Giảm tốc độ phương tiện nhằm đẩy lùi TNGT?

13:34 | 26/04/2017

397 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước thực trạng tai nạn giao thông của nước ta đang ở mức báo động, Tiến sĩ Lokky Wai - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) cho rằng, cần phải giảm tốc độ tối đa khi tham gia giao thông của các phương tiện tại khu vực đô thị, khu đông dân cư, gần các trường tiểu học từ 60km/h xuống còn 50km/h.

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp với WHO và các đơn vị liên quan tổ chức buổi họp báo công bố Kế hoạch tổ chức tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 4 do Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề “Tốc độ”.

Tại buổi họp, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, các vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến vi phạm quy định về tốc độ đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, nguyên nhân chính và trực tiếp là do ý thức của người tham gia giao thông.

giam toc do phuong tien nham day lui tngt
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông ở Hà Nội.

Lấy dẫn chứng cho việc này, ông Khuất Việt Hùng cho hay, hằng năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng 1,25 triệu người và 50 triệu người bị thương trên toàn cầu. Ở Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức quốc tế, đông đảo người dân, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn ở mức cao, khi số người tử vong mỗi ngày do tai nạn giao thông là 24 người và 60 người bị thương. Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra mục tiêu phấn đấu đến 2020 sẽ giảm tai nạn giao thông toàn cầu với mức 50%.

Tiến sĩ Lokky Wai cho biết, chỉ cần giảm 5% tốc độ phương tiện tham gia giao thông, có thể giảm 30% số vụ tai nạn dẫn đến chết người. Đồng thời kiến nghị giảm tốc độ tối đa khi tham gia giao thông của các phương tiện tại khu đô thị, khu đông dân cư, gần các trường tiểu học từ 60km/h xuống còn 50km/h.

“Hà Nội là khu vực tập trung đông dân cư, lượng phương tiện giao thông lớn nên cần giảm tốc độ xuống thấp. Các thành phố lớn trên thế giới cũng chỉ cho phương tiện lưu thông với tốc độ 30km/h ở các khu vực gần trường học và khu đông dân cư. Hơn nữa, khi cầm lái với tốc độ cao, tài xế khó có thể dừng ngay và ảnh hưởng tác động quán tính mạnh hơn, khả năng gây ra vết thương nghiêm trọng, tổn thất tính mạng cao. Khi giảm tốc độ sẽ giảm mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn giao thông. Tùy thuộc vào tình trạng giao thông từng khu vực, đây không phải là giải pháp áp dụng ở mọi địa bàn” - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói.

Sau khi xem xét kiến nghị của đại diện WHO, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung này mâu thuẫn với Thông tư 91 của Bộ Giao thông Vận tải về việc “nới lỏng” quy định tốc độ xe chạy.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đang đánh giá lại tốc độ lưu thông của các phương tiện ở một số khu vực, nhất là các điểm đen tai nạn giao thông. Từ đó, Bộ sẽ xem xét và giao Tổng cục Đường bộ cắm biển hạn chế tốc độ.

Thông tư 91 của Bộ Giao thông Vận tải chính thức có hiệu lực từ 1/3/2016 cho phép nâng tốc độ tối đa của xe cơ giới gồm: ô tô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy, kể cả xe máy điện… thêm 10km/h ở khu vực đông dân cư.

Theo đó, trên đường bộ trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), các loại xe cơ giới được chạy tối đa 60km/h trên đường đôi có dải phân cách giữa, đường một chiều có 2 làn xe cơ giới trở lên và được chạy tối đa 50km/h tại đường hai chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có một làn xe cơ giới.

Trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư, xe ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ, ô tô tải từ 3,5 tấn trở lên được chạy tối đa 80-90km/h; ô tô trên 30 chỗ, tải trọng trên 3,5 tấn được chạy tối đa 70-80km/h, ô tô buýt, đầu kéo rơ-moóc chạy tối đa 60-70km/h, ô tô kéo rơ-moóc chạy 50-60km/h.

Xuân Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc