Giải cứu lao động nhí

07:51 | 10/10/2011

634 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện vẫn còn khoảng 25.000 lao động trẻ em (LĐTE) đang bị bóc lột trắng trợn dù pháp luật đã nghiêm cấm sử dụng LĐTE dưới 15 tuổi. Mới đây, đợt giải cứu các lao động nhí "khổ sai" ở TP HCM đã được lực lượng cảnh sát hình sự triển khai. Song, câu chuyện không dừng lại ở đó...

>> Giải cứu 23 trẻ em dân tộc bị ngược đãi tại xưởng may

Đánh giá của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội về tình hình LĐTE ở TP HCM và một số tỉnh, thành trọng điểm như Quảng Nam, Lào Cai, Hà Nội, An Giang, Gia Lai, Hà Tĩnh, Quảng Ninh… đã vẽ ra một phần bức tranh với những gam màu xám xịt về cuộc sống của những đứa trẻ bị bóc lột lao động. Con số 25.000 trẻ em đang lao động tại các cơ sở sản xuất trong điều kiện nặng nhọc, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý và tính mạng khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Vào cuộc

Cuối tháng 9 vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự (cơ quan phía nam, C45B – Bộ Công an) đã bàn giao 23 trẻ em từ 12-17 tuổi người dân tộc Khơ Mú cho Công an tỉnh Điện Biên để trở về với mái ấm gia đình sau những ngày bị ép buộc lao động trái phép ở TP HCM. Cục C45B cũng phối hợp cùng Tổ chức Rồng Xanh (một tổ chức phi chính phủ của Australia) tiến hành khám sức khỏe và tài trợ kinh phí cho các em đoàn tụ gia đình.

23 trẻ em nêu trên được giải thoát từ một cuộc điều tra của Cục C45B về nạn sử dụng LĐTE trái phép tại 2 cơ sở may gia công ở địa chỉ số 169/80/5 và 229/64/41/6 đường Tây Thạnh (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM) do hai anh em Lê Thế Tuấn (35 tuổi), Lê Hồng Quang (30 tuổi) làm chủ. Ban đầu, chỉ có 13 em đang làm thợ cắt chỉ và thợ may tại 2 cơ sở trên được giải thoát khi cảnh sát ập vào kiểm tra. Khi thấy Cục C45B vào cuộc, chủ nhà buộc phải đưa 6 lao động trẻ em khác (13-17 tuổi) đến Cơ quan Công an giao nộp. Đồng thời, C45B đã tiếp nhận thêm 4 cháu (11-18 tuổi) tại Trung tâm Bảo trợ huấn nghề cô nhi Biên Hòa (Đồng Nai). Tất cả 23 trẻ em này đều trú ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Trẻ em và công việc lao động nặng nhọc

Qua điều tra, Cục C45B xác nhận số lao động trẻ em trên do bà Lê Thị Dục trực tiếp tuyển chọn với chi phí ứng trước 3,5 triệu đồng/gia đình. Từ đầu năm 2011, bà Dục đã ra huyện Tuần Giáo (Điện Biên) tuyển 23 trẻ em người dân tộc Khơ Mú đưa vào TP HCM làm việc tại cơ sở may của hai con trai bà, tiền công là 500.000 đồng/cháu/tháng, không có hợp đồng lao động. Trong đó 14/23 cháu có giấy thỏa thuận, cam kết của bố mẹ các cháu, đồng ý đưa con cho bà Dục dẫn vào TP HCM làm thợ. Một ngày làm việc của các em này thường bắt đầu từ 7h đến 12h nghỉ, 13h30 lại làm việc tiếp đến 19h nghỉ ăn cơm tối, sau đó lại cắm cúi làm việc đến 23-24 giờ mới được đi ngủ.

Cục C45B nhận định, hành vi của bà Dục cùng hai con là Tuấn, Quang là vi phạm các quy định về việc sử dụng LĐTE theo quy định của Bộ luật Lao động. Hiện C45B đang phối hợp cùng Công an TP HCM để tiếp tục xử lý vi phạm của mẹ con bà Dục.

Lộ diện kẻ thất đức

Công an quận Bình Tân (TP HCM) từng phát hiện 6 lao động đang ở độ tuổi vị thành niên (trong đó có 3 em đang được người nhà trình báo là mất tích), quê quán Đắk Nông, Phú Yên, tại một xưởng may ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Các LĐTE tại đây bị ép buộc phải làm việc từ 7h cho đến 23h, được trả lương 12,5 triệu đồng/2 năm.

Có một thực tế là các cơ sở gia công nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh nhỏ tại TP HCM đang phát triển khá nhanh, cần lượng lớn lao động rẻ mạt để tăng lợi nhuận nên tìm mọi cách lôi kéo trẻ em đến làm việc, đặc biệt là trẻ ở các vùng quê nghèo vì dễ tìm. Thậm chí các chủ còn tìm thuê các trẻ em thuộc dân tộc ít người vì chúng dễ sai bảo và chấp nhận tiền công thấp. Các chủ thuê thường đối phó cơ quan chức năng như dùng giấy ủy quyền của cha mẹ trẻ làm thuê hoặc các đứa trẻ làm thuê khai nhận là người nhà của chủ thuê.

Tuy nhiên, số vụ mà Công an TP HCM giải thoát các nạn nhân LĐTE xem ra vẫn còn khá ít ỏi so với thực trạng đang diễn ra. Còn riêng Cục C45B thì đây là lần thứ 2 trong năm nay cơ quan này giải thoát LĐTE bị bóc lột lao động. Vài tháng trước, Cục C45B phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng đã giải thoát an toàn cho 3 em học sinh cấp 2 ở tỉnh Phú Yên bị lừa bán vào bãi vàng trái phép thuộc xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

Qua vụ giải cứu này, các trinh sát Cục C45B khảo sát 10 điểm khai thác vàng trái phép ở huyện Lạc Dương và phát hiện mỗi nơi sử dụng không dưới 10 LĐTE. Cuộc khảo sát cho thấy, những điểm khai thác vàng trái phép sử dụng LĐTE thường bắt ép các em chạy trốn vào rừng khi cơ quan chức năng ập đến kiểm tra. Các chủ khai thác vàng thường thuê các tên côn đồ có nhiều tiền án để kiểm soát, sai khiến các LĐTE. Các nạn nhân sau khi được giải thoát khai nhận chỉ được chủ cho ăn đạm bạc và ép lao động quá khổ cực, ngày làm 2 ca từ 6h đến 11h30 và chiều từ 13h đến đêm.

Từ những vụ giải cứu các trẻ em bị bắt ép lao động cực nhọc, Cục C45B đang tập trung mở rộng điều tra về các đường dây buôn bán trẻ em trong nước để buộc lao động khổ sai tại các bãi khai thác vàng và các cơ sở sản xuất tư nhân.

Sơ hở và nhẹ tay

Liệu việc căn cứ vào những quy định của Bộ luật Lao động để xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi bóc lột LĐTE và sử dụng LĐTE có đủ sức răn đe hay chưa?

Các chuyên gia theo dõi về nạn sử dụng LĐTE cho rằng, vai trò quản lý Nhà nước đối với LĐTE trái phép vẫn bộc lộ nhiều sơ hở và quá nhẹ tay. Bởi vì cơ quan pháp luật chỉ mới dừng lại ở việc nhắc nhở, xử phạt hành chính và thỉnh thoảng xử lý hình sự vài vụ bạo hành LĐTE điển hình mà dư luận lên tiếng. Một thách thức lớn hiện nay là việc chủ sử dụng thường ký hợp đồng với cha mẹ, người thân của các em nhằm buộc các LĐTE phải làm theo sự sai khiến của chúng. Thậm chí, có trường hợp cha mẹ lấy tiền trước mà không cần biết công việc của con em mình như thế nào khiến những đứa trẻ bỗng chốc rơi vào tình trạng lao động cực khổ không lối thoát.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính của nạn LĐTE là do đói nghèo, thiếu việc làm. Nhận thức của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa về sử dụng LĐTE là rất thấp. Một bộ phận lớn các trẻ em là dân nhập cư từ các tỉnh xa đến, sự hấp dẫn to lớn của vùng thành thị tác động mạnh lên tâm lý muốn đi làm của trẻ.

Vậy làm thế nào để có thể ngăn ngừa LĐTE trái phép một cách hiệu quả? Điều này đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan quản lý cần phải được đề cao hơn bao giờ hết. Việc mạnh tay xử lý, sớm phát hiện các cơ sở có sử dụng LĐTE trên địa bàn, phát huy vai trò của các đoàn thể, chăm lo và bảo vệ quyền lợi của trẻ em lao động tự do trên địa bàn, nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ không bắt con mình lao động nặng nhọc, nguy hiểm… là những phương thuốc hữu hiệu tốt nhất!

Thế Vinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc