Giải pháp hay, hành động đúng là mấu chốt của thắng lợi (Bài cuối)

13:54 | 25/07/2015

974 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sau 6 tháng chúng ta đã làm được nhiều việc, có cái thành công có cái chưa đạt được. Nhưng chúng ta đã đề ra các biện pháp cụ thể để ứng phó với những thách thức kia cho 6 tháng tới và cả năm 2016 chưa?
Giải pháp hay, hành động đúng là mấu chốt của thắng lợi (Bài 2) Giải pháp hay, hành động đúng là mấu chốt của thắng lợi (Bài 2)

Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Hùng Dũng: Đảm bảo sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị

Giải pháp hay, hành động đúng là mấu chốt của thắng lợi (Bài cuối)

Liên quan đến các dự án điện, hiện nay Tập đoàn đang triển khai 3 dự án là Nhiệt điện Thái Bình, Long Phú và Sông Hậu, cả 3 dự án đều có những đặc thù riêng và phải rất kỹ lưỡng khi thực hiện công việc.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 hiện đã đi được 2/3 chặng đường, gặp một số vướng mắc do giá trị ban đầu thấp hơn trung bình. Ví dụ như Nhà máy Thái Bình 1 ngay bên cạnh, công suất 600MW thì tổng mức đầu tư là 1,375 tỉ USD, Thái Bình 2 là 1,2 tỉ USD. Thêm nữa, trong quá trình xây dựng thì phát hiện ra nhiều hạng mục đã không được bóc tách rõ ràng, nhiều hạng mục còn lại không có trong danh mục tổng mức đầu tư, có hạng mục thiết kế không hợp lý, không thể triển khai… điều đó gây ra những thay đổi lớn trong tính chất và mức độ công việc.

Thời gian vừa qua, chúng ta đã nỗ lực hết sức để đảm bảo tiến độ, các ban chức năng của Tập đoàn đã rất vất vả khi thay đổi các hạng mục, phải trình xin chủ trương của Bộ Công Thương, rồi ý kiến của lãnh đạo Tập đoàn…

Dự án Nhiệt điện Long Phú hiện đang trong giai đoạn thiết kế và xử lý nền. Dự kiến đầu tháng 9 sẽ khởi công khu vực nhà máy chính.

Dự án Nhiệt điện Sông Hậu chúng ta đang có những thuận lợi nhất định do rút ra được kinh nghiệm từ những dự án trước. Tôi hy vọng dự án này có thể đẩy nhanh hơn so với dự kiến.

Bài học ở đây là rút kinh nghiệm từ từng dự án, từng công trình. Như ở dự án Vũng Áng, xin khẳng định đây là dự án hiệu quả nhất nếu so với các nhà máy nhiệt điện đã và đang triển khai ở ngành điện nước ta. Có được việc này là do chúng ta đã kiểm soát tiến độ, chất lượng một cách hết sức chặt chẽ. Có thể khẳng định về mặt kỹ thuật thì Vũng Áng là một dự án thành công và đang phát điện thương mại rất tốt. Hiện nay các đơn vị đã trình lên được Thủ tướng và Bộ Công Thương tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh.

Từ các dự án điện chúng ta có thể thấy: đây là thị trường và lĩnh vực PVN mới bắt đầu tham gia nên kinh nghiệm chưa có, năng lực tổ chức cũng chưa nhiều. Sự phối hợp giữa các đơn vị là có vấn đề. Cụ thể, một số hạng mục mà đơn vị trong Tập đoàn làm được thì ở một số dự án là ký cho các nhà thầu khác, rồi họ lại ký cho đến “bê bốn phẩy” làm đội chi phí quản lý lên rất nhiều.

Sắp tới ở Dự án Long Phú và Sông Hậu, chúng tôi sẽ rà soát lại một cách kỹ lưỡng, sẽ giao lại cho các đơn vị trong ngành làm, trên nguyên tắc các đơn vị phải thực sự tổ chức và thực hiện. Nhưng cũng xác định rằng, những công việc nào mang tính thời vụ, không nằm trong chiến lược phát triển của Tập đoàn thì chúng ta thuê ngoài.

Rút kinh nghiệm, chúng ta phải tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị. Ví dụ như PTSC vừa ký được hợp đồng chế tạo Top - side cho bên Ghana trị giá cả trăm triệu USD, nhưng thực chất là đơn vị đã có quan hệ từ rất lâu, có sự hợp tác từ nhiều dự án trước.

Tôi cũng rất khúc mắc rằng, sao nhiều đơn vị trong ngành lại không giúp được nhau như thế. Tôi khẳng định là bản chất là làm được nhưng chúng ta đã không có thiện chí. Trên cơ sở chỉ đạo của Chủ tịch, Tổng giám đốc, các ban quản lý dự án điện đã và đang rà soát phân công và làm việc cụ thể.

Nhưng theo tôi, cần phải có sự liên kết hơn nữa để thực hiện các hợp đồng. Như trước đây, khoảng 1998 - 2000, PTSC và Vietsovpetro đã cùng mang tàu ra Thái Lan để thực hiện hợp đồng ngoài. Tôi đề nghị phải quy định, làm thành chủ trương thật rõ: cái gì đơn vị trong ngành làm được thì yêu cầu các JOC và các đơn vị phải ưu tiên sử dụng.

Hằng năm, trên cơ sở kế hoạch hoạt động, cung cấp, sử dụng dịch vụ thì các đơn vị phải ngồi lại với nhau để cùng nhau, xem xét và chia sẻ hợp tác.

Việc thứ hai, chúng ta đi ra nước ngoài làm dự án thì phải làm thế nào để các công việc trong đó phải do các đơn vị trong ngành thực hiện, có thể kể đến như dịch vụ tàu, chế tạo cơ khí…

Việc thứ ba, một số đơn vị không thực hiện được kế hoạch đề ra, theo tôi là do đã dựa quá nhiều vào kế hoạch của Tập đoàn.

Thứ tư, bản thân các đơn vị phải có chính sách về đơn giá. Giá của chúng ta phải khẳng định rằng không cao nhưng nhiều khi vẫn không cạnh tranh được với bên ngoài. Vừa rồi khi giá dầu giảm thì các đơn vị ngoài sẵn sàng giảm tới 30% giá dịch vụ. Tôi cùng các ban rà soát cơ cấu vào giá dịch vụ của họ, thì thấy giá xăng dầu chiếm rất ít, thực ra các đơn vị đó hoàn toàn không có việc nên đành chịu lỗ, cắn răng vào làm, thà lỗ ít còn hơn lỗ nhiều. Vì vậy, tôi thấy rằng, các đơn vị của chúng ta nên rà soát một cách tổng thể về vấn đề giá và điều chỉnh cho hợp lý. Cần tích cực áp dụng các giải pháp công nghệ, và quản lý để cải tiến cho phù hợp.

Tuy nhiên, có những khó khăn rất khó khắc phục, tôi xin ví dụ: Đội tàu của chúng ta đang trên đường “trẻ hóa” và chúng ta đặt an toàn trong vận hành, sản xuất lên trên hết nên chi phí có phần cao hơn các đơn vị khác. Nhiều công ty ngoài họ liên doanh, liên kết, thuê tàu cũ, hết khấu hao nên chi phí rẻ hơn rất nhiều. Sự chênh lệch đó khiến chúng ta không thể cạnh tranh được nếu đưa ưu tiên xét yếu tố giá cả. Vì vậy, tôi đề nghị các đơn vị khi xây dựng đầu bài cần phải rất thận trọng đưa ra các tiêu chí như tuổi tàu, công suất, vừa hướng đến các đơn vị trong ngành, vừa đảm bảo hiệu quả, an toàn cho hoạt động sản xuất.

Phó tổng giám đốc PVN Ninh Văn Quỳnh: Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ với Tập đoàn!

Giải pháp hay, hành động đúng là mấu chốt của thắng lợi (Bài cuối)

Trong quá trình triển khai các dự án, các Ban QLDA, các bên liên quan như Ban Tài chính kế toán, Ban Pháp chế, Ban Điện đã tích cực chủ động phối hợp rất tốt để thu xếp nguồn vốn phù hợp với mô hình tổ chức, tính chất đặc điểm của từng dự án.

Như mọi người đều biết, giai đoạn tìm kiếm thăm dò là giai đoạn cần nhiều vốn nhất nhưng cũng thu xếp vốn khó nhất. Bởi đây là giai đoạn rủi ro nên rất ít các ngân hàng, tổ chức tài chính nào có thể cho chúng ta vay được trực tiếp trong giai đoạn dự án này. Để có tiền thực hiện dự án thì chúng ta cần phải tìm vốn ở kênh phát hành trái phiếu hoặc vay từ công ty khác, nhưng việc này đối với tình hình cụ thể của chúng ta là rất khó khăn. Bởi lẽ, báo cáo tài chính của Tập đoàn và các đơn vị làm lĩnh vực thăm dò khai thác chưa phù hợp với thông lệ quốc tế về một số chỉ tiêu. Cụ thể là chúng ta đang thiếu một yếu tố ngoài bảng cân đối kế toán mà nhà đầu tư rất quan tâm đó là trữ lượng dầu được xác nhận bởi các công ty kiểm toán. Khi có giá trị đó thì việc phát hành trái phiếu mới có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, quy mô của chúng ta chưa cần thiết để phải đi ra nước ngoài huy động vốn. Bởi các dự án tìm kiếm thăm dò hiện nay chúng ta vẫn có thể thu xếp và đảm bảo được.

Trên cơ sở một số giải pháp trong chiến lược xây dựng phát triển ngành đến năm 2035, chúng tôi đồng ý với chủ trương để lại phần lãi cho Tập đoàn với tỷ lệ phù hợp cũng như chính sách đặc biệt từ quá trình cổ phần hóa để cân đối bù đắp cho nhu cầu thiếu 70 ngàn tỉ đến năm 2020.

Cũng xin nhắc lại nguồn để đảm bảo đầu tư, tiền bỏ ra đầu tư phải sinh lời, tích tụ thành các quỹ để tiếp tục tái đầu tư. Vì vậy, đề nghị các đơn vị cần phải xem xét lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, cụ thể xem mình đã đóng góp về mặt tài chính như thế nào trở lại Tập đoàn. Đó là nguồn tăng tích lũy cho tập đoàn, làm cơ sở cho sự phát triển sản xuất kinh doanh.

6 tháng cuối năm và sang năm 2016, các đơn vị phải tập trung rà soát lại các hoạt động đầu tư trước đây.

Mong rằng, khi các đơn vị quyết định triển khai dự án cũng phải xem xét rằng, dự án sẽ mang tiền về như thế nào, bao giờ mang tiền về? Đó là việc chúng ta phải làm ngay trong những tháng cuối năm nay và đầu năm sau.

Thời gian tới chúng ta sẽ triển khai các dự án như Lô B Ô Môn, các dự án thăm dò phát triển mới phải thực hiện triển khai, không có lý do gì để chậm tiến độ, cũng như thiếu vốn để chưa thực hiện dự án. Các đơn vị cần phải chia sẻ với những sức ép lên Tập đoàn nhằm thu xếp vốn cho các dự án tới đây, thực hiện nghiêm túc việc thu nộp cổ tức về cho Tập đoàn. Bên cạnh đó là đề nghị các đồng chí phải thực hiện hết sức nghiêm túc các quy định của Luật Doanh nghiệp, phù hợp với điều lệ, quy chế quản lý tài chính của các công ty. Đề nghị các đơn vị chủ động sẵn sàng quyết liệt thực hiện các điều đó.

Tập đoàn thì sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị nhưng phải công khai minh bạch. Chúng ta phải quyết liệt ngay từ bây giờ để công tác tài chính của Tập đoàn phù hợp với nhu cầu phát triển cũng như đáp ứng về nhu cầu gia tăng sản lượng, trữ lượng thăm dò khai thác theo yêu cầu của Chính phủ và của chính chúng ta. Sử dụng vốn cho hiệu quả, đóng góp cho chính đơn vị, cho Tập đoàn.

Thành viên Hội đồng Thành viên PVN Phan Đình Đức: Chấp nhận biến động, như thế mới là hội nhập!

Giải pháp hay, hành động đúng là mấu chốt của thắng lợi (Bài cuối)

Chúng ta có 2 đơn vị là PVTEX và PV EIC đang lỗ và gặp rất nhiều khó khăn

Thứ nhất là PVTEX.

Giờ này năm ngoái thì PVTEX mới thực sự đi vào hoạt động, sản xuất thương mại và nhưng chỉ đạt 65% công suất, chất lượng loại A chỉ khoảng 85%.

Bên cạnh sự hỗ trợ quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn, các ban chuyên môn, thì không thể không kể đến sự nỗ lực rất lớn của cán bộ PVTEX, thậm chí nhiều người đã sẵn sàng từ bỏ những nơi tốt hơn để nhận nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức là vực dậy nhà máy.

Nhưng khó khăn không chỉ đến từ bản thân nhà máy.

Phải khẳng định là thị trường sơ xợi nhiều tháng trở lại đây quá ảm đạm. Trung Quốc đã tìm cách bán phá giá sơ xợi sang Việt Nam khiến giá thị trường sụt giảm rất mạnh. Chúng ta đã rất cố gắng nhưng không thể nào cạnh tranh được với sự phá giá của Trung Quốc. Đến sát tết âm lịch 2015 thì chúng ta đã đưa ra quyết định tạm dừng nhà máy để điều chỉnh lại. Và một việc rất quan trọng đó là đưa công nhân đi tu nghiệp ở các nhà máy của đối tác.

Việc này ngay lập tức phát huy hiệu quả: chỉ với khoảng thời gian 10 ngày sau tết âm lịch, công suất nhà máy đã trở lại như cũ, đến tháng 5 vừa rồi thì đã đạt 100% công suất, chất lượng đã đạt 95-97% là loại A. Trong buổi làm việc với PVN, Tập đoàn Dệt may đã khẳng định, tại thời điểm hiện nay, tất cả các đơn vị sử dụng sợi PVTEX đều đánh giá cao chất lượng sản phẩm của nhà máy và sắp tới họ sẽ ký với PVTEX một thỏa thuận khung để sử dụng sản phẩm này với giá thị trường. Bởi thực tế họ đang mua sản phẩm từ PVTEX rẻ hơn thị trường trên dưới 50 USD/tấn.

Rồi đó là sự thiếu kết hợp, sự đồng lòng và tính cộng đồng của chính doanh nghiệp Việt Nam. Họ cho rằng, hiện nay đang mua được sản phẩm từ Trung Quốc với giá rất rẻ, thì tại sao không tiếp tục mua mà lại phải đề xuất cơ chế để chống bán phá giá. Đây là một thực trạng rất nan giải và cũng là lý do tại sao cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta chưa thể liên kết lại với nhau để cùng phát triển và cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập.

Thêm nữa, đây thực sự là một lĩnh vực rất nhạy cảm, chỉ một biến động nhỏ là có thể biến lãi thành lỗ cộng thêm tình hình thị trường cực kỳ trầm lắng nên chưa thể khiến nhà máy có lãi. Sắp tới việc ký thỏa thuận khung với Vinatex giúp chúng ta thâm nhập sâu hơn vào chuỗi dệt may thì mới mở ra cơ hội tồn tại và phát triển bền vững.

Đây chính là bài học để rút kinh nghiệm khi đầu tư vào một lĩnh vực mới mẻ đối với Tập đoàn.

Đơn vị thứ hai đó là PV EIC, cũng là một đơn vị khó khăn.

Tôi nghĩ cách chúng ta lên chủ trương, thực hiện ở giai đoạn đầu đối với PV EIC là hoàn toàn đúng đắn: đó là gom hết các đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa lại một mối, tận dụng được sự tối ưu về trang thiết bị cho tất cả các nhà máy. Tuy nhiên lúc đó chúng ta lại thực hiện theo phương pháp áp đặt nên PV EIC thực sự thiếu đi sức sống cần thiết.

Có rất nhiều vướng mắc kỹ thuật trong quá trình hoạt động của công ty này. Ví dụ như chúng ta còn chưa thống nhất được quy chuẩn về tên gọi, danh mục của thiết bị vật tư bảo dưỡng sửa chữa. Một thiết bị mà mỗi nơi một tên gọi, cũng chưa sắp xếp tạo thành cơ sở thống nhất… Nhiều khi cùng một tính chất kỹ thuật nhưng mua về rồi mà không lắp được v.v… Công việc quy chuẩn hóa tất cả những thứ trên đang được tiến hành nhưng vô cùng khó. Việc EIC không làm được công tác đó là hoàn toàn có thể hiểu được.

Để PV EIC phát triển trong thời gian tới, Tập đoàn đã có nhiều cuộc trao đổi để xây dựng một kế hoạch phát triển thật khoa học, khả thi đúng theo năng lực của đơn vị này hiện nay. Rõ ràng từ định hướng, kế hoạch sản xuất, rồi rõ ràng đến việc Tập đoàn sẽ hỗ trợ những gì, phía cổ đông nước ngoài hỗ trợ những gì… thậm chí là nhờ một đơn vị có kinh nghiệm, năng lực để “kèm cặp”, kéo PV EIC vào các dự án để nâng cao năng lực, tương lai có thể tự mình tham gia vào đấu thầu

Tuy nhiên, từ 2 đơn vị này và cả những câu chuyện đã xảy ra, tôi nghĩ chúng ta cần phải rút ra bài học lớn hơn nhiều.

Trong thời gian vừa rồi trên thế giới có 2 sự kiện rất đáng lưu ý: đó là khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc. Riêng một tuần họ đã làm bay hơi mất 3.500 tỉ USD và cần nhớ rằng, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lớn nhất thế giới, theo công bố là 5.000 tỉ USD.

Tôi tin rằng những sự kiện này sẽ tạo nên một đợt sóng về tài chính và rất có thể là một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Sau 6 tháng chúng ta đã làm được nhiều việc, có cái thành công có cái chưa đạt được. Nhưng chúng ta đã đề ra các biện pháp cụ thể để ứng phó với những thách thức kia cho 6 tháng tới và cả năm 2016 chưa?

Với những biến động mạnh của nền kinh tế thế giới, rồi thỏa thuận hạt nhân của Iran đã có đạt được sẽ khiến sản lượng dầu tăng mạnh, giá sẽ giảm… rồi các thỏa thuận FTA, TPP mà chúng ta tham gia sẽ tác động như thế nào?

Điều đó theo tôi, sẽ trực tiếp tác động mạnh đến kế hoạch sản xuất của 6 tháng cuối năm, nhưng hình như chúng ta chưa hề phân tích và có động thái gì để phản ứng một cách chủ động. Nếu không, một thay đổi nhỏ thôi sẽ khiến thiệt hại hàng nghìn tỉ là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Nếu chúng ta ngủ say trên chiến thắng và chậm trễ trước những biến động là có thể mất hết thành quả của những sự cố gắng nỗ lực trong suốt thời gian qua.

Phải dự kiến rủ ro để có khả năng đối phó thích hợp. Phải tạo thói quen phân tích những biến động ở tầm thế giới để ứng xử kịp thời. Phải chấp nhận những sự tác động của bất kỳ yếu tố nào và dựa vào đó để thay đổi, hoàn thiện và phát triển. Như thế mới là hội nhập!

Nhóm Phóng viên

Năng lượng Mới 442

DMCA.com Protection Status