GS.TS Ngô Văn Lệ: Quan niệm giáo dục phi lợi nhuận là không thực tế

07:00 | 27/02/2014

1,665 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quy định dừng tuyển sinh 207 ngành trình độ đại học trong năm 2014, cũng như thực hiện chiến lược “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đang có nhiều ý kiến trái chiều. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với GS.TS Ngô Văn Lệ (nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM) để có một góc nhìn mới về vấn đề này.

Năng lượng Mới số 299

PV: Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) ra quy định dừng tuyển sinh 207 ngành trình độ đại học ở 71 cơ sở đào tạo trong năm 2014 do không đáp ứng điều kiện quy định về đội ngũ giảng viên. Giáo sư có ý kiến như thế nào về quy định trên?

GS Ngô Văn Lệ: Một yếu tố cực kỳ quan trọng trong đào tạo đại học để đáp ứng được yêu cầu phát triển thì phải mỗi ngành phải có chuyên gia am hiểu sâu về lĩnh vực đó. Thứ nhất, chuyên gia sẽ xây dựng được chương trình đào tạo khoa học, chứa đựng nội dung cần thiết của ngành học. Thứ hai, họ có khả năng tập hợp đội ngũ nhiều chuyên gia giỏi để cùng xây dựng và phát triển ngành. Do đó, việc một ngành được mở để đào tạo đại học mà không có những chuyên gia giỏi, không có người dẫn đầu thì rõ ràng không đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo.

Ở ta hiện nay, Bộ GD&ĐT đưa ra các quy định này là hướng đến tiếp cận quốc tế nhưng rất chủ quan. Nhìn về mặt nào đó thì có lý nhưng không phù hợp với thực tế Việt Nam. Vì không phải ai làm ở Bộ GD&ĐT cũng hiểu rõ về các ngành học và đặc thù tất cả các chương trình đào tạo. Lâu nay, trường nào hoàn thiện đủ hồ sơ theo quy định hành chính thì họ cho mở ngành, không đủ theo quy định thì không cho mở… Chính sự xét duyệt dựa trên hồ sơ và thủ tục hành chính nên có nhiều trường đại học yếu kém Bộ vẫn cho mở đào tạo.

GS Ngô Văn Lệ (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG TPHCM)

PV: Điều đáng nói là trong danh sách 71 cơ sở giáo dục đại học có ngành đào tạo bị dừng tuyển sinh năm 2014 có nhiều trường đại học lớn. Đặc biệt, Trường ĐH Hà Tĩnh có đến 14 ngành bị dừng tuyển sinh trong năm 2014. Và ở nhiều chuyên ngành đào tạo hẹp và đặc thù chưa có tiến sĩ ở nước ta như các ngành nghệ thuật, sân khấu hay các ngành ngoại ngữ… cũng bị Bộ cho dừng tuyển sinh, giáo sư có nhận xét thế nào?

GS Ngô Văn Lệ: Ở nước ta, có những ngành đặc thù mà nếu suy nghĩ theo cách Bộ GD&ĐT thì sẽ không bao giờ có chuyên gia đầu ngành theo đúng nghĩa. Như các ngành ngoại ngữ, nếu để một trường có đội ngũ tiến sĩ như quy định thì rất nhiều trường không có. Theo tôi biết, hiện có rất ít người làm nghiên cứu sinh ngoại ngữ ở nước ngoài. Họ thường làm nghiên cứu sinh về các lĩnh vực hoặc chuyên môn gần như: “Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ”, “Giáo dục học”… Bản thân Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) TPHCM có nhiều giảng viên ở khoa Ngữ văn Anh học tiến sĩ ở nước ngoài nhưng họ không học tiến sĩ Ngữ văn Anh hay tiến sĩ Ngôn ngữ Anh. Như vậy, có những ngành hiện nay Nhà nước đang rất cần như tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ảrập phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu và công tác ngoại giao sẽ không bao giờ có những tiến sĩ đúng chuyên ngành này như quy định mà Bộ GD&ĐT đưa ra.

PV: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, các trường “hiểu nhầm” ý của Bộ. Đúng là có những ngành không tìm thấy học vị tiến sĩ nhưng phải có tiến sĩ ngành gần là giảng viên cơ hữu thì mới cho phép mở ngành được, thưa giáo sư?

GS Ngô Văn Lệ: Bây giờ giáo dục của ta đào tạo không giống ai. Xem các trường đại học trên thế giới, có phải ai học đại học đúng chuyên ngành thì cũng thành chuyên gia trong lĩnh vực đó đâu. Có những trường hợp, ví như Nhà dân tộc học Malinowski trước là tiến sĩ Toán học đấy chứ. Họ không có khái niệm ngành gần hay ngành xa như mình. Mà phải hiểu rằng, đối với đại học là đào tạo kiến thức nền cho sinh viên, rồi sau đó tùy đam mê thì mỗi người đi vào nghiên cứu sâu, bồi bổ kiến thức cả cuộc đời. Chứ không có trường đại học nào trên thế giới đủ năng lực để đào tạo một chuyên gia hay một giáo sư cả. Trường ĐH KHXH&NV có những lớp cử nhân tài năng ngành Ngữ văn nhưng không phải tất cả những người học sẽ thành nhà văn. Nhưng có nhiều người không qua trường lớp nào vẫn thành nhà văn như Nguyễn Ngọc Tư chẳng hạn…

Do đó, việc Bộ GD&ĐT đưa ra những quy định để đạt được chuẩn mực quốc tế là tốt. Còn trên thực tế không có trường nào gọi là chuẩn quốc tế hay đẳng cấp quốc tế. Mà mỗi một nước có một giá trị riêng, không có trường đại học nào đào tạo bao trùm toàn thế giới cả nhưng mỗi trường phải hướng giá trị chung như tôi đã nói ở trên. Vì vậy, nếu đợi đủ đội ngũ thì một số ngành ở Việt Nam sẽ không bao giờ đủ điều kiện để đào tạo.

PV: Vậy trước mắt, Bộ GD&ĐT cần có chính sách gì và các trường cần có những giải pháp ra sao để bổ sung đội ngũ chuyên gia, thưa giáo sư?

GS Ngô Văn Lệ: Để giải được bài toán này, một mặt chúng ta phải huy động nguồn lực các ngành gần, giáo viên và nhà khoa học có ngành liên quan. Nhưng trên thực tế, khoa học giờ là liên ngành chứ chẳng có ngành nào đứng riêng một cõi, tách bạch như ngày xưa. Cái quan trọng thứ hai muốn xây dựng ngành học có chất lượng trong thời gian ngắn thì buộc phải mời chuyên gia trong lĩnh vực khoa học nước ngoài về giúp mình. Họ là những chuyên gia có kinh nghiệm trong xây dựng chương trình đào tạo khoa học, xây dựng định hướng ngành và xây dựng phương pháp nghiên cứu… Sang nước ta, ngoài việc trực tiếp giảng dạy thì họ tham gia bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trong nước, giúp nâng cao trình độ giảng viên Việt Nam. Còn nếu chỉ có mình, chỉ có các trường đại học ở Việt Nam thì vẫn loay hoay như lâu nay.

Sinh viên với ngày hội việc làm

PV: Thưa giáo sư, ông có ý kiến gì về việc mở trường đại học quá dễ dàng, mỗi tỉnh đều có một trường đại học nhưng chất lượng thì bị thả nổi. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, hay đi làm trái ngành, hoặc đi làm công nhân ngày càng phổ biến?

GS Ngô Văn Lệ: Tôi cho rằng, hiện nay số trường đại học ở Việt Nam cũng không quá nhiều so với quy mô dân số. Tuy nhiên, cái chính là ở vấn đề quản lý nhà nước thiếu chặt chẽ. Cho mở trường đại học một cách vá víu từ chương trình đào tạo đến lực lượng giảng viên… Từ đó dẫn đến hệ quả, các trường cứ mở, cứ đào tạo mà sinh viên ra trường không làm được việc. Bộ GD&ĐT lâu nay chủ yếu chỉ lo chuyện đầu vào là chính còn quá trình đào tạo, đầu ra, chuyện việc làm thì chưa được quan tâm một cách đầy đủ.

Trong nhận thức chúng ta vẫn quan niệm giáo dục là phi lợi nhuận, là không thực tế. Phải nhận thức giáo dục là một hoạt động kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường. Được đánh giá bằng sản phẩm có chất lượng.

Một mâu thuẫn nữa là nhu cầu học là có thực, đội ngũ giảng viên đông nhưng sự phân bổ giữa các địa phương và giữa các lĩnh vực không đồng đều. Một bất cập nữa là hiện nay chúng ta tách bạch giữa cơ quan nghiên cứu và cơ sở đào tạo. Các viện nghiên cứu lo việc của viện. Các trường đại học lo việc của trường. Lực lượng làm nghiên cứu phân tán và thiếu định hướng chung nên khoa học nước nhà không thể phát triển mạnh là vậy.

PV: Hiện nay nhiều tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư không hề tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bao nhiêu năm làm công tác giảng dạy và quản lý giáo dục - đào tạo, giáo sư thấy gì ở nghịch lý này?

GS Ngô Văn Lệ: Tôi vẫn nói là nước mình có nhiều cái không giống người ta trong quản lý khoa học và trong quản lý nhà nước. Nếu anh có bằng cấp sẽ có chức tước, chức vụ mà quên rằng, giữa chức vụ và nghiên cứu khoa học rất khác nhau. Muốn làm khoa học thì phải có chuyên môn để tổ chức và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Và phải có năng lực để thực hiện công tác nghiên cứu. Một tiến sĩ mà không thể làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học, không thể viết nổi một bài báo khoa học thì đó chỉ là tiến sĩ giấy.

Ở nước mình thường có chỗ ngồi, có chức, có tước rồi thì được tiêu chuẩn hóa nhưng trên thực tế, phải tiêu chuẩn hóa rồi mới được ngồi chỗ đó. Giờ người ta đưa nhiều chuyên gia khoa học, nhiều tiến sĩ tham gia quản lý nhà nước chưa chắc là thành công mà còn gây lãng phí. Đó là sự lãng phí trong sử dụng nhân lực - nhân tài.

PV: Mặt khác, chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với giảng viên còn thấp nên họ chưa chuyên tâm vào công tác giảng dạy và nghiên cứu. Theo giáo sư cần có chính sách như thế nào đối với họ?

GS Ngô Văn Lệ: Có một cái rất khó trong chế độ lương - bổng ở Việt Nam hiện nay. Nếu nói giảng viên nghèo, thực tế không đúng. 24 năm trước tôi làm Trưởng khoa Sử. Là khoa nghèo, cứ nghĩ chẳng ai có nhà ở Sài Gòn nhưng 20 năm sau ai cũng có nhà khang trang. Do đó giữa lương - bổng và thu nhập của giảng viên thì khác nhau. Tồn tại điều này vì mình không thừa nhận giáo dục lợi nhuận.

Ở Việt Nam hiện nay nói chung không có công bằng mà là cào bằng. Một anh làm công chức, theo năm tháng lên chức đều đều vẫn có thể là chuyên viên cao cấp và hưởng mức lương gần như giáo sư. Có một anh thi cao học vào trường tôi khi đã là chuyên viên cao cấp, trong khi đó cả trường ĐH KHXH&NV chỉ có 3 giáo sư được gọi là giảng viên cao cấp. Tôi hỏi: “Anh học làm gì? Khi tôi là giáo sư cũng là giảng viên cao cấp, còn anh đã là chuyên viên cao cấp rồi”. Ngoài ra còn hàng trăm vấn đề bất cập khác trong chế độ lương - bổng cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Vì khi đã cào bằng là làm thui chột biết bao nhiêu người giỏi. Làm thui chột sự phát triển của đất nước. Muốn tạo động lực phát triển thì phải trả lương - thưởng đúng năng lực của họ. Xã hội bây giờ cứ đều đều 2 năm, 3 năm lên lương. Cả xã hội cứ tà tà như thế. Chậm phát triển thì khó tránh khỏi.

Niềm vui ngày tốt nghiệp

PV: Giáo sư đánh giá như thế nào về quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo nước nhà mà Bộ đang phát động?

GS Ngô Văn Lệ: Tôi cho đây là giấc mơ của Bộ GD&ĐT. Các nhà quản lý luôn đưa ra những mục tiêu bất định, cho nên, nhìn lại luôn không phù hợp, rồi phải thay đổi nữa. Vấn đề căn bản bây giờ là Bộ phải đánh giá được cái đã làm. Cái chưa làm được và phải chỉ ra được nguyên nhân của vấn đề…

Hiện nay, có rất nhiều mô hình giáo dục trên thế giới, tuy nhiên tất cả các mô hình đều không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Do đó, không thể mang mô hình của Mỹ, Pháp, Đức hay Nhật, Hàn áp dụng cho Việt Nam. Do đó chỉ có chuẩn mực của Việt Nam, chuẩn mực Thái Lan, chuẩn mực Mỹ, Đức, Pháp… chứ không có chuẩn mực quốc tế. Giờ mình gọi trường đại học quốc tế, hay trước đây Bộ GD&ĐT cấp phép mở Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng là một sự mơ hồ, không thực tế. Do đó, làm cho xã hội chúng ta bị rối loạn về giá trị, không có chuẩn riêng của mình mà cứ bắt chước hết chuẩn nước này rồi đến chuẩn nước kia. Và hiện nay, chuẩn của Bộ GD&ĐT là do các nhà làm chính sách đưa ra mà bản thân họ chưa chắc đã hiểu rõ những quy định đấy đang theo chuẩn nào.

PV: Dường như Bộ GD&ĐT vẫn bối rối trong việc tìm cách để đưa ngành giáo dục thoát khỏi khủng hoảng hiện nay. Và có nhiều chuyên gia cho rằng, giáo dục phải được tự chủ. Có tự chủ giáo dục đại học mới phát triển. Còn quan niệm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

GS Ngô Văn Lệ: Theo tôi, giáo dục Việt Nam phải được nhận thức lại. Liệu ở Việt Nam bây giờ có trường nào tự chủ như các đại học trên thế giới không. Hay vẫn cứ chung chung mơ hồ. Đại học phải tự chủ, từ đó đề cao vai trò trường đại học.

Cách đây 10 năm, lúc còn làm Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, trong buổi họp có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung, tôi phát biểu rằng: “Nghị định 43 cho quyền tự chủ các trường đại học. Có thể ở các doanh nghiệp có quyền tự chủ nhưng đối với trường đại học, với tư cách là hiệu trưởng tôi cho rằng Nghị định 43 không có hiệu lực”. Bởi vì, muốn tự chủ phải có quyền. Quyền về sử dụng con người, tuyển dụng và sa thải khi họ làm không được việc. Quyền sử dụng tài chính, thu học phí - chi hợp lý đảm bảo sự phát triển của trường. Quyền trong xây dựng khung chương trình đào tạo… Chứ cứ quy định chúng tôi phải dạy cái này, phải dạy cái kia, phải chi cái này, phải chi cái kia… thì tự chủ ở đâu?

Một khi không có những quyền cơ bản đó thì khó mà phát huy hết năng lực của trường đại học. Tôi nói vậy thôi nhưng ở nước ta bây giờ rất khó thay đổi điều này.

PV: Nhưng chúng ta không thể không thay đổi, vì giáo dục Việt Nam hiện nay đã tụt hậu quá xa so với các nền giáo dục trong khu vực và trên thế giới, thưa giáo sư?

GS Ngô Văn Lệ: Chắc chắn là phải đổi mới. Nền giáo dục chúng ta trước đây xây dựng trong bối cảnh chiến tranh. Hòa bình lâu rồi, ta phải thay đổi tư duy và nhận thức cho phù hợp bối cảnh mới, sứ mệnh lịch sử trong thời kỳ mới. Muốn đổi mới phải làm thận trọng, có lộ trình chứ không phải làm một cách vá víu, theo phong trào, hay những nhận thức nông cạn thì càng góp phần làm cho giáo dục càng khủng hoảng trầm trọng hơn.

Tôi chỉ nói đơn cử, việc thay đổi từ dạy học niên chế sang dạy tín chỉ cách đây mấy năm là cả một vấn đề không hề đơn giản chút nào. Khi chuẩn bị dạy theo tín chỉ, tôi đã đi rất nhiều nước, gặp nhiều hiệu trưởng các nước. Một vị giáo sư ở ĐH Mahidol (Thái Lan) bảo rằng: “30 năm đào tạo tín chỉ nhưng giờ hỏi tín chỉ là gì chúng tôi không biết. Nhưng tôi chỉ nói với giáo sư một câu. Tín chỉ không phải là niên chế thêm bớt một ít thì thành tín chỉ”. Từ niên chế sang tín chỉ là cả một quá trình, quá trình từ người tổ chức, người thực hiện, đội ngũ giảng viên, sinh viên… Còn ở nước ta bây giờ, học tín chỉ là học nhanh nhưng khốn nỗi một thầy dạy nhiều môn. Nên kết thúc môn này, môn khác đợi sang năm mới học được thì làm sao mà học nhanh được. Mình đúng nghĩa là làm theo phong trào. Thấy thế giới dạy tín chỉ thì mình dạy tín chỉ nhưng trên thực tế, đào tạo theo tín chỉ là tốt, có thể hội nhập với thế giới. Do đó, chúng ta phải hiểu nó một cách đầy đủ thì mới có thể đào tạo theo học chế tín chỉ được.

Đổi mới như thế nào là cả một vấn đề, chứ không phải hô hào đổi mới sẽ đổi mới được ngay. Đổi mới kinh tế hay đổi mới giáo dục đều phải có quá trình. Nhưng đổi mới giáo dục có lẽ khó khăn, vất vả, gian nan hơn rất nhiều.

PV: Cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này!

Thiên Thanh (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.