Thảo luận về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi):

Giảm hình phạt tử hình!

18:30 | 16/06/2015

926 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng 16/6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Thảo luận dự thảo Bộ luật, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu là nên bỏ tử hình với những tội danh nào.

Đa số ý kiến tại phiên thảo luận đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, mục tiêu sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Bộ luật hình sự cũng như những quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật hình sự nhằm cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013 và tiếp tục thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về công tác tư pháp, trong đó có pháp luật hình sự, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) và Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh), để bảo đảm tính khả thi, chất lượng và hiệu quả của dự án Bộ luật, việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật lần này trước hết cần tập trung giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong điều kiện Quốc hội khóa 13 chỉ còn 2 kỳ họp, việc ban hành Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng, đây là cơ sở pháp lý để xây dựng các đạo luật khác như: Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam.

Do đó, sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, các đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) và nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cử tri cả nước về dự án Bộ luật này.

Giảm hình phạt tử hình!

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội)

Miễn tử hình nếu khắc phục hậu quả kinh tế?

Một trong những định hướng quan trọng sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự lần này được xác định là “Đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới".

Trao đổi với báo giới bên hành lang nghị trường, Đại biểu Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, hướng giảm án tử hình là phù hợp với xu thế chung, đúng với quan điểm cải cách tư pháp của Đảng. Hơn nữa, pháp luật nước ta vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính trừng trị, răn đe và phòng ngừa, nên đối với tội phạm kinh tế hay chức vụ, nếu người phạm tội cơ bản khắc phục được hậu quả thì nên cho họ cơ hội sống.

Liên quan quy định đến án tử hình, dự thảo luật do Chính phủ trình đề xuất 3 hướng: Giảm những điều luật có quy định án tử hình; tăng cường các điều kiện có thể hạn chế việc thực hiện án tử hình và quy định khi đã tuyên án tử hình thì cũng đưa ra một cơ hội để người phạm tội có thể giữ lại mạng sống.

Theo đó, với những trường hợp tuyên án tử hình nhưng trong quá trình chờ thi hành án, người đó có lập công hay khắc phục cơ bản những thiệt hại do hành vi của mình gây ra thì có thể được xem xét để chuyển án tử hình xuống tù chung thân.

Biểu hiện rõ nét của định hướng này chính là việc bổ sung vào Bộ luật Hình sự chế định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân là các tổ chức kinh tế khi thực hiện một số tội phạm do Bộ luật Hình sự quy định.

Giảm hình phạt tử hình!

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM)

Tán thành với quan điểm trên, đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đề nghị cần thận trọng và có lộ trình, bước đi phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn trong việc thực hiện chính sách hình sự, tạo sự ổn định trong thực hiện Bộ luật Hình sự.

Theo đại biểu, kinh nghiệm của thế giới xử lý hình sự đối với pháp nhân kinh tế chủ yếu là vì mục đích lợi nhuận. Hơn nữa về lý luận, đại biểu nêu rõ muốn xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân phải hội tụ 3 yếu tố: hành vi pháp nhân có tính nguy hiểm trong xã hội; hành vi đó tương đối phổ biến và hành vi đó phải chứng minh được bằng các thủ tục tố tụng.

Cũng tán thành với quan điểm đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là phù hợp, đáp ứng công tác phòng chống hành vi của các pháp nhân gây nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại, phân định rõ tất cả các pháp nhân hay chỉ một số loại pháp nhân cụ thể phải chịu trách nhiệm hình sự; có loại trừ trách nhiệm hình sự cá nhân trong pháp nhân hay không!?

Về giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình, nhiều ý kiến đề nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, Tội chống loài người, Tội phạm chiến tranh vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này.

Theo tờ trình của Chính phủ, đến thời điểm 30/6/2014 đã có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bãi bỏ án tử hình theo luật hoặc trên thực tế, trong đó: 100 nước đã bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình; 55 nước có quy định hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế; 7 nước đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với "các tội thông thường", duy trì hình phạt tử hình đối với các tội ngoại lệ như một số tội theo luật quân sự trong hoàn cảnh đặc biệt; 37 nước và vùng lãnh thổ vẫn còn duy trì hình phạt tử hình đối với các tội phạm thông thường.

Lê Tùng

(theo Năng lượng Mới)