Gồng mình “cứu” điện sau bão

21:22 | 29/07/2016

329 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau bão số 1 (tên gọi quốc tế Mirinae), hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Nam Định gần như tê liệt hoàn toàn. Việc cấp điện trở lại cho hoạt động sản xuất – kinh doanh trên địa bàn tỉnh vì thế đặt ra vô vàn khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm rất lớn của những người làm điện ở Nam Định.
gong minh cuu dien sau bao
Công nhân PC Nam Định khắc phục sự cố đổ cột điện ở huyện Nam Trực.

Sáng 28/7, ít giờ sau khi bão số 1 đổ bộ vào một số tỉnh phía Bắc, tham gia đoàn công tác của ông Đặng Hoàng An – Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về làm việc với Công ty Điện lực Nam Định (PC Nam Định), chúng tôi đã có mặt tại Nam Định. Một cảm nhận chung là cảnh tượng có thể nói là hoang tàn với cành cây, cột điện, mái tôn… trải khắp các tuyến đường. Thành phố Nam Định thường ngày vốn tấp nập xe cộ ngược xuôi thì hôm nay cũng yên ắng lạ thường. Không một thứ âm thanh của những loa đài phát ra từ các cửa hàng kinh doanh đồ điện tử. Hàng quán tiêu điều không một bóng khách, đèn tối om.

Trao đổi với PetroTimes, ông Trần Quốc Đạt - Giám đốc PC Nam Định cho hay: Trong 30 năm làm trong ngành điện, tôi chưa từng thấy cơn bão nào như bão số 1. Nếu như 9-10 giờ đêm ngày 27/7, bão có chiều hướng suy giảm thì từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng ngày 28/7, bão bỗng gia tăng cường độ, gió giật manh. Đặc biệt, nếu như các cơn bão khác gây ảnh hưởng nặng nề ở các huyện ven biển thì bão số 1 lại khác, các huyện ven biển không chịu thiệt hại nặng bằng các huyện phía trong như Nam Trực. Vùng ảnh hưởng của bão cũng rất rộng khiến 85/85 lộ đường dây trên địa bàn tỉnh Nam Định bị tê liệt.

Đặc biệt, nếu những năm trước, các trận bão hầu như không gây ảnh hưởng, sự cố lên các trạm biến áp thì trong bão số 1 đã có tới 4 trạm bị nghiêng cột, máy đổ xuống đường. Và chính bởi diễn biết bất ngờ như trên nên dù đã có sự chuẩn bị từ rất sớm, anh em các điện lực đã chủ động gia cố, chằng chéo các cột, trạm biến áp… nhưng lưới điện trên địa bàn tỉnh vẫn chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề. 85/85 lộ đường dây, 1.200 cột trung thế, 13.000 cột hạ thế, hơn 7.000 công tơ… bị thiệt hại.

Về công tác khắc phục, theo ông Đạt, đây là thách thức rất lớn đối với PC Nam Định. Hệ thống lưới điện chịu ảnh hưởng của bão nằm trên địa bàn rộng, đặc biệt, nhiều khu vực đi qua đồng ruộng đã cấy của người dân nên việc khắc phục rất khó khăn. Nếu bình thường, anh em điện lực có thể đưa máy xúc vào đào hố, dựng cột để thay thế cột đã gãy, đổ… thì nay không dễ. Người dân đồng ý thì nhanh còn không thì phải dùng sức người, dùng tời kéo, rất mất thời gian. Rồi cả chuyện kéo dây để thay thế những đoạn bị đứt cũng vậy.

Về vấn đề này, ông Trần Mạnh Sỹ thông tin: Từ 4 giờ sáng ngày 28/7, ngay sau khi bão suy giảm, 100% quân số tại các điện lực đã được huy động xuống hiện trường để khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại, lên phương án khắc phục. Hơn 600 anh em điện lực, 500 nhân viên của các tổ chức dịch vụ tại các địa phương và 150 công nhân của các nhà thầu thi công đã được huy động. PC Nam Định cũng đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp vật tư, thiết bị… để chủ động nguồn vật tư, thiết bị khi có yêu cầu phải thay thế, sửa chữa.

Mặc dù đã huy động tối đa lực lượng không những của điện lực cũng như các tổ chức dịch vụ, nhà thầu thi công như vậy nhưng ông Sỹ cũng cho rằng, để khôi phục hoàn toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống lưới điện hạ áp sẽ mất rất nhiều thời gian, không chỉ là ngày 1, ngày 2. Việc huy động máy móc, thiết bị vào dựng cột, kéo dây lại rất khó khăn, phải dùng sức người mà sức người nên tiến độ chắc chắn không thể nhanh được. Tuy nhiên, tinh thần chung của PC Nam Định là nỗ lực, tập trung tối đa mọi nguồn lực có thể để cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất. Ưu tiên hàng đầu của Công ty là cấp điện cho các phụ tải trọng điểm như Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện cũng như các xã và đặc biệt là các công trình thủy lợi bởi nếu chỉ chậm 1-2 ngày thì diện tích gieo cấy của người dân chắc chắn sẽ bị chết vì úng ngập.

“Với tinh thần trên, ngay trong buổi sáng 28/7 đã có hơn 30 lộ đường dây được thông tuyến, các phụ tải trọng điểm đã được cấp điện an toàn, ổn định trở lại. Thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh Nam Định được thông suốt, việc tuyên truyền, chỉ đạo giữa các ban, ngành được đảm bảo” – ông Sỹ nói.

Thanh Ngọc