Ghi ở phố hàng rong Sài Gòn

17:17 | 12/12/2017

1,140 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người Sài Gòn gọi phố hàng rong, nhưng chẳng có người bán hàng nào quẩy gánh hàng trên đôi quang gánh và rong ruổi dọc theo các tuyến đường với những tiếng rao quen thuộc, mà ở đây các hàng quán bày bán lịch sự trên vỉa hè với mái che, tủ chứa thức ăn, kệ để bếp và bàn ghế được sắp xếp gọn gàng...

Hàng rong “lịch sự”

Sáng, nhân viên văn phòng sống ở ngoại thành như tôi phải dậy sớm, rồi vội vã lôi chiếc xe máy ra khỏi nhà, phóng nhanh về phía trung tâm thành phố. Vượt qua biết bao điểm ùn tắc trong giờ cao điểm, trong hàng trăm, hàng nghìn xe máy, ôtô của những người đồng cảnh, vừa thoát khỏi đèn đỏ, trong đầu tôi nghĩ ngay đến hàng bánh mì trên vỉa hè đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1, món ăn vừa nhanh gọn, vừa có thể ngồi ngay tại bàn làm việc thong dong “gặm” chiếc bánh mì vừa hết nóng.

Và hôm nay vẫn còn sớm, đủ thời gian để có thể ngồi trong một hàng quán nào đó vừa thổi tô bún riêu nóng hổi, vừa ngắm phố phường xe cộ tấp nập, tôi nghĩ ngay đến phố hàng rong và đánh tay lái xe chạy về phía đường Nguyễn Văn Chiêm, nơi mấy tháng trước đã lập nên một phố hàng rong trông khá lịch sự, sạch sẽ, bề thế và nhộn nhịp.

ghi o pho hang rong sai gon
Quầy bán cơm tấm trên phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm

Phố hàng rong trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, phường Bến Nghé, quận 1 có 20 gian hàng được lắp ngay ngắn thẳng đều với mái che, tủ chứa thức ăn, kệ để bếp; bàn ghế được kê gọn bên trong. Xe máy của khách được xếp thẳng hàng trên vỉa hè sát lề đường, chừa lối giữa cho người đi bộ và khách mua hàng. Thức ăn bán cũng phong phú, đảm bảo phục vụ bữa sáng cho thực khách như bánh mì, cơm tấm, bún riêu, bánh ướt, cà phê… giá dao động từ 10.000 đến 30.000 đồng tùy món; bán từ 6 giờ đến 10 giờ, sau đó các quầy hàng phải dọn sạch để chuyển lại quầy cho 20 hộ kinh doanh buổi trưa, thời gian phục vụ từ 11 giờ đến 15 giờ.

Khác với những gánh hàng rong truyền thống, thức ăn được bày bán hầu như không có dụng cụ che đậy, người bán hàng “hồn nhiên” dùng tay bốc thức ăn cho khách, những xe đẩy bày hàng lưu động, cũ kỹ, có phần nhếch nhác… phố hàng rong được xây dựng tựa như điểm bán hàng tập trung, không bếp than, bếp gas để làm nóng thức ăn liên tục, các món ăn phải được chế biến từ nhà, sau đó chuyển đến bày lên kệ. Nhưng các món ăn nơi đây vẫn giữ được độ nóng nhất định do bảo quản kỹ, đối với các món ăn yêu cầu phải nóng như cháo, bún… sẽ được làm nóng bằng bếp điện từ để phục vụ thực khách.

Các món ăn ở phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm vẫn giữ được độ nóng nhất định do bảo quản kỹ, đối với các món ăn yêu cầu phải nóng như cháo, bún… sẽ được làm nóng bằng bếp điện từ để phục vụ thực khách.

Chị Thu Hồng, nhân viên văn phòng làm việc tại Tòa nhà Diamond Plaza, quận 1 cho hay, chị thường phải đi làm sớm, không kịp chuẩn bị bữa sáng, từ khi có phố hàng rong với nhiều món ăn phong phú, chị không phải nghĩ đến việc dùng bữa sáng ở đâu như trước nữa. Trước khi vào chỗ làm, chỉ cần ghé ngang phố hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm, ngay bên tòa nhà nơi chị làm việc là có thể chọn cho mình bữa sáng ngon lành mà không sợ bị trễ giờ.

Vừa làm món cơm tấm cho khách, chị Sơn Thị Ngọc Hương vui vẻ cho hay: Khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng ở các công ty gần đây.Thời gian bán từ 6 giờ đến 10 giờ nên có nhiều sự lựa chọn cho khách, từ lúc mở bán đến nay chị đã có nhiều khách quen, thường xuyên ghé quầy ủng hộ. Khách ngồi lại quầy không nhiều, chủ yếu mang đi vì chỗ làm việc gần, bàn ghế ở quầy cũng hạn chế. Nhớ lại thời điểm mới bán hàng, khách vắng lắm, nên cũng lo, nhưng sau một thời gian khách bắt đầu ổn định và tăng dần lên, nên chị cũng yên tâm phần nào.

ghi o pho hang rong sai gon
Bữa sáng ở phố hàng rong Công viên Bách Tùng Điệp

Từ thành công của mô hình phố hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm, TP HCM đã khai trương phố hàng rong thứ hai với quy mô các quầy hàng lớn hơn ở Công viên Bách Tùng Diệp, phường Bến Nghé, quận 1 với 15 quầy hàng, chiếm 30m dài trong công viên; người bán hàng ở đây đều mặc đồng phục, bàn ghế được đặt nhiều hơn nên khách ngồi lại dùng bữa sáng khá đông. Khuôn viên tận dụng từ công viên nên không gian cũng rộng rãi, thoáng mát, tạo cảm giác thoải mái cho thực khách.

Tạo điểm bán ổn định cho người nghèo

Hàng rong từ lâu trở thành nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, gợi nên hình ảnh những người phụ nữ đội chiếc nón lá, với tấm áo bạc màu sương gió, làn da rám nắng cùng đôi bàn tay chai sần, quẩy gánh hàng qua khắp các con phố, các khu chợ, đến bến xe, trường học, nhà ga…

Ở Sài Gòn, không biết từ bao giờ, gánh hàng rong đã trở thành một trong những nét đặc trưng, quen thuộc với tất cả mọi người.

Ngày nay, khắp phố phường vẫn còn rất nhiều gánh hàng rong của những người nghèo ở khắp các tỉnh, thành phố đến Sài Gòn mưu sinh. Những gánh hàng rong nặng trĩu trên vai như gánh bao nhọc nhằn, vất vả, lo toan về cuộc sống hằng ngày của họ. Trên đôi quang gánh ấy, là nồi cơm cho cả gia đình, là học phí của con, là thuốc chữa bệnh cho mẹ già, là đầy ắp trách nhiệm và tình thương của người phụ nữ với gia đình. Để phát triển theo phố thị nhộn nhịp, gánh hàng rong đã dần ít đi, thay vào đó là những xe đẩy, xe đạp… để phù hợp với Sài Gòn rộng lớn.

ghi o pho hang rong sai gon
Khách hàng thưởng thức cà phê tại phố hàng rong Công viên Bách Tùng Điệp

Nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị của một thành phố hiện đại, phát triển bậc nhất đất nước, lãnh đạo UBND quận 1 chủ trương dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, trong đó có việc bán hàng rong. Từ đó, hàng rong được quy hoạch thí điểm tập trung thành các con phố, tạo không gian an toàn cho cả người bán và người mua, tạo nét đẹp cho đường phố, giúp cho người nghèo có nơi buôn bán miễn phí, khang trang, đồng thời góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp nằm trong Đề án "Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian" được quận 1 đề xuất với UBND TP HCM cho thí điểm. Ban đầu, UBND quận 1 không thu phí đối với hộ dân được bố trí vào phố hàng rong buôn bán. Những người kinh doanh tại đây được lực lượng chức năng tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiệp vụ bán hàng… Thức ăn bán ở phố hàng rong được kiểm tra kỹ, nguồn nguyên liệu chế biến và thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người trực tiếp chế biến, người phụ hàng phải đeo bảng tên, mặc đồng phục và tham gia khám sức khỏe định kỳ.

Thức ăn bán ở phố hàng rong được kiểm tra kỹ, nguồn nguyên liệu chế biến và thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người trực tiếp chế biến, người phụ hàng phải đeo bảng tên, mặc đồng phục và tham gia khám sức khỏe định kỳ.

Theo UBND quận 1, để phục vụ khách hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Y tế quận 1 thường xuyên kiểm tra các quầy hàng, nếu phát hiện hàn the, chất bảo quản hoặc bất kỳ hóa chất độc hại nào ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì gian hàng đó sẽ bị xử lý. Bên cạnh đó, giám sát quá trình buôn bán sẽ được UBND phường thực hiện, nếu những người kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, làm nhếch nhác khu vực sẽ bị nhắc nhở.

Với đề xuất thí điểm phố hàng rong của UBND quận 1, tạo nơi kinh doanh tập trung cho các hộ nghèo, giảm tình trạng bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát, đồng thời tạo khu vực ăn uống cho người dân, cũng là nét văn hóa của người Sài Gòn.

Chị Hoa, người bán hàng tại phố hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm cho rằng, để được bán hàng ở đây là may mắn lắm rồi, nhiều chị em khác cũng khó khăn nhưng không đủ điều kiện. Bán ở phố hàng rong không phải lo sợ bị thu hàng vì lấn chiếm vỉa hè. Từ đây kinh tế gia đình ổn định hơn. Chị bày tỏ sự cảm ơn với lãnh đạo quận 1 đã tạo điều kiện cho người nghèo có nơi buôn bán ổn định. Mong sao thực khách ngày càng đông để bán được nhiều hơn.

Một người bán hàng tâm sự: “Được vào bán ở phố hàng rong cũng là may mắn, không phải “chạy” mỗi khi lực lượng trật tự đô thị đi dẹp vỉa hè. Tuy nhiên, lượng khách ban đầu không nhiều, thời gian bán ngắn nên thu nhập cũng giảm”. Anh kể: “Lúc còn bán bên ngoài, có thể bán cả ngày, cho nên thu nhập cao hơn. Còn ở phố hàng rong, bán chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ, sau đó phải dọn quầy để trả lại cho người bán buổi trưa. Thời gian còn lại trống, nên dễ phát sinh việc tiếp tục tìm các điểm trên vỉa hè để bán hàng nhằm đảm bảo kinh tế và việc lấn chiếm vỉa hè lại tiếp tục tái diễn”.

Chị Hương bán cơm tấm ở phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm cho rằng: “Thời gian bán chỉ khoảng 4 tiếng đồng hồ nên lượng hàng bán ra không nhiều, nếu khi trước bán bên ngoài, một ngày có thể bán được 70 phần cơm, nhưng hiện tại chỉ bán khoảng 40 phần, nên thu nhập giảm hẳn”. Chị mong muốn thời gian bán hàng được kéo dài hơn, vì sau khi đóng quầy, chị không biết làm gì để tăng thu nhập.

ghi o pho hang rong sai gon
Tại phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm phần lớn khách hàng mua mang đi

Với hiệu ứng tích cực từ hai phố hàng rong đầu tiên được đưa vào hoạt động, người dân thành phố mong muốn mô hình phố hàng rong sẽ được nhân rộng tại nhiều quận, huyện trên địa bàn, đặc biệt là các quận trung tâm như quận 3, 5, 10… nơi có rất nhiều công sở, trường học và tình trạng lấn chiếm vỉa hè để bán hàng rong cũng diễn ra phổ biến. Việc lập ra các phố hàng rong sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người bán và an tâm cho người mua.

Ông Trần Ngọc Tâm, 62 tuổi, ngụ quận 1 tâm sự: “Từ khi phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm thí điểm, tôi thấy mô hình này rất hay, đáp ứng được nhu cầu của nhiều người, đặc biệt quận 1 là quận trung tâm của thành phố nên phải đi đầu làm trước, các quận khác học hỏi rồi rút kinh nghiệm thực hiện theo. Nếu các quận trung tâm đồng loạt triển khai các phố hàng rong, thì việc lấn chiếm vỉa hè sẽ giảm hẳn, lãnh đạo quận cũng không phải bận tâm nhiều đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, vì đã có quy hoạch các điểm bán hàng rong rõ ràng”.

Sẽ có thêm nhiều phố hàng rong

Trong kế hoạch lập lại mỹ quan đô thị, quận 1 sẽ khai trương thêm nhiều phố hàng rong tương tự Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Điệp. Theo đề xuất của UBND phường Phạm Ngũ Lão, phố hàng rong dự kiến nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học, cạnh Trường THPT Ernst Thalmann. Phố hàng rong khu vực này dự kiến sẽ có 20 gian hàng.

Phường Cầu Ông Lãnh cũng đề xuất triển khai phố hàng rong với 40 gian hàng, cũng được đặt trên đường Nguyễn Thái Học, đoạn giao Trần Hưng Đạo đến UBND phường. Tuyến đường Phan Văn Trường, phường Bến Thành, cũng nằm trong kế hoạch triển khai. Các tuyến đường này có vỉa hè rộng, công ty, trường học tập trung đông nên thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán. Ngoài ra, khu vực trên cũng ít xảy ra tình trạng ùn tắc nên việc mở các phố hàng rong sẽ không ảnh hưởng đến việc lưu thông trên đường.

Theo UBND quận 1, có 7/10 phường của quận đề xuất lập phố ẩm thực. Quận rút được nhiều kinh nghiệm sau khi tổ chức hai phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Điệp, phường Bến Nghé, nên sẽ xem xét tăng thêm giờ buôn bán, hay chọn nơi thông thoáng để không cản trở giao thông. Khu vực được chọn sẽ được sửa sang, lắp đặt điện, nước, gian hàng. Các hộ tham gia phải khám sức khỏe, tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm... để đảm bảo chất lượng phục vụ người dân.

Nguyễn Hiển