Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn tầm: Cần cơ chế hỗ trợ thích hợp

15:25 | 08/02/2017

384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo các chuyên gia, việc xây dựng một bộ luật riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là cần thiết. Đó trước hết là thể chế hóa được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về phát triển doanh nghiệp (DN) Việt Nam, sau là tạo khung pháp lý cao, ổn định và lâu dài để hỗ trợ DNNVV thuận lợi phát triển.

Động lực tăng trưởng

Thông tin tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Lê Văn Khương - Trưởng phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến tháng 10-2016, Việt Nam có 590.000 DN đang hoạt động và đang thực hiện các nghĩa vụ thuế (trong tổng số 959.000 DN đã đăng ký kinh doanh). Với mục tiêu có 1 triệu DN thực sự đi vào sản xuất kinh doanh và có thực hiện các nghĩa vụ về thuế vào năm 2020, trong 4 năm tới sẽ có thêm 410.000 DN mới được thành lập và thực sự đi vào hoạt động. Các DN này sẽ tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với quy mô vốn đăng ký bình quân của DN hiện nay là 7,5 tỉ đồng/DN thì sẽ có có ít nhất 3.075 ngàn tỉ đồng được đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh.

Và nếu con số này được hiện thực hóa vào năm 2020, mỗi năm sẽ có khoảng 34,17 tỉ USD được các DN trong nước đăng ký đưa vào sản xuất kinh doanh (chưa bao gồm con số tăng vốn của các DN hiện tại do các chính sách hỗ trợ DNNVV trở lên thuận lợi hơn). Con số này cao gấp 1,5 lần mức vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam năm 2015 và gấp hơn 2 lần vốn FDI thực hiện trong cùng năm. Con số này càng có ý nghĩa hơn khi các nguồn lực cho phát triển từ nguồn vốn ODA ngày càng thu hẹp. Nguồn nội lực quan trọng này nếu được giải phóng sẽ góp phần trực tiếp cho việc nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cung ứng dịch vụ, đóng góp trực tiếp tạo ra sản lượng (yield) và GDP.

giup doanh nghiep nho va vua vuon tam can co che ho tro thich hop
Công nhân làm việc tại Công ty CP Dệt may Huế

Cũng theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với mức nộp ngân sách Nhà nước của một DNNVV trung bình đạt khoảng 0,5 tỉ đồng/năm thì 410.000 DN mới thành lập và đi vào hoạt động sẽ hình thành một cơ sở nguồn thu thuế mới vô cùng quan trọng trong trung hạn. Ngoài ra, số DNNVV có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp cũng sẽ tăng gấp đôi từ khoảng 52.000 DN hiện nay lên hơn 100.000 DN trong 10 năm tới. Điều này sẽ góp phần quan trọng cho việc tăng cường tính kết nối giữa cộng đồng DN trong nước và ngoài nước, giúp DNNVV trực tiếp nắm bắt các cơ hội kinh doanh từ các hiệp định thương mại mang lại.

Với các DNNVV mới được thành lập và đi vào hoạt động, dự báo tới năm 2020 sẽ có thêm khoảng 7 triệu việc làm mới được tạo ra bởi các DNNVV, đóng góp quan trọng cho việc mở rộng số lượng lao động thường xuyên góp phần làm tăng độ che phủ bảo hiểm y tế từ 70 triệu người lên 78,2 triệu người. Tăng tỷ lệ tham gia BHXH lên 50% và tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp lên 35% lực lượng lao động.

Do các hiệu ứng của việc nâng cao năng suất qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành, năng suất lao động tổng thể của nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Theo một số nghiên cứu ban đầu, với thực tế hiện nay là thu nhập tại khu vực phi nông nghiệp cao gấp 3,2 lần khu vực nông nghiệp (4,8 triệu/năm so với 1,5 triệu/năm), tổng thu nhập tăng thêm của người dân nhờ quá trình chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp thuần túy sang khu vực DN trong 4 năm tới dự kiến là 22.400 tỉ đồng (1 tỉ USD).

“Với 1 triệu DN được thành lập và duy trì hoạt động, Việt Nam sẽ hình thành hàng triệu chủ DN, nhà quản lý DN, nhà đầu tư vào các DN… Điều này hỗ trợ cho việc hình thành một tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Tầng lớp trung lưu này sẽ có mức chi tiêu và tiêu dùng cao hơn và góp phần trực tiếp cho việc mở rộng tiêu dùng, hỗ trợ cho phát triển kinh tế cũng như các mục tiêu về gắn kết xã hội” - ông Khương nhấn mạnh.

Khung chính sách hoàn thiện

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, DNNVV hiện chiếm khoảng 97% tổng số DN đăng ký thành lập, đóng góp khoảng 49% GDP, khoảng 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội và tạo ra khoảng 45% tổng số việc làm trong khu vực DN. Vai trò của DNNVV như vậy là hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, có một thực tế, Việt Nam lại chưa có một bộ luật dành riêng cho khối DN này mà thường áp dụng vào những bộ luật chung cho tất cả DN, khiến DNNVV chưa có được môi trường pháp lý thật sự bình đẳng. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore… DNNVV cũng có vai trò là “xương sống” của cả nền kinh tế. Vì vậy, công tác hỗ trợ DNNVV đã luôn được xem như nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển và đã được các quốc gia này luật hóa từ nhiều thập niên, nay thông qua việc ban hành các đạo luật cơ bản về hỗ trợ DNNVV.

Việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV là nhu cầu bức thiết nhằm tạo khung pháp lý cao, ổn định và lâu dài, giúp DNNVV thuận lợi phát triển.

Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hỗ trợ DN. Tuy nhiên, TS Hằng cũng lưu ý việc thiết kế nội dung luật phải hướng tới mục tiêu rõ ràng, không tạo ra một kiểu cơ chế xin - cho mới, mà phải nâng cao được sức cạnh tranh của cộng đồng DNNVV. Đồng thời, nội dung của luật phải rất cụ thể, tập trung vào những điểm mà các luật khác không giải quyết được.

Còn theo TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Luật DNNVV có thể hiểu là một bộ chính sách, giải pháp riêng biệt nhằm giải quyết các vấn đề, đặc điểm riêng biệt của DNNVV như vốn ít, kỹ thuật yếu, thiếu lao động tay nghề cao hoặc vấn đề về tính bình đẳng… Còn nếu DNNVV vẫn phải “hòa chung” khung chính sách với các DN trung bình và lớn thì chắc sẽ tiếp tục “yếu dần” do bị chèn ép.

Đánh giá về Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và lấy ý kiến góp ý, TS Cao Sỹ Kiêm đưa quan điểm: Nội dung của dự thảo cũng đã bao quát được một phần các vấn đề cần được giải quyết của DNNVV. Tuy nhiên, muốn giải quyết được vấn đề cụ thể thì khi thiết kế các giải pháp, cần cụ thể hóa hơn nữa nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan và địa phương. Hiện nay, DNNVV là yếu thế nhất, đồng thời khả năng chống chọi rủi ro cũng rất kém nên cần có sự theo dõi thường xuyên, sát sao và có sự phân công phân cấp cụ thể để có thể luôn có sự hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, những vấn đề của DNNVV cần phải được giải quyết ngay trong thời gian ngắn vì bối cảnh trong nước và thế giới đang thay đổi rất nhanh.

Phạm Hải