Giải mã hiện tượng Rodrigo Duterte (bài 3)

07:00 | 27/09/2016

777 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Như đã đề cập ở bài trước, chiến tranh Philippines - Mỹ kết thúc vào năm 1902 với sự thất bại của quân đội Philippines. Trong cuộc chiến này, chính phủ Mỹ đã tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ (theo thời giá lúc đó) là 600-700 triệu USD. Vì vậy, người Mỹ phải tìm mọi cách “thu hồi vốn”, dù có phải thu hồi từng xu một.
tin nhap 20160926205449
Nữ tổng thống Philippines, Corazon Aquino, người chiến thắng trong Cách mạng màu vàng

Mỏ vàng không đáy

Kết quả là sau chiến tranh Philippines-Mỹ, đảo quốc này đã trở thành "nguồn tài nguyên gần như miễn phí và cực kỳ thuận tiện khai thác" cho Hoa Kỳ. Từ nơi đây, các ông chủ Mỹ cũng dễ dàng tiến hành các hoạt động thương mại với châu Á, có được nguồn nhân lực lao động gần như miễn phí. Họ mua rẻ hoặc chiếm không đất đai và tất cả mọi thứ có thể mang lại lợi nhuận cho nền kinh doanh của Mỹ. Đương nhiên, trong một bối cảnh luật pháp lỏng lẻo và đầy dẫy áp bức bất công như vậy, và với một nền tảng lịch sử như vậy, Philippines trở thành mảnh đất màu mỡ cho các loại hình tội phạm phát triển mạnh mẽ trên mọi cường độ và đến mọi mức độ, mà không phải bất cứ nơi nào cũng có được.

Philippines nằm dưới tình trạng bị Mỹ chiếm đóng kéo dài cho đến năm 1946. Theo các cứ liệu lịch sử, Philippines giành được độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng đây là một nền độc lập có điều kiện: các doanh nghiệp Mỹ đã bắt rễ ở đảo quốc này và rất không muốn đánh mất vị trí của mình. Và ngay cả Washington cũng bằng mọi giá quyết giữ cho được quyền lực ngầm của mình đối với Philippines.

Tình thế này kéo dài mãi cho đến năm 1986, khi nổ ra "cuộc cách mạng màu vàng", mà điềm báo là sự thống trị độc tài của tổng thống Ferdinand Marcos. “Cách mạng màu vàng” nổ ra khi ông Marcos bất ngờ quyết định sửa đổi hiến pháp và áp đặt tình trạng thiết quân luật. Do những sự kiện bi kịch sau đó, chẳng hạn việc lãnh tụ phe đối lập (ông Benigno Aquino) bị ám sát, các cuộc bầu cử sớm, gian lận kết quả bầu cử và bởi một thực tế là quân đội, cảnh sát và phần đông người dân đã không thể nhắm mắt làm ngơ trước tất cả những điều đó, ở Philippines đã bùng nổ cuộc nổi dậy có tên "những dải lụa màu vàng". Điều đáng chú ý, một trong những cáo buộc lớn nhất là việc Marcos và gia đình ông có mối quan hệ cực kỳ gần gũi và chặt chẽ với Mỹ về phương diện tài chính. Chính phủ cách mạng ước tính các hoạt động tài chính của gia đình Marcos đã gây thiệt hại cho nhà nước Philippines tới 90 tỷ USD.

Cho đến nay, vẫn chưa rõ Mỹ đã ủng hộ ai trong "cuộc cách mạng màu vàng" này. Một mặt, Mỹ đề nghị Marcos phải từ chức, mặt khác, người Mỹ đã đưa ông đến đảo Guam (lãnh thổ hợp nhất của Hoa Kỳ), và sau đó đến Hawaii, nơi ông qua đời vì một căn bệnh nghiêm trọng trong năm 1989. Cũng cần biết rằng, cuộc cách mạng này không phải là không có đổ máu: cả phía quân nổi dậy lẫn phe trung thành với tổng thống đều phải chịu nhiều tổn thất đáng kể. Đơn cử, chỉ một vụ máy bay trực thăng quân sự bắn tên lửa xuống dinh tổng thống cũng đã làm thiệt mạng hàng trăm người, bao gồm cả thường dân lẫn binh sĩ hai bên.

Thời điểm Cách mạng màu vàng nổ ra cũng đúng vào lúc tổng thống hiện nay của Philippines, ông Duterte chính thức bước chân vào chính trường khi ông đắc cử Phó thị trưởng thành phố Davao rồi mấy năm sau đó trở thành Thị trưởng thành phố này suốt hơn 20 năm, qua 7 nhiệm kỳ. Thực tế chính trường đã giúp ông nhìn thấu tất cả những gì mà phương Tây muốn áp đặt lên các quốc gia nhược tiểu, và ý thức phản kháng ở ông trong chuyện này là điều dễ hiểu.

tin nhap 20160926205449

Giải mã hiện tượng Rodrigo Duterte (bài 2)

Suốt chiều dài lịch sử, Philippines thường xuyên bị các thế lực ngoại bang lừa dối, chà đạp và bỏ rơi. Bọn thực dân thẳng tay đàn áp những người dân mà chúng cho là "mọi rợ" để giữ chặt lấy phần lãnh thổ cực kỳ thuận lợi cho các hoạt động thương mại và quân sự với châu Á.

tin nhap 20160926205449

Giải mã hiện tượng Rodrigo Duterte (Bài 1)

Từ ngày Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhậm chức đến nay, thời gian chưa đầy 3 tháng nhưng chỉ bằng ngôn từ ông đã gây hàng loạt rắc rối ngoại giao với các nhân vật lãnh đạo của phương Tây. Theo giới quan sát quốc tế, ý thức căm ghét phương Tây của ông Duterte là do… lịch sử để lại.

Thiện Tâm

Tass, RIA,