Giá như… đừng có 'Vết sẹo'! 1

10:47 | 23/10/2015

1,832 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối cùng, Phan Huyền Thư đã lấy hết sự dũng cảm để thừa nhận “Bạch lộ” ra đời sau “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan và gởi lời xin lỗi đến khổ chủ. Bạn bè văn nghệ và cả tác giả Thường Đoan đều mong muốn khép lại những ngày mỏi mệt và nhiều muộn phiền. Họ muốn thứ tha và nhìn về phía trước. Nhưng, vết sẹo liệu có lành?

1. Trước vụ lùm xùm hai lần “đạo thơ” của nhà thơ Phan Huyền Thư trong vòng một tuần, một vụ tranh luận bản quyền khác cũng không kém phần sôi nổi: liệu Nguyễn Phan Quế Mai hay Ngô Xuân Phúc là tác giả của “Tổ quốc gọi tên mình”; hoặc cả hai đều “mượn” từ bản chép tay một bài thơ cùng tên vào tháng 6.1979 của anh Trương Công Mùi, một người lính từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia.

Ai là người đạo thơ của ai, trong cả hai trường hợp trên, đến thời điểm này, độc giả hẳn đều có câu trả lời xác đáng cho riêng họ. Song, điều người ta ngán ngẩm chính là thái độ cãi chày cãi cối của người bị tố.

gia nhu dung co vet seo
Tập thơ Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư

Dư luận luôn rất dễ thứ tha song cũng rất nghiêm khắc, họ cần một lời xin lỗi thật tâm của người trong cuộc. Gian dối chưa bao giờ được dung thứ. Gian dối trong sáng tạo nghệ thuật, xúc phạm, gây ảnh hưởng đến tinh thần và danh dự của người khác lại càng không dễ bỏ qua!

Giá như, ngay từ lúc đầu, Phan Huyền Thư chịu lên tiếng như hôm nay, có lẽ chị đã không phải nhận lấy nhiều chỉ trích nặng nề, từ bạn văn và cả cộng đồng mạng.

Giá như, Phan Huyền Thư hối lỗi ngay từ lúc đầu, bay vào Sài Gòn gặp và xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, có lẽ chị Đoan đã không phải vướng vào những thị phi mà bản thân chị chưa khi nào hình dung sẽ vướng phải.

Và giá như, Phan Huyền Thư dũng cảm thừa nhận điều đó sớm hơn, nhà thơ Thường Đoan và cả Huyền Thư, hai người phụ nữ trót nặng nợ với thơ ca đã không chịu nhiều thương tổn đến vậy.

Nguyễn Phan Quế Mai, sau phát hiện của báo chí quanh bài thơ của anh Trương Công Mùi cũng đã thôi ý định kiện Ngô Xuân Phúc ra tòa. Và có vẻ như, Quế Mai bỗng chốc gặp may khi mũi dùi dư luận giờ đây chĩa hẳn vào Phan Huyền Thư. Không một lời xin lỗi, không một lời xác nhận dẫu sự thật đã rành rành trước mắt.

Ước mong lớn nhất của một người cầm bút, ở bất cứ thời kỳ nào, quốc gia nào là đứa con tinh thần của họ được biết đến rộng rãi. Nhưng “lan tỏa” dưới hình thức “lùm xùm đạo văn” hẳn nhiên không ai muốn.

Xin lỗi cũng đã xin lỗi, thứ tha cũng đã thứ tha, giải thưởng cũng đã thu hồi, cam kết không sử dụng tác phẩm cũng đã cam kết,… người đọc rồi… cũng sẽ quên thôi như sỏi ném vào mặt hồ, xôn xao đó rồi tịch lặng đó.

Tuy nhiên, mỗi khi nhắc đến chuyện đạo ý, thuổng thơ thì tất cả sự việc của hôm nay sẽ được khơi lại. Nó như một vết sẹo, tưởng đã lành lặn trên da thịt. Song chỉ cần một đêm trời trở rét, vết nhức sẽ lại cục cựa. Tựa như, bây giờ nói chuyện Quế Mai, nói chuyện Huyền Thư, người ta lập tức nhớ lại việc “mượn thơ” Nguyễn Thị Việt Hà để phổ nhạc của Phạm Hồng Phước hồi đầu năm 2014.

Việc đọc nhiều, thấm nhiều ý hay của tác giả khác gần như là chuyện hiển nhiên của người thường xuyên đọc và làm công việc viết lách. Nhưng sử dụng như thế nào là điều người cầm bút có ý thức và tự trọng luôn phải cân nhắc. Cân nhắc để sáng tạo, để giữ mình.

Định kiến, luôn rất dễ hình thành song cực khó để xóa bỏ. Và với sự phát triển vũ bão của công nghệ như hiện nay, không quá khó để phát hiện tác phẩm nào đấy tương tự một tác phẩm khác.

Và câu hỏi đặt ra ở đây là mỗi khi tiếp cận một tác phẩm, suy nghĩ của độc giả có tồn tại nghi hoặc: “Liệu, bài thơ này, tác phẩm này có “mượn” của ai không?”.

2. Khi sự việc của Phan Huyền Thư bị phanh phui, bên cạnh những bạn văn, bạn thơ khuyên nhủ chị nên dũng cảm nhận lỗi một cách nhã nhặn, đầy tính cầu thị thì buồn thay thay cũng có vô số kẻ “dây máu ăn phần” như kền kền rỉa xác. Họ - một số là đồng nghiệp, cùng là thi sĩ lại moi móc tất cả vốn từ thậm tệ nhất và hả hê trên lỗi lầm của người khác.

Họ ra vẻ ta đây cũng có liên quan, có ảnh hưởng và tự cho bản thân đặc quyền phỉ nhổ vào cái họ gọi là sự trí trá của một cá nhân. Họ đấm ngực, kêu trời, lăn ra ăn vạ, kiểu: thế này có chết không chứ! nào là quân ăn cắp, nào là kẻ dối trá mà lòng thì thầm mong mình được ai đó một lần “cầm nhầm” thứ được gọi là thơ của họ.

gia nhu dung co vet seo
Tác giả Thường Đoan mong muốn khép lại vụ này việc với Huyền Thư

Đáng tự hào với những người dựa vào tai ương của người khác để mưu cầu danh vọng và được tung hê từ một đám đông cuồng nộ?!

Nếu như sự quẫn cùng của Phan Huyền Thư như một đứa trẻ phạm lỗi và bị người lớn dồn ép phải nhận lỗi mà không cho nó kịp thở thì những kẻ ăn phần đang nuôi mầm cái ác. Họ hả hê chứng kiến cảnh đồng loại bị mổ xẻ.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, đứa trẻ phạm lỗi, rồi cũng được thứ tha. Ít nhất nó vẫn có gia đình, bạn bè dang tay đón nhận. Nhưng những con kền kền chắc chắn sẽ chẳng ai buồn nhớ hay đọc những điều họ viết.

Nhưng cuối cùng, qua tất cả câu chuyện này, một điều có thể nói là: Giá như không có “Vết sẹo” để những “giá như” vừa qua ấy… chưa từng xảy ra!?

Thiên Di