Giữ điện ở “vùng đất lửa”

07:40 | 28/06/2015

820 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thanh Hóa những ngày này nắng nóng đỉnh điểm, có lúc nhiệt độ ngoài trời lên tới 45oC. Bầu không khí khô khốc, giòn tan, bỏng rát bao trùm khắp nẻo mảnh đất này. Tôi theo chân đoàn công tác của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc vào Thanh Hóa để tận mắt chứng kiến, những người thợ điện đang ngày ngày phơi mình dưới nắng lửa, bám trụ với đường dây, cột điện để giữ dòng điện an toàn, thông suốt!

Năng lượng Mới số 434

Gian nan ngành điện

Mấy năm gần đây, Thanh Hóa đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự xuất hiện và phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp đã làm thay đổi gần như toàn diện bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, TP Thanh Hóa đã vươn lên trở thành thành phố trẻ đầy năng động, có tốc độ tăng trưởng, phát triển ấn tượng nhất cả nước, lên tới 15-16%/năm và được định hướng là trung tâm tài chính, du lịch, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe của vùng phía nam Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Giữ điện ở “vùng đất lửa”

Xử lý tiếp xúc tại trạm 110kV Núi Một

Những ngày này, đến với TP Thanh Hóa, thật khó để người ta có thể nhận ra cái sự sôi động, nhộn nhịp với từng dòng xe nối đuôi kéo dài, rồi cả những dòng người hối hả với bộn bề công việc. Cái nóng trên 40oC, cộng với hơi nóng từ thiết bị, máy móc đã biến thành phố này trở thành “chiếc chảo rang” khổng lồ. Cây cối, hoa lá dọc các tuyến phố ủ rũ, quắt queo, nom chẳng còn sự sống. Con đường nhựa chạy dọc ngang khắp nẻo thành phố cũng như bị nung chảy, phả ra thứ mùi khét lẹt, hơi nước bốc lên tạo thành những vầng quang lấp loáng, dập dềnh, hoa cả mắt. Và ở đây, tất thảy mọi thứ như đang bị phơi khô, vắt kiệt! Người ta đang tìm mọi cách để trốn cái nắng cháy da, cháy thịt trong những căn phòng với điều hòa, máy lạnh hay ở những khu trung tâm thương mại, khu mua sắm.

Tưởng như trong cái bầu không khí đó sẽ chẳng có một bóng người đứng phơi nắng ngoài đường thì người ta vẫn bắt gặp những bóng áo cam ngược xuôi, leo trèo trên các cột bê tông, giữa những giá sắt. Họ là các cán bộ, kỹ sư của Công ty Điện lực TP Thanh Hóa (PC Thanh Hóa). Nắng nóng khiến phụ tải điện tăng cao, nhiều khu vực bị quá tải, gây sự cố. Anh em phải phân công, cắt cử nhau đi sửa chữa, khắc phục để cấp điện lại cho bà con được sớm nhất.

Ông Trịnh Xuân Như - Giám đốc PC Thanh Hóa cho hay, thời tiết nắng nóng đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là TP Thanh Hóa tăng đột biến, lên tới 90% so với mức trung bình. Sự tăng trưởng đột biến này cộng với nắng nóng kéo dài đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, vận hành hệ thống điện. Nhiều khu vực trong thành phố mặc dù đã được thiết kế có dự phòng nhưng vì lượng tiêu thụ điện quá lớn nên đã xảy ra sự cố. Lãnh đạo tỉnh, thành phố ngày nào cũng gọi điện hỏi tình hình cung ứng điện, rồi khả năng cấp điện của lưới điện truyền tải. Ai cũng lo vì phụ tải tăng cao, nếu có xảy ra sự cố, việc cấp điện bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động chính trị - kinh tế - văn hóa và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, vì sớm sẵn sàng các giải pháp nên tất cả các sự cố đều nhanh chóng được khắc phục.

Có mặt tại khu tái định cư Đông Vệ ngày 29/5, đúng thời điểm Trạm biến áp Đông Vệ đang tiến hành thay thế nâng công suất máy biến áp, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến những nỗ lực của người thợ điện Thanh Hóa.

Giữ điện ở “vùng đất lửa”

Kiểm tra chỉ số kỹ thuật điện tại trạm 110kV Núi Một

Nhiệt độ ghi nhận lúc 12 giờ trưa ở đây lên tới gần 45oC. Một bầu không khí ngột ngạt, nóng bỏng bao trùm toàn bộ khu dân cư.

Anh Nguyễn Thanh Thái - Đội trưởng Đội sửa chữa, sản xuất số 3 (Điện lực TP Thanh Hóa), người trực tiếp phụ trách chỉ huy hiện trường cho biết: Mấy ngày nay, vì thời tiết nắng nóng thường xuyên nên phụ tải ở khu tái định cư Đông Vệ tăng tới 60%, khiến Trạm biến áp Đông Vệ nhiều lần bị ngắt, tự nhảy mạch gây mất điện. Để chấm dứt tình trạng này và đảm bảo việc cấp điện được an toàn, liên tục cho khu dân cư, phục vụ cuộc sống sinh hoạt của người dân và hoạt động của doanh nghiệp, 10 giờ sáng ngày 29/5, được sự chấp thuận của lãnh đạo PC Thanh Hóa, Điện lực TP Thanh Hóa đã quyết định thay thế máy biến áp tại Trạm biến áp Đông Vệ bằng máy có công suất lớn hơn.

“Mặc dù nắng nóng cháy da, lại giữa trưa, nhưng vì nghĩ đến chuyện hàng ngàn hộ dân có thể bị mất điện, phải chống chọi vất vả với cái nóng, lãnh đạo công ty đã thống nhất thi công ngay lập tức, đảm bảo cấp điện ổn định, chất lượng cho người dân trong khu vực” - anh Thái nói.

Cũng theo anh Thái thì đây không phải lần đầu tiên anh em làm những công việc như vậy. Mấy ngày nay, thời tiết ở Thanh Hóa nắng nóng đỉnh điểm, phụ tải điện ở nhiều khu vực tăng mạnh, hệ thống lưới điện quá tải bị chập, cháy dây, các máy biến áp tự ngắt… gây gián đoạn cấp điện. Để đảm bảo cấp điện liên tục, anh em công nhân đã phải túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng giải quyết, khắc phục một cách nhanh nhất các sự cố có thể xảy ra. Anh tâm sự: “Mấy ngày đầu của đợt nắng nóng, vợ con còn gọi điện hỏi trưa, hỏi tối có về ăn cơm không nhưng giờ thì chẳng thấy gì. Sáng đi từ tờ mờ, tối có khi 1-2 giờ mới về. Phơi mình ngoài nắng nóng, anh em ai cũng đen như cục than cháy, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đầm đìa. Vợ con có gặp chắc cũng chán”.

Giữ điện ở “vùng đất lửa”

Phát quang hành lang tuyến tại xã Trường Lâm

Tâm sự với phóng viên Báo Năng lượng Mới, anh Nguyễn Thanh Lâm - cán bộ kỹ thuật của đội cho biết: “Trước khi nhận được lệnh tập trung tại đây, chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ ở một trạm khác. Mọi người bắt đầu làm từ 5 giờ sáng, đến gần 10 giờ sáng thì xong. Anh em đang thu dọn đồ nghề thì nhận được lệnh về Trạm biến áp Đông Vệ ngay nên đến giờ vẫn chưa có gì lót dạ”.

13 giờ, nhiệt độ ngoài trời càng trở lên gay gắt. Cột điện, giá sắt, mặt máy biến áp phơi trong nắng nóng chẳng khác gì “cục than đỏ”, trực chờ thui rụi mọi sự sống. Nhưng trong bầu không khí nóng bỏng đó, các phần việc vẫn được các anh tiến hành bình thường và đảm bảo an toàn.

Và sau gần 2 giờ đồng hồ phơi mình dưới cái nắng tột cùng, việc thay thế, lắp đặt máy biến áp tại Trạm biến áp Đông Vệ đã hoàn thành. Anh em đóng điện trong niềm vui vô bờ bến của người dân khu tái định cư Đông Vệ.

Bác Nguyễn Thanh Hải - một người dân trong khu nói: “Thực sự chúng tôi cảm ơn các anh ngành điện nhiều lắm. Thời tiết nắng nóng như thế này, ai cũng muốn ở trong nhà và nếu có phải đi đâu đó thì cũng cố cho nhanh để mà về. Vậy mà, vì muốn người dân sớm có điện trở lại, công nhân ngành điện đã phải căng mình dưới nắng để thay thế, sửa chữa máy biến áp hàng giờ đồng hồ. Đúng là không được tận mắt chứng kiến thì có lẽ chẳng mấy ai tin điều này”.

Vùng trọng điểm Nghi Sơn

Rời TP Thanh Hóa, theo con đường Quốc lộ 1A, chúng tôi tìm đến Công ty Điện lực Tĩnh Gia, đơn vị mà theo ông Trịnh Xuân Như là điểm nóng nhất, khắc nghiệt nhất với ngành điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cái nóng, cái khắc nghiệt ở đây không chỉ đơn thuần là cái nắng nóng của thời tiết mà còn vì ở đó có khu kinh tế Nghi Sơn - một dự án trọng điểm quốc gia với tổ hợp Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và một loạt các công ty, doanh nghiệp, công trình phụ trợ công nghệ cao. Những doanh nghiệp, đơn vị này luôn đòi hỏi chất lượng cung ứng điện ở mức cao nhất.

Giữ điện ở “vùng đất lửa”

Ông Nguyễn Văn Toàn

Tôi đến Tĩnh Gia vào ngày thứ Bảy nhưng có vẻ như ở đây người ta không nghỉ. Cổng trụ sở Điện lực Tĩnh Gia mở toang, người vào ra tấp nập. Đem thắc mắc này hỏi Giám đốc Công ty Điện lực Tĩnh Gia Hoàng Hải, tôi được biết, không chỉ ngày hôm nay mà từ đầu năm 2015, chuyện anh em đi làm thứ Bảy, Chủ nhật, rồi cả ngày lễ, ngày tết là chuyện bình thường. Từ đầu năm 2015, xác định phụ tải điện sẽ tăng cao kỷ lục, lên tới 141% so với năm 2014, Điện lực Tĩnh Gia đã tăng cường đầu tư, củng cố hệ thống lưới điện, sửa chữa thay thế nhiều hạng mục quan trọng và chủ động tư vấn cho khách hàng về công suất trạm biến áp, đường dây để đảm bảo an toàn về điện.

Với riêng khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó trọng điểm là Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Điện lực Tĩnh Gia đã đầu tư một đường dây mạch kép 35kV cấp điện riêng cho trạm biến áp để phục vụ việc thi công. Để chuẩn bị đón khoảng 30 ngàn lao động từ các nơi đến phục vụ cho việc thi công Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng như các công ty, doanh nghiệp trong khu kinh tế Nghi Sơn, công ty đã được Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đầu tư 60 tỉ đồng để thay thế toàn bộ hệ thống đường đây từ tiết diện nhỏ lên tiết diện lớn và đầu tư thêm trạm biến áp tại các xã có lao động đến lưu trú… Cũng chính vì đã sớm có sự chuẩn bị từ trước nên trong tháng 5, mặc dù thời tiết trên địa bàn huyện ở mức nắng nóng đỉnh điểm, nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến nhưng hệ thống lưới điện không xảy ra bất kỳ sự cố nào, được các cấp lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng như đối tác khách hàng đánh giá rất cao.

Nhà bác Nguyễn Văn Toàn nằm ngay đầu thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), sát con đường Quốc lộ 1A. Thu nhập của gia đình bác chủ yếu đến từ việc cho thuê phòng trọ. Trước năm 2012, khu kinh tế Nghi Sơn vẫn đang trong quá trình chuẩn bị thi công, công nhân còn ít, khoản thu nhập này không đáng là bao. Nhưng kể từ khi nhà máy lọc hóa dầu triển khai, lượng công nhân đổ về đây đông, phòng trọ của bác lúc nào cũng kín người. Thu nhập của gia đình bác nhờ vậy cũng tăng cao và ổn định. Với 10 phòng trọ hiện có, giá mỗi phòng là 850.000 đồng, mỗi tháng bác thu về 8,5 triệu. Cuộc sống gia đình vì thế cũng bớt cực nhọc, khó khăn hơn. Nhưng điều mà theo bác Toàn sướng nhất lại chính là chuyện điện. Khu kinh tế Nghi Sơn đi vào triển khai không chỉ giúp gia đình bác tăng thu nhập, mà còn kéo theo hệ thống lưới điện được nâng cấp, chất lượng rất cao.

Bác kể, trước đây, khi khu kinh tế chưa triển khai, người dân trong vùng được dùng điện lưới quốc gia thật đấy, nhưng yếu lắm. Có những khu, dùng điện thắp sáng mà chẳng bằng ngọn đèn dầu, cứ đỏ lòm. Mà cũng vì điện yếu nên chẳng làm ăn gì được. Nhiều người muốn mở xưởng cưa, xưởng xay sát… mà bất lực. Nhưng từ ngày có khu kinh tế, được sự quan tâm của ngành điện, hệ thống lưới điện được nâng cấp, thay thế, cột cao, dây điện to, điện khỏe, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân được nâng cao. Các hàng quán, khu vui chơi cũng theo đó mà mọc lên khiến cuộc sống nơi đây nhộn nhịp, náo nhiệt hơn trước rất nhiều.

Tiếp lời bác Toàn, anh Hoàng Hải nhắc lại: Ngày trước, việc cấp điện ở trên địa bàn huyện Tĩnh Gia không chỉ do ngành điện thực hiện mà còn có cả các hợp tác xã mua bán điện. Họ mua điện từ ngành điện rồi bán cho người dân, nhưng lại chẳng mấy khi chịu đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện. Phải mãi sau này, khi được ngành điện tiếp nhận, đầu tư, nâng cấp nên chất lượng điện mới được cải thiện. Ở Tĩnh Gia thì có phần thuận lợi hơn khi có khu kinh tế Nghi Sơn, bởi cùng với đó là bản quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện được thống nhất giữa tỉnh Thanh Hóa và ngành điện.

Tuy nhiên, cũng chính vì việc phải đảm bảo cấp điện cho khu kinh tế trọng điểm quốc gia nên Điện lực Tĩnh Gia cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. 30.000 lao động chuẩn bị đổ về Tĩnh Gia để làm việc trong khu kinh tế Nghi Sơn chắc chắn sẽ là động lực lớn thúc đẩy đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây. Nhưng đằng sau đó, là những áp lực không hề nhỏ lên hạ tầng xã hội trên địa bàn, trong đó có ngành điện. Phải làm sao cấp đủ điện, đảm bảo với chất lượng tốt nhất, không chỉ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà cho cả đời sống sinh hoạt của người dân, cán bộ, công nhân viên, người lao động tập trung quanh các xã vùng ven khu Nghi Sơn luôn là mục tiêu mà mỗi cán bộ Điện lực Tĩnh Gia hướng tới.

Nói đến đây, giọng anh Hoàng Hải có vẻ trầm xuống. Lặng trong giây lát, anh bảo: Cũng chính vì mục tiêu cấp điện an toàn, thông suốt mà những ngày qua, dù thời tiết ở Tĩnh Gia nắng nóng là vậy, anh em vẫn phải căng mình bám trụ với đường dây, cột điện để tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng. Có những khu vực, đường giao thông đang trong quá trình thi công, bụi, đường quyện với mồ hôi thành thứ bùn nhầy nhầy bám chặt vào da thịt, quần áo. Rồi thì cả những ngày lễ, ngày tết cũng vậy. Theo lời anh Hải, trong kế hoạch việc kiểm tra, bảo dưỡng, vệ sinh hệ thống cấp điện cho khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được tiến hành sau ngày dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5. Tuy nhiên, phía các nhà thầu thi công tại khu kinh tế lại đặt yêu cầu Điện lực Tĩnh Gia không được cắt điện làm gián đoạn việc thi công trên công trường. Đứng trước yêu cầu này, lãnh đạo công ty vô cùng bối rối. Nếu không cắt điện thì không thể thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế thiết bị hỏng được. Nhưng nếu không tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng cũng không được. Thời tiết nắng nóng rất dễ xảy ra sự cố, chất lượng điện như thế sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Sau khi nắm bắt được thông tin trên, đại diện anh em công nhân Điện lực Tĩnh Gia đã chủ động lên gặp lãnh đạo đề xuất phương án thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng. Đây là phương án đã được lãnh đạo điện lực nghĩ đến nhưng không dám đưa ra vì ai cũng hiểu, anh em công nhân đã vất vả, khổ cực thế nào suốt mấy tháng vừa qua. Họ đã không chỉ một mà rất nhiều lần hy sinh hạnh phúc bản thân vì công việc. Có người vượt cả trăm cây số về thăm gia đình giữa trời nắng chang chang nhưng khi nhận được tin, không ai bắt buộc nhưng cũng gác lại việc gia đình, trở lại điện lực thực hiện nhiệm vụ.

Điện lực Thanh Hóa đang trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn, vất vả. Nhưng cái nắng như đổ lửa đã không khuất phục được ý chí, tinh thần quyết tâm của người lính ngành điện.

Trong quá trình trò chuyện, có người đã nói với tôi thế này: Trong thâm tâm người thợ điện, ai cũng nghĩ, nếu nhà mình cũng bị mất điện, con cái mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, cơm nước lại không nấu được, ra ngoài thì trời nắng như đốt… sẽ khổ cực như thế nào. Vậy nên, dù có khó khăn, có khổ cực, có nắng lửa, bỏng rát ra sao, ai cũng cố vượt qua. Đó chính là động lực và cũng là niềm hạnh phúc mà mỗi người thợ điện hướng tới!

Thanh Ngọc

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps