Gìn giữ báu vật văn hóa truyền thống

08:23 | 13/10/2015

794 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước một số sự việc xảy ra thời gian gần đây như vụ sập tượng phật ở Thái Bình, vụ trồng cây vàng tâm thành cây mỡ ở Hà Nội và nhiều vụ tương tự đã cho thấy dường như sự “ăn gian nói dối”, “làm láo báo cáo hay” đang xuất hiện ngày một nhiều hơn trong xã hội đến độ làm người ta nghi ngờ về lòng trung thực của con người và của một số cơ quan, tổ chức hiện nay. Để nhận định vấn đề này cũng như lý giải nó một cách sâu sắc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Quan niệm về đạo đức, văn hóa truyền thống không bao giờ thay đổi

PV: Thưa nhà văn, ông có nhìn nhận như thế nào về vụ sập tượng Phật to nhất miền Bắc ở Thái Bình?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Đó là vụ việc dường như sự trung thực chưa biểu hiện rõ ràng. Dựng tượng ở Thái Bình, dự kiến hoành tráng như thế, cao tới 45m, vậy mà khi sập cốt thép trơ ra cho thấy chỉ là bộ khung mỏng mảnh không đủ sức đỡ một tượng Phật nặng tới 70-80 tấn theo lời của Phó chủ tịch huyện Quỳnh Phụ (nơi dựng tượng). Mà điều đáng nói là một công trình như vậy lại chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. Tôi cho rằng, may mà bức tượng sập ở thời điểm đang xây dựng chứ nếu sập sau khi đã “hô thần nhập tượng”, người đi lễ đã nườm nượp thì không biết điều gì còn xảy ra nữa.

gin giu bau vat van hoa truyen thong
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

PV: Ông có cho rằng, phải chăng sự trung thực, một đức tính, phẩm chất vốn có của người Việt Nam đang ngày mờ nhạt đi theo thời gian?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Thực ra đã một thời gian dài, những vụ việc thiếu vắng sự trung thực đã xảy ra như chuyện thường ngày trong xã hội. Đó  không phải là kết quả tức thì mà là kết quả của một quá trình dài lâu trong giáo dục đạo đức con người việt Nam. Giáo dục này không chỉ khu biệt ở những nơi như nhà trường mà ở cả trong cơ quan, gia đình, khối phố, làng xóm… Có lẽ đây là một điều tệ hại khi sự gian dối ngày một nhiều còn lòng tự trọng đã bị phôi phai.

Trước kia, khi làm việc gian dối thì người Việt thấy rất khổ nhục. Một người làng phạm lỗi thì cả làng, cả dòng họ, gia đình xấu hổ… Nhưng hiện nay việc đó không còn. Gian dối không chỉ ở ngành xây dựng mà trong tất cả mọi lĩnh vực, trong sản xuất hàng hóa, kinh doanh, thậm chí trong cả các tổ chức, cơ quan… Ngay thi cử cũng từng xảy ra những chuyện gian dối đến nỗi người ta phải xây dựng khẩu hiệu “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Trước kia, tính trung thực của người Việt là một truyền thống mà các thế hệ cha ông để lại. Bên cạnh trung thực, còn tự trọng rất cao, tiếc rằng, giờ đã khác đi quá nhiều.

PV: Vậy tại sao người Việt khi ra nước ngoài lại vẫn làm những điều xấu hổ như trộm cắp, lừa đảo… thưa ông? 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Một người Việt tự trọng khi ra nước ngoài không dám ném một mẩu thuốc hay vỏ kẹo xuống đường phố, nơi công cộng là vì những người xung quanh đều nghiêm minh và họ bị giám sát bởi xã hội với văn hóa, kỷ cương ấy và ý thức đấy. Còn ở Việt Nam thì khác.

gin giu bau vat van hoa truyen thong
Bạo lực học đường

Chúng ta thấy đâu đó xuất hiện những đứa trẻ có thể nói những câu hỗn hào với ông bà mà cha mẹ không hề nhắc nhở hay chấn chỉnh. Một người mẹ chở con trên đường và đứa con có thể chửi tục một người vô tình do chạm vào nhau trong quá trình lưu thông. Nhưng người mẹ, cha đó thay vì nghiêm khắc chấn chỉnh lại ủng hộ… Thực tế cho thấy, xã hội đang xảy ra không ít vấn đề về đạo đức và làm cho phần “con” trong con người thức dậy, muốn lấn át “phần người”. Bạn nên nhớ khi chúng ta còn da thịt trên người, còn phải ăn, phải mặc, phải có nhà ở… thì nghĩa là chủ nghĩa vật chất vẫn nằm trong chúng ta. Và khi chúng ta không chế ngực được thì có vô vàn những hệ lụy sẽ xảy ra.

Người ta có nói đến thói xấu người Việt nhưng thói xấu được hình thành, diễn ra dài lâu hàng trăm năm. Còn đây là tật xấu, chỉ mới hình thành chỉ vài chục năm trở lại đây. Nó là nguồn cơn dẫn đến lòng tham của một số người Việt. Những người này làm tất cả chỉ vì lợi ích cá nhân. Điều quan trọng là lòng tham không chỉ xảy ra giữa người lạ với người lạ mà với ngay cả người thân trong gia đình, nghĩa là những người thân yêu ruột thịt cũng có thể giả dối với nhau, chiếm lợi ích của nhau… Tất cả những điều đó khiến cho họ không còn ý thức về cộng đồng nữa.

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi cho rằng, trong giáo dục công dân của chúng ta đã có những sai lầm. Vừa rồi, có người đặt vấn đề tại sao một học sinh đạt điểm văn rất cao trong suốt những năm học phổ thông nhưng lại sống rất ích kỷ, bất hiếu và thậm chí độc ác. Lẽ thường, học văn giỏi thì phải có tâm hồn đẹp, nhân văn, nhân ái… Điều này cho thấy phải chăng phương pháp dạy của chúng ta đã chệch hướng khi mục đích nhắm đến chỉ là vật chất vô hình, chính vì vậy văn thiếu đi cảm xúc, sự chia sẻ, tha thứ, cả những cảm nhận về thiên nhiên, con người. Và hệ quả là giáo dục, đặc biệt là giáo dục về lòng tự trọng, về ý thức công dân, về lễ nghĩa trong một gia đình, dòng họ… không đạt như mong muốn.

Cách đây không lâu có một khảo sát của nhóm sinh viên thực hiện trong 100 gia đình gồm đủ các thành phần người lao động, trí thức, nông thôn, thành thị… để xem ngôn ngữ sử dụng hằng ngày trong các gia đình. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 90% các gia đình sử dụng ngôn ngữ thực dụng. Ở đó cha mẹ, ông bà bàn về việc buôn bán, lời lãi,  bàn đến việc chạy chức quyền, hơn thua, bàn đến việc ăn chia…  chứ hiếm khi sử dụng ngôn ngữ yêu thương, chia sẻ, hay khuyến khích trí tưởng tượng hoặc về một thế giới quyến rũ nào đó. Và điều đó cũng khiến cho tâm hồn trẻ thơ “nhiễm bẩn”, cũng trở thành nguyên nhân của hiện tượng mất đi lòng tự trọng hay gian dối hiện nay.

gin giu bau vat van hoa truyen thong
Người dân nhét tiền vào tay thân Phật

PV: Ông có cho rằng phải chăng do đời sống hiện đại đã tác động khiến quan niệm về các giá trị truyền thống đã thay đổi và dẫn đến những hiện tượng như đã nói ở trên trong cuộc sống?  

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Không phải vậy, quan niệm về đạo đức, văn hóa truyền thống không bao giờ thay đổi mà chỉ có người ta đi qua, lãng quên và bỏ nó. Tất nhiên quan niệm sống, hạnh phúc của con người đã thay đổi theo cách nghĩ hiện nay. Nhưng cái hạnh phúc trước kia của mỗi người là được làm những điều gì đó trung thực nhất, được chia sẻ với những người khó khăn hơn mình… theo đúng truyền thống của người Việt. Nhưng bây giờ nó đã bị lấn át để nhường lại cho  một quan hệ xã hội khác mà tôi có cảm giác không ít là xin - cho, mua - bán, nói chung là đặt trên vấn đề vật chất.

Chúng ta cứ nói rằng đời sống đô thị hóa hay kinh tế thị trường đã làm thay đổi điều đó. Nhưng thử ra ngoài biên giới để nhìn Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, hay  một nước mà chúng ta vẫn cho là thực dụng nhất là Mỹ thì giáo dục và ngôn ngữ trong gia đình của họ luôn là ngôn ngữ nhân văn. Những đứa trẻ được nghe các câu chuyện hay, không chỉ là câu chuyện cổ tích, câu chuyện của thời đại này mà còn là những trao đổi chia sẻ, chăm sóc một cái cây, chăm sóc một con chim, chăm sóc một con chó… Tất cả được phủ lên sự yêu thương và tôn trọng.

Bây giờ những gia đình Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn đang giữ truyền thống một cách quyết liệt nhất. Bởi họ biết rằng đấy là “báu vật”, nếu như không giữ thì họ sẽ đánh mất toàn bộ nền tảng dưới chân họ. Bạn có hình dung nổi chỉ vì một kẻ điên rồ phóng hóa đốt một cổng thành cổ bằng gỗ mà người dân Hàn Quốc đã xếp hàng dài như đi đưa đám và khóc như mưa. Người ta khóc cho một giá trị của văn hóa bền vững bị hủy hoại. Còn chúng ta thì sao? Sẵn sàng hủy hoại, xâm phạm nó. Vậy thì đừng vin cớ vào những lý do như đô thị hóa, công nghiệp hóa… để biện minh cho sự thay đổi, suy thoái văn hóa.

Bây giờ, chúng ta thử vào chùa, tôi chắc chắn với bạn rằng nếu lắng nghe thì phần lớn là cầu chức, cầu quan, cầu làm ăn phát đạt, bổng lộc cho cá nhân… Còn hiếm ai vào đó để cầu sự bình an trong lòng, để nói những điều xấu xa mà họ mắc phải trước thánh thần và sám hối.

Tôi nhận thấy có một vấn đề là hiện có ba “ngôi nhà” được coi là 3 “thành lũy” để bảo vệ những điều tốt đẹp nhất của con người trong xã hội Việt Nam là nhà trường, nhà chùa và gia đình thì đều đang bị xâm hại. Trong gia đình thì bây giờ cha con, vợ chồng… có thể bạo hành, giết lẫn nhau… Điều đó cho thấy nơi được xem là chốn “trở về” đầy ắp hạnh phúc đang ở mức độ báo động cao nhất. Ở nhà trường thì đã xảy ra mua bán bằng cấp, chạy chọt, rồi cả sự vô cảm khi cô nuôi dạy trẻ hành hạ trẻ… Còn nhà chùa nơi linh thiêng, thanh tịnh  nhất, trung thực nhất thì cũng đang bị lợi dụng bởi cả người có tiền và không có tiền theo những cách khác nhau… Điều đó báo động cho nền tảng của xã hội về quan điểm sống khác hoàn toàn giá trị truyền thống - quan điểm sống hưởng thụ vật chất, sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị, lợi ích, số phận của những người xung quanh.

PV: Như vậy nghĩa là giá trị truyền thống… là trường tồn, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Đúng như vậy. Lòng nhân ái mãi mãi là lòng nhân ái, sự bao dung mãi mãi là sự bao dung, sự linh thiêng mãi mãi là linh thiêng, trách nhiệm của con người với con người mãi mãi là như thế. Giá trị truyền thống là như vậy.

Phải đặt văn hóa như một con đường sống còn

PV: Nhưng thưa ông, có người cho rằng, đây có thể coi là thời kỳ quá độ của một sự phát triển sau đó?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta cứ gọi là thời kỳ quá độ nhưng tôi không thấy điều đó. Bởi thời kỳ quá độ thì vẫn phải thực thi những sứ mệnh văn hóa lớn lao, đầy đủ, kỹ lưỡng và có một chiến lược. Nhưng bây giờ chủ nghĩa vật chất “lên ngôi” cộng thêm sự quên lãng văn hóa cho nên mới như vậy. Ở nước nào cũng có thời kỳ quá độ nhưng hầu hết họ biết rằng họ phải trải qua những thách thức lớn để rồi giáo dục công dân, giáo dục văn hóa cho con người để có thể chống chọi và giảm bớt nguy cơ độc hại của thời kỳ quá độ đó. Nhờ thế họ đã cân bằng được, giảm thiểu được những nguy hiểm, những cái phá sản văn hóa của thời kỳ quá độ bằng cách tạo dựng một nền văn hóa cực kỳ mạnh mẽ và kỹ lưỡng.

PV: Ông có cho rằng trong sự mai một của văn hóa truyền thống hôm nay, có ít nhiều trách nhiệm của các nhà quản lý?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Phải nói một điều là cơ quan quản lý của chúng ta chưa tìm ra một giải pháp quản lý hiệu quả. Tôi lấy ví dụ như thế này, trước kia trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tất cả đều đồng lòng vì đất nước, sẵn sàng hy sinh cả bản thân mình cùng với tất cả những gì có thể cho đất nước. Sở dĩ làm được như vậy là vì họ biết đặt lợi ích cá nhân trong tổng thể lợi ích của cộng đồng lớn. Vì vậy họ hiến dâng những gì quý nhất mà không thấy hối hận.

Nhưng giờ hiếm ai hiến dâng gì nữa ngay cả điều nhỏ nhất. Thậm chí, có người còn lấy của tập thể cho riêng mình. Trong chuyện này có trách nhiệm của các nhà quản lý. Bởi các nhà quản lý chính là người định hướng cho xã hội, tạo ra những nguyên tắc, hành lang luật pháp, tạo ra những cơ chế, cơ cấu để dẫn dắt xã hội. Nhưng bây giờ không nhiều nhà quản lý ý thức rõ điều ấy, cho nên việc làm gương, giáo dục, hay sự dấn thân, định hướng giảm đi. Đó là các nhà quản lý nói chung.

Còn các nhà quản lý văn hóa thực tế chưa nhiều người hiểu sâu sắc, thấu đáo về văn hóa, về sứ mệnh, tầm quan trọng tối thượng của văn hóa đối với đời sống con người, phát triển nhân cách, phát triển xã hội… mà chỉ hiểu đó là một nghề đơn giản. Văn hóa bây giờ nhiều khi chỉ mang thương hiệu văn hóa nhưng bản chất văn hóa không còn trong một số hoạt động văn hóa. Văn hóa giờ là phong trào, văn hóa giờ là thành tích… Chính vì điều đó, công tác quản lý văn hóa có lúc chưa chuẩn.

PV: Để có thể khôi phục giá trị truyền thống, khắc phục hiện tượng “ăn gian nói dối”, theo ông phải làm như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Trước hết những người quản lý đất nước ở các cấp, phải đặt văn hóa như một con đường sống còn và trên nền tảng văn hóa ấy, chúng ta phát triển cân bằng tất cả những vấn đề khác. Và để đặt văn hóa như một con đường sống còn thì chúng ta phải làm cho con người nhận thức văn hóa rồi được hưởng thụ văn hóa, từ đó mới ý thức về xây dựng văn hóa. Khi họ không nhận thức được văn hóa thì không tìm cách hưởng thụ văn hóa. Mà không được hưởng thụ văn hóa thì họ không bao giờ cần phát triển văn hóa. Bởi vì họ nghĩ không có ý nghĩa, tác dụng gì.

Hiện bây giờ rất nhiều gia đình đang băn khoăn họ phải bảo vệ đứa con của họ ra sao trong thời đại này. Theo tôi, không có gì khác ngoài lá chắn hiệu quả nhất là văn hóa. Văn hóa ở đây có ở từ ngôn ngữ, ẩm thực, sinh hoạt gia đình, kiến trúc đến thiên nhiên, những vấn đề linh  thiêng… Bao nhiêu thứ cộng lại. Văn hóa không phải là cái gì to tát mà bình dị trong những điều hằng ngày. Cũng như truyền thống, không phải là thứ bất biến mà là giá trị được tạo ra từ nhiều đời, được xác lập qua bao thế hệ rồi chuyển động liên tục theo con người trong mọi hoàn cảnh. Nó giống như hơi thở, theo chúng ta mọi nơi, mọi lúc và điều khiển, dẫn dắt chúng ta bằng lời nói, hành động, ứng xử… và quyết định chúng ta trong đời sống này.

Nói chung, theo tôi giải pháp khắc phục chỉ có thể bằng cách tạo dựng lại, hồi phục lại những văn hóa truyền thống đã mất - một nền văn hóa có tính chất vĩnh cửu, tạo nên đời sống tinh thần của con người.

PV: Cảm ơn nhà văn về cuộc trao đổi này!

Tú Anh

Năng lượng Mới số 465

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.