Gian nan quản lý mạng xã hội

07:30 | 01/10/2016

1,100 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mạng xã hội đang ngày càng phát triển với tất cả những lợi thế được đánh giá hơn hẳn báo chí về tốc độ lan truyền, sự nhanh nhạy mang tính thời sự… Thế nhưng chính những thế mạnh này lại khiến mạng xã hội đang bộc lộ những điểm yếu, trở thành công cụ cho những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Vậy để quản lý đặc biệt trong điều kiện chủ yếu máy chủ của các trang mạng xã hội này - điều kiện cốt tử để có thể quản lý hoạt động của mạng xã hội - đều nằm ở nước ngoài, cơ quan hữu trách trong nước đang thực hiện như thế nào? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đinh Hữu Tân, Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Nội, một đơn vị tham gia công tác quản lý mạng xã hội về vấn đề này.  

Những “tờ báo” cá nhân tùm lum

PV: Thưa ông, để có thể hình dung về sự hoạt động của trang mạng xã hội hiện nay tại Việt Nam, ông có thể cho biết những điểm cơ bản?

Đại tá Đinh Hữu Tân: Theo thống kê, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 155 giấy phép hoạt

gian nan quan ly mang xa hoi
Đại tá Đinh Hữu Tân

động cho các trang mạng xã hội, nghĩa là có ngần ấy trang mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có những trang rất quen thuộc đặc biệt với giới trẻ như Facebook, Instagram, Twitter, Otofun… Với các trang này có khoảng 30 triệu thành viên hoạt động dưới hình thức sử dụng chúng như công cụ để có thể viết nhật ký hằng ngày hoặc đăng tải những hình ảnh, quan điểm cá nhân về một sự việc, sự kiện hoặc thông tin đến cộng đồng mạng những lĩnh vực trong cuộc sống mà họ quan tâm, muốn chia sẻ. Nói chung về mạng xã hội có thể hiểu một cách đơn giản như thế này. Nó như một “tờ báo” của cá nhân, trong đó phản ánh cả cuộc sống riêng và cuộc sống chung của xã hội.

PV: Hiện nay các trang mạng xã hội đang được đánh giá là có rất nhiều ưu thế, kể cả so với báo chí. Quan điểm của ông như thế nào về nhận định này?

Đại tá Đinh Hữu Tân: Nếu nói về thông tin thì quả là mạng xã hội hiện nay dường như đang đứng số 1. Bởi tốc độ lan truyền thông tin theo tôi hiện chưa có phương tiện nào chứng minh ưu thế hơn. Để có thể được như vậy phải thừa nhận mạng xã hội có rất nhiều tính năng vượt trội, thể hiện rõ sự thông minh của người xây dựng, mà trong đó công nghệ được tận dụng tối đa. Và chính điều đó đã thu hút hàng chục triệu người trở thành thành viên của mạng xã hội. Bạn thử hình dung nhé, chỉ cần một chiếc máy tính kết nối mạng hoặc một chiếc điện thoại smartphone có sóng 3G, bạn vào mạng xã hội muốn tham gia rồi lập một tài khoản cá nhân ở đó. Chỉ trong tích tắc, bạn được chấp nhận trở thành viên để có thể sử dụng mọi tiện ích của nó. Tuy nhiên, đặc điểm gây thích thú nhất của các trang mạng xã hội cho bạn là sự kết nối giữa bạn với cộng đồng mạng rất lớn và được thực hiện trong khoảng thời gian không thể nhanh hơn. Điều đáng nói hơn là cộng đồng mạng mà mạng xã hội kết nối bạn đó toàn người bạn quen biết và mỗi người trong số họ có thể trở thành “thông tin viên” của bạn trước những thông điệp, hình ảnh bạn muốn truyền đi. Đã thế trước những thông tin, hình ảnh bạn đăng tải trên mạng xã hội, bạn lại có thể chỉnh sửa hoặc đăng tải rồi lại gỡ xuống, nghĩa là bạn chủ động hoàn toàn giống hệt như tờ báo cá nhân của bạn mà tôi đã ví ở trên. Trước những tính năng vượt trội của các trang xã hội như vậy, thử hỏi tại sao lại không thích, nhất là giới trẻ. Chưa kể đến còn nhiều tương tác khác… Tựu chung lại, chính những thế mạnh trên làm cho mạng xã hội phát triển như vũ bão.

Lợi ít hại nhiều

PV: Thế nhưng cũng chính những thế mạnh ấy lại khiến cho mạng xã hội bị lợi dụng trở thành công cụ để thực hiện những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Ông có đồng quan điểm như vậy?

Đại tá Đinh Hữu Tân: Bên cạnh những lợi thế thì đúng là mạng xã hội như “con dao hai lưỡi” nhất là khi được sử dụng bởi những kẻ cơ hội, muốn trục lợi… Và chính đặc điểm “ảo” của thế giới mạng đã làm cho những hành vi đó dễ thực hiện. Thế cho nên người ta mới nói mạng xã hội không xấu, mà xấu ở người sử dụng. Và thực tế suốt thời gian vừa qua đã có không ít vụ việc, vụ án lạm dụng mạng xã hội thành công cụ để thực hiện những hành vi phạm pháp. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội, mỗi tháng đơn vị tiếp nhận 3-5 đơn trình báo của bị hại người Việt tố cáo người nước ngoài hoặc trong nước lừa đảo hàng tỉ đồng qua mạng Facebook. Đơn cử như một vụ lừa đảo qua mạng xã hội gây xôn xao dư luận với hai thủ phạm là Nguyễn Đức Anh, 21 tuổi ở Ninh Bình và Nguyễn Thế Dũng, 22 tuổi đồng hương với Đức Anh. Hai đối tượng này đã giả mạo trang Facebook bán hàng hiệu để lừa đảo khách hàng. Nguyễn Đức Anh khai thường lang thang trên mạng Internet để tìm hiểu, “nghiên cứu” về phương thức kinh doanh cũng như các cửa hàng bán hàng trực tuyến có uy tín, đông khách hàng, nhiều “like”... Tháng 11-2014, Đức Anh lập Facebook giả tên “Mai Thảo Bông” giống hệt với trang Facebook “Mai Thảo Bông” thật, là nơi chuyên bán online túi xách, giày dép uy tín trên mạng do chị Trịnh Thu Huyền làm chủ. Khi thấy khách hàng đặt hàng trên Facebook thật, Đức Anh nhắn tin từ Facebook giả đến khách hàng đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà Đức Anh và Dũng đã lập ra. Sau khi “giao dịch” xong, Đức Anh và Dũng chỉ việc rút tiền ra tiêu. Cứ như vậy từ tháng 11-2014 đến tháng 3-2015, tính ra chúng đã thực hiện 10 “phi vụ” với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 120 triệu đồng.

gian nan quan ly mang xa hoi

Hoặc một vụ án khác liên quan đến một võ sư được nhiều người biết đến - võ sư Đoàn Đình Lân, vận động viên đội tuyển quốc gia Karatedo. Lân đã sử dụng mạng xã hội Zalo như một phương tiện để bẫy những cô gái trẻ dưới hình thức treo ở “status” một câu rất đơn giản “nhận chụp ảnh”. Câu này không chỉ cho thấy Lân là “thợ” chụp mà còn là người “yêu” cái đẹp, yêu nghệ thuật được tạo nên bởi ánh sáng đúng như một nhiếp ảnh gia. Cũng chính vì nội dung “nói ít hiểu nhiều” như vậy mà bẫy của Lân đã dụ được các cô. Đó là một nữ sinh viên, sau khi chấp nhận kết bạn với Lân trên Zalo rồi trò chuyện nhiều lần trên mạng, đã đồng ý làm người mẫu ảnh cho Lân. Địa chỉ mà Lân đưa cô gái đến chụp ảnh đáng lẽ phải là là studio thì lại là khách sạn tại Khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây, Lân đã hãm hiếp cô gái và quay cảnh “ân ái” giữa hai người để dùng nó khống chế không cho cô “lộ chuyện” cũng như không cho cô chống cự cơn cuồng dục của Lân.

Cuối cùng, trước sự tố cáo của cô gái, Đoàn Đình Lân cũng bị bắt và chịu án phạt của cơ quan pháp luật. Từ vụ án này cũng như nhiều vụ án khác liên quan đến mạng xã hội, có thể nói đây là phương tiện cho mọi hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó không thể không kể đến việc bội nhọ, nói xấu cơ quan, chính quyền của Nhà nước hoặc cá nhân; xuyên tạc thông tin gây dư luận xấu ảnh hưởng đến xã hội, thuần phong mỹ tục hoặc lối sống văn hóa v.v…

Quản lý: Yếu và thiếu

PV: Là một đơn vị tham gia công tác quản lý với vai trò bảo đảm an toàn an ninh truyền thông, Internet, ông có thể cho biết hiện quản lý mạng xã hội đang được thực hiện như thế nào?

Đại Tá Đinh Hữu Tân: Bất kể là quản lý cái gì ở lĩnh vực nào thì công tác quản lý phải được thực hiện

Các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội: Giả danh nhà mạng để nhắn tin trúng thưởng, yêu cầu người trúng thưởng nạp tiền để làm các thủ tục nhận thưởng. Giả danh nhà mạng khuyến mãi thẻ cào để lừa đảo lấy tiền của những người nạp tiền vào thẻ. Giả là người nước ngoài để làm quen với phụ nữ rồi lấy tiền của. Lấy cắp tài khoản Facebook cá nhân sau đó từ tài khoản này yêu cầu người thân, bạn bè chủ tài khoản nạp tiền hoặc mua thẻ cào. Giả Facebook bán hàng online rồi đề nghị người mua chuyển khoản vào tài khoản lập sẵn để lấy tiền.

trên cơ sở các văn bản pháp lý, công việc thực tiễn như thanh tra, kiểm tra và năng lực chuyên môn của các cá nhân tham gia quản lý. Đối với lĩnh vực liên quan đến Internet như mạng xã hội thì trang thiết bị, công nghệ đi kèm cũng là yếu tố không thể thiếu, thậm chí đó còn là điều kiện quyết định thành bại của công tác quản lý. Hiện chúng tôi đang quản lý mạng xã hội nói riêng, Internet nói chung trên cơ sở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành gồm Hiến pháp 2013, Luật An ninh Quốc gia, Luật Hình sự, Luật Báo chí, Nghị định của Chính phủ về Quy định xử phạt hành chính trong quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet… Bên cạnh đó là công tác thanh tra kiểm tra (phối hợp với các cơ quan liên ngành như Sở Thông tin Truyền thông, các phòng chuyên môn ở quận, huyện…). Đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao cũng là một biện pháp trong hệ thống quản lý liên quan đến Internet nói chung.

PV: Thưa ông, hiện hầu hết máy chủ của các trang mạng xã hội hiện nay đều ở nước ngoài, trong khi cá nhân tham gia mạng xã hội lại chủ động sử dụng. Vậy với công tác quản lý như ông vừa nêu, liệu có khó khăn không?

Đại tá Đinh Hữu Tân: Không phải là “có khó khăn không” mà là rất khó khăn. Bởi ở yếu tố nào của quá trình quản lý cũng thể hiện rõ hoặc là thiếu hoặc là không phù hợp, thậm chí là bất cập, chồng chéo. Tôi lấy ví dụ là hành lang pháp lý để thực hiện công tác quản lý nhưng hệ thống văn bản pháp quy, hướng dẫn có rất nhiều điểm chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Cụ thể như trong hoàn cảnh mạng xã hội đang dễ dàng bị lợi dụng trở thành công cụ phạm tội hiện nay vậy mà có không ít vụ việc theo Thông tư, Nghị định hướng dẫn chỉ được phép xử lý hành chính, mà không được xử thành án, mặc dù xét tính chất vụ việc có thể đủ nghiêm trọng để xử lý như vậy. Điều đó cho thấy chế tài không đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm và không phát huy hết được vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước. Tiếp đến là sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan quản lý thuộc các bộ, ngành liên quan chưa chặt chẽ, chưa tìm được tiếng nói chung trong công tác quản lý về an ninh mạng, vẫn mạnh ai người ấy làm làm cho sức mạnh “tập thể” bị phân tán nhỏ lẻ, đồng thời dẫn đến hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chưa cao. Rồi cả trang thiết bị chưa đáp ứng với tốc độ phát triển của kỹ thuật số tính bằng ngày, giờ hiện nay. Nhân lực cũng là một điều kiện tiên quyết đối với hiệu quả quản lý. Thế nhưng phải nói thật là nguồn nhân lực tham gia công tác quản lý mạng xã hội hiện không chỉ mỏng mà trình độ năng lực còn chưa bắt kịp “cuộc sống số”. Bên cạnh những khó khăn chủ quan thì khách quan chính đặc điểm “ảo” của thế giới mạng làm cho công tác quản lý vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn, đặc biệt là trong việc xác định tài liệu chứng cứ. Và cả sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chưa được thông suốt.

PV: Vậy công tác quản lý an ninh mạng hiện nay phải làm thế nào để hiệu quả, thưa ông?

Đại tá Đinh Hữu Tân: Bằng nghiệp vụ, chuyên môn của chúng tôi, chúng tôi vẫn có cách để quản lý, để vẫn có thể đấu tranh trực diện với tội phạm công nghệ cao ngăn ngừa hành vi phạm tội. Nếu không có cách quản lý như vậy làm sao suốt trong thời gian vừa qua với nhiều diễn biến phức tạp trong xã hội, về cơ bản chúng tôi vẫn bảo đảm an toàn an ninh truyền thông, Internet…

gian nan quan ly mang xa hoi
Một đối tượng nước ngoài lừa đảo qua mạng xã hội bị bắt

PV: Xin được hỏi ông câu cuối, theo ông giải pháp nào sẽ là sáng kiến để có thể khắc phục khó khăn đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý mạng xã hội nói riêng, Internet nói chung?

Đại tá Đinh Hữu Tân: Theo tôi trước hết phải chuẩn hóa hệ thống văn bản pháp quy đồng thời kết hợp tuyên truyền để người dân hiểu rõ mặt trái - mặt phải của mạng xã hội nhằm từ đó xác định ý thức của họ khi trở thành thành viên của mạng lưới này. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện sai phạm của các trang mạng xã hội cũng như của thành viên để kịp thời chấn chỉnh, xử lý làm cho môi trường mạng trong sạch, lành mạnh. Trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, nâng cao nguồn nhân lực cũng là những giải pháp phải thực hiện để nâng cao hiệu quả quản lý mạng xã hội hiện nay.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tú Anh

Cần có đại diện của mạng xã hội nước ngoài tại Việt Nam

Hiện Facebook đang giữ vị trí quán quân trong “bảng xếp hạng” những trang mạng xã hội có lượng thành viên lớn nhất. Sau đó, đến một số trang như Zalo, Twitter, Instagram… rồi cả một số mạng chuyên biệt như: YouTube, Bigo Live… Xét về mặt tích cực, mạng xã hội không chỉ có tính kết nối rất lớn mà còn mang lại những lợi ích kinh thế thiết thực nếu doanh nghiệp sử dụng phù hợp. Hiện nay do xu hướng thương mại điện tử phát triển và chắc chắn chiếm ưu thế so với hình thức bán hàng truyền thống nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển dần sang phương thức kinh doanh này đồng thời lập Fanpage, tham gia mạng xã hội... để phát triển thương hiệu trong cộng đồng… Tuy nhiên, do những khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là việc phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và những nhà cung cấp dịch vụ hay các nhà sáng lập mạng xã hội nên cần phải có những biện pháp để xây dựng một xã hội lành mạnh trong thế giới mạng để phát huy những giá trị tích cực, lan tỏa thông tin tích cực nhằm lấn át thông tin độc, xấu…

Để thực hiện chủ trương này, ngoài việc ban hành các văn bản pháp luật, thanh tra giám sát thường xuyên hoặc cố gắng phát hiện và kịp thời chấn chỉnh sai phạm, các cơ quan quản lý Nhà nước còn khuyến cáo các trang mạng xã hội nước ngoài thành lập văn phòng đại diện, cử người đại diện tại Việt Nam để hoạt động đúng với pháp luật Việt Nam, đồng thời kịp điểu chỉnh hoạt động trong trường hợp sai phạm. Nắm được chỉ đạo này, Facebook đã có đại diện tại Việt Nam và mạng Bigo, một mạng xã hội khá lớn của Singapore cũng đang có kế hoạch này.

Phát biểu về kế hoạch thành lập văn phòng đại diện tại đây, đại diện Bigo tại Singapore cho hay: “Bigo Live là một sản phẩm toàn cầu, chúng tôi cam kết hoạt động theo pháp luật, có đạo đức, và có tính xây dựng cuộc sống cao... và ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Hiện tại đối với Việt Nam, Bigo Live vẫn là một sản phẩm được cung cấp theo hình thức xuyên biên giới, nghĩa là, đến thời điểm này chúng tôi chưa có bất kỳ pháp nhân nào tại Việt Nam. Tuy nhiên, như chúng tôi đã xác định, với mục đích kinh doanh bền vững và đặt Việt Nam là một trong những thị trường kinh doanh trọng điểm, chúng tôi đang làm việc với một số hãng luật quốc tế để tìm hiểu các quy định quốc tế cũng như quy định của nước sở tại về lĩnh vực cũng như sản phẩm mà chúng tôi đang kinh doanh. Chúng tôi sẽ sớm chọn ra một hình thức hiện diện pháp nhân phù hợp nhất với nhu cầu của mình tại Việt Nam và sẽ thực hiện trách nhiệm pháp lý của mình một cách đúng đắn, công khai, minh bạch”.

Vị đại diện này cũng nói thêm: “Bigo Live không phải là ứng dụng Live stream (truyền tải nội dung trực tiếp qua mạng Internet) đầu tiên, và chắc chắn không phải là ứng dụng cuối cùng. Hiện nay, có khoảng 3-4 sản phẩm live stream tại Việt Nam, và dự tính có thêm khoảng 2-3 sản phẩm nữa đang được thử nghiệm và sẽ ra mắt trong thời gian tới. Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý chuyên ngành, giới truyền thông, đối tác, khách hàng… có những hướng dẫn, hỗ trợ tích cực nhằm giúp các công ty nước ngoài như chúng tôi thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ kinh doanh của mình, cũng như để cùng đóng góp vào sự phát triển của ngành dịch vụ này”

P.V

Năng lượng Mới 562

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc