Giữ gìn hồn cốt của Hà Nội!

08:12 | 18/12/2017

557 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, Tạp chí Reatimes chuyên về lĩnh vực bất động sản có tổ chức một diễn đàn nho nhỏ có tựa đề “Cây xanh Hà Nội - Thành phố vô nhận dạng?”. Thật may mắn, cái dấu hỏi xé lòng ấy mới chỉ đặt vấn đề xung quanh lĩnh vực cây xanh. Vậy còn những giá trị văn hóa khác, liệu có ở trong tình trạng “vô nhận dạng” như vậy không?

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Câu ca dao xưa vẫn còn đây, vậy mà biết bao hình ảnh, biết bao sự kiện hiện hữu hằng ngày ở Hà Nội dường như đang dồn nén “niềm tin yêu hy vọng, của núi sông hôm nay và mai sau” vào hoàn cảnh khó có thể giải thích một cách thỏa đáng!

Vậy thủ đô yêu dấu của chúng ta đang bảo vệ những giá trị vô giá từ ngàn xưa để lại như thế nào?

Cách đây ít lâu, Hà Nội tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội cho nhiều tác giả, trong đó có nhà văn Băng Sơn, một người yêu Hà Nội đến “từng xăng ti mét vuông”.

Theo các nhà phân tích, Băng Sơn yêu Hà Nội theo cách riêng của mình. Bước chân ông đã đặt lên hầu hết khắp các nẻo đường, các khu phố, ngõ ngách. Ông la cà quán cóc, vỉa hè. Ông tìm đến những hàng ăn uống với các thứ “quà” Hà Nội để nhìn ngắm, suy ngẫm và để viết về tất cả những gì mà Hà Nội đang có. Tất cả những gì thuộc về Hà Nội, của Hà Nội dường như đã ăn sâu vào trong trí não, tâm hồn, con người ông.

giu gin hon cot cua ha noi

Có lẽ chính vì vậy mà tùy bút của Băng Sơn luôn giàu chất thơ, tiết tấu nhẹ nhàng như một giai điệu trữ tình sâu lắng, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc như “Thú ăn chơi của người Hà Nội” (4 tập), “Đường vào Hà Nội”, “Dòng sông Hà Nội”, “Phập phồng Hà Nội”, “Hà Nội 360 phố phường”.

Đọc các tác phẩm của Băng Sơn, chúng ta sẽ thấy một Hà Nội nhiều nét hào hoa. Mỗi góc phố, mỗi con đường, gốc cây, mỗi tính cách, mỗi tà áo dài qua phố đều nhắc nhở về nét hào hoa thanh lịch, về vẻ đẹp nghìn năm tiềm ẩn trong muôn mặt cuộc đời.

Hồn cốt của Hà Nội được một con người bình dị như Băng Sơn giữ gìn như thế và được tôn vinh như thế. Những giá trị văn hóa ngàn năm ấy chúng ta không dễ gì nhận ra nếu không được những nhà văn tài hoa như Băng Sơn cảm thụ, chia sẻ qua những tác phẩm văn chương.

Nhưng còn nhiều giá trị khác, quả là Hà Nội có phần đang sao nhãng nỗ lực xây dựng và tôn tạo.

Chẳng hạn vấn đề “nho nhỏ” như cây xanh. Nếu như Sài Gòn được gọi với cái tên đẹp mê hồn: Thành phố lá me bay; Hải Phòng kiêu hãnh mang tên Thành phố hoa phượng đỏ, thì người Hà Nội bỗng trở nên băn khoăn không biết gọi tên thành phố mình gắn với loài cây đặc trưng nào, vì đến cả "hoa sữa ngọt ngào đầu phố đêm đêm" đẹp như thế cũng đang bị nhiều người dân thủ đô “chối từ”.

Giải thích vấn đề này, theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội vốn có nhiều loài cây đã đi vào những tác phẩm văn học nghệ thuật và được người dân yêu mến, gọi tên như tiếng gọi thiêng liêng thủ đô Hà Nội. Trịnh Công Sơn viết nên giai điệu mượt mà “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng…”. Nhưng thật ra, cây cơm nguội cũng đã mất từ lâu.

Tiếp nữa, nhắc đến Hà Nội, nhiều người còn nghĩ ngay đến những hàng xà cừ tỏa bóng mát. Nhưng loài cây này được khuyến cáo không nên trồng. Lý do vì nó có rễ ngang, sẽ “ăn” vào móng nhà, gây nguy hiểm. Ngoài ra, lá xà cừ có đặc điểm rụng vào một mùa, nên có thể sẽ gây tắc cống thoát nước.

“Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang cũng gọi tên hoàng lan rất đẹp. Khoảng 15 năm trở về trước, Hà Nội còn rất nhiều biệt thự cổ trong nội đô, chủ nhân của những ngôi nhà này thường trồng cây hoàng lan tây vì nó có mùi thơm sang trọng, quyến rũ. Loài cây này vừa tôn lên sự sang trọng của ngôi biệt thự, mà đến mùa hoa nở, hương thơm thoang thoảng một góc phố tạo ra sự lãng mạn cho đô thị. Nhưng điều đáng tiếc là cùng với việc phá bỏ các nhà biệt thự cũ, loài cây này cũng bị chặt đi...

Ấy đấy, mới chỉ là vấn đề cây xanh thôi mà đã thăng trầm như vậy, đến nỗi đã khiến ai đó phải thốt lên một câu hỏi: những nốt nhấn của Hà Nội trong trái tim của trên 90 triệu người dân Việt Nam và hàng chục triêu khách du lịch nước ngoài mỗi năm hiện nay là những gì và đang được xây dựng, tôn tạo như thế nào?

Chính vì thế, nhiều người đã trân trọng tham gia Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, bởi một lẽ rất đơn giản để khẳng định rằng, hồn cốt của thủ đô Hà Nội chính là một giá trị không một sức mạnh nào có thể xóa nhòa và thay thế!

giu gin hon cot cua ha noi

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái viết: Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ đã nói về vùng đất mới thành Đại La: “Huống chi thành Đại La đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam - Bắc - Đông - Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư muôn đời”.

Như vậy, trước khi trở thành Kinh đô Thăng Long, với thế đất, khí thiêng của vùng đất Đại La như thế, không ai có thể nghi ngờ về điều kiện sống hết sức thuận lợi của những người dân ở đây, vì thế mà họ có được hưởng chút an nhàn, thanh lịch trong ứng xử với môi trường sống cũng là điều dễ hiểu. Nói một cách khác, cư dân Đại La đã là người thanh lịch, sang trọng, đẹp người, đẹp nết trước khi Lý Thái Tổ dời đô ra đây.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc