Giấc mơ hòa bình Trung Đông còn dang dở

06:00 | 01/02/2017

724 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Giấc mơ của người dân Trung Đông về hai nhà nước Palestine và Israel sống trong hòa bình vừa được nhen nhóm lại vụt tắt. Bất chấp việc lần đầu tiên chính quyền Mỹ làm ngơ trước một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBALHQ) yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư tại vùng lãnh thổ chiếm đóng Palestine. Đồng thời kết quả hội nghị quốc tế về Trung Đông vừa kết thúc tại Pháp, hai nhân tố chính trong cuộc xung đột dai dẳng này vẫn chưa chấp nhận nhượng bộ.

Ngày 15-1-2017, Hội nghị Quốc tế về hòa bình Trung Đông được tổ chức tại Paris, Pháp, với sự tham dự của đại diện gần 70 quốc gia nhưng lại vắng mặt hai đối tác chính là Israel và Palestine. Trong thông cáo cuối cùng, kết thúc hội nghị, các nước tham dự tái khẳng định cam kết ủng hộ một giải pháp giữa hai nhà nước, Israel và Palestine, đồng thời cảnh cáo là quốc tế sẽ không thừa nhận những hành động đơn phương đe dọa một giải pháp được đàm phán, đặc biệt trong vấn đề biên giới và quy chế thành phố Jerusalem. Hội nghị trên được tổ chức theo sáng kiến của Pháp như một nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm phá vỡ bế tắc, thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình. Từ hơn 2 năm nay, tiến trình đàm phán về một giải pháp hòa bình giữa Israel và Palestine bị bế tắc hoàn toàn.

Bộ Ngoại giao Palestine ngày 15-1 đã kêu gọi thành lập một mặt trận quốc tế để ủng hộ các kết quả của hội nghị hòa bình Paris. Trong một thông báo, bộ trên miêu tả hội nghị Paris là sự thể hiện quốc tế đối với việc nhận thức rõ hòa bình giữa Palestine và Israel, đồng thời bày tỏ sự giận dữ trước việc Israel liên tiếp coi thường những nghĩa vụ về hòa bình và những hoạt động vi phạm của Israel, chủ yếu là hoạt động xây nhà định cư, vốn hủy hoại giải pháp 2 nhà nước.

giac mo hoa binh trung dong con dang do
Một người Palestine bắn đá vào binh sĩ Israel trong cuộc bạo loạn ở các trạm kiểm soát Qalandia gần Ramallah

Tuy nhiên, Israel đã chỉ trích và cho rằng hội nghị quốc tế này cũng như các nghị quyết của LHQ càng làm cho triển vọng hòa bình trở nên xa vời, bởi vì các sự kiện này khuyến khích Palestine từ chối thảo luận trực tiếp với Israel. Theo chính quyền Tel-Aviv, hội nghị tại Paris chỉ là một ý đồ giả tạo của những người ở bên ngoài Trung Đông muốn áp đặt các giải pháp cho những người sống ở đây hứng chịu những hậu quả của các giải pháp này.

Trước đó, hôm 23-12-2016, HĐBALHQ đã thông qua nghị quyết yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư tại vùng lãnh thổ chiếm đóng Palestine, sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng trong một động thái trái với thông lệ của nước này là bảo vệ Israel trước hành động của LHQ quốc. Quyết định hiếm hoi trên của Mỹ đã cho phép nghị quyết được thông qua với 14 phiếu thuận trong HĐBALHQ gồm 15 thành viên. Nghị quyết này yêu cầu Israel ngừng hoàn toàn và ngay lập tức tất cả các hoạt động định cư ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trong đó có Đông Jerusalem. Nghị quyết nhấn mạnh các khu định cư của Israel không có giá trị pháp lý và khiến cho khả năng đạt được giải pháp hai nhà nước gặp nguy hiểm.

Nghị quyết này không có hiệu lực ràng buộc nhưng đã xác định cả nền tảng pháp lý quốc tế mới cũng như cách hiểu cả thực trạng lẫn tương lai của khu vực Trung Đông về phương diện luật pháp quốc tế. Nó định hướng về pháp lý quốc tế cho mọi ý tưởng giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, hay có thể nói theo cách khác, nó thiết chế chính trị. Nghị quyết này coi chính sách xây dựng các khu định cư trên phần đất chiếm đóng Palesine là “sự vi phạm vô liêm sỉ” luật pháp quốc tế và là trở ngại lớn trên con đường đi tới hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững ở khu vực Trung Đông.

Hơn thế nữa, nghị quyết này đòi Israel chấm dứt ngay lập tức chính sách và các hành động nói trên, đồng thời khẳng định là HĐBALHQ “không công nhận mọi sự thay đổi đường ranh giới được quy định năm 1967 nếu không được thỏa thuận giữa Israel và Palestine” cũng như kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới phân biệt rõ giữa lãnh thổ của nhà nước Israel và những khu vực lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trái phép lâu nay.

Đây là lần đầu tiên trong 36 năm qua, HĐBALHQ thông qua một Nghị quyết liên quan đến khu định cư Do Thái của Israel mà không bị sự cản trở bởi Mỹ sử dụng quyền phủ quyết. Ngay sau khi nghị quyết được thông qua, Israel đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, thể hiện hành động phản đối với 14 quốc gia trong HĐBALHQ và Mỹ. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Israel bác bỏ nghị quyết đáng xấu hổ này của LHQ và sẽ không tuân thủ các nội dung của nghị quyết”. Ngày 25-12, Bộ Ngoại giao Israel đã triệu tập phái viên của tất cả các quốc gia thành viên HĐBALHQ tới trụ sở bộ này tại Jerusalem, và chấm dứt các hợp tác dân sự với Palestine.

Trong một thông báo, Thủ tướng Netanyahu cho biếtTel-Aviv sẽ xem xét lại quan hệ nước này với LHQ và sẽ cắt khoản ngân quỹ trị giá gần 8 triệu USD dành cho 5 tổ chức thành viên của LHQ. Tel-Aviv giải thích rằng những tổ chức này “đặc biệt thù địch với Israel”.

Với Mỹ là nước bỏ phiếu trắng, cũng bị Israel chỉ trích khi ông Netanyahu cho rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama đã không những không bảo vệ đồng minh thân cận tại LHQ mà còn “đứng sau giật dây”. Thủ tướng Netanyahu nói: “Quyết định của Chính quyền Obama không những chẳng giúp mang lại hòa bình cho chúng ta mà còn cản đường đi đến hòa bình”.

Giải thích cho quyết định không dùng quyền phủ quyết khiến Hội đồng Bảo an lần đầu tiên kể từ năm 1979 thông qua được nghị quyết chỉ trích chính sách định cư của Israel, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho biết, Washington thực sự lo ngại việc mở rộng các khu định cư của Israel trên các vùng đất chiếm đóng của người Palestine sẽ đe dọa giải pháp hai nhà nước. Đây cũng là thông điệp mà Tổng thống Obama muốn gửi đến Thủ tướng Netanyahu. Dù sẽ rời nhiệm sở vào đầu năm 2017 nhưng ông Obama đã tạo điều kiện để cộng đồng quốc tế có cơ sở đối phó với chính sách xây dựng các khu định cư trái phép của Israel. Trong vòng hơn 10 năm qua, khoảng 15.000 ngôi nhà đã được xây dựng ở Bờ Tây dưới thời Thủ tướng Netanyahu. Hồi tháng 11-2016, Israel đã nối lại kế hoạch xây dựng 500 ngôi nhà định cư ở Đông Jerusalem.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 29-12-2016 đã trình bày những chỉ dẫn lớn cho một thỏa thuận hòa bình chung cuộc giữa Israel và người Palestine và cảnh báo giải pháp hai nhà nước đang gặp “nguy hiểm nghiêm trọng”. Trong một bài diễn văn dài một tiếng đồng hồ tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kerry nói cuộc biểu quyết tại LHQ “là nhằm bảo tồn giải pháp hai nhà nước”. Ông Kerry bác bỏ những chỉ trích rằng Mỹ đã phản bội đồng minh lâu năm Israel của mình. “Đó là điều mà khi đó chúng tôi đang bảo vệ - tương lai của Israel như một nhà nước Do Thái và dân chủ”. Ông lưu ý rằng sự biểu quyết này “tuân theo” những giá trị của Mỹ.

Người Palestine và các nước Arập trong khu vực hoan nghênh nghị quyết của LHQ. Tuy nhiên, điều mà cộng đồng quốc tế lo ngại là việc Israel sẽ không tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Đây sẽ là một tiền lệ xấu và giảm đi uy tín của tổ chức lâu đời này trong thực thi luật pháp quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ nhậm chức vào 20-1-2017. Trái với lập trường của ông Obama, nhà lãnh đạo kế tiếp của Mỹ lại ra mặt ủng hộ đồng minh lâu đời tại Trung Đông. Ông Trump viết trên trang Twitter sau cuộc bỏ phiếu: “Với LHQ, mọi chuyện sẽ khác đi sau ngày 20-1”. Điều này đã khiến cho Israel càng mong chờ ngày nhậm chức của tỷ phú New York.

S.Phương (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc