Giải cứu thị trường chứng khoán: Cách nào?

09:26 | 19/08/2011

268 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ đầu năm đến nay, mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, chiến tranh tại Libya và động đất tại Nhật Bản, phần lớn các thị trường chứng khoán trên thế giới biến động không đáng kể.

Đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Đức, chỉ số chứng khoán diễn biến tích cực hơn các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, tình hình này lại trái ngược trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thị trường đã phải chịu ảnh hưởng và phản ánh những khó khăn, bất ổn của nền kinh tế vĩ mô. Đồng thời, cũng chịu những tác động trực tiếp của chính sách tiền tệ thắt chặt, đặc biệt là chủ trương cắt giảm tỉ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất trên tổng dư nợ của ngành Ngân hàng xuống 22% đến ngày 30/6/2011 và 16% đến ngày 31/12/2011.

Cuối quý I đã có một vài dự báo cho rằng, cuối quý III và đầu quý IV, thị trường này sẽ có khởi sắc. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 7, chỉ số VN-Index tụt giảm xấp xỉ 16% và chỉ số HNX-Index giảm gần 40%. Xu hướng suy giảm của thị trường chứng khoán chiếm ưu thế trong 7 tháng đầu năm 2011. Mặc dù thị trường cũng chứng kiến một đợt hồi phục kỹ thuật của thị trường từ ngày 25/5 đến 15/6 nhưng do không được ủng hộ của các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản nên thị trường tiếp tục đi xuống. Đặc biệt, gần đây có những phiên giao dịch tại HSX và HNX khối lượng giao dịch nhiều cổ phiếu rớt xuống mức thảm hại dưới 100 cổ phiếu trong 1 phiên giao dịch. Thị trường OTC và UPCOM cũng hầu như bị đóng băng với khối lượng giao dịch rất ảm đạm, không đáng kể.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, vốn hóa thị trường cuối tháng 6/2011 đạt 686.000 tỉ đồng, giảm 40.000 tỉ đồng so với cuối năm 2010, mức vốn hóa so với GDP giảm xuống 36% từ mức 39% cuối năm 2010. Tính đến ngày 22/7 có 200/284 cổ phiếu niêm yết tại HSX và 309/383 cổ phiếu niêm yết tại HNX có giá dưới giá trị sổ sách, 107/284 cổ phiếu niêm yết tại HSX và 214/383 cổ phiếu niêm yết tại HNX có giá dưới mệnh giá 10.000VND. 6 tháng đầu năm 2011, vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu chỉ đạt 4.500 tỉ đồng, tương đương 16% và vốn huy động qua đấu giá cổ phần hóa đạt 560 tỉ đồng, bằng 68% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng bán ròng.

Tình trạng trên đã khiến một vài công ty xin hủy đăng ký niêm yết hoặc đang dự định rút niêm yết khỏi thị trường chứng khoán. Hiện tượng trục lợi trên thị trường chứng khoán bùng phát và ngày càng tinh vi với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng hơn. Số liệu báo cáo tài chính sai lệch nhiều, doanh nghiệp cố tình “thổi phổng” lợi nhuận hoặc che dấu bớt lợi nhuận cũng gia tăng… Thị trường chứng khoán ngày một xấu và chưa thấy có điểm tựa khởi sắc.

Để giải cứu một trong những thị trường huy động vốn quan trọng, các chuyên gia kinh tế đồng quan điểm rằng, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho nhà đầu tư là giải pháp quan trọng nhất vì thị trường chứng khoán là thị trường của kỳ vọng vào tương lai. Do vậy, Nhà nước sẽ phải kiểm soát lạm phát, hạn chế thâm hụt ngân sách, nhập siêu và ổn định giá trị của đồng Việt Nam. Phương thức giao dịch lạc hậu T+3 vẫn là một trong những rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến việc thu hút dòng vốn của nhà đầu tư cần phải sửa đổi và đưa phương thức giao dịch T+1, T+2.

Bên cạnh đó, giữ nguyên tỉ lệ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ tín dụng và tạm dừng chương trình thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước khỏi thị trường chứng khoán cũng là một giải pháp tránh đẩy thị trường đi xuống. Cơ quan quản lý cần tập trung nỗ lực để hạn chế các hành vi trục lợi, thao túng thị trường chứng khoán, phát hiện và nghiêm trị thích đáng. Đồng thời, cần có các chế tài xử phạt mạnh để đảm bảo minh bạch thông tin. Đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước lớn như Mobifone, Vinaphone, Viettel… để tăng nguồn cung hàng hóa chất lượng cao nhằm thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, mở rộng của tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp niêm yết đối với những lĩnh vực không cần hạn chế để thu hút vốn của khối đầu tư nước ngoài.

Đào Thu