Giải Cánh diều bao giờ cất cánh?

14:23 | 13/04/2018

2,321 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước lễ trao giải Cánh diều 2017 được tổ chức vào 15-4-2018, đã có nhiều ý kiến trăn trở về tương lai của điện ảnh Việt Nam, trong bối cảnh phim tư nhân đang lấn át phim nhà nước cả về chất và lượng.   

Cuộc cách mạng thầm lặng

Theo thống kê của Hội Điện ảnh, trong 2 năm 2017 và 2018, không có phim nào do Nhà nước đặt hàng sản xuất. Trong khi đó, mỗi năm có trên dưới 40 phim mới do tư nhân sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2017, số phim tư nhân ra rạp là 39 phim gồm rất nhiều thể loại: hành động, kinh dị, hài và cả những phim nghệ thuật.

giai canh dieu bao gio cat canh
Một cảnh trong phim “Cô ba Sài Gòn”

Trong tọa đàm “Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2017” được tổ chức ngày 9-4 tại Hà Nội, nhiều nhà quản lý, đạo diễn tên tuổi cho rằng, việc vắng bóng phim Nhà nước và sự “trỗi dậy” của dòng phim tư nhân chưa hẳn là điều đáng mừng.

Ở mảng phim tư nhân, năm 2017, thị trường điện ảnh Việt Nam ghi nhận sự cạnh tranh khốc liệt của phim trong nước với các phim “bom tấn” nước ngoài. Điều đáng quan tâm là ở hầu hết các rạp, khán giả đến xem phim Việt Nam nhiều hơn, có một số phim đạt kỷ lục về doanh thu như “Em chưa 18” với 175 tỉ đồng, hay “Mẹ chồng” thu 40 tỉ đồng chỉ trong tháng đầu ra rạp...

Cũng phải công nhận một thực tế, dòng phim thị trường ngày càng hay hơn, chất lượng tốt hơn, tính chuyên nghiệp được nâng lên. Nhiều bộ phim ứng dụng kỹ thuật âm thanh 5.1, 7.1 hiện đại với nhiều đường tiếng, nhạc. Thêm vào đó, vấn đề kỹ xảo, hình ảnh cũng được đầu tư rất tốt… Theo NSND đạo diễn Đào Bá Sơn, đó là cuộc cách mạng thầm lặng của điện ảnh nước nhà, phim hài cẩu thả, câu khách rẻ tiền gần như không còn nữa. Nhiều nhà sản xuất đã vượt qua yếu tố thương mại để làm những bộ phim nhân văn, đó là điều rất đáng trân trọng.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn - thành viên Ban Giám khảo Cánh diều 2017: Loạt phim tham gia Cánh diều 2017 có thể tóm gọn trong 2 từ: hung và dữ - hung bạo trong thái độ sống, dữ dội trong cách đặt vấn đề, xử lý vấn đề.

Đồng quan điểm, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho rằng, điều đáng quý của phim thị trường là kéo được tính chuyên môn và tính thị trường xích gần lại nhau và đôi lúc hòa quyện vào nhau rất tự nhiên. Đây là loại phim dù hay dù dở thì đều đạt tới “bến”, đẩy tình huống và tính cách nhân vật đến tận cùng, tới “số” về thân phận, về vấn đề. Đã có những tác phẩm đạt đến tầng nghệ thuật, thủ pháp, xúc cảm mạnh mẽ, xóa bỏ cái lấp lửng, lờ nhờ của phim Việt lâu nay.

NSND Đào Bá Sơn khẳng định: Điện ảnh Việt Nam đã bước sang một trang mới. Nói cách khác, trong hai năm qua, điện ảnh thị trường đã chính thức lên ngôi. Tuy nhiên, việc từ năm 2015 đến nay, điện ảnh Việt Nam vắng bóng những phim do Nhà nước thực hiện là một câu hỏi phải suy nghĩ nghiêm túc. Đặc biệt là vai trò, định hướng của Nhà nước trong sản xuất phim phục vụ mục đích chính trị, điều này là rất cần thiết để trên cơ sở đó có thể khẳng định điện ảnh Việt Nam tồn tại hay không tồn tại. Vì vậy, điện ảnh Việt Nam phải có những tác phẩm do Nhà nước hoặc các cơ sở làm phim truyền thống thực hiện.

Lo ngại văn hóa ngoại lai

Nhìn lại điện ảnh Việt Nam, nhiều nhà quản lý và đạo diễn đều đồng quan điểm: 2017 chính là năm của điện ảnh tư nhân và phim Việt hóa. Điều này cũng được thể hiện rõ ràng qua 13 bộ phim điện ảnh tham gia Cánh diều 2017 gồm “Bạn gái tôi là sếp”, “Giấc mơ Mỹ”, “Em chưa 18”, “Mẹ chồng”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Ở đây có nắng”, “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”, “Sắc đẹp ngàn cân”, “Ngày mai Mai cưới”, “Đảo của dân ngụ cư”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Yêu đi đừng sợ”, “Dạ cổ Hoài Lang”, đều là phim tư nhân.

Trưởng ban Giám khảo, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, nhận định: Phim tham gia Cánh diều 2017 rất ít phim hoàn chỉnh. Đa số phim rơi vào tình trạng được cái này thì mất cái kia. Phim chủ yếu tập trung phản ánh đời sống đô thị giàu sang, thiếu nhân vật có sức vóc về thể chất lẫn tinh thần, thực hiện các nhiệm vụ xã hội, thể hiện triết lý sống sâu sắc…

Giải thưởng Cánh diều 2017 vẫn xét chọn các phim làm lại từ kịch bản nước ngoài, nhưng không tham dự hạng mục Phim hay nhất, chỉ chấm các hạng mục cá nhân diễn xuất. Bởi theo nhiều đạo diễn, phim remake (làm lại) và phim mua kịch bản gốc vẫn chưa đạt được tiêu chí về sự sáng tạo cần có.

NSND Đào Bá Sơn bày tỏ: “Không chấm phim remake vì sự sáng tạo gần như không có. Thậm chí nhiều phim remake bắt chước phim gốc đến cả góc quay, tạo hình nhân vật. Mặc dù khán giả có nhiều lựa chọn hơn nhưng về mặt học thuật thì phim remake có thể ví như bản photo. Tuy nhiên, phim remake khác với kịch bản gốc, tức là khi mua kịch bản phải Việt hóa nó, những phim ấy thì vẫn nên chấm vì nó mang hồn cốt, bóng dáng Việt. Không thể chấm cái gì không có sự sáng tạo”.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn - thành viên Ban Giám khảo chia sẻ: “Loạt phim tham gia Cánh diều 2017, tôi nghĩ có thể tóm gọn trong 2 từ: hung và dữ - hung bạo trong thái độ sống, dữ dội trong cách đặt vấn đề, xử lý vấn đề. Nhiều phim có tính bạo lực từ ứng xử, lời nói, thái độ, có thể gọi nôm na là bị ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây”.

Bên cạnh sự tác động về văn hóa, NSND, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang còn cho rằng, nhiều nhà sản xuất phim tư nhân hiện nay không quan tâm tới vấn đề định hướng công chúng. Bởi hầu hết các phim tư nhân chủ yếu khai thác các câu chuyện về cuộc đời của cá nhân, diễn xuất của nhiều diễn viên còn cường điệu, các vấn đề khai thác một chiều, chưa bám sát tình hình đất nước và thiếu chuyên nghiệp về kịch bản, không sáng tạo ngôn ngữ điện ảnh mới.

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang khẳng định: “Lớp công chúng đến rạp chủ yếu trong độ tuổi thanh, thiếu niên, nếu xem quá nhiều phim dễ dãi sẽ dẫn đến văn hóa xem phim lười biếng, không có tư duy và suy ngẫm về vấn đề”.

NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Giải Cánh diều 2017 cũng cho rằng, khán giả và thị trường đã tác động tới sự chuyển hướng đầu tư, chuyển hướng đề tài của nhà sản xuất. Nhưng dù chuyển hướng như vậy, tính giải trí vẫn được duy trì và nhìn chung, điện ảnh Việt đang tách khỏi đời sống xã hội. Hơn thế, vài ba năm gần đây, khả năng phim Việt tiếp cận và được trao giải tại các liên hoan phim khu vực và thế giới rất thấp. Chúng ta hoàn toàn vắng bóng tại các liên hoan phim khu vực như Singapore, Dubai... bởi các nhà tuyển chọn thật sự khó tìm ra dự án phim Việt xứng tầm. Đây là điều đáng suy nghĩ.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.