Gia nhập TPP: Ngành chăn nuôi Việt Nam có nguy cơ “phá sản”?

11:00 | 17/08/2015

3,864 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
20 nghìn đồng/kg đùi gà Mỹ nhập khẩu đang là câu chuyện được ngành nông nghiệp rất quan tâm, đặc biệt là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) có hiệu lực. Bởi ở đây không chỉ là câu chuyện phá giá như giới chăn nuôi đang nghi ngờ mà rộng, sâu hơn đó là thách thức mở đầu trong hàng loạt thách thức khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP.  

gia nhap tpp nganh chan nuoi viet nam co nguy co pha san

Ngành Da giày trông chờ gì từ TPP?

(Petrotimes) – Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam vừa thông báo kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2015. Các doanh nghiệp trong ngành này kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai, đặc biệt là từ các lợi ích mà TPP dự kiến có thể mang lại.

 

Chăn nuôi manh mún

Nếu như ở Hoa Kỳ, cánh, đùi gà… được bán với giá từ 60- 80 nghìn đồng/kg thì đối với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu vào Việt Nam bán ngoài thị trường chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với giá ở Hoa Thịnh Đốn. Điều này cho thấy giá thịt gà nhập khẩu chiếm ưu thế hơn hẳn so với gà nội địa. Đó là chưa nói đến chất lượng thịt gà ngoại nhập an toàn thực phẩm tốt hơn gà chăn nuôi trong nước do quy trình chăn nuôi, công tác kiểm định… quy mô và chuẩn chỉ hơn trong nước rất nhiều. Gia nhập TPP thì ngành nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt nhiều hơn với hoàn cảnh như vậy thậm chí là “thường trực’. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia kinh thế thì nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhất khi gia nhập TPP.

gia nhap tpp nganh chan nuoi viet nam co nguy co pha san
Một hộ chăn nuôi gà ở Thái Nguyên

Vì chăn nuôi trong nước hiện nay vẫn đang theo hình thức nhỏ lẻ, nông hộ là chính (chiếm hơn 50%), số lượng lại không nhiều chỉ khoảng 23.000 trang trại nhỏ, ít hơn hẳn so với các quốc gia nông nghiệp khác. Đã vậy, năng suất của những trang trại này rất thấp chỉ bằng 30% các nước phát triển. Ông Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình cho hay: “Mỗi con lợn nái của các nước thường cho năng suất đến 2,6 tấn thịt hơi/năm trong khi Việt Nam chỉ khoảng 650kg hơi/năm. Cùng với đó khả năng sinh sản của lợn nội địa cũng chỉ đạt hơn 50%. Nói chung là rất thấp”. Chưa kể đến, thức ăn dành cho chăn nuôi phải phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Ước tính mỗi năm, nước ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chiếm 50% nguồn thức ăn trong nước với trị giá gần 3 tỉ USD. Trong đó, các nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá nhập khẩu tới 90%. Khoáng chất và vitamin còn nhập khẩu tới 100%. Điều đó, làm cho không những giá thành sản xuất mà cả giá bán ra ngoài thị trường của thịt lợn và thịt gia cầm đội lên rất cao. Ngoài ra còn phí kiểm dịch, phí khác nhau từ thuế nhập khẩu thức ăn, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y đến thuế VAT… cộng vào đó. Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổng kết chi phí mà khiến ngành chăn nuôi phải đội giá thành sản xuất  lên gồm: 6-7% về giống, 9-10% về thức ăn, các khâu trung gian về giết mổ là 8-12%. Câu chuyện này đúng như quả trứng gà phải “cõng” từ 14-17 loại thuế và phí đã gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Bên cạnh đó, chất lượng chăn nuôi để cho thịt lợn bảo đảm an toàn thực phẩm chưa tốt, vẫn sử dụng nhiều thuốc tăng trọng, dịch bệnh vẫn diễn ra nhiều và ý thức bảo vệ môi trường của người chăn nuôi còn kém. Minh chứng là suốt thời gian qua, không biết bao nhiêu lần cơ quan chức năng phát hiện ra thịt lợn “bẩn” được chăn nuôi ở các hộ nông dân nhất là ở khu vực phía Nam.

Cuộc đua không cân sức

Trong khi ngành chăn nuôi của các quốc gia tham gia TPP như Mỹ, Australia, New Zealand, Canada… rất phát triển, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, áp dụng những công nghệ hiện đại nhất vào ngành chăn nuôi; giống cũng như thức ăn chăn nuôi lại tốt, chủ động làm cho không những chất lượng mà giá thành sản phẩm rất rẻ, có thể cạnh tranh với thị trường quốc tế. Như ở Mỹ, giá gà thịt xẻ trong quý II chỉ khoảng 2,2 USD/kg, xấp xỉ 50 nghìn đồng/kg, thấp hơn tới 30 nghìn đồng so với thịt gà nội địa bán ngay trong nước. Cho nên sau khi nhập TPP, cuộc cạnh tranh giữa ta và các nước thành viên có thể nói là một cuộc đua không cân sức, nhất là khi thuế nhập khẩu giảm còn 0%.

Trước những khó khăn và sự chênh lệch quá lớn giữa ngành chăn nuôi trong nước và ngành chăn nuôi của các quốc gia tham gia TPP như trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, không đến nỗi quá lo lắng do giảm thuế nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm về 0% còn có lộ trình, không thực hiện ngay nếu Việt Nam trở thành thành viên của TPP. Nên khoảng thời gian để thực hiện theo lộ trình đó đủ cho ngành chăn nuôi nội địa thực hiện một cuộc “cách mạng” thay đổi từ chất đến lượng bằng những giải pháp: loại bỏ các khâu trung gian làm tăng giá, mở rộng quy mô chăn nuôi, giúp người dân tiếp cận vốn, đất, chủ động trồng các loại cây phục vụ sản xuất chăn nuôi… Thế nhưng giải pháp mà Bộ NN&PTNT cảm thấy lạc quan nhất trong việc thịt gia súc, gia cầm chăn nuôi trong nước có thể cạnh tranh với chính sản phẩm ngoại nhập trên mảnh đất của mình là văn hóa ẩm thực của người Việt - chỉ thích thịt tươi sống. Tuy nhiên, sự lạc quan ấy của Bộ NN&PTNT liệu có thể xảy ra như thế không khi chỉ nhìn vào con số nhập khẩu thịt ngoại 2 năm trở lại đây mới thấy khẩu vị của người Việt thay đổi như thế nào. Năm 2014, chỉ tính riêng thịt gia cầm, Việt Nam đã nhập khẩu 95 triệu USD, chiếm gần một nửa kim ngạch nhập khẩu thịt các loại. Năm 2015, chỉ tính 5 tháng đầu, Việt Nam đã nhập khẩu gần 57.000 tấn thịt gia cầm đông lạnh (chủ yếu là đùi, cánh, đầu và chân), tăng gần 54% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch nhập khẩu thịt lợn cũng đạt gần 4 triệu USD, tăng hơn 60% về giá trị. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) thì sau TPP xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Việt Nam còn tăng gấp 43,2 lần năm 2014, nghĩa là tăng từ 2,3 triệu USD lên 100 triệu USD/năm.

Như vậy có thể thấy thói quen sử dụng thịt tươi sống không phải là “chiếc gậy” vững chắc cho ngành chăn nuôi trong nước, nhất là về lâu dài mà chỉ có thể là tái cấu trúc ngành chăn nuôi. Nhưng tái cấu trúc ngành chăn nuôi ngoài các công việc cụ thể như Bộ NN&PTNT đã kể trên thì còn phải quy hoạch về vật nuôi, khu vực chăn nuôi, sản xuất và đặc biệt phải công khai thông tin về doanh nghiệp cho thị trường cũng như cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp trong nước và các hộ chăn nuôi để họ có thể chuẩn bị “nội lực” cạnh tranh với hàng ngoại nhập… TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP phân tích: “Chúng tôi đề xuất cần nhanh chóng có quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chăn nuôi, cho phép truy xuất được các thành phần, ngày sản xuất, vùng nuôi, trại giống qua các giai đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối… để trước hết giúp người tiêu dùng trong nước có thể nhận biết hàng thật - giả, chất lượng - kém chất lượng, sau đó là xây dựng, đăng ký nhãn hiệu rồi phát triển thương hiệu… cho doanh nghiệp”.

Thực ra, sau khi gia nhập TPP, không chỉ chăn nuôi mà nhiều ngành nghề khác ở trong nước cũng sẽ gặp khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đó lại là “đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng tầm nền kinh tế, đất nước lên ngang hàng thế giới, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh tốt cũng như bình đẳng. Muốn hội nhập sâu rộng, thì không còn cách nào khác là chúng ta phải vượt qua khó khăn và tìm một hướng đi đúng, phù hợp với quá trình hội nhập và trong một cuộc đua không cân sức giữa nước đang phát triển như ta và những nước phát triển trong TPP.

Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh: “Ngành chăn nuôi đang là sinh kế của gần 10 triệu người nhưng trên 50% lại chăn nuôi ở quy mô nhỏ. Khi gia nhập TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam gần như là một vật hy sinh cho TPP”.

Tú Anh

Năng lượng Mới 448