Giao tư nhân quản lý khu bảo tồn biển: Nên hay không?

17:58 | 06/07/2017

553 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu các sở, ngành liên quan cho ý kiến về phương án bảo tồn của Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang đối với khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Mun nằm trong vịnh Nha Trang. 

Đừng phá vỡ rạn san hô!

Đầu tháng 2-2017, UBND tỉnh Khánh Hòa có thông báo với nội dung đồng ý đề nghị của Công ty Hòn Tằm sử dụng kinh phí doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu thực tế, đề xuất đề án quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững Hòn Mun với yêu cầu bảo đảm mục đích bảo tồn nguyên trạng, tôn tạo và phát triển bền vững hệ sinh thái, nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường…

Thông báo của UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nêu rõ: “Việc khai thác du lịch sinh thái trong KBTB Hòn Mun phải phù hợp, bảo đảm yêu cầu, mục đích, nguyên tắc về quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát triển bền vững KBTB. Cơ chế được đưa ra là Nhà nước thống nhất quản lý, giám sát đối với tất cả hoạt động, kể cả việc xã hội hóa một phần trong công tác quản lý, bảo tồn, khai thác du lịch ở KBTB này”.

giao tu nhan quan ly khu bao ton bien nen hay khong
Khu bảo tồn biển Hòn Mun, một trong những khu vực biển có rạn san hô đẹp nhất thế giới

Ngay sau đó, Công ty Hòn Tằm đã phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu san hô Reef Ecologic (Australia) nghiên cứu và khảo sát KBTB Hòn Mun. TS Adam Smith, đồng Giám đốc Tổ chức Reef Ecologic cho biết, kết quả khảo sát có 15 điểm san hô ở mực nước khá nông nên dễ dàng lặn ngắm và nghiên cứu. Trong đó, 4 điểm có san hô rất đẹp. Đồng thời phát hiện có cả loài cá Anemone (cá hề) hiếm thấy ở các vùng biển trên thế giới, ngoài Australia.

Tuy nhiên, TS Adam Smith cho rằng, KBTB Hòn Mun đang đối mặt với sự tác động của con người và những sinh vật có hại. “Ngoài ra, san hô nơi đây đang bị tác động rất lớn của con người như xả rác, khai thác thủy hải sản bừa bãi. Nếu không có cách bảo tồn phù hợp thì chẳng mấy chốc rạn san hô ở đây sẽ biến mất. Để có được một rạn san hô đẹp phải mất đến 30 triệu năm, nhưng để phá nó chỉ mất nửa năm” - TS Adam Smith nói.

Các nhà khoa học chưa đồng tình

Ông Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang chia sẻ: “Vịnh Nha Trang nói chung và Hòn Mun nói riêng được chúng tôi nghiên cứu nhiều năm nay; từng góc biển, cụm san hô dưới đó chúng tôi đều nắm rõ. Nhưng viện lại không được tham dự các cuộc làm việc liên quan đến Hòn Mun vừa qua”.

Theo ông Tuấn, khâu bảo tồn ở Hòn Mun gần đây dường như bị buông lỏng. “Chúng ta chỉ khai thác, chứ chưa bảo tồn. Bảo tồn là phải liên tục khảo sát, đánh giá hiện trạng thực tế ở khu vực đó; từng khu vực phải có các biểu đồ về hệ sinh thái rõ ràng, từ đó có phương pháp bảo tồn, phát triển… Tuy nhiên, nhiều năm nay, KBTB Hòn Mun đón khách gần như vô tội vạ, điều này khiến nơi đây chịu rất nhiều hệ lụy. Đó là rác thải, ô nhiễm môi trường” - ông Tuấn cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tác An - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, Hòn Mun là KBTB, vì vậy các quy trình can thiệp vào đây phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Đồng tình với ông An, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, để tránh việc can thiệp thô bạo vào KBTB, nếu cho phép doanh nghiệp quản lý thì phải có khung pháp lý, cơ chế rõ ràng để ràng buộc doanh nghiệp chấp hành. “Hiện nay, vịnh Nha Trang đang bị khai thác quá mức mà chưa được đầu tư xứng tầm. Vì vậy, việc giao cho tư nhân đầu tư, quản lý, khai thác và bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị của KBTB là cần thiết nhưng chúng ta phải hết sức thận trọng” - một cán bộ Viện Hải dương học Nha Trang nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịnh UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng: Công ty CP Hòn Tằm cần phải tiếp tục chủ động làm việc, phối hợp với UBND TP Nha Trang và các cơ quan liên quan khảo sát, nghiên cứu làm rõ các số liệu bảo tồn, bảo đảm có cơ sở khoa học, có sức thuyết phục.

An An