Gian lận xăng dầu: Cần xử lý hình sự

08:47 | 24/01/2016

955 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vào những ngày cuối cùng của năm 2015 Công an TP Hà Nội đã bắt giam tổng cộng 8 người sau sự kiện phát hiện các thiết bị gian lận đo lường tại 2 cây xăng trên địa bàn thành phố. Dư luận hoan nghênh việc xử lý mạnh tay và đúng pháp luật của Hà Nội, hy vọng việc nghiêm trị này sẽ khiến những người đã, đang móc túi người mua xăng phải chùn tay.  

Ngày càng tinh vi

Hồi năm 2014, lợi dụng sự mất cảnh giác của khách hàng, nhân viên của 2 cây xăng trên địa bàn Hà Nội “móc túi” khách bằng cách:

Cách thứ nhất là bơm nối số. Theo nguyên tắc, khi kết thúc việc bơm xăng cho khách hàng trước, nhân viên bán xăng phải bấm cho đồng hồ đếm hiển thị trở về số 0 rồi mới bơm cho khách hàng thứ hai. Tuy nhiên, khách hàng mua xăng, khi tới lượt bơm, thường loay hoay với việc mở lắp bình xăng hoặc chú trọng hơn vào việc trông đồ (lúc đó đang để trong cốp xe hoặc treo bên thành xe) nên ít để ý đến đồng hồ đếm trên cột bơm.

Lợi dụng thời điểm “vàng” này, các nhân viên gian lận sẽ bỏ qua động tác đưa đồng hồ về số 0 và tiếp tục bơm cho họ. Như vậy, nếu họ bơm 40 nghìn đồng cho xe trước thì xe sau, con số trên cột bơm có nhảy tới 60 nghìn đồng, số lượng xăng thực tế chảy vào bình chỉ là 20 nghìn đồng. Và thế là khách hàng sau bị móc túi 40 nghìn đồng.

can xu ly hinh su
Cây xăng 436 Trần Khát Chân

Khách hàng đi ôtô dễ dính bẫy “bơm nối số” nhất vì bình xăng của ôtô dung tích lớn, khó phát hiện khi bị gian lận.

“Xe bơm có khi cả triệu đồng mới đầy bình, họ nối số chừng 50 nghìn đồng thì rất khó phát hiện. Tôi đã từng bị như vậy, nhưng khi phát hiện, cô bơm xăng cười tỏ vẻ hối lỗi và lý giải là do lơ đãng, cô ấy quên đưa đồng hồ về 0 rồi bơm bù cho tôi. Tôi lúc ấy đang vội nên cũng chẳng có thời giờ để nán lại giải quyết cho ra ngô ra khoai nên cũng xuề xòa cho qua”.

Ấy thế nhưng, chiêu trò bơm nối số như đã kể trên giờ đã “xưa như Diễm”. Gian lận xăng dầu bây giờ tăng độ tinh vi từng năm, thậm chí từng tháng cùng với sự phát triển của công nghệ.

Dư luận cả nước đã từng xôn xao bởi vụ bắt quả tang chíp gian lận đồng hồ đếm xăng dầu điều khiển từ xa ở Nghệ An hồi cuối tháng 12-2014. Nhưng ít ai biết rằng, để lật tẩy được thủ đoạn của nhóm nhân viên bán xăng cao thủ này, Công an tỉnh Nghệ An đã phải lập cả một chuyên án.

Băn khoăn, nghi ngờ sự gian xảo của các cửa hàng này trong đong đếm xăng thì dư luận đã ồn ào nhưng để bắt quả tang thì vô cùng khó bởi qua trinh sát nắm tình hình các trinh sát biết được thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi và công nghệ gian lận là dạng “công nghệ cao”.

Vào thời điểm đó, tại Nghệ An, kết quả trinh sát của công an cho thấy, có tới 11 cột bán xăng dầu sử dụng loại IC này. Khách hàng cứ mua 100 lít xăng hoặc dầu thì bị các cây xăng này ăn bớt 4-11 lít!

can xu ly hinh su
Chip gian lận được tìm thấy tại cửa hàng xăng dầu HFC

Sau khi các đối tượng bán xăng gian lận bị bắt giữ thì công nghệ gian lận cao được làm sáng tỏ. Trần Lê Đức (SN 1979, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), người sản xuất ra các con IC này khai nhận. Từng là thợ điện tử lành nghề Công ty CP Kỹ thuật SEEN chuyên thiết kế, sản xuất cột bơm nhiên liệu điện tử trong 10 năm sau đó mới thôi việc và thành lập công ty riêng.

Nắm bắt được nhu cầu cần mua thiết bị gian lận nên Đức đã tìm cách chế tạo. Đầu tiên, Đức mua những chiếc IC chuẩn của Công ty SEEN với giá 300-500 nghìn đồng rồi xóa chương trình thật để cài đặt phần mềm chạy chương trình giả hoặc ra chợ trời tìm mua linh kiện để chế tạo chíp điện tử có khả năng "móc túi" người dân bằng "công nghệ" ăn cắp xăng và bán cho khách hàng với giá 1 triệu đồng/IC.

Các tài liệu điều tra cũng như khai nhận của Đức cho thấy, loại mặt hàng này bán rất chạy, bởi tuổi thọ những IC giả này rất ngắn. Nếu chạy chương trình sai để gian lận thì chỉ vài ba tháng là phải thay.

Tại Hà Nội, 2 cây xăng vừa bị bắt giữ cũng gian lận xăng đầu bằng IC có điều khiển từ xa. Từ thông tin của người dân cung cấp, cơ quan chức năng đã kiểm tra 2 cây xăng là cây xăng 436 đường Trần Khát Chân và cây xăng Yên Viên, thuộc địa bàn xã Yên Viên, huyện Gia Lâm. Tại cây xăng 436 đường Trần Khát Chân, tại thời điểm kiểm tra, một khách hàng bơm 20 lít xăng nhưng kiểm tra bằng bình tiêu chuẩn chỉ đạt 19 lít.

Lực lượng liên ngành đã yêu cầu nhân viên cây xăng ngừng hoạt động để kiểm tra. Tại mỗi cây xăng có 3 cột bơm và các cột bơm này đều bị gắn chíp cùng bảng mạch điện tử, được nhân viên dùng điều khiển từ xa để làm thay đổi bộ đếm cột bơm. Khi lực lượng chức năng tháo chíp điện tử, toàn bộ các cột bơm xăng đều không hoạt động.

Cây xăng Yên Viên thuộc địa bàn xã Yên Viên, huyện Gia Lâm cũng gian lận bằng thủ đoạn tương tự. Và cùng với việc tiến hành bắt giữ 6 người liên quan đến hành vi phạm tội tại hai cây xăng kể trên thì Công an Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng cung cấp IC gian lận cho các cửa hàng xăng dầu này.

Theo các kỹ sư, gian lận công nghệ cao phổ biến nhất là sử dụng thiết bị điều chỉnh sai số của máy bơm. Họ dùng IC với mã số bí mật được cài đặt sẵn và có thể điều khiển qua bàn phím cột bơm, khiến cột hiển thị lượng xăng lớn hơn thực tế. Có trường hợp lắp bảng vi mạch điện tử gây sai số lớn, thậm chí đến hơn 9%.

Cũng có nơi cột bơm được lắp thêm công tắc chuyển mạch hoặc thiết bị đóng ngắt cầu dao có mã số. Khi cầu dao được ngắt, dữ liệu về việc đong đếm xăng không đầy đủ sẽ bị xóa hết và màn hình hiển thị trở về trạng thái như khi chưa hề có gian lận. Đây chính là thủ đoạn đối phó khá tinh vi.

Không lẽ bó tay

Trên các diễn đàn mạng, đây là một chủ đề nóng được nhiều người quan tâm. Giải pháp đối phó với các cây xăng gian lận được đưa ra khá nhiều. Như, khi mua xăng, khách hàng cần yêu cầu nhân viên đưa đồng hồ về số 0 mới được bơm để tránh thủ đoạn bơm nối số. Như, yêu cầu nhân viên bán xăng không được bóp giật máy bơm nhiều lần để tránh tình trạng xăng chảy ít bị hao hụt.

Hay, khi mua xăng không nên để nhân viên cài đặt sẵn số tiền mà nên để đong đến độ cần thiết thì yêu cầu họ dừng lại thanh toán. Hoặc, không nên mua chẵn (ví dụ 20 nghìn đồng) mà nên mua lẻ (ví dụ 31 nghìn đồng).

Nhiều người cũng đề xuất cần phải có chính sách buộc các cây xăng phải lắp đặt 2 loại thiết bị: một là thiết bị đo lường chuẩn để người dân dễ kiểm chứng bằng mắt thường và hai là lắp máy in hóa đơn tự động (giống như ở siêu thị) để người dân có bằng chứng khiếu nại, tố cáo khi cần thiết.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những cách đối phó với các thủ đoạn gian lận thô sơ, còn các thủ đoạn gian lận tinh vi như kiểu gắn IC làm thay đổi độ chính xác của đồng hồ bơm theo hướng có lợi cho cây xăng thì người dân rất khó đối phó. Bởi các thiết bị gian lận đó không thể quan sát được bằng mắt thường.

Và người dân cũng khó có khả năng được nhân viên bán xăng đáp ứng yêu cầu được xem tem kiểm định trên thiết bị của họ. Chính vì lẽ đó mà phương cách đối phó hiệu quả nhất vẫn là các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm bằng hình sự đối với các cây xăng gian lận, giống như Hà Nội, Nghệ An và một số tỉnh thành khác đã làm.

Được biết, sau vụ Công an TP Hà Nội và các đơn vị chức năng khám phá thành công 2 vụ gian lận xăng dầu ở Hà Nội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã biểu dương Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) và Phòng An ninh kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) trong việc triển khai, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước thời gian qua.

Phó thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Công an thành phố khẩn trương điều tra làm rõ các hành vi vi phạm của đối tượng liên quan để xử lý công khai, nghiêm minh theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 2-2016.

 

Song Thi

Năng lượng Mới 493