Gian lận công trạng

21:12 | 26/04/2017

2,660 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không phải đến bây giờ mà mấy chục năm qua, tình trạng bất công giữa người có công và người không có công diễn ra phổ biến ở khắp các địa phương.

Đi đến đâu cũng thấy người dân xì xào bàn tán về những trường hợp khai man lý lịch hoặc cán bộ tiếp tay cho những người không có công được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Không ít những thủ phạm cố tình gây ra hậu quả nghiêm trọng đã bị phanh phui và chịu sự trừng trị của pháp luật. Nhưng do lòng tham và sự liều lĩnh, những thủ phạm loại này vẫn tiếp tục hoạt động, gây thất thoát ngân sách và làm mất niềm tin của nhân dân.

Ưu đãi người có công với đất nước là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đó vừa là trách nhiệm ghi nhận, tôn vinh, vừa là lòng biết ơn sâu sắc của đất nước, nhân dân đối với những cống hiến của người có công. Tuy nhiên, một thực trạng đau lòng là không ít cá nhân đã lợi dụng chính sách này để trục lợi bằng cách làm giả, khai man hồ sơ.

gian lan cong trang
Khám chữa bệnh cho đối tượng chính sách

Thời gian qua, sau khi rà soát 60.000 hồ sơ người có công, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát hiện có tới 12.000 hồ sơ có dấu hiệu không đúng quy định (chiếm tới 1/5), trong đó có 1.800 trường hợp buộc phải thu hồi vì hồ sơ giả mạo, chi sai.

Nhiều địa phương, tỷ lệ hồ sơ sai phạm lên tới 40%. Hiện đã có tới 134 cán bộ sai phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong lập và xác nhận hồ sơ người có công bị đề nghị xử lý. Chỉ 5 hồ sơ kê khai sai ở một xã đã gây thất thoát hơn 500 triệu đồng tiền ngân sách.

Các đợt rà soát tại 29 tỉnh, thành cho thấy, hầu hết các địa phương đều có những trường hợp không đúng quy định, hưởng sai chính sách, đặc biệt trong khu vực các đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Không chỉ cá nhân cố ý khai man, nhiều hồ sơ người có công giả có sự tiếp tay của chính quyền địa phương.

Hàng nghìn hồ sơ người có công giả được thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát hiện cho thấy nhiều cách thức, thủ đoạn khai man như đi bộ đội sau 1975 nhưng lại khai đi từ chống Mỹ, giả mạo giấy chứng thương, giả mạo hồ sơ gốc, thậm chí mượn Huân chương của người khác để khai là của mình...

Có người tham gia chiến tranh chống Mỹ nhưng không chiến đấu và công tác ở vùng có chất độc da cam nhưng vẫn được hưởng tiền hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Trái lại, có người gánh chịu hậu quả nặng nề, mấy con bị dị dạng, tâm thần, sống thực vật nhưng cả bố và con đều không được hưởng chính sách.

Có người bị tai nạn lao động trong thời kỳ chiến tranh cũng khai man hồ sơ để hưởng chế độ thương binh. Rồi có thương binh hạng nhẹ thì chạy vạy để chuyển thành thương binh hạng nặng hơn, nhận tiền trợ cấp nhiều hơn. Ở địa phương, quan hệ bạn bè thân hữu, quan hệ dòng họ giúp nhau để gian lận diễn ra tràn lan.

Thậm chí, có những cán bộ làm công tác chính sách đã lợi dụng quyền hạn của mình để nghĩ ra nhiều cách làm gian dối, gợi ý người dân lập hồ sơ giả, phê duyệt chứng nhận hợp lệ để ăn tiền. Tùy từng trường hợp mà họ định giá với nhau ăn chia bao nhiêu phần trăm hoặc nhận trọn gói bao nhiêu tiền. Hàng ngàn tỉ đồng chính sách bị trục lợi, hiện chưa thể thu hồi lại.

Thế là người có công thật thì bị gạt ra ngoài hoặc để “ngâm cứu” hết năm này sang năm khác vẫn chưa được hưởng chế độ. Nhiều người có công đã vĩnh viễn ra đi vì bệnh tật, di chứng chiến tranh mà chưa kịp được hưởng chế độ ưu đãi. Cả nước có hàng nghìn người đã phải âm thầm chịu thiệt thòi như thế, ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của Đảng và Nhà nước.

Hành vi gian dối đã xúc phạm tới những người có công đang hưởng chính sách và cả xã hội. Chúng đã lợi dụng những đóng góp xương máu mà người có công dành cho đất nước và tình cảm thiêng liêng mà đất nước, nhân dân dành cho người có công. Thành tích giả, mộ giả và bây giờ là tổn thất giả… để trục lợi từ ngân sách. Đó là những kẻ bất lương, vô nhân đạo.

Khoản tiền trợ cấp ít ỏi hằng tháng chỉ là sự đền đáp tối thiểu cho những mất mát, hy sinh trong chiến tranh của người dân. Khi bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do của đất nước, có ai nghĩ mình dấn thân để sau đó được hưởng lợi ích gì. Họ chỉ cần tình cảm, thái độ trân trọng của đội ngũ những người thực thi chính sách, những người được giao trách nhiệm chăm lo, giải quyết chế độ mà Nhà nước ban hành.

Cả nước ta có gần 10% dân số thuộc diện hưởng chính sách. 12.000 trường hợp sai phạm không phải quá lớn nhưng vấn đề ở chỗ, niềm tin bị phôi pha. Người có công bị lừa dối nghĩa là điều thiêng liêng nhất đã bị lòng tham xâm hại. Thật đau lòng!

Chính vì lẽ đó, các cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn nữa khâu quản lý, kiểm tra đội ngũ cán bộ làm chính sách xã hội; xử lý mạnh tay hơn với những đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này. Có như thế mới đem lại sự công bằng và lợi ích chính đáng cho người có công.

Bùi Đức