Giải mã tai nạn xe khách gia tăng sau tết (Kỳ 2)

23:55 | 26/02/2014

664 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, nguồn gốc của những tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua là do cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước chưa có sự thay đổi cách nhìn nhận, cách quản lý, sử dụng đội ngũ lái xe.

>> Giải mã tai nạn xe khách gia tăng sau tết (Kỳ 1)

Năng lượng Mới số 299

(Tiếp theo và hết)

Trong những năm qua, các doanh nghiệp quản lý đội ngũ lái xe này rất thiếu chặt chẽ và coi họ như đối tượng ở chợ lao động, làm việc theo thời vụ. Khi cần, chủ xe gọi đi lái, không cần thì cho nghỉ ở nhà. Do đó, đội ngũ lái xe không gắn bó với nghề.

“Hoạt động vận tải ôtô khách trên những tuyến dài trên 300km đều đòi hỏi phải có hai lái xe để đổi lái, tránh mệt mỏi, căng thẳng. Lái xe không được làm việc quá 10 tiếng một ngày, không được cầm vô lăng liên tục quá 4 tiếng. Rõ ràng khi chạy đường dài thì phải có trạm dừng nghỉ để thay lái xe. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không quan tâm đến việc này, để cho một lái một xe chạy liên tục 18-20 tiếng trong một ngày thì rất dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vậy nên, Nhà nước và doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề này” - ông Hùng đưa ra lời khuyên.

Một vụ "đấu đầu" giữa xe khách và xe container

Đề cập đến chế tài xử phạt đã đủ sức răn đe người vi phạm, ông Hùng khẳng định, mức phạt theo Luật Giao thông hiện nay là quá cao, vượt xa thu nhập bình quân của người lao động và điều quan trọng là người thừa hành công vụ thực hiện việc đó có nghiêm hay không? Vấn đề ở đây, lực lượng chức năng xử lý không nghiêm, không minh bạch cho nên pháp luật bị nhờn.

Đồng tình quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói: “Trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và lực lượng tuần tra kiểm soát vi phạm đóng vai trò then chốt trong việc giảm tai nạn nghiêm trọng. Tai nạn giao thông giảm là nhờ tuần tra kiểm soát tốt, nếu tăng cũng có nguyên nhân từ công tác này không tốt”. Bản thân Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, lực lượng cảnh sát giao thông đóng vai trò gần như quyết định của việc tai nạn tăng hay giảm trong điều kiện nước ta hiện nay. Tuy nhiên, khó khăn bởi hiện nay là cảnh sát giao thông buông lơi tuần tra kiểm tra ban đêm. Mặc dù, cảnh sát giao thông đã bắn tốc độ nhưng lực lượng rất mỏng và không thể nào đứng 24/24 giờ ở tất cả các vị trí trên các tuyến đường. Đây là vấn đề hết sức khó khăn và hiện nay lái xe rất biết cách lợi dụng những vị trí không có lực lượng kiểm soát để vi phạm. Thậm chí, nhiều lái xe còn tìm cách thông báo cho nhau vị trí của lực lượng kiểm soát để qua chốt dễ dàng, tránh bị xử phạt. Nhưng, nguyên nhân sâu xa vẫn nằm ở việc giám sát vận tải trên đường của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt kiểm sát qua thiết bị giám sát hành trình chưa phát huy hiệu quả.

Ai làm người đó chịu...?

Bàn về trách nhiệm của lái xe và doanh nghiệp vận tải khi xảy ra tai nạn giao thông, ông Bùi Danh Liên cho biết, theo luật hiện hành, người nào gây tai nạn người đó phải chịu trách nhiệm. Khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra nếu hậu quả không nghiêm trọng thì lái xe phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và chịu mức phạt hành chính theo quy định. Nếu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì lái xe phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn doanh nghiệp quản lý xe gây tai nạn nếu có liên đới thì chỉ bị đình chỉ hoạt động hoặc tước giấy phép kinh doanh chứ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với một vụ tai nạn không đủ sức răn đe nên việc khoán trắng, ép thời gian cho lái xe diễn ra phổ biến. Đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, năm nào cũng vậy, trước tết các cơ quan chức năng rầm rộ lên kế hoạch tăng cường phương tiện phục vụ hành khách về quê. Xe buýt, xe chạy hợp đồng được huy động vào cuộc nhưng sau tết những loại phương tiện này lại nằm ngoài cuộc. Chính vì vậy, một lượng lớn hành khách không có phương tiện trở lại các thành phố lớn để làm việc. Đây cũng là cơ hội cho nhà xe chặt chém.

Nhằm đối phó với thực trạng đáng báo động về các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua, đại diện các cơ quan chức năng và nhiều địa phương đều nêu quan điểm cần tăng nặng thêm các hình phạt bổ sung. Đặc biệt, đối với những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ có hình phạt tước và thu hồi giấy phép lái xe vĩnh viễn để răn đe tài xế. Tuy nhiên, theo Luật Giao thông đường bộ chỉ cho phép thu giữ giấy phép lái xe lâu nhất là 2 năm. Đối với những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần phải thu hồi bằng lái vĩnh viễn, bởi lái xe gây tai nạn sẽ bị ám ảnh và khi cầm lái tâm lý luôn lo sợ, hoang mang khi đi đường. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề đơn giản và nhanh nhất cũng phải vài năm tới mới thực hiện được, bởi cần phải sửa rất nhiều luật. Khi góp ý dự thảo sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính đường bộ, đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã kiến nghị đề xuất cấm hành nghề vĩnh viễn lái xe gây tai nạn nghiêm trọng, nhưng tổ soạn thảo của Bộ Giao thông Vận tải lại không đồng tình vì điều đó là vi phạm Luật Lao động.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói, xu thế trên thế giới là không thể tăng mãi lực lượng cảnh sát giao thông hay nhân viên tuần đường. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm đóng vai trò rất quan trọng. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã có văn bản đề xuất một số đơn vị tính toán nghiên cứu thí điểm ở một số đoạn quốc lộ, đường ngang đường sắt để phát hiện vật cản, hỏng hóc bất thường, xử lý vi phạm thì chắc chắn hành vi vi phạm và tai nạn giao thông sẽ giảm. Tuy nhiên, nhiều cơ quan chức năng cho rằng, điểm mấu chốt để có một giải pháp bền vững lại phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người lái xe, về phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe tốt.

“Xét tất cả biện pháp đồng bộ, chúng ta vẫn cần tập trung vào vấn đề con người. Vấn đề con người phải là hàng đầu, trong đó, sức khỏe và ý thức là quan trọng nhất. Còn kiểm soát và xử phạt chỉ là một trong những giải pháp để chúng ta nâng cao ý thức của người lái và loại bỏ những người có đạo đức nghề nghiệp quá kém ra khỏi đội ngũ những người lái xe. Việc làm này cũng chính là nâng cao chất lượng, phẩm chất đạo đức của cánh tài xế” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.

Trong khi cơ quan chức năng đang vào cuộc một cách “quyết liệt” thì những vụ tai nạn thảm khốc vẫn xảy ra liên tục, gây tâm lý bất an cho xã hội. Thực tế này đã gióng lên hồi chuông báo động trong cộng đồng. Và những người chịu trách nhiệm giảm thiểu tai nạn giao thông vẫn canh cánh trong lòng về những con số cập nhật hằng ngày trong những số liệu thống kê người chết vì tai nạn giao thông chưa hề dừng lại. Chúng giống như những câu hỏi đầy nhức nhối mà mỗi hành khách ngồi xe đi trên đường chẳng biết đổ lỗi cho ai.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc