kỳ vĩ của người Hà Lan

Đê biển Afsluitdijk đóng vai trò quyết định trong quy hoạch tổng thể điều phối thủy văn, chống lụt, rửa mặn và tưới tiêu lớn nhất Hà Lan trong thế kỷ XX. và nó đã giúp Hà Lan giảm thiểu tối đa tác động của biển Bắc đến hoạt động thủy sản và nông nghiệp khu vực các tỉnh phía bắc.

Không chỉ bảo vệ Hà Lan trước nguy cơ lũ lụt, Afsluitdijk còn được biết đến là một tuyến đường cao tốc với 4 làn xe và hàng ngàn người tham gia giao thông mỗi ngày. Tuyến đường này cũng giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ tỉnh North Holland tới tỉnh Friesland.

Sống chung với nước

So với các quốc gia trên thế giới, Hà Lan có mật độ dân số thuộc loại cao, chưa kể địa hình đất nước này nằm ở mức thấp nhất so với mực nước biển. Nguy cơ bị nước biển nhấn chìm trở thành “bài toán nan giải” của giới chức trách và các nhà quy hoạch Hà Lan.

Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, quốc gia được xem là “quê hương của những chiếc cối xay gió” đã lên một kế hoạch đồ sộ nhằm xây dựng hàng loạt công trình chống ngập lụt. Nổi bật trong số này là một hệ thống bao gồm 13 con đê có tổng chiều dài 16.496km, với 300 rào chắn sóng, kênh thoát nước, cửa cống, kè ngăn nước và đất bồi. Toàn bộ tổ hợp này có chi phí lên tới 5 tỉ USD. Không chỉ chống lụt hiệu quả mà tổ hợp công trình này còn gián tiếp cung cấp nguồn nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu của người dân. Tổ hợp cũng vinh dự được Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ công nhận là một trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại.

Các chuyên gia nhận định, giống như mọi “cuộc chiến” khác, công cuộc chinh phục biển cả chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Mặc dù rất tự tin về hệ thống đê biển, song các chuyên gia Hà Lan cũng đã nghĩ về trường hợp xấu nhất: Khi nước biển dâng quá nhanh, hệ thống bơm nước bị hỏng, với địa hình của Hà Lan, chỉ trong vòng một tuần, toàn bộ lãnh thổ đất nước này sẽ bị chìm trong biển nước.

Người đứng đầu văn phòng kiến trúc Waterstudio tại Ryswick (Hà Lan), ông Koen Olthuis cho rằng, các nhà chức trách trên thế giới nên xem lại cách thức quy hoạch đô thị hiện nay, vì nó đã không còn phù hợp với thực tế. Theo ông, khoảng 80% các thành phố lớn trên thế giới tập trung chủ yếu ở các vùng ven biển, trong khi mực nước biển đang dâng lên. Tình thế này buộc con người phải đi tìm câu trả lời làm thế nào để “sống chung với nước”?

Kiến trúc sư Olthuis nhận định, bên cạnh các vùng đất liền hiện tại, người ta sẽ phải tính toán việc xây dựng các thành phố nổi trên mặt nước, những hòn đảo nhân tạo mới - như một cách “sống chung với lũ” và mở ra những triển vọng mới cho cuộc sống con người.

Trần Quân