Giá điện cho thủy điện vừa và nhỏ

07:00 | 09/05/2014

2,708 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những biện pháp ban đầu nhằm tháo gỡ khó khăn chồng chất bấy lâu cho thủy điện vừa và nhỏ được tính toán thực thi; ngành Điện sẽ tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh - Đó chính là những nội dung “nóng” mà ngành Công Thương trả lời các thắc mắc, chất vấn của cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014 diễn ra ngày 28/4/2014 tại Hà Nội.

Năng lượng Mới 319

Tăng minh bạch trong sản xuất

Trả lời các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề minh bạch trong sản xuất kinh doanh điện năng, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, về vấn đề công khai, minh bạch trong xây dựng giá điện theo giá thị trường và cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo Bộ trưởng, trong các năm 2009-2012, thực hiện quy định tại Luật Điện lực năm 2004, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán điện, cơ cấu biểu giá quy định về kiểm tra và công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện hằng năm. Bộ Công Thương cũng đã ban hành các Thông tư quy định về cơ chế giá điện các khâu phát, truyền tải, giá bán lẻ điện, quy định về thị trường phát điện cạnh tranh.

Đến ngày 1/7/2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực có hiệu lực thi hành, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng mới, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều tiết giá điện và vận hành thị trường điện nhằm tiếp tục nâng cao tính công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh điện.

Trung tâm điều hành của Thủy điện Seo Chong (Lào Cai)

Về việc kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện, công bố công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện thì trong các năm 2011. 2012, 2013, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010, năm 2011, năm 2012 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gồm đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Và tổ công tác đã thực hiện kiểm tra thực tế tại Công ty Mẹ là EVN và một số đơn vị thành viên của EVN. Căn cứ vào kiểm tra của tổ công tác, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo, công bố công khai, minh bạch các nội dung về giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010, 2011, 2012 của EVN.

Và thực tế là giá thành sản xuất kinh doanh điện các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ - quản lý ngành, lỗ/lãi sản xuất kinh doanh điện các năm, các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện, nguyên nhân EVN lỗ các năm được Bộ công bố rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng tại các cuộc họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Bộ quản lý ngành Điện cũng cho biết, trong động thái mới, ngày 22/4/2014, Bộ cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu.

Theo đó, đối với lĩnh vực điện, Chỉ thị số 11/CT-BCT yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như các đơn vị có liên quan, phải khẩn trương công khai, minh bạch các hoạt động sản xuất kinh doanh điện, nhất là về giá bán điện, các yếu tố hình thành giá, các cơ chế liên quan đến điều hành giá bán điện.

Về sử dụng năng lượng, lãnh đạo Bộ đánh giá, trong số các mặt hàng Trung Quốc tiêu thụ tại Việt Nam còn có nhiều mặt hàng chất lượng thấp, không đảm bảo quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Nhiều máy móc, thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu, mức độ xả thải chất độc hại ra môi trường cao.

Cứu nguy cho thủy điện nhỏ

Trước kiến nghị của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp xem xét, điều chỉnh việc tính thời gian mùa mưa, mùa khô, đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai được hưởng 3 tháng mùa mưa và 9 tháng mùa khô như các nhà máy có công suất trên 30MW (hiện các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang phải chịu 4 tháng mùa mưa và 8 tháng mùa khô).

Bộ Công Thương cho hay, tại Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT ngày 18/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về biểu giá chi phí tránh được cho các nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo, mùa mưa được tính từ ngày 1/7 đến ngày 31/10, mùa khô được tính từ ngày 1/11 đến ngày 30/6 năm sau. Như vậy, các nhà máy thủy điện nhỏ được áp dụng tính 4 tháng mùa mưa và 8 tháng mùa khô (các nhà máy thủy điện trên 30MW không áp dụng giá mua điện theo mùa khô, mùa mưa mà theo hợp đồng hoặc theo thị trường điện cạnh tranh). Để giải quyết khó khăn cho các nhà máy thủy điện nhỏ, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5079/BCT-ĐTĐL ngày 13/6/2012 gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam về vấn đề khai thác nhà máy thủy điện nhỏ khu vực miền Bắc. Theo đó, quy định kể từ ngày 1/6/2012, trong khoảng thời gian từ 4h00 đến 22h00 các ngày thứ Hai đến thứ Bảy của mùa khô thì cho phép áp dụng giá giờ cao điểm mùa khô theo Biểu giá chi phí tránh được đối với các đơn vị thủy điện nhỏ trên toàn quốc theo nguyên tắc đảm bảo tối đa 5 giờ được áp dụng mức giá này, các giờ còn lại được tính theo giá giờ bình thường. Trong thời gian mùa mưa, yêu cầu huy động tối đa sản lượng phát từ các nhà máy thủy điện nhỏ tại khu vực nối với lưới điện phía Trung Quốc. Và để đảm bảo tận dụng nguồn phát từ các nhà máy thủy điện nhỏ tại khu vực này, cho phép chấp nhận điều kiện phạt do không đảm bảo huy động được sản lượng điện cam kết theo quy định tại hợp đồng mua điện với Trung Quốc.

Bộ trưởng Công Thương cho biết, đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát, lập kế hoạch mua điện từ Trung Quốc và lập phương thức đấu nối lưới điện để đảm bảo tối ưu hóa chi phí mua điện từ Trung Quốc trên cơ sở tận dụng tối đa sản lượng điện mua từ các nhà máy thủy điện nhỏ tại khu vực. Bộ yêu cầu EVN đôn đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đưa vào vận hành các công trình lưới điện 220kV, 110kV để đảm bảo tiếp nhận lượng điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong khu vực nối với lưới điện phía Trung Quốc cấp về hệ thống điện Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết ý kiến: Nghị định 72/2007/NĐ-CP hiện đang được sửa đổi, bổ sung (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì và Bộ Công Thương tham gia). Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định này, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sửa đổi một số quy định còn bất cập của Nghị định trong đó có nội dung liên quan đến những thủy điện nhỏ có dung tích hồ bé hoặc chiều cao đập rất nhỏ.

Hiện, dự thảo Nghị định thay thế trình Văn phòng Chính phủ thẩm định theo quy định có ghi rõ: Nghị định này không áp dụng đối với đập có chiều cao dưới 5m hoặc đập của hồ chứa có dung tích toàn bộ dưới 50.000m3 mà vùng hạ du không có hộ dân cư trú thường xuyên hoặc không nằm trong cùng bậc thang với hồ chứa khác.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết Bộ đã có Quyết định số 22/QĐ-ĐTĐL ngày 2/4 mục đích tháo gỡ khó khăn cho thủy điện nhỏ. Cụ thể, biểu giá chi phí tránh được năm 2014 áp dụng cho các nhà máy thủy điện nhỏ đấu nối với lưới điện quốc gia đáp ứng các điều kiện áp dụng quy định tại Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT ngày 18/7/2008 của Bộ Công Thương. Và biểu giá chi phí tránh được năm 2014 tiếp tục được thực hiện theo Quyết định số 09/QĐ-ĐTĐL ngày 27/3/2013 của Cục Điều tiết điện lực và thực hiện đến ngày 31/12/2014. Trong biểu giá chi phí tránh được này có tiền dịch vụ môi trường rừng và thuế tài nguyên nước.

Ngọc Thọ

  • el-2024