Giao thừa trong phòng mổ

15:00 | 07/02/2016

511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi khi gió xuân se lạnh, những nụ đào chúm chím môi hồng, ai nấy đều nao nức với một cái tết đoàn viên ấm áp của gia đình. Nhưng, với những người thầy thuốc, nhất là ở những bệnh viện tuyến cuối, tết lại là dịp họ phải chịu áp lực trong công việc nhiều hơn.

Đặc biệt, dường như không một người thầy thuốc điều trị nào được đón tết trọn vẹn cùng gia đình trong đời, cho dù nhà ở gần hay xa bệnh viện. Với nhiều bác sĩ, đón giao thừa, ăn tết trong bệnh viện cùng bệnh nhân đã trở thành chuyện “thường niên”.

giao thua trong phong mo
Cấp cứu người bệnh trong dịp tết ở Bệnh viện Việt Đức

Là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, nên ngày thường, việc cấp cứu các bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức luôn căng thẳng. Thế nhưng vào những ngày tết, các thầy thuốc ở đây càng vất vả hơn nhiều do bệnh nhân rất nặng từ các tỉnh chuyển đến. Bởi dịp tết, người và phương tiện tham gia giao thông nhiều hơn, những người uống rượu bia khi cầm lái cũng nhiều, nên số người bị tai nạn giao thông, đâm chém nhau luôn cao hơn ngày thường rất nhiều. Do đó, tất cả các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức, đặc biệt là Khoa Khám bệnh cấp cứu luôn trong tinh thần sẵn sàng đón tiếp và điều trị cho người bệnh suốt 24/24h.

Ngày mùng Hai tết Giáp Ngọ 2014, có mặt tại Khoa Khám bệnh cấp cứu, chúng tôi tận mắt chứng kiến không khí làm việc vô cùng tất bật của các bác sĩ ở đây. Mới đầu giờ sáng mà các thầy thuốc đã phải làm việc hết công suất bởi số lượng bệnh nhân vào cấp cứu rất nhiều, chủ yếu do tai nạn giao thông và đánh nhau gây thương tích nặng. Chỉ riêng một buổi sáng, Phòng Cấp cứu đã phải đón nhận hơn 40 trường hợp tai nạn giao thông và đâm chém nhau, đủ thấy cường độ làm việc của các thầy thuốc ở đây rất căng thẳng, nhất là khi, vì là bệnh viện tuyến cuối nên các nạn nhân đã phải vào đến đây đều ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.

giao thua trong phong mo

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, những năm gần đây, số vụ tai nạn do đâm, chém, đánh nhau phải vào cấp cứu ngày một nhiều. Không chỉ thế, mỗi nạn nhân vào cấp cứu, còn hàng chục người nhà đi theo, mà có nhiều người một phần do tính côn đồ, một phần do sẵn rượu bia trong người nên thường có thái độ quá khích với các thầy thuốc, như chửi bới, sẵn sàng đập phá nhà cửa, đồ đạc, thậm chí còn dọa đánh cả bác sĩ v.v… Chỉ nhờ có kinh nghiệm dày dạn trong ứng xử với các trường hợp này, cũng như lực lượng bảo vệ của Bệnh viện Việt Đức khá mạnh, nhiều tình huống xấu mới ngăn chặn được xảy ra và bảo vệ được các thầy thuốc. Vì thế, các bác sĩ thường đùa nhau: “Xác định đi trực là như đi chiến đấu!”.

“Vất vả là thế, nhưng mỗi khi cứu chữa được một người bệnh qua khỏi cơn nguy biến, là mọi khó khăn, vất vả dường như tan biến”, - Chủ nhiệm Điều dưỡng Nguyễn Văn Uy chia sẻ.

Hơn 30 năm gắn bó với công việc người thầy thuốc, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) không nhớ đã có bao nhiêu lần không được đón giao thừa ở nhà. Ông bảo, tết càng là lúc phải lo lắng hơn vì những ngày này, chỉ bệnh nhân rất nặng mới ở lại điều trị và cũng phải những người bệnh nặng đến mức không đừng được mới đến bệnh viện khám bệnh nên bác sĩ càng phải lo giải quyết những tình huống bất thường nhiều hơn.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: Tết là ngày nghỉ của mọi người, nhưng với chúng tôi, vẫn phải làm việc như bình thường, vì bệnh tật cũng có chịu… nghỉ tết đâu. Thậm chí, dịp tết các y, bác sĩ phải chịu vất vả hơn. Vì tâm lý những người đến bệnh viện dịp này không chỉ lo bệnh tật, mà còn luôn lo lắng y, bác sĩ sẽ không chu toàn với bệnh nhân, vì thế, khi khám bệnh và điều trị, bác sĩ còn phải cố gắng giải thích để bệnh nhân yên tâm rằng, dù có vào ngày tết, bác sĩ vẫn khám, chữa bệnh chu đáo như ngày thường.

Nhiều giao thừa gõ cửa khi PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đang… cấp cứu bệnh nhân. Dĩ nhiên khi đó, mải lo cứu chữa người bệnh, ông chả còn lòng nào nghĩ đến năm mới, chỉ khi bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, ông mới biết rằng, năm mới vừa chạm đến. Có năm, đang hân hoan đón giao thừa ở nhà với vợ con, lại nhận tin báo có bệnh nhân cấp cứu, thế là vội vàng khoác áo phóng xe máy đi vào bệnh viện, chả “kiêng cữ” đầu năm bao giờ. Giữa đêm đông giá buốt, trên đường đi thấy người người háo hức đón xuân, ông chẳng những không “than thân trách phận” mà còn đau đáu thương bệnh nhi sao phải chịu cảnh bệnh tật vào đúng thời khắc thiêng liêng này.

Có sáng mồng Một tết, mâm cơm cúng vừa bưng lên, chưa kịp ăn, thì đã nhận được điện gọi đến bệnh viện để cấp cứu một bệnh nhi. Gia đình đưa cháu tới trong tình trạng hôn mê, người tái nhợt, gọi hỏi không biết. Người thân cháu khóc ròng không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện tết nhất nữa. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng động viên gia đình cháu bé bình tĩnh, rồi hỏi han và được biết rằng, cả đêm hôm 30 cháu háo hức xem gia đình mổ lợn, rồi thức đón giao thừa tới tận sáng thì xảy ra cơ sự. Với kinh nghiệm của mình, ông nhanh chóng phán đoán cháu bị hôn mê do hạ đường huyết vì… đói, nên quyết định truyền “nước đường” cho cháu bé. Chỉ sau 30 phút, cháu bé đã tỉnh táo trở lại. Khỏi nói được niềm vui vô hạn của gia đình khi đón cháu về với lời cảm ơn: “Bác sĩ đã mang lại cái tết cho gia đình”. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng bảo, khi nhìn thấy cháu bé sớm khỏe trở lại với niềm vui rộn ràng trong mắt người thân của cháu, ông thấy như mùa xuân tràn vào chính cuộc đời mình.

“Ông có cảm thấy buồn khi chưa khi nào được ăn tết trọn vẹn với gia đình không?” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trả lời câu hỏi với một nụ cười thoải mái: “Sao lại buồn? Dù vất vả, khổ sở, nhưng được phục vụ người dân và đem lại niềm hạnh phúc cho người khác thì tôi lại cho đó là niềm vui”.

Từng trải qua nhiều cái tết trong bệnh viện, bác sĩ Trần Văn Phúc (Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn) thấu hiểu sâu sắc những vất vả, hy sinh của người thầy thuốc: Trực ngày tết thật sự là nỗi ám ảnh vì bệnh nhân luôn tăng đột biến so với ngày thường, nhân viên y tế ngoài việc lo lắng cấp cứu bệnh nhân nặng còn phải chịu áp lực từ phía gia đình người bệnh yêu cầu phải được mổ sớm, chữa trị và chăm sóc ngay. Do thời tiết, nên dịp tết, Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi luôn có nhiều trẻ bị viêm phổi nặng, vì thế các bác sĩ trực đều phải thức trắng đêm bên giường bệnh, để theo dõi diễn biến của từng trẻ. Khoa Hồi sức Cấp cứu Nội cũng là nơi có nhiều bệnh nhân nặng bị tai biến mạch máu não, bị tái phát bệnh phổi mãn tính và bệnh tim mạch v.v… nhập viện, bởi thế công việc của các bác sĩ ở đây cực kỳ bận rộn và vất vả. Dường như họ không có một phút nghỉ ngơi trong suốt 24h trực.

Mồng Một tết năm trước, trong suốt 24 giờ liên tục, cả kíp trực của bác sĩ Thanh Xuân không ai biết đến không khí tết đang rộn rã ngoài kia, bởi còn mải cứu chữa một bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim, rồi lại ép tim ngoài lồng ngực cấp cứu ngừng tuần hoàn cho một bệnh nhân khác, cứ thế, hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Kết thúc phiên trực, ai cũng căng thẳng và mệt mỏi rã rời, nhưng niềm vui cứu sống những người bệnh “thập tử nhất sinh” đã khiến các thầy thuốc như thấy mùa xuân đang ùa về trong từng giường bệnh. Sau trọn một ngày vất vả không được nghỉ ngơi, lúc này, các thầy thuốc mới được phép nghĩ đến cái tết của gia đình.

Không mấy ai biết rằng, dưới tiết xuân rực rỡ của những ngày tết Nguyên đán, trong khi hàng vạn người vui chơi đầm ấm thì vẫn có rất nhiều y, bác sĩ lặng lẽ hy sinh niềm vui giản dị của gia đình, của con cái, để túc trực bên giường bệnh nhân, theo dõi từng diễn biến để xử lý kịp thời, chăm sóc chu đáo. Chỉ có họ, những “thầy thuốc như mẹ hiền”, mới có thể tận tâm bên các bệnh nhân vào dịp tết cũng như ngày thường…

Thái Hoàng

Số Xuân 2016

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc