Giá dầu giảm đã phá nát chính trường Iraq

07:30 | 02/05/2016

915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 1/5, người biểu tình đã xông vào tòa nhà quốc hội ở Baghdad, khiến các nhà lập pháp phải tháo chạy. Đây là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chính trị tại Iraq bắt đầu từ năm 2003 cho đến nay mà ngòi nổ chính là giá dầu giảm.
tin nhap 20160501231333
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi xem xét thiệt hại sau khi những người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội Iraq ngày 1//5/2016

Thủ đô Baghdad của Iraq hôm 1/5 ở bên bờ vực xáo trộn chính trị. Thành phố này đang trong tình trạng khẩn cấp, những người biểu tình đang chiếm đóng những khu vực từng là khu an toàn quốc tế, gọi tắt là IZ, các nhà lập pháp đã tháo chạy trong khi quân đội đang trong tình trạng báo động đỏ.

Tới sáng 1/5, những người biểu tình do Giáo sĩ Hồi giáo Shia Moqtada al-Sadr cầm đầu, tiếp tục kéo nhau xuống đường, đứng chật tiền đình quốc hội Iraq, giờ đã vắng tanh bóng người, đồng thời tụ tập tại khu vực được biết dưới tên “quảng trường Ăn Mừng”.

Các nhà lập pháp Iraq đã tháo chạy sau khi những người biểu tình xông vào toà nhà quốc hội. Khoảng 60 nhà lập pháp, phần lớn thuộc nhóm thiểu số người Kurd và người Hồi giáo Sunni, đã chạy thoát khỏi thủ đô về hướng Irbil và Suleymania, thuộc vùng tự trị của người Kurd ở Bắc Iraq.

Một giới chức quốc hội xin giấu tên vì sợ bị trả thù, nói rằng tình hình rất nguy hiểm đối với người Kurd và người Sunni. Ông nói một số nhà lập pháp đã bị hành hung.

Giới chức này cho hay hàng ngàn người biểu tình vẫn ở trong khu an toàn quốc tế IZ trong ngày chủ nhật, họ cắm trại trước các công ốc chính phủ quan trọng.

Bình thường chỉ có những người có thẻ đặc biệt được cho phép vào khu an toàn được bảo vệ, vì đây là nơi toạ lạc của nhiều đại sứ quán nước ngoài, và trụ sở của Liên Hiệp Quốc.

Nguồn tin này nói rằng tình hình rất nguy hiểm, và các đám đông biểu tình có thể tấn công bất cứ đại sứ quán nào hoặc bất cứ định chế nào, hay bất cứ người nào họ muốn.

Vụ chiếm đóng quốc hội Iraq là cao điểm của nhiều tuần lễ giằng co chính trị và bất ổn leo thang.

Giáo sĩ Sadr đòi hỏi phải lập một chính phủ Iraq mới gồm nhiều nhà kỹ trị. Thủ tướng Iraq Abadi đã hứa sẽ cải cách nhưng đã không thực hiện được thay đổi thực sự nào giữa lúc các chính đảng ngăn cản việc bổ nhiệm phần lớn các ứng cử viên do ông tiến cử, vì sợ mất quyền lực.

tin nhap 20160501231333
Những người ủng hộ giáo sĩ Shia Muqtada al-Sadr cầm cờ Iraq bên ngoài quốc hội Iraq ngày 30/4

Cơn bão chính trị xảy ra sau mấy tháng biểu tình đường phố kêu gọi Thủ tướng Abadi làm đúng như lời hứa của ông ta cải cách điều mà nhiều người xem là một hệ thống thân hữu chính trị chóp bu.

"Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong chính trường Iraq kể từ năm 2003. Cuối cùng, người dân Iraq nói với những chính trị gia của họ rằng, các người đã hoàn toàn phản bội chúng tôi, các người đã khiến chúng tôi thất vọng"- Toby Dodge, tư vấn viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, nói.

Một số chính trị gia đang đề xuất nhiều giải pháp để tránh một cuộc khủng hoảng chính trị thậm chí còn lớn hơn. Chính khách kỳ cựu và cựu Thủ tướng Ayad Allawi góp tiếng, kêu gọi giáo sĩ Shia Moqtada al Sadr có chủ trương dân túy và những người trong quốc hội đồng ý điều mà ông gọi là một "lộ trình chính trị" để dần dần tìm đường ra khỏi cuộc khủng hoảng.

Ông Allawi cho biết Thủ tướng Abadi "đang đi lòng vòng mà không trình bày những cải cách phù hợp". Ông Allawi nói cách duy nhất thoát khỏi tình trạng tê liệt là từ từ bắt đầu những cải cách, tập trung vào việc đánh bại Nhà nước Hồi giáo, nỗ lực với công tác hòa giải chính trị và làm cho quốc hội hoàn toàn dân chủ.

"Chìa khóa cho lộ trình này là cơ quan lập pháp hoạt động mà không chịu bất kỳ áp lực nào và trao quyền cho Hội đồng Đại biểu. Một khi quốc hội được trao quyền làm điều mà họ phải làm là soạn luật, thì khi đó tất cả những người tham gia chính trị sẽ hài lòng"-ông nói.

Ông Dodge thì tỏ ra hoài nghi. Những người biểu tình được thôi thúc bởi đòi hỏi của ông Sadr vào mùa hè năm ngoái yêu cầu thay đổi thành phần chóp bu của nhà nước Iraq có thể sẽ không dễ dàng thỏa mãn.

"Họ đã thách đấu với tầng lớp chóp bu chính trị sau năm 2003, và đó là một thách thức mà tầng lớp chóp bu chính trị không thể đương đầu mà không tự mình từ chức và đem đi mất quyền lực và tiền bạc của họ. Những chính trị gia cấp cao trong Vùng Xanh nói về một cái gì đó ngớ ngẩn và vô nghĩa như một lộ trình hướng đến việc trao quyền cho quốc hội sẽ không đem lại những cải cách có ý nghĩa"- ông Dodge giải thích.

Ông Dodge nói thêm cốt lõi của cuộc chiến còn hơn là làm sạch lên một chính phủ tham nhũng tràn lan. Đó là khởi đầu của cuộc tranh giành quyền lực thời hậu Nhà nước Hồi giáo ở Baghdad giữa nhiều phe phái Shia cầm quyền khác nhau.

Nhưng ông Kenneth Katzman, một chuyên gia Iraq tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội ở Washington, Mỹ, tin rằng nền tảng của cuộc khủng hoảng hiện nay là sự sụt giảm đáng kể giá dầu đã khiến chính phủ Baghdad không còn bất kỳ nguồn lực thực sự nào.

Ông Katzman nói mặc dù người Iraq bình thường đang khổ sở, tầng lớp chính trị ở Baghdad vẫn sống một cuộc sống song song với những đặc quyền hết sức to lớn, mức lương tốt, và sự bảo vệ mà họ không muốn từ bỏ.

"Vấn đề chính trị bắt nguồn từ đó. Ông Abadi đã bị làm suy yếu về mặt chính trị bởi vì những cuộc biểu tình cho thấy chính phủ của ông ta không hữu hiệu, và rồi nhiều chính trị gia người Shia khác đang sử dụng điểm yếu của ông ta để củng cố thời vận của mình"- ông Katzman nói.

Theo Katzman, kết quả có thể sẽ gây bất ổn rất lớn. Ông Abadi đã rút một số đơn vị quân đội trở từ mặt trận chống Nhà nước Hồi giáo về Baghdad để chống đỡ cho chính phủ của ông.

Th.Long

Theo AFP. AP, Reuters, CNN