Gian lận trợ cấp thất nghiệp

07:21 | 20/11/2017

881 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vài năm nay, tình trạng một số người lao động lợi dụng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để gian lận, chiếm dụng những khoản tiền lớn từ ngân sách.

Tại sao lại để xảy ra hậu quả này? Theo các chuyên gia về bảo hiểm thì chính kẽ hở của Luật Việc làm đã dẫn đến tình trạng gian lận BHTN.

Cụ thể, luật này quy định người lao động trong thời hạn 3 tháng sau khi có quyết định nghỉ việc thì đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau khi cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ đầy đủ thì lại phải mất thêm 20 ngày mới có kết quả. Như vậy là tạo ra một khoảng trống thời gian, trong khi cơ quan chức năng đang rà soát, xem xét thì người lao động đã tìm được việc làm mới. Họ cứ đi làm, nhận lương chỗ mới và vẫn ung dung nhận khoản tiền BHTN.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Theo cách tính trên thì nếu người lao động tham gia bảo hiểm từ đủ 1 năm đến 3 năm thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ 1 năm thì sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp. Nếu đóng trợ cấp thất nghiệp trên 3 năm, nhưng thời gian đóng từ năm thứ 4 mà không đủ 1 năm thì được bảo lưu lại theo quy định tại khoản 7 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.

gian lan tro cap that nghiep
Nơi nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp

10 tháng năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM có gần 129.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời trung tâm phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố đã phát hiện khoảng 330 người lao động có việc làm nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng. Cơ quan chức năng chỉ biết được chuyện gian lận này khi người lao động được nhận vào làm chính thức và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại nơi làm mới. Nhưng trong thời gian đó, họ vẫn nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.

Ở Trung tâm Giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) từ đầu năm 2017 đến nay, số người đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng đột biến. 5 tháng đầu năm đã có 17.877 người đến nộp hồ sơ, tăng 24,98% so với cùng kỳ năm 2016 (14.304 người). 13.985 người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng với tổng số tiền trên 226 tỉ đồng (tăng 63,18% so với cùng kỳ). Phần lớn người thất nghiệp là lao động phổ thông, đa số làm việc ở các ngành may, giày da, dệt, nhuộm, thiết kế thời trang, nhựa, bao bì, in.

Mới điểm qua hai địa phương ở phía nam mà đã thấy số người nhận trợ cấp thất nghiệp với số tiền rất lớn. Vậy nếu thống kê phạm vi cả nước thì chưa biết sẽ là bao nhiêu. Ngân sách đang bị chiếm dụng không hề nhỏ.

Từ năm ngoái, Quỹ BHTN đã kết dư gần 59.000 tỉ đồng, tăng 9.500 tỉ đồng so với 2015, tương đương trên 19%.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, kết dư nhiều đến mức này là bất hợp lý vì đây là quỹ ngắn hạn, nên chi hết trong năm, chỉ để một phần kết dư nhỏ để gối đầu giữa hai năm. Cũng theo ông Lợi, kết dư quỹ nhiều như kể trên là do chi từ Quỹ BHTN chưa đúng mục đích.

Ông chỉ ra một khâu quan trọng là: “Quỹ mới chi để đảm bảo người lao động có nguồn tài chính sinh sống tạm thời khi thất nghiệp, chưa tập trung chi cho đào tạo để người lao động tái gia nhập thị trường lao động, trong khi quy định có mục chi này”.

Hiện nay, mới chỉ có 4,9% người thất nghiệp được nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN để học nghề, chuyển đổi nghề. Quỹ cũng chưa thực hiện được việc trích cho doanh nghiệp đào tạo chuyển đổi nghề, dự phòng thất nghiệp. Vì vậy, Chính phủ cũng đang đề xuất giảm 1/2 phí BHTN trong 3 năm 2018-2020.

Luật BHXH mới có khoản quy định là từ ngày 1-1-2018 người lao động tham gia hợp đồng lao động từ một tháng trở lên cũng phải tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, nếu thực hiện quy định nói trên, người lao động khó có thể gian lận hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nhìn lại thực trạng trên đây mới thấy rằng, người lao động đã lợi dụng được kẽ hở của Luật Việc làm để gian lận và chiếm dụng một khoản tiền khá lớn. Nếu không kịp thời rà soát chặt chẽ ở các doanh nghiệp cũng như cơ sở làm việc thì cơ quan chức năng khó lòng phát hiện ra. Như vậy, vấn đề tự giác của người lao động vẫn là yếu tố quan trọng. Lòng tham của họ có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Cho nên, sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với các doanh nghiệp cần được tăng cường và siết chặt hơn.

Bùi Đức