Giàu lên nhờ những scandal

11:05 | 23/01/2015

1,166 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi tờ News of the World bị phanh phui vụ nghe lén điện thoại, Rupert Murdoch gọi đó là "ngày nhục nhã nhất trong cuộc đời mình". Tuy nhiên, ông và gia đình đã tăng gấp đôi gia sản kể từ đó đến nay.

Quả báo thương trường hóa ra khoan dung hơn

Dường như đối với Rupert Murdoch, cơn ác mộng từ scandal năm 2011 - khi tờ News of the World bị phanh phui đã nghe lén điện thoại - chỉ còn thuộc về quá khứ xa xăm. Khi đó, Rupert Murdoch đã phải cúi đầu trước Quốc hội và ông gọi đó là "ngày nhục nhã nhất trong cuộc đời mình". Các lãnh đạo và các nhà báo khi ấy bị bắt giữ. Tuy nhiên, chính vụ bê bối này đã thúc đẩy News Corp của ông Murdoch loại bỏ kế hoạch ấp ủ từ lâu là mua lại BskyB, một đài truyền hình vệ tinh sau đó đã được đổi tên thành Sky. Một vài người cho rằng, vụ bê bối này, bao gồm cả vụ nghe lén thư thoại của 1 bé gái bị sát hại, cũng được thực hiện bởi nhóm của ông Murdoch.

Quả báo thương trường hóa ra khoan dung hơn những gì ghi trong sách vở. Không những không chứng kiến đế chế của mình vỡ vụn, ông Murdoch và gia đình đã tăng gấp đôi gia sản kể từ vụ scandal ấy. Người đàn ông 83 tuổi, Rupert Murdoch, vẫn vững vàng đương nhiệm, và con trai ông, Lachlan và James, đang thành công hơn bao giờ hết.

Sự hồi phục của gia tộc ông Murdoch chỉ ra một thực tế trong kinh doanh: đôi khi thất bại lại chuyển thành chiến thắng không ngờ. Cuộc khủng hoảng buộc ông Murdoch, một nhà báo tận tâm, đưa ra quyết định khó khăn phải ngay lập tức đóng cửa tờ báo News of the World, tờ báo ông sở hữu từ năm 1969 đang chứng kiến doanh số bán ra sụt giảm liên tiếp từ những năm 1980. Khi tham vọng tiếp quản BskyB bị dập tắt, ông mang một số tiền nhàn rỗi của News Corp ra cho nhà đầu tư dưới hình thức mua lại nhằm đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Quan trọng hơn, ông đồng ý tách công ty ra làm hai, tách hãng phim truyện và truyền hình đang phát triển mạnh ra khỏi mảng kinh doanh báo chí đang giảm sút và đang đối mặt với các trách nhiệm pháp lý liên quan tới vụ bê bối. Các nhà đầu tư yêu cầu thực hiện sự chia tách này rất nhiều năm nhưng không có quyền buộc Murdoch làm điều này do cấu trúc vốn chủ sở hữu kép. Nhằm vỗ về họ hơn nữa, ông Murdoch trao thêm quyền lực cho Chase Carey, một giám đốc điều hành giành được nhiều sự tín nhiệm của các nhà đầu tư hơn những gì họ dành cho chính ông chủ của mình.

Tỷ phú Rupert Murdoch.

Kết thúc có hậu

Trong giới truyền thông, Murdoch được cho là người đàn ông không bao giờ thay đổi nhưng thực tế không hẳn thế. Ông Murdoch đã từng nổi tiếng với việc vồ vập các tài sản lớn mà không quan tâm đến giá. Vụ ông mua lại TV Guide và các ngành kinh doanh khác với giá 3 tỉ USD năm 1988 gần như khiến công ty ông khánh kiệt. Năm 2007, ông trả khoảng 5,5 tỉ USD để mua lại Dow Jones, nhà xuất bản của tờ Wall Street Journal, lớn hơn ít nhất hai lần trị giá của nó tại thời điểm ấy. Tuy đã thích ứng tốt với khủng hoảng song ông không muốn gặp cảnh éo le hay gây thất thoát cho người thừa kế của mình trong tương lai. Nhiều người dự đoán, ông sẽ mua thêm các tờ báo mới, như Los Angeles Times khi công ty xuất bản của ông bị tách ra nhưng ông đã không làm điều đó.

Với Lachlan và James, họ đã nhận một bài học về sự đổ vỡ do sơ suất trong quản lý. Cuộc khủng hoảng dạy cho họ "cách diễn" trong con mắt công chúng, mài giũa kĩ năng trước khi cẩn trọng bước dưới ánh đèn sân khấu. Lachlan, người đã từ chức ở News Corp năm 2005, đã trở lại với vị trí "đồng chủ tịch không điều hành" của cả công ty giải trí và công ty xuất bản. James hiện giờ là "đồng giám đốc điều hành" của công ty giải trí.

Kết thúc có hậu của gia đình ông Murdoch là lời nhắc nhở cho sự khoan dung trong thương trường khi mà từ trung tâm cơn bão khủng hoảng, các ông chủ có các chính sách kịp thời và thân ái dành cho các cổ đông của mình. Hãy nhìn vào Olympus - công ty Nhật Bản đã huy động được hơn 1 tỷ USD chỉ trong 1 tuần sau khi một vài lãnh đạo bị buộc tội gian lận kế toán trong nhiều thập kỷ. Cổ phiếu của hãng cũng đã tăng hơn 800% kể từ khi chạm đáy năm 2011 - khi vụ việc bị phanh phui.

Có vẻ như ký ức của nhà đầu tư khá ngắn ngủi. Cách đây 3 năm, James Murdoch được coi là một trong những gánh nặng lớn nhất của cha mình. Giờ đây, nhà đầu tư lại cảm thấy ấm lòng trước cậu con trai trẻ tuổi hơn và nhiều tham vọng hơn.

Thật không may, hầu hết các ông chủ khi ở giữa cơn bão khủng hoảng không thể tin tưởng vào sự khoan dung của nhà đầu tư và những ký ức ngắn ngủi. Giám đốc đương nhiệm ở các công ty đại chúng thường bị khai trừ như một phần của quá trình thanh trừng. Murdoch cũng đã rơi vào số phận tương tự nếu ông không nắm trong tay các phần trăm đáng kể các cổ phiếu có quyền biểu quyết. Thay vào đó, gia đình ông Murdoch đã duy trì được sự bám trụ của mình. Trải qua nỗi đau và khủng hoảng công ty như vậy, giờ đây họ dường như không muốn mạo hiểm thêm một lần nào nữa bởi làm giàu nhờ scandal có thể chỉ xảy ra một lần chứ hiếm có lần hai.

Theo CAND

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc