Giao thông còn khó thông

08:09 | 30/09/2017

1,806 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong tháng 9 này, những vấn đề về giao thông lại nổi cộm, thu hút sự chú ý của dư luận. Hết chuyện “BOT” lại đến phí bảo trì đường bộ rồi bây giờ lại đến chuyện xe buýt.

Sở dĩ có những chuyện lình xình như vậy là ngay từ đầu, triển khai các dự án này đã có điều khuất tất. Qua thanh tra và bước đầu đưa ra những giải pháp tình thế thì dư luận lại càng nghi vấn.

Thứ nhất là chuyện thu phí qua các trạm BOT. Trong số hơn 70 trạm thu phí BOT ở cả nước, mới thanh tra 27 trạm thì cơ quan chức năng đã giảm được hơn 100 năm thu phí của các trạm này. Chính từ việc thanh tra ấy đã phát hiện ra việc thu phí bấy lâu nay bất hợp lý. Đó là mức phí thu cao, số năm thu phí nhiều hơn so với thực tế cần hoàn vốn cho dự án. Vì thế mà ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó văn phòng Quốc hội phải dùng từ “trấn lột” đối với việc thu phí này.

giao thong con kho thong

Dân phản ứng bằng nhiều hình thức: vây trạm thu phí, gây ách tắc giao thông, mua vé bằng tiền lẻ, đòi di dời trạm, giảm mức thu… đối với nhiều trạm. Thế là một quyết định mới ra đời: giảm mức phí BOT, thời gian thu phí cũng giới hạn tối đa không quá 30 năm.

Với động thái này, người dân tham gia giao thông càng muốn làm rõ hơn những điều mình thắc mắc mấy năm qua. Bởi mức thu giảm tới 25% giá phí của 2/3 (70%) dự án là một khoản tiền rất lớn. Như thế thì việc dự toán của các chủ đầu tư, các nhà thầu để sai số lớn quá, trình độ chuyên môn yếu kém hay là cố tình làm như vậy để kiếm lời?

Số tiền thu mỗi ngày từ các dự án BOT lên tới hàng tỉ đồng thì 25% là bao nhiêu tiền và thời gian thu hơn 100 năm sẽ là bao nhiêu? Lớn lắm! Hơn nữa, số tiền ấy lâu nay sẽ được tính thế nào? Người dân có được trả lại không hay bị coi như “sự đã rồi”? Người dân nắm đằng lưỡi chứ có được nắm đằng chuôi đâu!

Còn tuyến đường mang nhiều điều tiếng ì xèo nhất hai năm nay là BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cũng giảm 25% phí nhưng rất vô lý vì đó là tuyến đường cũ được “mông má” lại. Nói như Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc là chỉ “tráng qua lớp nhựa” nhưng lại thu tiền như đường làm mới. Vậy thì cần phải làm rõ vấn đề này chứ cứ vô tư thu tiền rồi giờ chỉ giảm giá thu 25% thì dân chưa thể thông!

Thứ hai là chuyện phí bảo trì đường bộ. Mấy năm trước thu phí này với cả xe máy và giao cho cấp xã, phường thực hiện. Khổ cho các bác trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, từ sáng đến đêm cứ đến gõ cửa từng nhà thu phí. Xe máy tính mức thu theo “phân khối” (dung tích xi lanh), từ 100-150 nghìn đồng/xe/năm. Thế nhưng đâu có dễ. Nhà 2-3 xe nhưng chỉ đóng 1 xe; rồi xe 100 phân khối trở lên vẫn chỉ đóng 100 nghìn đồng… Thế là việc thu phí này thất bại, hai năm nay đã bỏ hẳn.

Hiện tại, trừ xe máy thì các loại xe cơ giới vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm (đã thực hiện 5 năm nay), tính bằng tiền triệu cả. Tuy nhiên, người dân đóng phí bảo trì mà trong lòng không được thoải mái như với nhiều loại phí khác. Họ băn khoăn vì đã đóng phí này nhưng vẫn phải đóng phí giao thông. Nhưng điều họ băn khoăn hơn là khoản phí mấy chục nghìn tỷ hàng năm này được sử dụng như thế nào? Theo cơ quan chức năng giải thích thì việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đã sử dụng quỹ bảo trì đường bộ nhưng không đủ. Mỗi năm cần 23 nghìn tỷ đồng nhưng thực tế số tiền thu từ phí bảo trì mới đạt 45%.

Vậy còn tiền Chính phủ cấp, tiền phạt vi phạm giao thông từ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng đưa vào phục vụ cơ sở hạ tầng giao thông thì sao? Đó là điều người dân chưa thông.

Tiền thu được từ xử phạt vi phạm giao thông thì phải quay lại phục vụ cho mục đích giao thông như: nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng, hoàn thiện công tác tổ chức quản lý, tăng tính an toàn cho người dân khi tham gia giao thông…

Có thể dành một tỉ lệ nhỏ để bồi dưỡng cho những người làm công tác trong ngành giao thông, tùy vào hiệu quả, tính chất công việc chứ không thể dành phần lớn số tiền thu được vào mục đích khác. Từ năm 2014, thực hiện theo quy định mới, toàn bộ số tiền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông phải nộp 100% về cho ngân sách.

Và mới nhất là chuyện dân chưa chịu đi xe buýt. Có ý kiến cho rằng, dân ta lười, không chịu đi bộ vài cây số đến bến xe buýt… Thế là nảy sinh cuộc tranh luận. Đúng là có một số người ở gần tuyến xe buýt nhưng không đi xe buýt. Song còn rất nhiều người ở xa các điểm đón khách tới vài cây số. Đi bộ thì không có vỉa hè, hàng quán, xe đậu kín hết, đi xuống lòng đường thì nguy hiểm. Nếu đi xe máy thì hết 15-20 phút, còn đi mấy tuyến xe buýt và đi bộ nữa có khi mất 90-120 phút. Vậy nên họ vẫn chọn phương tiện xe máy.

Những chuyện như thế này sẽ còn kéo dài, chưa có hồi kết đối với giao thông.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc