GS Nguyễn Minh Thuyết: Học sinh bỏ thi đại học là... đáng mừng!

07:15 | 26/04/2016

2,422 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc gần 40% học sinh THPT ở tỉnh Nghệ An chọn phương án không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2016 có nhiều ý kiến cho rằng: Đây là một tín hiệu đáng mừng!  

Thông tin từ Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An cụ thể như sau: Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 toàn tỉnh có 31.698 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có khoảng 12.113 thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm khoảng 40%. Con số này đưa Nghệ An trở thành tỉnh có thí sinh không xét tuyển ĐH cao nhất cả nước.

het thoi phi dai hoc bat thanh nhan
Xét tuyển đại học

Trả lời giới truyền thông, ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: “Đây là kết quả của công tác hướng nghiệp cho học sinh trên toàn tỉnh Nghệ An. Gần 40% học sinh của tỉnh nhà không chọn thi ĐH mà chọn con đường học nghề”.

Nghệ An được mệnh danh là đất học, nơi mà việc học để lấy được một tấm bằng ĐH luôn là mối ưu tiên hàng đầu. Việc gần 40% học sinh không chọn đường vào ĐH quả là một thay đổi lớn.

Thực tế thì những năm trở lại đây tấm bằng ĐH đã không còn trở thành “chiếc chìa khóa thần” để mở cánh cửa đến tương lai của những người trẻ. Có nhiều lý do khiến cử nhân không tìm được việc làm nhưng rõ ràng việc mở ồ ạt các trường ĐH và đào tạo một cách vô tội vạ đã khiến tấm bằng ĐH “xuống giá” như hiện nay.

Phóng viên PetroTimes đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này!

het thoi phi dai hoc bat thanh nhan

PV: Vừa qua, Sở GD&ĐT Nghệ An có thống kê gần 40% học sinh chỉ thi THPT Quốc gia để xét tốt nghiệp chứ không xét tuyển ĐH. Nhiều ý kiến cho rằng đây là tín hiệu tốt, thể hiện học sinh đã biết định hướng nghề nghiệp và quan niệm “Phi ĐH, bất thành nhân” đã hết thời. Ông có đánh giá gì về việc này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Vâng, tôi nghĩ đó là một tín hiệu vui vì điều này chứng tỏ học sinh, phụ huynh bây giờ đã không còn tâm lý vào ĐH bằng mọi giá nữa. Như vậy là vui rồi. Những năm đầu những trường ngoài công lập mới ra đời thì học sinh ồ ạt vào các trường đó với tâm lý miễn là cầm được tấm bằng.

Nhưng những năm trở lại đây thì lượng sinh viên vào các trường này giảm đi nhiều. Đó là đã đến lúc người ta phải tính toán xem vào trường nào có triển vọng, khi trường tấm bằng đó được đánh giá có chất lượng (tất nhiên là so với Việt Nam), để theo học chứ ít hiện tượng bỏ tiền ra học “lấy được” như trước đây.

PV: Lượng người thất nghiệp theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì ngày càng tăng, báo động nhất là đối tượng cử nhân luôn nằm Top đầu. Vậy, ông đánh giá thế nào về giá trị của tấm bằng ĐH hiện nay?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thực tế cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp cao ở độ tuổi thanh niên chứ không riêng gì người có trình độ cử nhân. Điều đó phản ánh thị trường lao động của ta còn nhỏ hẹp. Bây giờ phát triển ngành nghề chủ yếu là gia công cho nước ngoài, sản xuất thô… nên cần nhiều lao động có tay nghề chứ cần gì người đi học ĐH.

Chưa kể, thống kê có thể chưa chính xác, như người đi đánh giày, đi bán vé số… vẫn không bị xếp vào dạng thất nghiệp. Thực tế, những việc làm đó chỉ là kiếm sống qua ngày mà thôi.

Căn nguyên của vấn đề, tôi cho rằng chúng ta đào tạo ĐH quá vội vàng, lộ trình từ đào tạo tinh hoa sang đào tạo đại chúng quá nhanh, mà không tính đến nhu cầu của xã hội. Tấm bằng ĐH bây giờ giảm giá trị là rõ, bởi hằng năm số lượng sinh viên ra trường lớn, chưa kể nhiều em còn học tiếp hệ sau ĐH thì đương nhiên giá trị của nó không cao.

Thời đại bây giờ dù anh có tốt nghiệp ĐH thì nhiều cái anh chưa thể làm được. Không như thế hệ chúng tôi, tốt nghiệp ĐH xong anh có thể được giữ lại trường làm giảng viên. Nhưng giờ phải học sau ĐH chứ người ta đâu có chấp nhận “cơm chấm cơm” nữa đâu.

PV: Vì những lý do trên nên có thể mối lo thiếu lao động lành nghề khi chúng ta gia nhập thị trường kinh tế ASEAN như ông đã từng lo lắng là vẫn còn?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thị trường kinh tế ASEAN đã được thành lập từ 31-12-2015. Sau khi thành lập đã quy tụ được các nước theo thị trường kinh tế đã mở, kéo theo nguồn lao động, hàng hóa cũng mở. Hàng hóa di chuyển từ nước này có thể sang nước khác không có rào cản thuế quan, doanh nghiệp nước này có thể đầu tư sang nước khác, lao động nước này sang làm việc với nước khác... dĩ nhiên phải trải qua đàm phán song phương từng nước.

Nếu như bây giờ mình đào tạo không cân đối, không nghĩ đến đào tạo cho thị trường ASEAN, rồi không đào tạo có chất lượng thì dĩ nhiên mình mất uy tín. Điều đó khiến mình không kiếm được việc làm ở các nước ASEAN, mà có khi còn thất bại ngay trên sân nhà.

Nước mình thu hút lao động ở nước khác tôi nghĩ là khó vì doanh nghiệp Việt Nam trả lương thấp. Nhưng các doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng trả lương cao cho lao động có tay nghề cao. Tôi thấy nước mình có thế mạnh là nguồn lao động chân tay dồi dào. Thế nhưng để đáp ứng nhu cầu của các nước phát triển thì phải không ngừng nâng cao tay nghề.

Nếu mình không nâng cao chất lượng đào tạo, ngành nghề cho cân đối thì chúng ta thua. Hiện nay, người ta mở cho mình 8 nghề, cả công nhân lao động có tay nghề và người lao động có trình độ cao. Nhưng công nhân lao động có tay nghề, tôi nghĩ sẽ di chuyển dễ hơn lao động có trình độ cao.

PV: Vậy chúng ta sẽ nhập cuộc như thế nào? Và câu chuyện “tấm bằng ĐH” của những người trẻ sẽ đi đến đâu, thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Chuyện này các đại biểu Quốc hội đã nhiều lần chất vấn Thủ tướng Chính phủ ở Quốc hội rồi. Câu hỏi đặt ra là chúng ta đã chuẩn bị cho cuộc ra nhập cộng đồng kinh tế ASEAN mở như thế nào? Tôi cũng thấy rằng việc nhập cuộc của chúng ta còn chậm. Từ doanh nghiệp đến người dân lao động đều rất ít thông tin, người dân, doanh nghiệp thậm chí chính phủ chưa có những biện pháp ứng phó với tình hình mới này.

Thị trường mở như thế đòi hỏi sự cạnh tranh lành mạnh đòi hỏi từ thực chất mà ra hết, chứ đâu có nằm ở tấm bằng. Nên giờ đừng “sính bằng” cấp nữa, Nhà nước phải quy hoạch lại giáo dục ĐH, mình không nên làm như cái thời bao cấp, góp chỉ tiêu một cách duy ý trí nữa.

Mình phải điều tra thị trường Việt Nam cũng như cộng đồng ASEAN để mà đào tạo các trình độ ĐH, CĐ nghề cho cân đối, giữa các ngành nghề cũng được cân đối chứ không đào tạo theo sở thích của những người học cũng như sở thích của những người mở trường. Bởi vậy mà rõ ràng đã tạo ra sự thừa ế mà không đáp ứng được nhu cầu.

PV: Thực tế lại mâu thuẫn khi nhiều cơ quan (nhất là cơ quan Nhà nước) khi tuyển dụng lại đặt tấm bằng ĐH lên hàng đầu, ông nghĩ gì về việc này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: À thì chuyện này là đương nhiên ở xã hội ta rồi. Ở nhiều địa phương họ tuyển người dù ở vị trí không cao lắm nhưng họ vẫn phải đòi bằng cấp. Nói cho công bằng thì những người đã thi được vào các trường ĐH, đặc biệt là các trường công lập có tên tuổi thì năng lực của người ta cũng có khá hơn. Nên cơ quan tuyển dụng có đặt ra như vậy thì cũng có lý do của người ta.

Nhưng thực tế thì trong nhiều việc người có bằng ĐH chưa chắc đã làm việc tốt như người có bằng trung cấp, những việc đòi hỏi kỹ thuật. Như bác sĩ chắc chắn giỏi hơn y tá về trình độ nhưng về chuyên môn thì mỗi người có thế mạnh riêng. Thật khó để nói rằng ai hơn ai. Thế nhưng, hệ lụy của một thời gian dài chúng ra quá “sính” bằng cấp nên mới có chuyện ĐH được phổ cập như bây giờ.

PV: Nếu không thay đổi thì phải chăng tương lai của những em không lựa chọn thi ĐH, vô tình sẽ bị một “cánh cửa đóng khép”, thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra có bằng cấp đi chăng nữa thì việc vào cơ quan Nhà nước cũng khó cho các em. Vì vào được những nơi đó có bằng thôi không đủ, mà có được thì tôi e rằng các em có vào thì cũng ra thôi. Còn để giải quyết bài toán này thì tôi nghĩ nằm ở mỗi cơ quan. Thứ nhất Nhà nước phải tham gia vào việc tạo ra một thị trường kinh tế, thị trường rộng lớn mới giải quyết được vấn đề.

Thứ hai là Bộ GD&ĐT, các ngành liên quan vì việc này không chỉ phụ thuộc mỗi vào ngành giáo dục hãy cùng nhau quy hoạch lại đào tạo bậc ĐH. Những ngành xác định được chỉ tiêu chính xác thì chúng ta phải xác định. Tôi lấy ví dụ là ngành sư phạm thì xác định được chứ.

Vì có bao nhiêu lớp, bao nhiêu giáo viên, bao nhiêu trẻ con sinh ra thì chúng ta tính được, chứ không phải đào tạo vì sở thích. Thực tế, việc quy hoạch ĐH cũng hơi khó khi mà chúng ta để nở ra 400-500 trường.

Thế nên đầu tiên là kiểm định chất lượng, công bố công khai cho người dân biết, thị trường nào có chất lượng thì để còn thị trường nào không có chất lượng thì nâng cao chất lượng lên không thì nhập với cơ sở khác thôi. Đến lúc phải dùng thực tế để điều chỉnh.

Còn các bạn thanh niên tôi thấy những năm gần đây đã nhận thức được vấn đề này và lựa chọn tốt hơn rồi. Các bạn khôn ngoan thì các bạn phải tìm ra cho mình cái đường đi đúng.

Càng ngày lớp trẻ càng tỉnh ra, mà con số 40% ở Nghệ An đã cho thấy điều này trong khi đất Nghệ là đất hiếu học, ai chả muốn đỗ đạt cao nhưng thực tế là giải quyết như thế nào cho phù hợp nhất.

Một điểm nữa tôi cho rằng, các bạn thanh niên cần lưu ý là học cái gì ra cũng thế, bên cạnh việc cầm đơn đi xin việc ở khu vực Nhà nước hay khu vực tư nhân thì mình cũng có thể tự sáng nghiệp được.

Tự mình lập nghiệp, được học hành tử tế rồi thì mình mở xưởng, mở doanh nghiệp nghiên cứu chứ không nhất thiết phải chờ nhà nước, hay chờ các ông khác mở cho. Điều này cũng liên quan đến chính sách lớn của Nhà nước khi người ta muốn mở doanh nghiệp thì vay vốn như thế nào, tiếp cận vốn có được không? Đó là vấn đề Nhà nước cần quan tâm. Hoặc thanh niên tập chung vào một cơ sở nào đó làm việc thì chính sách nhân lực của Nhà nước phải có sự thay đổi.

Chính sách nhân lực không thể mãi theo cái kiểu: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ” được nữa. Vậy thì các cơ quan Đảng, Nhà nước phải xắn tay áo lên mà làm. Phải thay đổi chính sách nhân lực chứ không cứ đà này thanh niên họ chẳng muốn làm.

PV: Vậy điều cần làm trước tiên ở đây là gì, thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Các bạn trẻ phải có quan điểm thực tế cụ thể phải trả lời câu hỏi: Học để làm gì? Lâu nay thanh niên ở ta thường có nền tảng gia đình tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều, đi học chỉ biết đi học thôi. Như kiểu: Thi đua thì tiến lên hàng đầu, hàng đầu rồi tiến đi đâu thì… không biết.

Lúc nào cũng làm sao để được tiên tiến, được giỏi, làm sao lên cấp ba rồi lên ĐH, thậm chí sau ĐH… Nhưng học ra để làm gì? Thì khó trả lời. Phải nhớ rằng mình học để nuôi bản thân, mình đóng góp cho gia đình rồi cho sự phát triển chung của đất nước. Nên phải tính có khả năng tồn tại, phát triển hay không.

Thực tế nhiều người không học ĐH họ mà họ vẫn tiến cao đấy thôi. Tôi nghĩ điều đó tốt hơn thay vì một đất nước nhiều giáo sư, tiến sĩ mà nói toàn những chuyện trên giấy thì thật buồn!

 

Huyền Anh