Đà Nẵng

Gian nan xây dựng thành phố môi trường

07:45 | 07/09/2016

929 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đà Nẵng nhìn tổng thể là một thành phố có cảnh quan đẹp, môi trường trong lành. Nhưng nói như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh “thành phố Đà Nẵng là thành phố đáng sống, thành phố môi trường, ai đến cũng khen, nhưng chỉ ở trung tâm, mới thấy cái hào nhoáng đó thôi”. Thật vậy, Đà Nẵng tuy xanh, sạch, đẹp nhưng ở đâu đó, vẫn còn những điểm nóng về môi trường. Và chừng nào những thiếu sót chưa được khắc phục, thì con đường đưa Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường vẫn còn xa quá  
gian nan xay dung thanh pho moi truong
Cá chết tại hồ công viên 29-3, Trung tâm TP Đà Nẵng vào đầu tháng 8-2016

Tôi có quen một vài người Đà Nẵng gốc. Đối với họ, biển là một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ. Và khi trưởng thành, tắm biển hằng ngày là một nhu cầu thiết yếu, giống như con người ta cần ăn cơm, uống nước mỗi ngày vậy. Anh Hưng, 37 tuổi, người gốc làng Xuân Hà (Thanh Khê, Đà Nẵng) cho hay, ngày nắng cũng như mưa, đông cũng như hè, mỗi sáng Hưng đều đi tắm biển. Còn tôi thì “xuân thu nhị kỳ”, vài ba lần đi tắm biển.

Một ngày cuối tháng 7, trong một lần đi tắm biển sáng, tôi gặp Hưng ở bãi Phạm Văn Đồng. “Sao anh không tắm gần nhà, qua đây gì cho xa?” - “Qua đây cho sạch, chứ bãi gần nhà nhiều cống, lại mới có mưa, rác cứ nổi lềnh bềnh, tắm chi nổi”. “Bãi gần nhà” mà anh Hưng nói thuộc bờ biển dài hơn 12km, dọc theo đường Nguyễn Tất Thành, kéo dài từ chân cầu Thuận Phước đến tít Nam Ô, là nơi có rất nhiều bãi tắm đẹp. “Rác nhiều lắm à, em nghe nói biển bên đó cũng sạch mà” - “Chú không tin, chiều cứ đến đó thì biết”, Hưng thủng thẳng đáp.

gian nan xay dung thanh pho moi truong
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thị sát tình hình ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn

Chiều hôm sau, tôi ra bãi Thanh Khê, thuộc dải bờ biển Nguyễn Tất Thành để kiểm chứng những gì Hưng kể. Hôm đó là một ngày nắng nóng, người tắm biển rất đông. Nhìn kỹ trên mặt nước và trong những con sóng lấp loáng nắng chiều, thỉnh thoảng lại thấy túi nilon, lá mục, các mảnh xốp, thức ăn và rong rêu. Trên bờ, rau muống biển mọc loằng ngoằng, tràn lan, bao phủ cả một khu vực lớn. Phía dưới dồn ứ rất nhiều rác, vỏ đồ hộp, túi nilon... Dọc bãi biển này, cứ vài trăm mét lại thấy một ống cống xả nước thải sinh hoạt đổ ra biển. Những người tắm biển ở đây bảo, sau mỗi trận mưa lớn là bùn, cát bẩn và đủ loại rác thải từ những miệng cống này đổ thẳng ra biển.

Đem chuyện này hỏi các cơ quan liên quan, tôi giật mình khi nghe những con số. Suốt dọc bờ biển đường Nguyễn Tất Thành dài hơn 12km, có tới 29 cống xả nước thải sinh hoạt ra biển, nghĩa là cứ 400m, lại có một miệng cống xả nước thải. Đó là thông tin từ Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng. Tôi hỏi, vậy không có cách gì giải quyết tình trạng này sao? Bà Nguyễn Thị Mỹ Đức, Phó giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng trả lời: Những miệng cống này thuộc hệ thống thoát nước chung của thành phố. Đối với các bãi biển thuộc khu vực quận Thanh Khê, nếu trong trường hợp mưa lớn hoặc mất điện, trạm bơm sông Phú Lộc không thể bơm nước kịp thì nước thải và rác sẽ tràn qua các cống xả. Và ngày nào mưa lớn, mất điện thì nước thải và rác có nhiều đến mấy cũng phải xả thẳng ra biển. Nếu không xả sẽ gây ngập khu dân cư.

Sau khi xả nước và rác ra biển, công nhân môi trường lại phải trực chiến tại khu vực các cửa xả để vớt rác. Rác thì có thể vớt được, còn nước thải sinh hoạt, bùn đất đổ thẳng ra biển, thì chả biết lọc bằng cách nào. “Trước mắt thì chúng tôi cho vớt rác và sử dụng các chế phẩm khử mùi hôi chứ giải pháp lâu dài thì phải phụ thuộc vào thành phố. Năm nào chúng tôi cũng báo cáo rõ việc này và đề xuất cách gỡ. Nhưng đây là một chủ trương lớn, không thể giải quyết ngay được”, bà Đức cho hay. Thậm chí, trong cuộc họp nóng ngay trên bãi biển Nguyễn Tất Thành về tình trạng ô nhiễm này, Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ Môi trường Trần Văn Tiên nói: “Ở đây chúng ta phải chọn hoặc là để khu dân cư ngập úng; hoặc là để bãi biển mất vệ sinh”. Ô hay, vậy hóa ra, sau mỗi trận mưa, Đà Nẵng không bị ngập giống TP Hồ Chí Minh; hóa ra chỉ vì có biển để đổ thẳng ra thôi, chứ không phải có giải pháp gì hay ho à?

Bạn đồng nghiệp bên Báo Công an Đà Nẵng từng nhận xét: “Bãi biển dọc đường Nguyễn Tất Thành: Như thiếu nữ không được gội đầu”. Một bãi biển xinh đẹp không được bảo vệ, chăm sóc cũng như một người thiếu nữ không ai ngó ngàng, rồi chả mấy chốc mà qua tuổi thanh xuân. Báo chí phản ánh về việc ô nhiễm ở khu vực bãi biển Nguyễn Tất Thành này từ rất lâu rồi, nhưng giải pháp thì chưa tới đâu. Trạm xử lý nước thải Phú Lộc nghe nói cũng đang “triển khai gấp”, nhưng cũng chưa biết đến bao giờ. Còn hiện tại, bãi biển xinh đẹp này ô nhiễm ngày càng nặng là sự thật, một sự thật “rất đau xót”.

Ô nhiễm trên biển Nguyễn Tất Thành chỉ là một vấn đề về môi trường ở Đà Nẵng. Đô thị này là một nơi có tốc độ phát triển nhanh. Đã phát triển nhanh thì ít nhiều đều gặp những vấn đề về môi trường. Ngay từ năm 2008, Đà Nẵng đã đưa ra một đề án để hạn chế tình trạng này. Đó là Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Đề án xác định có rất nhiều mục tiêu trong các giai đoạn, nhưng nhìn lại thì không phải mục tiêu nào cũng thực hiện được. Đơn cử, mục tiêu “giải quyết tình trạng ô nhiễm nước biển ven bờ” được đặt ra sẽ phải giải quyết trong giai đoạn 2008-2010, thế nhưng đến nay, biển Nguyễn Tất Thành vẫn đang bị ô nhiễm.

Trong đề án, Đà Nẵng đã đưa ra khái niệm “thành phố môi trường là nơi không bị ô nhiễm, suy thoái môi trường, là nơi con người sống hài hòa với tự nhiên.Từ khái niệm thành phố môi trường nêu trên và trên cơ sở khả năng điều kiện của thành phố Đà Nẵng, mô hình thành phố môi trường mà Đà Nẵng hướng đến trong tương lai là thành phố thân thiện môi trường đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí, ngoài ra còn quan tâm đến thu gom và xử lý chất thải rắn, không gian xanh đô thị”.

Đề án đưa ra hàng loạt mục tiêu được chia ra trong 3 giai đoạn.

Giai đoạn 2008-2010, sẽ giải quyết được một số vấn đề như nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn, ô nhiễm nước biển ven bờ, ô nhiễm âu thuyền Thọ Quang...

Tiếp theo, giai đoạn 2011-2015 phấn đấu đạt tiêu chuẩn 90% chất lượng nước thải của các khu công nghiệp, khu chế xuất đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường; 90% nước thải sinh hoạt của tất cả các quận nội thành được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; 90% số dân nội thành và 70% số dân các xã ngoại ô được sử dụng nước sạch; kiểm soát ô nhiễm không khí: Từ các nguồn phát sinh gồm giao thông đường bộ, khí thải công nghiệp và khí thải từ các khu vực đô thị. Đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học rừng của thành phố.

Giai đoạn cuối cùng, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu ở giai đoạn 2011-2015, đảm bảo đạt được tất cả các tiêu chí thành phố môi trường. Cụ thể: 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý; 70% chất thải rắn được tái chế; 25% lượng nước được tái sử dụng. Khi ấy, sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu đánh giá và công bố thành phố môi trường sau khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên.

Đã 8 năm từ khi đề án này được triển khai và đã bước vào năm đầu của giai đoạn cuối, 2016-2020. Thế nhưng, dường như còn quá nhiều việc phải tiến hành khẩn trương để đề án này trở thành hiện thực.

Đà Nẵng nổi tiếng với biển xanh, cát trắng, những con đường rộng thênh thang, gọn gàng và sạch sẽ. Thành phố này cũng có môi trường tốt, bao gồm cả môi trường đầu tư, môi trường sống. Nhưng đi ra khỏi những con đường thảm nhựa sạch sẽ trong lòng thành phố, rồi ngược về phía ngoại ô, không ít điểm nóng môi trường vẫn chưa được giải quyết.

Quận Liên Chiểu là một trong những địa phương có nhiều điểm nóng môi trường. Bãi rác Khánh Sơn, lò mổ gia súc tập trung Đà Sơn, xi măng Hải Vân, một số bãi biển dọc đường Nguyễn Tất Thành, nước thải tại khu công nghiệp Hòa Khánh... là những điểm nóng tại thành phố này.

Trong Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” ghi rõ trong giai đoạn 2008-2010 là “xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn”. Thế nhưng, trong cuộc họp ngày 2-8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng: “Việc xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn đã thất bại”. Bãi rác Khánh Sơn là bãi rác lớn nhất TP Đà Nẵng, một ngày có khoảng 700 tấn rác của toàn thành phố tập kết về đây, còn ngày tết thì khoảng 2.500 tấn. Với ngần ấy rác, lại xử lý bằng cách chôn lấp 24 năm qua, đồng nghĩa với việc một ngày nước rỉ rác phát sinh từ bãi rác này là khoảng 500-700m3/ngày đêm. Và nước rỉ này ngấm vào đất, ăn vào mạch nước ngầm, làm cho tất cả các giếng nước trong vùng đều không dùng được.

Năm 2015, chúng tôi được cùng đi trong chuyến khảo sát của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng. Khi đến khu vực xử lý nước rỉ rác của Công ty Quốc Việt (công ty ký hợp đồng với thành phố để xử lý việc này), thấy nhiều bể nước lớn vẫn còn màu cánh gián, nổi bọt trắng từng mảng lớn. Để minh chứng nước sau khi xử lý đã được làm sạch, không còn ô nhiễm, một vị đại diện cho công ty đã múc nước ngay tại bể lọc để súc miệng và rửa mặt. Ông khẳng định, chỉ là màu thế thôi, chứ nước đã hoàn toàn sạch rồi, các chỉ số này kia đều đảm bảo. Nhưng nhìn từng dòng nước màu nâu, sủi bọt, nổi váng, dù có súc miệng, thậm chí uống, chắc cũng chẳng ai tin được là nước sạch. Và một công ty khác đã được chọn để thay thế công ty Quốc Việt làm việc này, với tổng kinh phí là 79 tỉ đồng.

Cách bãi rác Khánh Sơn không xa, là Trung tâm Giết mổ tập trung Đà Sơn - nơi tập trung giết mổ gia súc, gia cầm của toàn TP Đà Nẵng. Giữa tháng 7-2016, chính quyền Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Trung tâm Chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng (thuộc Công ty CP Procimex Việt Nam) số tiền 270,4 triệu đồng. Trung tâm này xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật vào môi trường, kèm theo tình tiết tăng nặng là tái phạm. Nhưng đến cuối tháng 7, người dân lại tiếp tục phát hiện phát hiện trung tâm này lén lút xả thải ra môi trường. Đầu giờ chiều ngày 1-8, theo tin báo từ người dân, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến việc xả thải trực tiếp ra môi trường.

Khoảng 13 giờ, từ một con hẻm nhỏ ở khối phố Đà Sơn, chúng tôi theo sự chỉ dẫn của người dân, đi theo một con hẻm nhỏ dọc bờ kênh mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tại đây, người của trung tâm giết mổ cho bơm nước thải vào một đường ống nối từ trung tâm giết mổ ra thẳng con kênh. Ở đầu miệng ống, từng dòng nước đen ngòm, vẫn còn lẫn cả phân lợn, cứ thế ồng ộc xả thẳng ra kênh... Khánh Sơn và Đà Sơn, là hai khối phố liền kề nhau, chịu sự ô nhiễm trực tiếp từ bãi rác Khánh Sơn và lò mổ Đà Sơn. Sự ô nhiễm kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, mà theo như lời một người dân thì “khổ không bút mực mô tả được”.

Công bằng mà nói, việc Đà Nẵng đạt được hàng loạt các giải thưởng về môi trường như: Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011, thành phố phát thải carbon thấp năm 2012; năm 2013 đạt danh hiệu là một trong 20 thành phố xanh - sạch - đẹp; năm 2014 là thành viên “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu”… là một hợp lý. Bởi thành phố này vào cuộc rất khẩn trương và quyết liệt để giải quyết các vấn đề môi trường. Đến năm 2015, hệ thống cấp nước toàn thành phố này đạt công suất 210.000 m3/ngày đêm, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch toàn thành phố là 67,19%. Tỷ lệ cây xanh đô thị đạt 6,1m2/người, độ che phủ của rừng đạt 41,6%. Tỷ lệ thu gom rác thải toàn thành phố đạt 93%, chất thải nguy hại y tế được thu gom, xử lý đạt yêu cầu 100%.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc để làm. Trong các mục tiêu của Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” có mục tiêu giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm không khí tại các nhà máy, giảm thiểu bụi giao thông. Thế nhưng, ngày ngày người dân dọc Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Hòa Vang vẫn phải chen lấn giữa những hàng dài xe tải và mịt mù khói bụi từ các công trường khai thác đất, đá. Mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học rừng cũng đang bị lung lay, khi mà hàng loạt vụ phá rừng tại bán đảo Sơn Trà bị phát hiện và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của loài voọc chà vá chân nâu - một loài linh trưởng đặc hữu và quý hiếm, biểu tượng về sự đa dạng sinh học của TP Đà Nẵng. Mục tiêu trong giai đoạn 2011-2016 có 50% người chết được mai táng bằng phương pháp hỏa táng, dường như cũng còn xa vời khi theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, năm 2015 mới có 5% người chết được hỏa táng... Dẫn các số liệu trên để thấy, nếu không có những giải pháp quyết liệt, có thể đến năm 2020, thời điểm mà Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” kết thúc, những mục tiêu cần đạt được chỉ là ý tưởng.

Đà Nẵng tuy xanh, sạch, đẹp nhưng ở đâu đó, vẫn còn những điểm nóng về môi trường. Và chừng nào những hạn chế này còn chưa được khắc phục thì con đường biến Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường vẫn còn xa ngái.

Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” được thực hiện theo Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND do nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh ký.

Trong đề án này, mục tiêu đưa ra là năm 2020 có thể công bố “Đà Nẵng - thành phố môi trường”, với 4 mục tiêu tổng quát cần đạt được là:

1. Tạo nên một danh hiệu “thành phố môi trường” cho thành phố Đà Nẵng, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Đà Nẵng;

2. Ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường tại các khu dân cư, khu công nghiệp, vùng ven biển; Đảm bảo chất lượng môi trường nước, đất, không khí đặc biệt chú trọng đến vấn đề ô nhiễm không khí do giao thông vận tải, xử lý nước thải công nghiệp và chất thải nguy hại;

3. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường;

4. Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành thói quen, đi sâu vào nếp sống của mọi tầng lớp xã hội.

Các giải pháp được đưa ra để thực hiện đề án này gồm:

1. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường; huy động sự tham gia từ các sở, ban, ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể, đúng tiến độ, triển khai thực hiện đề án;

2. Tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và quản lý đô thị;

3. Xây dựng thể chế chính sách nhằm triển khai thực hiện thành công thành phố môi trường;

4. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trên toàn thành phố;

5. Đào tạo nguồn nhân lực;

6. Huy động vốn thực hiện Đề án;

7. Lồng ghép các vấn đề môi trường vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố;

8. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án.

Về vấn đề kinh phí thực hiện:

Kinh phí sẽ được xác định cụ thể trên cơ sở phê duyệt từng dự án khả thi của Đề án theo quy định của pháp luật. Ước tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án xây dựng “Đà Nẵng - thành phố môi trường” là 6.057 tỉ đồng. Trong đó tiền từ ngân sách Trung ương là 316 tỉ đồng; ngân sách thành phố là 952 tỉ đồng; vốn vay ODA là 2.316 tỉ đồng; và nguồn vốn từ các tổ chức khác là 2.472 tỉ đồng.

Thanh Hiếu

Năng lượng Mới 555