Gỡ khó tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

07:05 | 08/10/2014

1,308 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến hết tháng 9/2014 tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,2% so với đầu năm, khả năng đạt chỉ tiêu 12-14% cả năm là khó khăn. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thường chiếm khoảng 25%, dư nợ toàn nền kinh tế vẫn ở tình trạng khó tiếp cận tín dụng. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn tín dụng cho DNNVV được xem là điểm gỡ nút thắt lớn về tín dụng hiện nay...

Năng lượng Mới số 363

Khó khăn và tháo gỡ

Khu vực DNNVV chiếm tỷ lệ tiếp cận vay và vốn vay được còn thấp (khoảng 32,38%), tỷ lệ nợ xấu tăng cao (hiện trên 5%), thường khó đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo về điều kiện, thủ tục tín dụng liên quan đến tài sản đảm bảo, tính chuẩn mực hệ thống báo cáo tài chính, lịch sử quan hệ giao dịch, xếp hạng rủi ro khách hàng... Bên cạnh đó, tỷ lệ DNNVV tiếp cận và được các quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh vay vốn các NHTM cũng rất thấp, tỷ lệ rủi ro về bảo lãnh cao (gần 27%). Các quỹ bảo lãnh tín dụng không muốn đóng vai trò “bà đỡ” cho mở rộng tín dụng tới các DNNVV. Việc xử lý nợ xấu chậm trễ và điều chỉnh lãi vay chưa hợp lý cũng là trở ngại lớn.

Thông tư 09/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 18/3/2014 có xu hướng xiết chặt phân loại nhóm nợ và cơ cấu nợ khiến tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh hơn, càng khó khăn cho khách hàng có nợ quá hạn cần vay mới. Trong khi đó việc dãn, hoãn, khoanh nợ, giảm lãi vay cũ, tạo điều kiện cho vay mới với lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo chủ trương của Chính phủ làm chưa được nhiều, chưa kịp thời...

Lúc này giữa ngân hàng và doanh nghiệp phải có được tiếng nói chung, sớm tái lập và củng cố niềm tin vào nhau, cùng hướng đến phá thế co cụm tín dụng, ngân hàng thì “ế vốn” muốn mà khó cho vay, DNNVV cần vốn không vay được. Theo đó tạo cơ sở để giới ngân hàng giải tỏa mọi quan ngại rủi ro, tự tin hơn khi cho vay, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp làm ăn căn cơ mạnh dạn vay vốn. Tuy nhiên, thực hiện định hướng giúp ngân hàng mở rộng tín dụng lành mạnh, không phát sinh nợ xấu mới đòi hỏi phải giải quyết khá nhiều vấn đề vướng mắc, liên quan nhiều cấp độ ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, từ chủ trương, chính sách kinh tế đến cơ chế, quy chế tín dụng hiện hành.

Gỡ khó tín dụng cho  doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cần nhanh chóng kiện toàn và triển khai quyết liệt hơn nữa nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực DNNVV trước khi tính tới cần có chính sách về hỗ trợ phát triển khu vực DNNVV. Lâu nay chỉ vì sự phối hợp chưa ăn khớp, thiếu đồng bộ khâu thực thi chủ trương, chính sách, lại thêm các rào cản về thủ tục hành chính mà nhiều quyết sách đúng đắn về phát triển DNNVV chưa đi vào được cuộc sống, chưa phát huy hết hiệu quả thực tế như kỳ vọng. Làm được như vậy các gói kích cầu “tín dụng” theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ có đầy đủ điều kiện thực thi an toàn, hiệu quả nhanh chóng, thay vì trở thành “niềm an ủi, nhàm chán” đối với các đối tượng “hưởng lợi hụt” của nền kinh tế.

Chủ động kích “cầu”

Trong bối cảnh “tổng cầu” còn yếu, nhưng nền kinh tế đã xuất hiện nhiều dấu hiệu “thoát đáy” khủng hoảng, thay vì chờ đợi nền kinh tế “ấm hẳn”, sức “cầu” tín dụng ngân hàng hồi phục hoàn toàn; hệ thống ngân hàng hoàn toàn có thể chủ động “kích cầu” tín dụng khu vực DNNVV. Một mặt, chủ động định hướng chính sách tín dụng đưa vốn đến nhanh, đến đúng các “địa chỉ” trọng tâm, trọng điểm có thể tạo ngay các “cú hích” cần thiết phát triển kinh tế theo từng địa bàn vùng, lãnh thổ và lĩnh vực, ngành hàng mũi nhọn, có khả năng đột phá và tạo sức lan tỏa lớn; mặt khác, sử dụng linh hoạt một số công cụ của chính sách tiền tệ nhằm kích hoạt hơn nữa các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế. Trong điều kiện lạm phát duy trì được ở mức thấp hơn tăng trưởng GDP như hiện nay và mức chênh lệch lãi suất huy động/cho vay của các NHTM là khá cao; NHNN Việt Nam hoàn toàn có thể điều hành giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn nữa nhằm khoan sức cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chủ động kích “cầu” tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho khu vực DNNVV cần tránh xu hướng nôn nóng tăng trưởng thiên về số lượng mà nên kết hợp vừa tăng trưởng về số lượng, vừa đảm bảo về chất lượng tín dụng, gắn với tái cơ cấu DNNVV đã và đang trải qua quá trình “sàng lọc bắt buộc” không ít đớn đau vừa qua. Như vậy phù hợp với yêu cầu xử lý nợ xấu khẩn trương hiện nay là không phát sinh nợ xấu mới hoặc làm nợ xấu cũ “xấu hơn”.

Lựa chọn khách hàng

Tháo gỡ khó khăn tín dụng cho khu vực DNNVV buộc các ngân hàng phải năng động, chủ động và sáng tạo hơn trong việc cải tiến, đổi mới các mô hình, cách thức cho vay  mà vẫn kiểm soát tốt rủi ro. Các loại hình, sản phẩm tín dụng đối với khu vực DNNVV thường gắn với thực trạng hoạt động theo từng lĩnh vực, ngành hàng của doanh nghiệp. Theo đó các quy chế, quy trình tín dụng đòi hỏi luôn có sự hoàn thiện theo tình hình thị trường. Chủ trương của Chính phủ định hướng hệ thống ngân hàng tăng tỷ lệ cho vay tín chấp là thử thách lớn, đòi hỏi phải có hệ thống thông tin khách hàng đầy đủ, hệ thống báo cáo tài chính, kế toán, thống kê minh bạch, quy chế, quy trình quản trị rủi ro chuẩn mực và đặc biệt là tính tuân thủ cao trong công tác thẩm định, phê duyệt tín dụng.

Các hoạt động tín dụng cần bám sát các DNNVV tham gia cung ứng dịch vụ và hàng hóa cho khu vực công, các DN lớn thuộc khu vực Nhà nước và dân doanh là nhân tố “then chốt” của chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu thông qua “đầu mối” là các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn lớn của nước ngoài. Các DNNVV mạnh dạn ứng dụng, nhận chuyển giao khoa học và công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và chủ động tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước nên là ưu tiên lựa chọn hơn để tài trợ của các ngân hàng, dù có không ít khó khăn ban đầu mà họ phải đối mặt.        

Trong điều kiện phần lớn DNNVV còn có hạn chế về năng lực quản trị doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng nên chủ động tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động tín dụng ngân hàng vừa giúp tăng tính minh bạch của tín dụng, đề cao sự tuân thủ pháp luật về tài chính, tín dụng và hoạt động ngân hàng, vừa giúp đẩy nhanh quá trình “xã hội hóa” các trách nhiệm dân sự về quan hệ tín dụng. Đó cũng chính là quá trình tạo xu hướng tích cực buộc các DNNVV phải nỗ lực tự chủ, tự cường để tự lớn lên, mạnh lên nhanh hơn. Nếu không họ vẫn phải đối mặt thường xuyên với sự lựa chọn và đào thải khách hàng của các ngân hàng thương mại, dù hoạt động tín dụng sắp tới sẽ được mở rộng, thông thoáng hơn nữa.

Tựu chung lại việc tháo gỡ khó khăn tín dụng sẽ thuận lợi hơn nếu đặt trong mối quan hệ tổng thể có sự cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh của khu vực DNNVV. Các ngân hàng hoàn toàn có thể mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp, cũng như tích cực tham gia hình thành hệ thống bảo lãnh tín dụng có hiệu quả hơn cho các DNNVV. Đây cũng là quá trình mà các ngân hàng xích lại gần hơn, hiểu rõ hơn đối tượng khách hàng của mình nhằm tháo gỡ nhanh hơn khó khăn tín dụng hiện nay.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97,5% số doanh nghiệp cả nước, hằng năm đóng góp 40% GDP, 30% thu nộp ngân sách, 30% kim ngạch xuất khẩu, thu hút 51% lực lượng lao động, là khu vực góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội và tạo việc làm.

TS Phạm Ngọc Long