Giao dịch “gầm bàn”

07:00 | 27/02/2016

1,764 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cả một rừng thủ tục hành chính ở nước ta thì các thủ tục liên quan đến cấp giấy phép dù là xây dựng hay đăng ký kinh doanh luôn là nỗi kinh hoàng của người dân và doanh nghiệp.

Tất nhiên không phải ai cũng thông thạo tỏ tường hết các ngóc ngách của thủ tục nên việc phải bổ sung thêm giấy tờ, thậm chí ôm hồ sơ về làm lại cũng là bình thường... Nhưng nếu  biết giao dịch gầm bàn, chịu bôi trơn thì thế nào cũng xong.

Thế nên mới có chuyện một anh nhân viên hợp đồng của Văn phòng nhà đất quận Bình Tân, TPHCM. "Cáo mượn oai hùm" nhảy vào kiếm chác trong việc cấp phép xây dựng ở quận Bình Tân bằng cách ra giá 5.000 USD cho một giấy phép. Anh ta không quên kèm lời dọa không chịu chi sẽ hết cửa. Thái Bình Quốc đã bị bắt  chờ ra tòa.

Và cũng ở địa bàn lớn nhất nước này, thủ tục hành doanh nghiêp có giá tới 15.000 USD một bà phó trưởng phòng tư vấn nhận giúp đỡ tháo gỡ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. Vấn nạn giao dịch "gầm bàn" diễn ra mọi lúc, mọi nơi trong hầu hết các lĩnh vực đến nỗi các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đều biết và lặng lẽ thực hiện.

giao dich gam ban

Chẳng thế mà mới đây ông Nguyễn Sinh Hùng dù ở cương vị Chủ tịch Quốc hội không hề phải va chạm với các thủ tục hành chính  mà cũng  phải phê phán nặng lời đối với các thủ tục hành chính bây giờ cay nghiệt và độc ác lắm!

Mới đây, khi công bố kết quả khảo sát thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp Nhật Bản tại Việt Nam, trưởng đại diện  tổ chức xúc  tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) ông Yasuzumi đã khẳng định rằng môi trường đầu tư ở nước ta đang xấu đi bất chấp nỗ lực của Chính phủ Việt Nam. Nhà đầu tư lý giải rằng do hệ thống luật pháp của Việt Nam còn rời rạc, thiếu minh bạch dù hệ thống lập pháp đang dần dần hoàn thiện. Các nhà đầu tư Nhật Bản rất ngại chi phí “gầm bàn” theo gợi ý của nhân viên công quyền Việt Nam. Thực tế trong việc hợp tác với Nhật Bản, đã có quan chức Việt Nam “xộ khám” vì tham gia giao dịch gầm bàn nhân tiền của đối tác để cho họ được ưu ái hơn.

Vì sao các thủ tục hành chính ở nước ta lại nhiều, lại rắc rối, lại cay nghiệt và độc ác? Thực ra câu trả lời đã có từ thời cụ Tố Như - Nguyễn Du trong câu “Trăm điều khốc hại chẳng qua vì tiền” và “có ba trăm lượng việc này mới xong”.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn, tự do kinh doanh mà sao nghề chữa bệnh cứu người lại bị gây cản trở như vậy. Chỉ cần cấp một lần thôi, về sau kiểm tra thấy đủ điều kiện thì cho hoạt động tiếp, không đủ thì thôi chứ sao lại một vài năm cấp lại? Hóa ra ông lo ngại chính là vấn đề thủ tục cấp đi cấp lại sẽ hành hạ người dân đến cay nghiệt và độc ác là ở chỗ này! Từ những vấn đề của Luật Dược (sửa đổi) sẽ quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề khiến người đứng đầu Quốc hội suy ra vấn đề thủ tục hành chính cử ta hiện nay. 

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Dược (sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày cho biết do còn ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội hai phương án: Phương án cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm và phương án cấp chứng chỉ hành nghề dược 1 lần. Sau đó, Luật sẽ thể hiện theo ý kiến đa số đại biểu Quốc hội.

Không khó khăn gì để nhận diện những thủ tục chặt chẽ trong ngành y-dược. Thế nhưng do khâu quản lý kém vẫn có dược sĩ cho thuê bằng bán thuốc, vẫn có thuốc giả, thuốc quá hạn đưa vào sử dụng. Luật Dược (sửa đổi) phải là văn bản quy định các thủ tục hành chính trong ngành dược nghiêm chỉnh chặt chẽ nhất khiến thủ tục trong ngành này không cần giao dịch gầm bàn và tất nhiên sẽ không còn như nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng!

Suy ra, các lĩnh vực khác cũng sẽ như vậy!

Thọ Vinh