Góc khuất PCI: 16 lời cảnh báo từ FDI

18:30 | 03/05/2015

1,165 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang rất được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hiện thực những kỳ vọng này thì lại là cả một chặng đường dài, đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy cũng như nhận thức về TPP của chính bản thân mỗi doanh nghiệp.

TPP có 12 nước tham gia.

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014 (PCI 2014), mặc dù là “sân chơi” gồm 12 nước nhưng hiện doanh nghiệp Việt Nam chỉ có quan hệ làm ăn với một số ít nước trong đó. Ví như, chỉ có khoảng 38% doanh nghiệp được hỏi là có quan hệ làm ăn với Hoa Kỳ, 45% có quan hệ đối tác với Trung Quốc...

Qua khảo sát, phân tích, PCI 2014 đã rút ra những kết luận sau:

Khoảng 70% doanh nghiệp dân doanh và FDI biết tới hiệp định TPP. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết chỉ ở mức hạn chế. Rất ít doanh nghiệp đã và đang theo dõi sát sao các hoạt động đàm phán hoặc hiểu rõ những tác động tiềm tàng của hiệp định đối với doanh nghiệp của họ.

Doanh nghiệp trong nước ủng hộ mạnh mẽ việc gia nhập TPP với hơn 66% cho biết rất ủng hộ hoặc ủng hộ nhưng vẫn lo lắng, quan ngại. Chỉ có 1,5% doanh nghiệp thể hiện ý kiến phản đối.

Các doanh nghiệp nước ngoài thể hiện thái độ thận trọng hơn với khoảng một phần tư số doanh nghiệp ủng hộ TPP, trong khi số còn lại thể hiện thái độ thờ ơ hoặc cho biết hiệp định không ảnh hưởng tới doanh nghiệp mình.

Nhìn chung, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI ở bất kỳ ngành kinh tế nào cũng đều có chung sự ủng hộ đối với TPP.

Đối với những điều khoản cụ thể trong hiệp định TPP, doanh nghiệp đều thể hiện thái độ tích cực về tác động của TPP trong các lĩnh vực thể chế "Sau biên giới", như mở cửa thị trường trong nước để đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, môi trường, lao động, và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Sự ủng hộ đối với TPP có thể coi là bằng chứng cho giả thuyết cho rằng một trong những động lực chính để Việt Nam tham gia trở thành thành viên của TPP là nhằm thúc đẩy các cam kết cải cách kinh tế trong nước.

Phản hồi của doanh nghiệp cho thấy có sự khác biệt đáng kể khi đề cập đến các vấn đề truyền thống như giảm thiểu các rào cản thuế quan và phi thuế quan, hạn chế các quy định về xuất xứ và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ. Mặc dù các doanh nghiệp khá lạc quan về phương pháp tiếp cận của TPP đối với những vấn đề này, song họ lại bày tỏ sự quan ngại về khả năng gia tăng cạnh tranh khi nhập khẩu nhiều các sản phẩm dịch vụ hay nhắm tới doanh thu trên trị trường Việt Nam.

Trong số các doanh nghiệp nước ngoài, những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài thể hiện thái độ tích cực cao hơn hẳn đối với tất cả các vấn đề thuộc phạm vi của hiệp định. Họ cũng là nhóm ủng hộ nhiều nhất các vấn đề đằng sau biên giới, và lạc quan nhiều hơn các doanh nghiệp hướng nội tại Việt Nam đối với việc mở rộng tiếp cận thương mại. Điều này có thể do các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không phải gánh chịu các hệ quả của việc mở cửa thị trường ở Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp theo định hướng thị trường trong nước chắc chắn sẽ bị mất thị phần.

Dây chuyền sản xuất điện thoại của Samsung.

Doanh nghiệp tham gia điều tra đánh giá rằng nhóm có khả năng chịu thiệt nhiều nhất từ TPP có thể là các doanh nghiệp FDI định hướng hoạt động tại Việt Nam và đến từ các nước không phải thành viên TPP. Doanh nghiệp ở các quốc gia này cho rằng họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp mở cửa thương mại cũng như không được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường của các nước thành viên khác. Tuy nhiên, ngay cả những doanh nghiệp này cũng phải thừa nhận những lợi ích của hiệp định đối với các cam kết sau biên giới, đặc biệt là những giải pháp nhằm thúc đẩy cải cách kinh tế.

Các doanh nghiệp tham gia điều tra cũng cho rằng doanh nghiệp FDI xuất khẩu đến từ các nước TPP thành viên có thể sẽ là nhóm hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định TPP. Những doanh nghiệp này cho rằng họ sẽ tận dụng được các lợi ích từ việc cải thiện chất lượng thể chế tại Việt Nam, cải cách cơ cấu được thực hiện theo các chương cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách hoạt động mua sắm, và mở rộng tiếp cận thị trường cho hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, họ sẽ ít phải đối mặt với các hệ quả trong việc mở rộng tiếp cận thị trường cho nhập khẩu và đối thủ cạnh tranh hơn rất nhiều.

Từ cảm nhận của các doanh nghiệp tham gia khảo sát, có thể nhận định rằng việc đa dạng hóa đối tác thương mại do hiệp định TPP nhiều khả năng sẽ diễn ra ở mức hạn chế, vì chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp có quan hệ kinh tế đáng kể với đối tác nước ngoài. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp không kỳ vọng TPP sẽ có tác động đến mối quan hệ của họ với đối tác.

Theo cảm nhận của các doanh nghiệp, hoạt động thương mại có thể chuyển hướng từ Trung Quốc sang khu vực Mỹ, Đông Nam Á và Đông Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản. Khoảng 13% số doanh nghiệp trong nước đang làm ăn với đối tác Trung Quốc cho rằng hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi 26% cho rằng hiệp định sẽ có tác động đa chiều.

Hơn một nửa số doanh nghiệp FDI từ các nước thành viên TPP trả lời rằng họ sẽ gia tăng hoạt động kinh doanh với các đối tác từ Mỹ, Đông Nam Á, Đông Á – Thái Bình Dương (43% sẽ tăng cường hoạt động với đối tác Mỹ La-tinh).

Khoảng 1/3 số doanh nghiệp dân doanh cho rằng hoạt động kinh doanh sẽ tốt hơn nếu Hiệp định TPP được thông qua với các đối tác đến từ Hoa Kỳ, Đông Nam Á và Đông Á. Thậm chí 22% còn cho biết hiệp định này sẽ giúp họ tăng cường cơ hội kinh doanh với các nước Mỹ La-tinh.

Mặc dù thể hiện thái độ ủng hộ mạnh mẽ và chịu những ảnh hưởng đáng kể của TPP, có rất ít doanh nghiệp đóng vai trò nhất định trong quá trình hoạch định chính sách. Chỉ có 9% doanh nghiệp trong nước và 15% doanh nghiệp FDI từng đóng góp ý kiến với các cơ quan hoạch định chính sách. Đại đa số các ý kiến này đã được bày tỏ gián tiếp thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, VCCI, hoặc thông qua các cơ quan đàm phán của quốc gia họ (đối với doanh nghiệp nước ngoài).

Cuối cùng, các doanh nghiệp trong nước kỳ vọng chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ họ để thích ứng với TPP bằng cách thành lập cơ quan chịu trách nhiệm giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đào tạo lại và tư vấn về cách thức để tận dụng được các cơ hội thị trường mới.

Theo PCI 2014, qua khảo sát cho thấy doanh nghiệp đánh giá hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều cơ hội và triển vọng cho Việt Nam. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc quan trọng cần thực hiện ở phía trước như công khai thông tin về nội dung hiệp định và chuẩn bị cho các hoạt động tái cơ cấu theo các điều khoản cam kết. Năng lực thông tin của doanh nghiệp cần được nâng cao hơn nữa. Sự thiếu minh bạch trong các đàm phán TPP đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp khi muốn tìm hiểu thông tin, kết quả của khảo sát này cũng cho thấy thực tế nhiều doanh nghiệp không có thông tin về hiệp định mang tính bước ngoặt này, một hiệp định có khả năng sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong các thỏa thuận thương mại quốc tế.

Hà Lê (Năng lượng Mới)

Giá vàng

Tỉ giá