Ghi trên đường phố Đà Nẵng

07:00 | 06/03/2017

5,401 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Đà Nẵng được biết đến không hẳn là những cây cầu được thiết kế với lối kiến trúc mới lạ và hiện đại. Cũng không hẳn vì có bãi biển trong top đẹp nhất hành tinh và lễ hội pháo hoa quốc tế lung linh bên bờ sông Hàn. Đà Nẵng được biết đến từ những việc hết sức bình thường, nhưng có sức lay động và ấn tượng sâu sắc.

Bạn tôi, Đại tá Nông Văn Hiên, công tác tại Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP), thuộc Văn phòng MIA (Bộ Quốc phòng). Người có nhiều năm tham gia đoàn công tác điều tra, tìm kiếm số quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh Việt Nam tại địa bàn Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên. Giờ đã nghỉ hưu, nhưng năm nào ông cũng vào Đà Nẵng nghỉ dưỡng. Nói như ông, Đà Nẵng là địa phương để lại trong ông nhiều ấn tượng và tình cảm nhất. Từ bà bán quán ăn ở phố Nguyễn Tất Thành, đến anh công chức bình thường mà ông đã gặp. Công việc tuy khác nhau, nhưng họ cùng giống nhau một điểm đấy là giàu tình cảm, tình người.

ghi tren duong pho da nang
Đà Nẵng không tắc đường giờ cao điểm là do người tham gia giao thông đi đúng làn đường quy định

Một trong những kỷ niệm trở thành ấn tượng mà ông Hiên nhớ mãi chính là từ cái quán ăn. Ông kể rằng, cách đây chừng 7 năm, đoàn công tác của ông từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Buổi tối mấy anh em kéo nhau ra một quán nhậu ở đường Nguyễn Tất Thành. Ông kêu chủ quán cho một cân tôm hấp, khi nhân viên mang tôm tươi ra để cho khách kiểm tra, ông “trợn mắt” và gay gắt… Thấy khách to tiếng, chị chủ quán nhã nhặn “các bác kêu “một ký”, em lấy đúng “một ký”, chứ có thêm, bớt lạng nào đâu”. Nói rồi, chị ta đưa lên cân cho cả đoàn kiểm tra. Lúc ấy ông mới ngớ người ra; thì ra ở đây người ta cân thật, cân đúng, cân đủ, chứ không gian lận, cân điêu như ở nơi khác mà ông đã từng bị “ăn 5 lạng tiền tính ký rưỡi”.

Với đặc thù công việc, những chuyến công tác của ông luôn có yếu tố “người nước ngoài”. Vì vậy khi giao dịch công tác thường bị “soi” khá kỹ. Điều ấy không có gì sai cả, nếu không muốn nói đấy là quy định bắt buộc. Tuy nhiên, “soi” đến mức kéo dài cả tuần lễ; khi hỏi, cơ quan này “đẩy” cho cơ quan nọ, chạy vòng quanh từ sở nọ sang ngành kia mà không nhận được cái “gật đầu”, thì quả là không chấp nhận được. Với Đà Nẵng thì không, nguyên tắc thì rõ là nguyên tắc, nhưng giải quyết công việc thì “rẹt rẹt”. Thiếu thủ tục, giấy tờ được hướng dẫn tỉ mỉ, hẹn ngày nào “đúng y chang” ngày ấy.

Công chức Đà Nẵng mà ông đã gặp và làm việc là những người mẫn cán, lịch sự, hết lòng với công việc và cởi mở, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm. Ông kể rằng, ông giám đốc một sở ở Đà Nẵng hẹn làm việc với ông, nhưng vì công tác đột xuất, dù đêm đã khuya nhưng vẫn điện thoại cho ông cáo lỗi vì lỡ hẹn. Sáng hôm sau đến làm việc, người tiếp ông tuy chỉ là một phó phòng, nhưng tất cả các công việc ông đã đăng ký đều được giải quyết nhanh gọn. “Ở nơi khác thì còn lâu, cứ chờ đấy!” - ông nói như vậy.

Thực tế, đâu đó trong đội ngũ cán bộ, công chức ở Đà Nẵng cũng còn có chuyện này, chuyện khác chưa được như mong muốn, nhưng đấy chỉ là cá biệt. Cái ấn tượng, cái được của cơ quan công quyền thành phố Đà Nẵng là “được lòng dân”, như sinh thời cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã khẳng định.

Không phải bây giờ khi thành phố lắp camera giao thông, để quản lý và xử lý những trường hợp vi phạm, thì giao thông thành phố mới đi vào nề nếp. Cách đây khá lâu rồi, kể từ ngày trên các trục đường chính của thành phố kẻ vạch, rồi treo biển phân làn. Người dân thành phố được phổ biến, được “tập” tham gia giao thông đúng luật. Tình trạng giao thông của thành phố hầu như không còn cảnh lộn xộn. Đặc biệt vào những giờ cao điểm, các nút giao thông ít khi bị ùn tắc kéo dài, đấy là do người tham gia giao thông không dành đường, vượt ẩu như những nơi khác.

Đây không phải là ý kiến chủ quan của người viết, mà là nhận xét của du khách đến Đà Nẵng. Thời còn làm Báo Quân đội nhân dân, nhiều lần tháp tùng các đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, của Tổng cục Chính trị “vướng” vào giờ cao điểm ở các nút giao thông, chẳng phải nhích từng “xăngtimét” trong “rừng” xe như ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, xe thoát ra nhanh khỏi điểm nghẽn, chính là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Một cán bộ ở Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) chứng kiến cảnh này đã phải thốt lên rằng, “người Đà Nẵng có ý thức quá, giao thông Đà Nẵng tốt quá”. Nói như vậy không có nghĩa là giao thông ở Đà Nẵng đã ở mức tuyệt vời. Tai nạn vẫn còn xảy ra, mấy “ông” choai choai vắng bóng cảnh sát vẫn cứ “đánh võng” như thường. Xe “hổ vồ” cả đoàn, hầu hết đều cơi nới, “hở ra” là tăng tốc như “ma đuổi”. Đây là thủ phạm làm cho nhiều tuyến đường xuống cấp, gây mất vệ sinh môi trường, cũng là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông. Tuy nhiên, những hình ảnh “không đẹp” ấy chỉ là những vết mờ trong “bức tranh” toàn cảnh, với những gam màu sáng của giao thông Đà Nẵng hiện nay.

ghi tren duong pho da nang
Huỳnh Tấn Tâm, lái xe Taxi VINASUN, năm 2016 đã 3 lần trả lại tài sản cho khách hàng

Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều biện pháp từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt các tồn tại này. Cảnh sát giao thông Đà Nẵng mạnh tay, xử nghiêm với những lỗi mang tính cố tình và cố ý có hệ thống, nhưng cũng rất nhân văn trong việc xử lý các lỗi vô tình. Đã có thời gian rộ trên các trang mạng việc Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt bằng hình thức chép đi chép lại hàng trăm lần lời hứa không vi phạm; hoặc xử phạt bằng cách mua kẹo cao su cho cụ già bán rong trên đường… cách xử phạt như vậy tạo ra sự gần gũi, tạo ra sự nể trọng của người vi phạm. Xử phạt, suy cho cùng là làm cho người mắc lỗi có ý thức hơn khi tham gia giao thông, chứ không có mục đích nào khác. Nếu cứ “cứng nhắc” với những lỗi vô tình, tuy không sai, nhưng người vi phạm sẽ không nể phục. Tôi đồ rằng, mấy người vi phạm đã bị xử phạt bằng hình thức trên chắc chắn sẽ nhớ đời và chẳng bao giờ tái phạm nữa.

Thượng tá Trịnh Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Biên tập Báo Quân đội nhân dân cuối tuần, cách đây mấy năm, khi còn là phóng viên, tranh thủ thời gian nghỉ phép tự lái xe rong ruổi theo chiều dài đất nước. Vào Đà Nẵng đúng vào thời điểm thành phố đang xây dựng, mở thêm những con đường mới, “lạ nước, lạ cái”, cứ đường ngược chiều “vi vu”, khi thấy cảnh sát giao thông “tuýt còi” lại “xông” vào đường cấm rồi mới dừng lại “gãi đầu gãi tai”. Anh bảo, cùng một lúc vi phạm hai lỗi nặng, ở nơi khác chắc là “cháy túi” rồi. Anh CSGT xử lý lỗi vi phạm nhã nhặn song vẻ mặt rất nghiêm khắc, hướng dẫn tỉ mỉ. Hỏi ra mới biết, thành phố có quy định, đối với những xe ngoại tỉnh vi phạm thì chỉ nhắc nhở, hướng dẫn, bởi lạ đường, đấy không phải là lỗi cố tình. Về đến Hà Nội, Tuấn Anh điện thoại cho tôi bảo tìm anh CSGT tên Hòa để hỏi thêm về cách xử lý rất “tình người” này.

Bẵng đi khá lâu, Chủ nhật rồi nhân buổi cà phê sáng với Đại úy Trần Hòa, tôi nhớ và kể lại chuyện cũ của bạn, thì thật bất ngờ anh cảnh sát xử lý vụ việc ấy cách đây mấy năm lại chính là anh. Hòa nói đại ý rằng, là người có ý thức, khi tham gia giao thông chẳng ai muốn vi phạm cả, người ta vô tình mà mình cứ “thẳng tay” là nhẫn tâm. Cuộc đời làm CSGT, anh đã xử lý không biết bao nhiêu vụ, nhìn mặt người vi phạm là anh “đọc vị” được ai là kẻ cố ý, ai là người vô tình… để xử lý cho hợp lý. Cái cách xử lý của CSGT Đà Nẵng đã góp phần làm cho hình ảnh của Đà Nẵng đẹp thêm trong mắt du khách.

Bài hát “Đà Nẵng tình người”, do nhà thơ Ngân Vịnh viết lời, Đình Thậm phổ nhạc, như một sự trải lòng, một lời tâm sự bằng những ca từ dung dị, gần gũi và ấm áp. Trong thực tế, người Đà Nẵng có những việc làm hết sức mộc mạc, chân thành, làm cho bạn bè gần xa thêm quý mến, như một sự bổ sung cho bài hát thêm lay động lòng người.

Cách đây mấy năm tôi được tiếp một vị khách từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng du lịch. Câu đầu tiên mà vị khách nọ nói với tôi “người Đà Nẵng sao tốt thế”. Chuyện thế này, trong chuyến xe chung với mấy người bạn ra Đà Nẵng, xe đang lưu thông bon bon trên một đoạn đường vắng, thì ông phát hiện một người chạy xe gắn máy đuổi theo ra hiệu dừng lại. Mấy người trên xe nói với nhau “có khi bọn ‘xin đểu’ làm tiền”, người thì bảo cứ chạy, người thì nói dừng lại xem sao, người thì rút điện thoại định điện cho công an. Xe vừa tấp vào lề đường, thì chiếc xe gắn máy trờ tới. Người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, nhưng ánh mắt nhân hậu, ông ta nói “xe các bác chạy ngược chiều trên đường một chiều…”, rồi ông ta hướng dẫn tỉ mỉ cho lái xe, tôi rút mấy chục ngàn đồng biếu nhưng ông dứt khoát không nhận.

Cũng vẫn vị khách này cho hay, khi ông tách đoàn bắt taxi đi Bà Nà, cả ngày trời rong ruổi chốn “bồng lai tiên cảnh”, khi về đến khách sạn ông mới giật mình để quên khá nhiều tài sản trên xe. Đang rối lên vì mất hết giấy tờ, tiền bạc, thì ông được lễ tân báo có khách. Người khách tìm đến ông là một thanh niên trẻ măng, còn đang ngờ ngợ, thì người thanh niên này đã trao cho ông toàn bộ số tài sản. Anh ta bảo “sáng cháu đón bác ở khách sạn, bác vội đi nên để quên mấy thứ này trên xe…”. Nhận lại tài sản mà ông cứ nghĩ mình nằm mơ, vì trong ngày ông đi đến mấy “cuốc” taxi, xác định là tài sản có khi để quên trên taxi, nhưng không biết ở xe nào. Nói như ông, “sự cố” này làm ông bất ngờ, không phải “bất ngờ” vì ông biếu tiền anh này không nhận, mà ông “bất ngờ” về nhân cách. Ông bảo, họ như những “đại sứ du lịch”, chứ không phải người lao động bình thường.

ghi tren duong pho da nang
Tác giả trao đổi với Đại úy Cảnh sát giao thông Trần Hòa

Nếu ví lái xe taixi là “Đại sứ du lịch” như vị khách nọ, thì lái xe ở taxi VINASUN là đầu bảng. Đầu tháng 12-2016 tôi được mời dự buổi tổng kết cuối năm của công ty này. Có một con số trong bảng tổng kết hết sức ấn tượng, trong năm 2016 các “đại sứ du lịch” của taxi VINASUN đã trả lại cho khách hàng số tài sản trị giá trên 1 tỉ đồng. Cá biệt, có người trả lại hiện kim do khách để quên trên xe 10.000USD.

Trong hơn 130 lần trả lại “của rơi”, các anh: Nguyễn Cảnh Thân, lái xe thuộc Đội 3; Huỳnh Tấn Tâm, lái xe thuộc Đội 4; Đào Quang Dũng, lái xe thuộc Đội 5, là những người trong năm nay đều có 3 lần trả lại tài sản cho khách hàng. Chẳng phải ngẫu nhiên taxi VINASUN lại có nhiều tấm gương “Người tốt, việc tốt” như thế. Giám đốc công ty Trần Thanh Tâm trải lòng: “Họ (những lái xe) đều là những người lao động bình thường, nhiều người hoàn cảnh còn rất khó khăn, nhưng họ không tham, bởi họ là những thành viên thực hiện triết lý và được hưởng lợi từ triết lý “kề vai sát cánh” của công ty”. Chỉ bốn chữ ngắn gọn ấy thôi đã nói lên tất cả.

Một thành phố dù có xây dựng hiện đại đến đâu, có nhiều cảnh đẹp đến mấy. Nhưng ở đó, khi tiếp xúc với công chức gặp ánh mắt lạnh lùng, giọng “nhát gừng”, coi người đến giao dịch như người “đi xin”. Rồi “cái bang” lẵng nhẵng bu bám, hở ra là “chôm chỉa”. Dịch vụ thì như “trấn lột”; hàng quán “chặt chém”… Thành phố ấy, nói một cách hình ảnh, chẳng khác gì một cô gái đẹp nhưng vô duyên.

Mấy câu chuyện mà tôi là người chứng kiến, hoặc được nghe bạn bè kể lại, đều là những chuyện bình thường. Có những chuyện “ngoài đường, ngoài chợ”… Song, tất cả những điều bình thường ấy như những viên gạch hồng xây nên thương hiệu “Đà Nẵng - thành phố đáng sống”.

Đà Nẵng sau 20 năm chia tách trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương đã “lột xác” trở thành một đô thị văn minh, hiện đại và được đánh giá là đáng sống nhất.

Đến Đà Nẵng, du khách một mình lang thang trên bãi biển hoàn toàn yên tâm, không lo bị cướp giật, “xin đểu”, hoặc bị “chặt chém” khi mua hàng… Đây là kết quả của ý tưởng đã thành hiện thực của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh về xây dựng thành phố “5 không” (không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của) và “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị).

Từ chương trình này, Đà Nẵng đã về đích rất sớm nhiều mục tiêu như: Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 về đích trước 3 năm; giai đoạn 2013-2017 về đích trước 2 năm (năm 2015). Đến cuối năm 2015, Đà Nẵng không còn hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố (thành phố 800.000 đồng, nông thôn 600.000 đồng/người/tháng). Đến nay, các trường học toàn thành phố “không có học sinh bỏ học” do hoàn cảnh khó khăn. Thành phố kiên trì thực hiện mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”, chú trọng công tác quản lý cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện, có nhiều nỗ lực trong kiểm soát mục tiêu “không có giết người để cướp của”.

Đề án “có nhà ở” được triển khai đồng bộ bằng cả nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa, đã đưa vào sử dụng 176 khối nhà chung cư với gần 9.000 căn hộ; hiện đang triển khai xây dựng 128 khối nhà chung cư mới với gần 17.500 căn hộ cho các đối tượng có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn. Từ năm 2014 đến nay, thành phố đã sửa chữa, xây mới gần 3.366 nhà ở cho các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đề án “có việc làm” được thành phố quan tâm chỉ đạo thông qua tổ chức các phiên chợ việc làm định kỳ; hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 3,2 vạn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ước đạt 55%. Từ năm 2015 đến nay, thành phố triển khai thực hiện “Năm văn hóa - văn minh đô thị” đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo diện mạo mới cho đô thị…

“5 không, 3 có” ở Đà Nẵng, không chỉ làm cho đời sống nhân dân thực sự được cải thiện, mà còn làm cho hình ảnh của Đà Nẵng đẹp hơn, gần gũi thân thiện hơn. “5 không, 3 có” tạo ra sự lan tỏa rộng rãi, trở thành hình mẫu để những đô thị khác trong cả nước học tập và vận dụng.

Như một dòng chảy không ngừng nghỉ, thế hệ lãnh đạo ngày nay tiếp tục đề ra những chương trình mục tiêu mới, làm cho Đà Nẵng ngày càng hoàn thiện hơn. Chương trình “Thành phố 4 an” (gồm: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội). Hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại vào năm 2020. Tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình an sinh xã hội, nhất là Chương trình “ 5 không, 3 có” trong giai đoạn mới.

Đặng Trung Hội