Giá dầu giảm: Các “ông lớn” đều méo mặt

07:00 | 11/03/2015

2,368 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc giá dầu giảm sâu và giảm liên tục đang khiến các tập đoàn dầu khí thế giới từ các “Big Oil” như ExxonMobil cho đến các “đại gia” tầm khu vực như Petronas (Malaysia) phải tìm cách cơ cấu danh mục đầu tư và cắt giảm chi tiêu bằng nhiều cách.

Năng lượng Mới số 403

Cắt giảm, cắt giảm và… cắt giảm

Thông tin chủ đạo nhất và nổi bật nhất trong thông báo của các công ty dầu khí trên toàn cầu đầu năm 2015 có lẽ “giảm lợi nhuận” và “cắt giảm đầu tư”.

Lợi nhuận của Tập đoàn Dầu khí Anh BP do bị ảnh hưởng do lợi nhuận của đối tác liên doanh Rosneft (Nga) cũng giảm khá mạnh trong quý IV/2014 xuống còn 470 triệu USD, so với 1,1 tỉ USD cùng kỳ năm 2013.

Đây là hậu quả của việc đồng rúp của Nga mất giá và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Moskva do những bất đồng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Hiện BP đang nắm 20% cổ phần ở Rosneft. Ngoài ra, BP cho biết, trong quý IV/2014, tập đoàn này cũng đã phải trích ra 477 triệu USD để thanh toán các chi phí pháp lý và làm sạch môi trường liên quan đến sự cố nổ giàn khoan ở Vịnh Mexico năm 2010. Tổng chi phí mà BP phải bỏ ra để giải quyết các hậu quả của sự cố này hiện lên tới 43,5 tỉ USD. Theo báo cáo của BP, tính đến cuối năm 2014, nợ ròng của tập đoàn này vẫn là 22,6 tỉ USD. BP dự định sẽ cắt giảm vốn đầu tư trong năm nay xuống còn khoảng 20 tỉ USD so với 25 tỉ USD mà tập đoàn này đưa ra trước đó.

Cùng cảnh ngộ, Tập đoàn Dầu khí Anh - Hà Lan Shell thông báo lợi nhuận ròng năm 2014 giảm 8% xuống còn 15,05 tỉ USD do giá dầu trượt dốc và cho biết sẽ gia tăng cắt giảm chi tiêu. Sự sụt giảm này bao gồm cả lợi nhuận giảm trong quý IV/2014 do giá dầu thô giảm mạnh. Lợi nhuận ròng quý này giảm 57% so với cùng kỳ năm 2013, xuống còn 773 triệu USD. Trong 3 năm tới, Shell dự định sẽ cắt giảm chi tiêu tới hơn 15 tỉ USD.

Các đại gia dầu khí khác như Chevron (Mỹ) cũng tuyên bố sẽ cắt giảm chi tiêu 13% trong năm nay, trong khi ConocoPhillips cũng của Mỹ dự định cắt giảm đầu tư khoảng 30%.

ExxonMobil: Tối ưu hóa kế hoạch phát triển

Mặc dù kết quả sản xuất kinh doanh của ExxonMobil trong năm 2014 so với các đối thủ khác được đánh giá là lạc quan hơn nhiều, nhưng lợi nhuận trong quý IV/2014 của Tập đoàn là 6,5 tỉ USD, vẫn thấp hơn 21% so với 1 năm trước. Mới đây, tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới này lại vừa thông qua khoản ngân sách chi tiêu cho năm 2015 là 34 tỉ USD, ít hơn 12% so với năm 2014. Khoản ngân sách dự kiến cho 2 năm tiếp theo (2016 và 2017) cũng được ExxonMobil thông báo là sẽ còn thấp hơn con số nói trên.

Thực tế thì đây chỉ là một trong số các hành động mà “ông lớn” dầu khí thế giới thực hiện để đối phó với việc giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm thê thảm trong thời gian qua, bởi ExxonMobil từng nhiều lần cho biết, họ sẽ giảm dần ngân sách từ 42,5 tỉ USD trong năm 2013 khi nhiều dự án lớn đi vào khai thác. Tuy nhiên, so với ngân sách 37 tỉ USD mà ExxonMobil đã dự kiến trong bản cáo bạch năm 2014 thì con số 34 tỉ USD nói trên cũng cho thấy phần nào tình cảnh khó khăn của Tập đoàn trong bối cảnh dầu thô trượt 50% giá trong 8 tháng qua.

Theo đó, phần ngân sách cắt giảm sẽ tập trung chủ yếu ở khâu chi phí cho các hoạt động thăm dò và khai thác. Nhưng điều đó không có nghĩa là giảm sản lượng khai thác, vì ExxonMobil dự kiến vẫn tăng sản lượng khai thác dầu lên 4,3 triệu thùng dầu quy đổi/ngày cho đến năm 2017. Điều mà ExxonMobil phải kiên quyết làm, theo ông Rex W.Tillerson, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của ExxonMobil, là phải thực hiện tiết kiệm nguyên vật liệu, dịch vụ và chi phí xây dựng bên cạnh việc tối ưu hóa kế hoạch phát triển.

Stewart Glickman - nhà phân tích tài chính thuộc Capital IQ nhận định, Exxon có thể sẽ cố gắng cắt giảm chi phí dịch vụ “đáng kể” và tái đàm phán về mọi chi phí bất cứ khi nào có thể với các đối tác của mình. “Họ vẫn phát triển những gì họ muốn, với cấp độ chất lượng như trước, chỉ là với chi phí rẻ hơn”.

Trong 2 năm tới, Exxon có kế hoạch khởi động 24 dự án lớn ở một số quốc gia, như Australia, Canada và Nga, đồng thời đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng khai thác dầu khí trên bờ tại Mỹ vào cuối năm 2017.

Chuyên gia phân tích Brian Youngberg thuộc Edward Jones chỉ ra rằng, trọng tâm phát triển mảng hoạt động của Exxon ở Mỹ sẽ là khai thác dầu đá phiến và đây là thời điểm thích hợp để một “ông lớn” như Exxon nhảy vào lĩnh vực này.

Bởi, giống như hầu hết các tập đoàn dầu khí lớn khác, Exxon đã bỏ lỡ thời kỳ công nghệ fracking (kỹ thuật bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đất đá, qua đó giải phóng dầu và khí đốt bị kẹt lại trong lớp đất đá) bùng nổ ở Mỹ khi giảm lượng vốn đầu tư từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước để tập trung cho các dự án ở vùng nước sâu và Bắc cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu rơi mạnh, Exxon đang có cơ hội rất lớn để gia nhập thị trường này. Nhiều công ty dầu đá phiến có quy mô nhỏ và từng dẫn dắt cuộc cách mạng dầu khí đá phiến kể từ những năm 1980 giờ đang rất thiếu tiền mặt và gánh nhiều khoản nợ. Với tiềm năng tài chính hùng mạnh, khả năng Exxon sẽ mua lại tài sản hoặc “nuốt gọn” một, hay một số công ty như vậy hiện đang nằm trong dự đoán của giới phân tích.

Petronas: Hoãn dự án trọng điểm

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) đã trở thành một trong các công ty dầu khí mới nhất công bố cắt giảm chi tiêu như một hệ lụy của việc dầu rớt giá. Petronas đã lỗ 7,3 tỉ RM (tương đương với 2,01 tỉ USD) trong quý IV/2014, trong khi cùng kỳ 1 năm trước đó, tập đoàn này đã lãi 12,8 tỉ RM. Thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao (EBITDA) cũng giảm 12% và tổng lợi nhuận trong cả năm 2014 là 18 tỉ RM cũng thấp hơn năm 2013.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 5 năm trở lại đây Petronas bị lỗ.

Trong dự báo năm 2015, Petronas cho biết do giá dầu thô được dự đoán sẽ thấp hơn đáng kể so với năm 2014, hoạt động tài chính của tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng và buộc phải thực hiện các bước giảm vốn đầu tư dự kiến, cũng như chi phí điều hành.

Tổng giám đốc Petronas Tan Sri Shamsul Azhar Abbas cho biết, Petronas dự kiến cắt giảm 10% chi tiêu vốn - đầu tư xây dựng cơ bản (tương đương 25 tỉ RM) trong năm 2015, nhưng nếu giá dầu tiếp tục trượt dốc không phanh, mức cắt giảm có thể tăng lên 15% (tương đương 30 tỉ RM) trong năm 2016. Chi phí vận hành cho các hạng mục nhất định sẽ được giảm 30%.

Được biết, kế hoạch ngân sách cho năm 2015 của Petronas dựa trên dự báo giá dầu ở mức 55USD/thùng. Bên cạnh đó, vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay, Petronas sẽ có một đánh giá ngân sách giữa kỳ để có những điều chỉnh hợp lý.

Cũng theo người đứng đầu Petronas, một số dự án trọng điểm mà Tập đoàn đã lên kế hoạch thực hiện sẽ được hoãn lại, chẳng hạn như dự án chế biến khí Sepat sẽ được hoãn lại cho đến năm 2017 hoặc 2018. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không có việc cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Những nhân sự dôi dư sẽ được điều chuyển đến các khu vực khác cần người nhiều hơn, ví dụ như tổ hợp lọc - hóa dầu RAPID.

Linh Phương

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc