Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Chữa bệnh thành tích thế nào đây?

00:00 | 16/06/2014

2,350 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dường như hiện nay trong mỗi một gia đình người dân Việt đang dần thiếu đi “chất keo” để kết nối sự bền vững, những giá trị đạo đức truyền thống đã không còn giữ được như xưa. Cái sức mạnh nội sinh của từng gia đình - sức mạnh bên trong của nền văn hóa đã từng giúp cho cả dân tộc vượt qua được những thử thách hết sức ngặt nghèo đã và đang dần yếu đi. Thế nhưng, điều đáng buồn là chúng ta có quá ít những động thái để có thể cải thiện tình trạng này. Nhân ngày Gia đình Việt Nam, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết.

Năng lượng Mới số 330

PV: Báo cáo tổng kết phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của Bộ VH-TT&DL công bố có trên 70% gia đình văn hóa trên tổng số hộ gia đình Việt Nam. Ông nghĩ gì về con số này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trên 70% gia đình văn hóa là tỷ số rất lớn. Nhưng phải xem thực chất danh hiệu ấy như thế nào. Nếu có đến gần 80% gia đình văn hóa thì ứng xử của người dân trong gia đình cũng như ở ngoài xã hội phải khác. Nhưng quanh ta có biết bao nhiêu chuyện đáng buồn. Trong gia đình, ruột thịt có thể đâm chém nhau vì nhà đất, vợ có thể thiêu cháy chồng vì tiền, con có thể dìm cha xuống nước vì lẽ gì không biết...  Đến nữ sinh cũng chửi tục, đánh nhau, quay video phô bày thân thể lên mạng. Ngoài phố thì mạnh ai nấy đi, rác rưởi tiện đâu vứt đó… Mỗi ngày ít nhất cũng phải chứng kiến vài anh đái bậy, mấy ông vừa cưỡi xe máy vừa nhổ phì phì... Chỉ từng ấy thôi là đã đánh giá được văn minh nước mình đến đâu. Đó là chưa kể các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm… đã và đang xâm nhập vào tận căn bếp, giường ngủ của không ít gia đình.

PV: Vậy theo ông, chuyện công nhận danh hiệu gia đình văn hóa đã thiên về hình thức mà không đúng thực chất?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Không phải chỉ danh hiệu gia đình văn hóa mới thiên về số lượng, thiếu thực chất đâu. Bạn cứ nghĩ mà xem, gần như 99% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm nào cũng đạt danh hiệu lao động giỏi, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, nhưng khoa học - giáo dục vẫn lạc hậu, kinh tế vẫn chậm phát triển, đời sống vẫn nheo nhóc… Bệnh thành tích quá nặng khiến chúng ta đang tự huyễn hoặc mình. Ai cũng biết thế, nhưng không ai muốn chữa.

PV: Trước đây, không có chuyện bình chọn “Gia đình văn hóa mới” rồi cấp bằng chứng nhận nhưng nhiều gia đình sống chung tới “tứ đại đồng đường” vẫn hòa thuận vui vẻ, kính trên nhường dưới. Bây giờ thì rất nhiều những cuộc vận động, phong trào nhưng gốc rễ của nhiều gia đình vẫn lung lay. Vậy thì, theo ông, tại sao những giá trị đạo đức truyền thống của người Việt lại không thể giữ được như trước đây?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Nói cho công bằng thì thời nào cũng có những gia đình thiếu nền nếp, thậm chí lộn xộn. Nhưng trước đây, những gia đình như thế bị gia tộc, làng xóm, phố phường chê cười, truyền miệng mãi không thôi; còn những gia đình thuận hòa, nền nếp thì được khen ngợi, tôn vinh, lúc nào cũng được lấy làm gương sáng cho mọi người noi theo. Sự khen, chê của dư luận mạnh hơn, có tác động lớn hơn tờ giấy công nhận “Gia đình văn hóa” nhiều. Các cụ có câu: “Trăm năm bia đá thì mòn. Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.  Đến bia đá còn chẳng bằng bia miệng nữa là tờ giấy to hơn bàn tay, nhiều lúc được nhét qua khe cửa nếu gia đình không ai có nhà. 

Còn về nguyên nhân của tình trạng xuống cấp về văn hóa hiện nay, theo tôi, ít nhất có thể nhắc đến ba nguyên nhân chính như sau: Trước hết là suốt mấy chục năm qua, chúng ta phải tập trung toàn lực vào kinh tế, ít quan tâm đến văn hóa. Trong nhà thì người lớn mải làm mải ăn, thoát được nghèo lại lo làm giàu, sao nhãng việc dạy bảo con cái, sao nhãng cả việc quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Ở cơ quan, đơn vị thì người làm quản lý phải lo nuôi quân, nuôi bằng đủ mọi cách, đẩy dần lễ nghĩa về hàng sau. Trong xã hội thì phần ngân sách dành cho cả hai lĩnh vực văn hóa lẫn thông tin chỉ 1,5-1,6%. Nhiều nơi, nhà văn hóa trở thành xa xỉ, bị thay dần bằng khách sạn, nhà hàng. Khai trương doanh nghiệp, động thổ các công trình kinh tế thì khách đến đông vui, nhưng khai giảng ở trường đại học, mời được một cán bộ cấp thứ trưởng về dự đã mừng như bắt được vàng. Nguyên nhân thứ hai là từ khi chấm dứt chế độ thực dân - phong kiến đến nay, chúng ta ít nhất đã hai lần thay đổi rất căn bản quan niệm về nếp sống, nhưng nếp cũ bị xóa đi mà nếp mới vẫn chưa định hình. Lần cách tân thứ nhất là, xóa sạch “tàn tích” thời thực dân - phong kiến, còn lần thứ hai là rũ bỏ những quan niệm và nếp sống gắn bó với cả một thời gian khó, ngây thơ mà trong sáng, bước vào kinh tế thị trường. Mỗi lần cách tân là một lần rơi rụng, mất mát khá nhiều. Nguyên nhân thứ ba là, chúng ta luôn thiếu những biện pháp cụ thể, hữu hiệu để gây dựng nếp sống mới. Xã hội nhiều phong trào thi đua với những khẩu hiệu to tát, biện pháp chung chung quá. Nhiều mà nội dung không cụ thể nên thường làm hình thức, chiếu lệ. Lâu dần, tự mình lại huyễn hoặc mình về kết quả, hiệu quả của phong trào.   

PV: Vậy, chúng ta cần có những giải pháp gì để thay đổi tình hình, xây dựng nếp sống mới, các giá trị đạo đức mới trong gia đình và xã hội?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết, Đảng, Nhà nước cần quan tâm đến văn hóa, giáo dục nhiều hơn nữa, thường xuyên hơn nữa. Nghị quyết của Đảng coi văn hóa là nền tảng tinh thần và động lực của xã hội, còn phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cần hiện thực hóa quan điểm đúng đắn này bằng cách tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực ấy. Không phải chỉ tăng cường đầu tư kinh phí. Quan trọng là thường xuyên đầu tư nghiên cứu, chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm tra, điều chỉnh kịp thời, ít nhất cũng như trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh - quốc phòng. Rồi thông qua các hình thức giáo dục, tuyên truyền và tổ chức hoạt động thực tiễn, khôi phục các giá trị đạo đức truyền thống và hình thành những giá trị mới. Hãy bắt đầu từ những chuyện cụ thể, phù hợp với từng đối tượng.

Ví dụ, hiện đang có nhiều ý kiến đề nghị đưa nội dung phòng, chống tham những vào chương trình giáo dục từ tiểu học. Theo tôi, đặt vấn đề như thế là sai lạc về đối tượng và nội dung. Đối tượng cần học phòng, chống tham nhũng là người lớn, nhất là người có chức có quyền, chứ không phải mấy cháu nhỏ. Về nội dung giáo dục, chắc chắn là dạy các cháu chống lãng phí thì cần thiết hơn. Người Việt mình mắc căn bệnh lãng phí nặng lắm. Trẻ con ăn cơm bỏ mứa là chuyện thường, người lớn thì nhậu nhẹt tưng bừng, mua sắm tùm lum... Chuyện lãng phí ngân sách thì khỏi nói. Nhìn sang các nước phát triển, thấy người ta giàu nhưng tiết kiệm lắm. Từ bé, trẻ đã được dạy ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, đã ăn là phải ăn cho hết. Nếp sống ấy đi theo con người đến suốt đời. Về chi tiêu thì ngay ở Thái Lan, khi tổ chức SEA Games Chiang Mai, người ta cũng tận dụng các cơ sở sẵn có, kể cả ký túc xá sinh viên, sân vận động trường học; lễ khai mạc cũng không cố làm cho hoành tráng. Đó là những điều mình phải học. Cuối cùng theo tôi là phải có chế tài. Phải phạt nặng những hành vi thiếu văn hóa ở nơi công cộng. Trẻ em và vị thành niên vi phạm pháp luật, vi phạm quy định trật tự, văn minh nơi công cộng, phải xử lý trách nhiệm cả bố mẹ hay người đỡ đầu.

Ta hãy nhìn sang các nước phát triển xem tại sao không mấy ai dám đi lậu vé, xả nước thải vào nguồn nước hay xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể người khác. Bởi đi lậu vé, nếu bị phát hiện, phải chịu phạt gấp 50 lần tiền vé. Xả nước thải vào nguồn nước hay làm nhục người khác, thậm chí có lời nói, hành vi khiếm nhã với phụ nữ v.v... phải ra tòa. Còn bố mẹ để con hư có khi bị tước cả quyền chăm sóc con. Ở Singapore, Chính phủ thường xuyên định hướng nếp sống cho người dân, những vi phạm về nếp sống ở nơi công cộng đều bị xử lý rất nghiêm. Thậm chí, người ta còn giữ cả cách xử phạt truyền thống như sẵn sàng nọc người, kể cả người nước ngoài, ra đánh giữa nơi công cộng vì tội bôi bẩn tượng đài; Chính phủ nước ngoài xin miễn cho hình phạt ấy cũng không được. Còn mình chỉ có giáo dục, tuyên truyền mà không làm cho người dân tự đặt mình vào khuôn khổ nếp sống văn minh thì rất khó giải quyết.

PV: Trông người lại ngẫm đến ta, người dân Việt từng ngả mũ trước sự kiên cường của người Nhật khi đối diện với thảm họa, từng thán phục về ý thức của người Singapore… Và hầu hết người Việt Nam đều tự nhủ không biết bao giờ người Việt mình mới thực sự có một cuộc “cách mạng” như vậy. Cá nhân nào cũng thấy, cũng ngưỡng mộ, nhưng tại sao lại không thể tạo thành một cộng đồng như vậy, ở Việt Nam?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Không chỉ Nhật, mà ở các nước châu Á quanh ta, truyền thống được bảo tồn rất tốt. Người Nhật vẫn giữ nếp sống gia đình, nếp cư xử cộng đồng cổ truyền, mặc dù là một nước có nền kinh tế phát triển hạng nhất nhì thế giới. Ở Hàn Quốc cũng vậy. Năm ngoái sang Hàn Quốc, chỉ trong một chuyến đi ngắn có 1 tuần, tôi đã được chứng kiến rất nhiều điều tốt đẹp về con người của đất nước này. Ở đây, tôi chỉ kể hai câu chuyện nhỏ liên quan đến lòng trung thực và một câu chuyện về vai trò của các tổ chức xã hội đối với gia đình.

Một lần, theo kế hoạch, chúng tôi sẽ kết thúc buổi làm việc chiều tương đối sớm nên anh em bảo nhau mang tiền theo để làm việc xong thì đi mua sắm. Mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch. Nhưng một anh trong đoàn đến lúc lấy tiền ra trả mới nhận ra mình đã quên toàn bộ số tiền mang theo đợt công tác trong phòng tắm. Tính từ sáng, lúc bước chân ra khỏi phòng đi làm việc, đã qua 9 tiếng đồng hồ. Mặc dù chia sẻ nỗi lo của anh, nhưng chúng tôi đều động viên anh là ở khách sạn thì không việc gì. Quả nhiên, về đến phòng, chỉ 5 phút sau, tôi đã nhận được điện thoại của anh vui vẻ báo tin: Số tiến để vương vãi đã được người dọn phòng xếp cẩn thận vào một phong bì, để ngay ngắn ở đầu giường, không suy suyển một đồng nào.

Một lần khác, chúng tôi trở về Seoul từ thành phố Gumi bằng tàu hỏa. Đến ga, cả đoàn xếp hàng và từng nhóm 3 người lần lượt lên taxi về khách sạn. Hướng dẫn đoàn là một cô dâu Hàn Quốc người Việt đi chiếc xe đầu. Tới khách sạn, cô vội xuống xe đón anh em đi những chiếc taxi tiếp theo. Mãi đến khi vào khách sạn, cô mới nhớ ra cái túi xách rất thời trang của mình, trong đó có đủ các loại thẻ và chiếc laptop. Chiếc taxi chở cô đã rời khách sạn cả 15 phút trước đó rồi. Lần này thì chúng tôi lo cho cô thật sự. Nhưng rồi cũng chỉ 15, 20 phút sau, cô đã điện thoại báo tin cho mọi người: Anh taxi phát hiện chiếc túi bỏ quên đã vòng lại khách sạn tìm người để trả.

Từ trước đến nay, xã hội ta có không ít những tấm gương trung thực. Nhưng chúng ta cũng nhiều lần phải buồn phiền, thậm chí xấu hổ về những hành vi bắt chẹt, lừa dối du khách của một số người biến chất. Tôi chỉ ở Hàn Quốc có 1 tuần, chỉ có 2 dịp để kiểm chứng, nhưng cả 2 lần đều gặp những con người rất đàng hoàng, thực thà. Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà những người tốt ở đất nước này có tỷ lệ cao như vậy. Chắc chắn ở đây có sự đóng góp của yếu tố pháp luật, kỷ cương, nhưng yếu tố giáo dục, gia đình hẳn phải đóng vai trò rất lớn.

Ở Gumi, quê hương bà Tổng thống Park Geun-hye, Hàn Quốc tôi đã đến thăm một Trung tâm Hỗ trợ gia đình do người dân tự lập nên. Mọi cặp vợ chồng, mọi gia đình nếu có vấn đề khúc mắc đều có thể nhận được sự tư vấn của trung tâm này. Ở Trung tâm này, người ta còn có chỗ đọc sách, chỗ chơi cho trẻ; dạy nấu các món ăn truyền thống, may quần áo truyền thống cho các cô vợ trẻ;  nhận trông nom trẻ con mỗi khi cha mẹ các cháu vắng nhà v.v... Đặc biệt, Trung tâm nhận dạy tiếng Hàn, phong tục tập quán Hàn, nấu ăn và may quần áo truyền thống v.v… miễn phí cho các cô dâu nước ngoài. Kinh phí dạy cô dâu nước ngoài được Chính phủ Hàn Quốc chu cấp. 

Tôi cũng đã nhiều lần sang Thái Lan, sang Lào, thấy nếp sống cổ truyền được tôn trọng lắm, người dân hiền lành và rất thực thà. Thủ đô Vientiane có 900.000 dân thì có đến 400.000 ôtô. Đường sá ở đây không rộng rãi nhưng người đi xe tôn trọng luật, nhường nhịn nhau, tuyệt đối không nghe thấy một tiếng còi nào. Đặc biệt thú vị là chợ Lào. Một Việt kiều lớn tuổi bán hàng bấy lâu ở chợ bảo tôi: “Các cụ nhà mình bảo ồn ào như cái chợ. Nhưng ông thấy chợ Lào làm gì có tiếng ồn!”. Tôi nhìn những dòng người đi lại, mua bán nhẹ nhàng bên các sạp rau quả, thịt lợn, thịt bò, sạp hàng khô, tạp hóa mới thấm cái nhận xét của bà cụ về văn hóa mua bán của người Lào, của cái chợ Lào.

Người Việt mình có ưu điểm là tiếp thu rất nhanh cái mới. Nhưng có thể vì dễ thích ứng quá nên cũng dễ mất đi nhiều giá trị truyền thống. Thêm vào đó, xã hội phát triển theo hướng xô bồ đang ảnh hưởng đến nền nếp gia đình rất nhiều.

PV: Giữa lúc có nhiều vấn đề nóng phải quan tâm về kinh tế, an ninh - quốc phòng như hiện nay, việc luận bàn về văn hóa có ý nghĩa như thế nào, thưa giáo sư?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong câu chuyện, chị có nhắc đến nếp văn hóa đáng kính phục của người Nhật khi đối diện với thảm họa sóng thần ở Fukushima năm 2011. Chính nếp văn hóa ấy là bản lĩnh giúp người Nhật nhanh chóng vượt qua được thảm họa này. Vai trò to lớn của văn hóa cũng được chứng minh qua lịch sử dân tộc ta, một dân tộc có dân số không đông, sức mạnh quân sự và kinh tế xưa nay đều không lớn nhưng lại vượt qua được những thử thách hết sức ngặt nghèo. Chỉ có thể giải thích hiện tượng đó bằng sức mạnh nội sinh - sức mạnh bên trong của nền văn hóa. Bạn bè quốc tế cũng từng đánh giá cao lý tưởng sống, giá trị sống, bản lĩnh và ý chí của dân tộc Việt Nam và coi đó là ngọn nguồn sức mạnh của dân tộc ta trong cuộc đối đầu với các thế lực ngoại xâm hùng mạnh. Giữa lúc Biển Đông dậy sóng, nói về đề tài này là một dịp để chúng ta nhận thức đúng về sức mạnh của văn hóa, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để tăng cường sức mạnh nội sinh của dân tộc, vượt qua thử thách này và vươn lên tầm cao mới.

PV: Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện!

…Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại...
(Trích Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước)

Thái Linh (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc