GS.TS Ngô Đức Thịnh: Tâm linh đã bị vật chất hóa

11:06 | 11/03/2015

5,709 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tính ra riêng tháng đầu tiên của tết Nguyên đán có tới hơn nửa trong tổng số 8.900 lễ hội mỗi năm để người dân vui xuân mới. Thế nhưng năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần đến mùa lễ hội là lại nổi lên những vấn đề phi văn hóa, phi truyền thống như một quy luật “đến hẹn lại lên”, khiến dư luận bức xúc, bất bình… Thực ra, vấn đề này không năm nào là không nói đến nhưng mãi vẫn chưa giải quyết được. Vậy nguyên nhân từ đâu? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam về vấn đề này.

Năng lượng Mới số 403

Trần sao âm vậy

 PV: Như mọi năm, đã trở thành văn hóa đầu xuân, ông đã đi lễ chùa cũng như tham dự lễ hội ở nhiều nơi?

GS. TS Ngô Đức Thịnh: Từ tết đến giờ, vừa là vì công việc, vừa là sinh hoạt tín ngưỡng trở thành “truyền thống” của tôi từ ngày còn nhỏ theo mẹ đến nay, tôi thường đi lễ và vãn cảnh chùa vào dịp tết để cầu an, hạnh phúc cho bản thân và cho những người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, tôi tham dự một số lễ hội để cảm nhận một không khí, một tinh thần xuân mới trong những ngày đầu năm và nuôi dưỡng nó đến hết năm.

PV: Và ông có làm được điều đó mỗi lần đi lễ hay tham dự lễ hội không?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Từ thuở ấu thơ cho đến nay đã ngoại “thất thập cổ lai hy”, tôi có thời gian dài để trải nghiệm, để cảm nhận về chuyện này. Thế nhưng dường như sau mỗi năm, đặc biệt là vào thời kỳ hiện đại hóa như hiện nay, sự hào hứng, phấn khởi trong tôi lại giảm đi theo thời gian, không phải vì sức khỏe, vì tuổi cao mà tôi cảm nhận rất rõ vì sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đang ngày càng mai một đi tính truyền thống, văn hóa vốn vô cùng linh thiêng, đẹp đẽ, ý nghĩa… của nó.

GS.TS Ngô Đức Thịnh

PV: Cụ thể như thế nào thưa ông?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Tôi còn nhớ rất rõ xưa kia, khi còn nhỏ, theo mẹ đi lễ chùa dịp tết ở Nam Định quê hương tôi, nếu như chưa kịp chuẩn bị lễ, mẹ tôi thường mang theo những đồng tiền ít ỏi về giá trị thế nhưng lại rất giá trị về ý nghĩa, về lòng thành kính của người lễ mang theo đến chùa để góp “giọt dầu nén nhang”. Mẹ tôi chọn những đồng tiền mới nhất, phẳng phiu nhất đặt đúng nơi quy định hoặc cho vào hòm công đức. Trang phục đi lễ không cầu kỳ nhưng toát lên ý thức của một người đến nơi thâm nghiêm, linh thiêng như chùa chiền. Vào chùa, đi nhẹ nói khẽ. Khi đó chùa thanh tịnh, tôn nghiêm ngay cả vào dịp tết đông người, thỉnh thoảng tiếng chuông chùa ngân nga rồi vọng lại âm thanh làm cho sự linh thiêng nơi thần thánh càng trở nên linh thiêng hơn, không khí xuân càng xuân hơn trong mùi hương trầm quyện vào hương của hoa hồng, hoa ngâu, hoa huệ man mát… và quan trọng tạo được cho phật tử đến chùa cảm giác bình an, thanh tịnh của ngày đầu năm ấm áp.

Thế nhưng giờ trái hẳn với cảnh xưa, đến chùa người đông chen chúc, đúng kiểu “chen vai thích cánh”, thậm chí trèo lên đầu lên cổ nhau để lễ. Rồi người nọ lễ vào lưng, vai, cổ… người kia; Lễ vật đặt bừa bãi, tiện chỗ nào đặt chỗ nấy, tiền “giọt dầu nén nhang” không còn mang ý nghĩa đó nữa mà mang tư tưởng “buôn thần bán thánh”, mua chuộc thần linh, “mâm cao lộc dày” của người trần tục. Thêm vào đó là trang phục hở hang; Văng tục chửi bậy cả chốn thâm nghiêm. Thậm chí, vào dịp tết nơi đây lại trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ trộm cắp… Đã vậy, trong chùa chiền, hòm công đức chỗ nào cũng có, chỗ nào cũng đặt đĩa hay khay để chứa tiền lễ ngay trên ban thờ… như khuyến khích người ta làm điều ấy. Bạn đã bao giờ đi lễ mà thấy có cả công an, người làm công tác an ninh đứng trong chùa chiền để giữ gìn an ninh trật tự chưa? Vậy mà bây giờ phải huy động cả lực lượng này đến đền chùa, đủ thấy sinh hoạt văn hóa tâm linh hiện như thế nào. Hôm mồng Một tết đến chùa Hà, nơi được cho là rất thiêng và thu hút người bốn phương đến lễ dịp tết, tôi thấy cả bóng áo vàng của những đồng chí công an phường trải đều ở các khu vực trong chùa để giữ gìn an ninh trật tự. Nói tóm lại, bây giờ tôi thấy ngoài đời có những bon chen, lộn xộn gì thì ở nơi thờ thần thánh tôi cũng thấy xuất hiện những cái đó. Thật bất an!

PV: Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, xã hội trước đây như thời kỳ ông đi lễ cùng với thân mẫu thuở ấu thơ chẳng hạn và xã hội bây giờ có nhiều đổi thay về mọi  mặt thì việc thay đổi trong sinh hoạt văn hóa tâm linh cũng là điều dễ hiểu, cụ thể như người đi lễ đông hơn, tinh thần, mục đích lễ bái hay lễ vật cũng khác… Ông nghĩ sao về ý kiến này?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Dẫu có thay đổi như thế nào thì quan trọng nhất vẫn phải giữ được văn hóa trong sinh hoạt tâm linh. Ví như chuyện người đi lễ hiện nay rất đông, đông hơn thời trước nhiều và không chỉ người già mà lan tỏa sang cả lớp trẻ. Thậm chí, hiện nay vào chùa, thấy thế hệ trẻ còn nhiều hơn thế hệ cha ông họ. Như vậy là tín hiệu vui trong sinh hoạt tôn giáo và trở thành một nhu cầu của xã hội. Và nhu cầu đó chính đáng, như chuyện cầu tài, lộc, sức khỏe… cũng là ước vọng chính đáng của con người. Thế nhưng đông và sự lộn xộn, mất trật tự của đám đông lại là hai việc khác nhau. Hay lễ vật cũng vậy, không quan trọng là lễ vật gì mà phải thể hiện được sự thành tâm của người lễ và không được quan niệm “mâm cao thì lộc dày”. Bởi ở đây không thể xảy ra chuyện “buôn thần bán thánh”, mua chuộc thần linh… Đó là chuyện ngoài đời mà ngoài đời chuyện như vậy cũng được coi là tiêu cực thì không thể mang vào nơi thần thánh.  Tính chất của lễ bái hiện nay cũng không nằm ngoài tình trạng ấy. Tâm thế của nhiều người đi lễ chùa bây giờ chỉ nhìn cách họ lễ bái, cách đặt lễ, thái độ, tác phong đi lại trong chùa… là thấy ngay một văn hóa bị khiếm khuyết trong sinh hoạt tâm linh nếu như không muốn nói là xô bồ, đầy mê tín dị đoan.

Tôi ví dụ, sĩ tử đi lễ thần thánh cầu đỗ đạt  là chính đáng. Nhưng chính tôi chứng kiến, hôm vừa rồi tại chùa Bái Đính, hai sĩ tử mỗi người đội một cái mâm lễ trên đầu đúng nghĩa là mâm cao cỗ đầy ngồi như thiền trước ban thờ Phật rồi được thầy cúng ngồi bên cạnh đọc một bài khấn rõ dài để cầu đỗ đạt. Có cần phải cầu kỳ thế không? Họ bảo tôi, phải thể hiện được lòng thành qua mâm lễ như vậy thì mới được Phật chứng, phù hộ cho. Đấy, tâm linh đã bị vật chất hóa! Thậm chí, có người còn nói “kim tiền” hóa tâm linh trước những hiện tượng như vậy là không sai! Thật là buồn! Mà không chỉ người đi lễ, ngay cả những người làm trong chùa cũng có hiện tượng như vậy.

PV: Chuyện này như thế nào thưa ông?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Như tôi đã nói ở trên, việc đặt quá nhiều hòm công đức ở đền, chùa hiện nay… vô hình trung như một sự khuyến khích đối với việc đặt tiền của phật tử. Trong khi đối với người đi lễ nên để họ thành tâm có gì lễ nấy. Rồi chuyện thực tế của một người bạn nước ngoài của tôi, khi đến một chùa tại Hà Nội tham quan, khi công đức cho nhà chùa, anh đưa 10USD. Thế nhưng người tiếp nhận số tiền này, thay vì nở một nụ cười tươi, cảm ơn bằng cả lời nói và ánh mắt thì lại tỏ ra rất thờ ơ, thậm chí xem thường số tiền đó vì cho là ít ỏi. Người bạn của tôi cũng cảm nhận được và nhìn tôi rất ngạc nhiên. Tôi thấy ngượng vì cách ứng xử của người “nhà mình”.

Chúng ta đang “quan phương hóa lễ hội”

PV: Hình như với những gì ông nói thì sự mai một, phi truyền thống, văn hóa ngày càng phủ rộng hơn và cấp độ cũng tăng lên rõ rệt?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Đúng như vậy. Bạn thấy đấy, ví dụ như lễ hội trước đây nếu chỉ có sự lộn xộn, tổ chức chưa đến nơi đến chốn… thì giờ bạo lực diễn ra cả ở đây. Tất nhiên nó chưa thành phổ biến mà chỉ là hiện tượng. Nhưng rõ ràng trước đây hiện tượng này không có mà giờ không chỉ xảy ra ở một lễ hội mà một số lễ hội vừa qua.

Người đi lễ cầu an ở chùa Phúc Khánh ngồi tràn cả xuống lòng đường làm cản trở giao thông

PV: Vậy theo ông nguyên nhân nào dẫn đến sinh hoạt tâm linh bị mai một, biến tướng như vậy?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Điều này tôi đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng, chúng ta có một giai đoạn khoảng hơn 40 năm sinh hoạt tâm linh bị đứt đoạn bởi quan niệm sai lệch của một số nhà quản lý văn hóa. Tôi còn nhớ như in thời kỳ đó, lễ hội đền Hùng còn bị cho là mê tín dị đoan, phải chấm dứt, bài trừ, không được tổ chức. Hay nhiều lễ hội khác cũng vậy. Nghĩa là thời kỳ ấy, cực đoan đến độ cảm giác như nơi nào có lễ bái là nơi ấy mê tín dị đoan, kể cả đình, đền, chùa… và người đi lễ ở những nơi ấy cũng bị quy kết như vậy. Chính bởi cách quản lý và quan niệm ấy của các nhà quản lý đã làm cho sinh hoạt văn hóa tâm linh lâm vào khủng hoảng, bị gián đoạn do sự hiểu biết chỉ theo một chiều. Và trong bối cảnh bị giới hạn, bó buộc như vậy về sinh hoạt tâm linh đến khi được cởi mở, tự do do quan niệm của các nhà quản lý thay đổi như hiện nay thì như được cởi trói, người dân lại ồ ạt đi lễ bái, tham dự lễ hội nhưng theo cách bộc phát…

PV: … Để rồi dẫn đến một thái quá khác mà như ông đã từng nói là “cứ ở đâu thấy bát hương là ở đó thấy người ta xì sụp cúng lễ” phải không thưa ông? 

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Đúng vậy. Và chưa bao giờ tôi thấy người ta mê tín dị đoan như bây giờ.

PV: Dưới góc độ của nhà nghiên cứu, theo ông vì sao các nhà quản lý văn hóa thời kỳ sinh hoạt văn hóa tâm linh bị gián đoạn lại có cách nhìn có vẻ khắt khe như vậy?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Vì họ hiểu biết chưa ngọn ngành, trọn vẹn nên đã ảnh hưởng tới công tác quản lý, định hướng sinh hoạt văn hóa thời kỳ đó.

PV: Thế còn hiện nay, phải chăng tình trạng lộn xộn, biến tướng trong sinh hoạt văn hóa tâm linh lại do sự thiếu hiểu biết từ người dân?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Tôi cho là như vậy. Nhưng phần khác là do các nhà quản lý đã tổ chức chưa tốt và quan trọng hơn là họ cũng bị lâm vào tình trạng khi đời sống văn hóa tâm linh, lễ hội được phục hồi nhanh quá, đặc biệt là về số lượng thì như mất kiểm soát, họ không thể nào quản lý được, định hướng được nên cứ để tình trạng bộc phát của người dân trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, lễ hội đi theo chiều hướng của nó như đã thấy hiện nay.

PV: Thưa ông, vậy phải làm thế nào để chấn chỉnh lại sinh hoạt tín ngưỡng này?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Cách đây 2 năm Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có tổ chức một cuộc họp để bàn về giải pháp nói trên, khi đó tôi có ý kiến, để có một nếp sống văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng phải bắt đầu từ nhận thức, nghĩa là giúp họ có những kiến thức sâu sắc, tổng thể về lĩnh vực này và cách để thực hiện là tuyên truyền, giáo dục thông qua tất cả các kênh truyền thông dưới mọi hình thức để người dân có thể tiếp cận được. Và cho đến giờ tôi vẫn giữ nguyên ý kiến này. Tuy nhiên, bên cạnh đó để tăng cao hiệu quả, cũng cần công tác quản lý bảo đảm chất lượng, thực tế… Chứ nói thật, không ít lần chứng kiến cảnh công tác thanh tra, kiểm tra tại lễ hội của cán bộ quản lý, tôi thấy như dạo chơi “cưỡi ngựa xem hoa”, chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Một ca sĩ nổi tiếng mặc hở hang đi lễ chùa Bái Đính

PV: Cụ thể như thế nào, ông có thể nói rõ được không?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Nghĩa là họ chỉ đến nơi cần thanh tra, kiểm tra, nghe cán bộ cơ sở báo cáo rồi ra về, chẳng cần xuống thực tế xem như thế nào. Có cán bộ “trách nhiệm” nữa thì đi vòng quanh một lượt lễ hội, sau đó đánh giá sơ sài rồi cũng… về. Nói chung chất lượng kiểm tra, thanh tra của cán bộ quản lý yếu kém. Hay như trung tuần tháng 2 vừa rồi, Bộ VHTT&DL có quyết định ban hành Tiêu chí thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian. Quyết định này đề ra 6 nội dung đánh giá lớn như: Công tác quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hàng năm; Quán triệt, tuyên truyền văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ Bộ VH-TT&DL; Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội… Và trong mỗi nội dung đánh giá lại có từng nội dung nhỏ để đánh giá điểm theo thang điểm của Bộ. Người thực hiện chấm điểm sẽ là Sở VH-TT&DL của các địa phương sau đó báo cáo về Bộ…

Theo nội dung quyết định này thì theo tôi nếu thực hiện được là quá tốt. Tuy nhiên, tôi chỉ e ngại nó lại lâm vào tính hình thức và thiếu tính thiết thực ở chỗ, đề ra người thực hiện chấm điểm, nhưng người giám sát bộ phận thực hiện chấm điểm đó lại không có. Hơn nữa, tự mình chấm điểm cho mình tức là Sở VH-TT& DL tự chấm điểm cho lễ hội ở địa phương mình thì liệu có khách quan? Như vậy tính khả thi và bền vững của quyết định ban hành tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian xem ra rất khó!

PV: Nhân nói về công tác tổ chức lễ hội, thì quan điểm của ông thế nào khi có người  cho rằng, với hơn 7.000 lễ hội dân gian trong tổng số 8.900 lễ hội nói chung hiện nay mỗi năm thì việc tổ chức cả ngần ấy lễ hội dân gian là rất tốn kém và mất thời gian?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Tại một cuộc họp bàn về vấn đề này của ngành văn hóa, có một đại biểu tham dự cũng cho rằng phải bớt lễ hội nào đó đi, chỉ để lại những lễ hội lớn, tiêu biểu… Tôi đã đề nghị luôn vậy bỏ bớt một lễ hội ở quê cán bộ đó đi nhé vì nó nhỏ và mang tính địa phương thì đại biểu này bày tỏ luôn quan điểm không đồng ý. Vậy cán bộ đó không đồng ý trong khi đó chính là ý kiến của anh ta thì mong gì địa phương khác đồng ý. Bởi mỗi lễ hội có những giá trị riêng không thể kể là lớn hay nhỏ, nó mang giá trị tinh thần, truyền thống của người dân địa phương ấy nên chẳng thể thêm hay bớt được. Quan trọng là chúng ta tìm cách tổ chức sao cho vừa đúng với tinh thần, ý nghĩa của lễ hội vừa hợp lý về chi phí.

PV: Thế nhưng hợp lý như thế nào thì suy đến cùng đó cũng là tiền, mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Ông nghĩ như thế nào về quan điểm này? 

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Không biết tôi nghĩ có đúng không nhưng theo tôi đôi khi việc tổ chức một số lễ hội hiện không mang mục đích hoàn toàn vì văn hóa, chính vì vậy trong khâu tổ chức rất rềnh rang, thậm chí khuếch trương rất tốn kém. Nhưng nếu, việc tổ chức này giao hẳn cho người dân và chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ thì có khi lễ hội ấy không chỉ vui mà chi phí bỏ ra còn rất sát, không lãng phí đồng nào. Bởi giống như việc mình rút tiền túi của mình ra tiêu thì phải hữu hiệu chứ không thể để rơi vãi một cách vô nghĩa. Chính quyền địa phương nào thực hiện được như vậy mới đúng bản chất của lễ hội vì lễ hội là của nhân dân, từ nhân dân mà ra. Hiện nay, lễ hội theo từ ngữ của chúng tôi là đang “quan phương hóa lễ hội”, nghĩa là lễ hội hoàn toàn của chính quyền địa phương. Như thế không đúng. Lễ hội phải của nhân dân, do dân tổ chức và như tôi đã nói, địa phương chỉ hỗ trợ tối đa cho họ.

PV: Nghĩa là trong tổ chức, chúng ta xã hội hóa 100% lễ hội?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Đúng vậy.

PV: Chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi cởi mở này!

Tú Anh (thực hiện)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc