Ghép thận đổi chéo, sâu nặng nghĩa tình

07:00 | 28/02/2017

3,503 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vào những ngày áp tết Đinh Dậu, 11-1-2017, tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cuộc mổ ghép thận đổi chéo đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện. Thành công này mở thêm cơ hội tìm được quả thận thích hợp để ghép cho nhiều bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Ca mổ đã đem đến sự tái sinh lần nữa cho hai cô gái trẻ và ghi dấu mốc mới về thành tựu y học nước nhà.  

Mang bệnh nan y

Vào một buổi sáng cách đây hơn 2 năm, khi ngủ dậy Lê Thị Ánh Hồng, 31 tuổi, ngụ ở Kiên Giang bất ngờ thấy hai chân mình phù to, người khó thở, mệt mỏi, đi khám bệnh thì phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối.

“Lúc biết mình bị bệnh này em sốc dữ lắm. Nghĩ mình sắp chết, rồi nghĩ đến tương lai của hai đứa con nhỏ, em mất ăn mất ngủ. Trong một tuần sút đến 7kg”, Hồng kể lại. Cũng từ đó Hồng phải bắt đầu quá trình điều trị bằng việc chạy thận 3 lần mỗi tuần để kéo dài sự sống.

ghep than doi cheo sau nang nghia tinh
Các bác sĩ phẫu thuật nội soi lấy thận từ người cho thận

Thấy con bị bệnh tật hành hạ khổ sở, cả mẹ và cha dượng của Hồng cùng bày tỏ ý nguyện hiến một quả thận để cứu con. Tuy nhiên, qua khám sức khỏe ban đầu các bác sĩ xác định mẹ Hồng có nhiều bệnh đi kèm nên không thể hiến được, chỉ có cha dượng của cô có thể cho thận nếu các xét nghiệm phù hợp.

Vậy là, hai cha con Hồng đã lặn lội từ Kiên Giang vào Sài Gòn thuê trọ ở để tiến hành các xét nghiệm tiền ghép. Kết quả cả hai phù hợp nhóm máu, cùng nhóm máu B, nhưng thật không may, ở người nhận có kháng thể chống lại kháng nguyên của người cho nên không ghép được, bởi nếu ghép nguy cơ thải ghép cấp rất cao, thận ghép khó có thể tồn tại lâu dài ở cơ thể mới.

“Lúc đó hy vọng bị dập tắt, em buồn và suy sụp rất nhiều. Trong giây phút tuyệt vọng ấy ba em đã an ủi, nói em phải cố gắng kiên trì điều trị, dù thế nào gia đình cũng tìm cách cứu mạng sống của em”, Hồng kể lại.

Cha dượng của Hồng, ông Trương Ngọc Xuân, năm nay 51 tuổi, người cha mà Hồng luôn tưởng là cha ruột. Mãi đến khi Hồng đi lấy chồng mẹ cô mới cho biết đó là cha dượng.

Cha mẹ ruột của Hồng chia tay nhau từ khi cô mới 3 tuổi, mẹ đi bước nữa nên từ nhỏ Hồng sống với

Hiện nay, Việt Nam có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng thận, gan, tim… đang chờ được ghép và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc. Trong khi đó, số người được hiến tạng cho đến nay chỉ hơn 1.500 người. Số liệu này cho thấy nhu cầu thực tế đang ngày càng vượt xa so với số lượng được ghép thành công.

cha dượng và tưởng đó là cha ruột của mình. Tình phụ tử thiêng liêng cũng đã được vun đắp hết sức tự nhiên trong Hồng từ khi còn nhỏ cho đến lúc khôn lớn, trưởng thành. Cô tâm sự: “Từ nhỏ em đã luôn cảm nhận được sự bao bọc, tình yêu thương chân thành của ba dành cho mình. Nhưng chính những tháng ngày cùng ba lên Sài Gòn chữa bệnh là những ngày tháng em cảm thấy biết ơn và thương ba nhiều hơn khi thấy ba vì em mà vất vả, lo lắng, sẵn sàng hy sinh một phần thân thể quý giá để cứu em”.

Nhờ tình yêu thương của gia đình và của người cha ấy đã tiếp thêm nghị lực giúp Hồng mạnh mẽ hơn để chiến đấu với bệnh tật suốt hai năm dài và cả trong những lúc đau đớn, tuyệt vọng nhất.

Ở một nơi khác, có hoàn cảnh giống như Ánh Hồng là Vũ Thị Huề, 32 tuổi, ngụ ở Đắk Nông. Huề được mẹ ruột tình nguyện hiến thận, nhưng xét nghiệm cũng cho thấy ở Huề có kháng thể chống lại kháng nguyên của mẹ nên không thể ghép được.

Huề mắc bệnh thận từ khi mang thai đứa con thứ hai, với triệu chứng mệt mỏi, cao huyết áp, chân tay bị phù... Lúc đó vì sự an nguy của hai mẹ con Huề, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã chỉ định phải mổ cấp cứu khi thai nhi chưa đầy 8 tháng tuổi.

Từ khi phát hiện bị bệnh đến nay đã 5 năm, do phải chạy thận 3 lần/tuần mà nhà lại xa nên cuộc sống của Huề gần như bị đảo lộn hết. Chị thường xuyên phải sống vạ vật ở Sài Gòn để chạy thận. Sức khỏe của chị suy yếu nhiều chẳng còn làm gì được, công việc phải bỏ hết, ngay cả hai con nhỏ cũng đành phải phó mặc cho chồng và họ hàng chăm lo.

Thật không thể kể hết những nỗi khổ của người chạy thận, Huề tâm sự: “Chạy xong khỏe thì không nói làm gì, nhưng lúc mệt bị hạ huyết áp, ói mửa thì rất khủng khiếp. Những lúc đó, em cảm thấy sự sống sao thật mong manh. Mọi thứ đều đổ sụp trước mắt, đã nhiều lần em suy nghĩ mông lung, chỉ muốn chết cho xong. Em đã suy sụp cả về sức khỏe lẫn tinh thần, chỉ biết chạy thận để sống qua ngày”.

Theo các bác sĩ, khi bị suy thận mạn giai đoạn cuối nếu không được chạy thận bệnh nhân sẽ chết trong thời gian rất ngắn, chỉ tính bằng tuần, bằng tháng vì bị phù phổi cấp và tác động của các chất độc trong cơ thể không thoát ra ngoài được do bệnh nhân không đi tiểu được. Những bệnh nhân may mắn được ghép thận có thể trở về với cuộc sống gần như bình thường.

Mở ra hy vọng

Những tưởng bệnh tật sẽ gắn cả đời hai bà mẹ trẻ với bệnh viện, với máy chạy thận. May mắn thay, khi rà soát hồ sơ bệnh án, so sánh các thông số trong xét nghiệm, các bác sĩ Khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy nhận thấy, với trường hợp của Hồng và Huề nếu hoán đổi người cho thận cho nhau thì độ tương hợp sẽ cao hơn, giảm nguy cơ thải ghép và sẽ ghép được. Cách này thế giới gọi là ghép thận đổi chéo.

ghep than doi cheo sau nang nghia tinh
Ghép thận đổi chéo, sâu nặng nghĩa tình

Ý tưởng hoán đổi người cho thận của hai cặp được đưa ra. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt, bởi nếu được thực hiện sẽ là ca ghép thận đổi chéo đầu tiên thực hiện tại Việt Nam. Các bác sĩ đã đưa trường hợp này ra Hội đồng Khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy để xem xét đánh giá. Sau khi nghiên cứu, thảo luận, Hội đồng Khoa học của bệnh viện đã thống nhất với ý kiến lựa chọn tốt nhất cho hai cặp bệnh nhân này là nên đổi chéo cặp ghép. Tức là lấy thận của người cho ở cặp thứ nhất ghép cho người nhận ở cặp thứ hai và ngược lại lấy thận người cho ở cặp thứ hai ghép cho người nhận ở cặp thứ nhất.

PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, để giảm nguy cơ thải ghép thì việc hoán đổi người cho thận là phương pháp được nhiều trung tâm ghép tạng trên thế giới lựa chọn. Việc thực hiện đổi chéo này bởi các lý do liên quan đến miễn dịch như: Người hiến và người nhận không cùng nhóm máu; phản ứng chéo giữa người hiến và người nhận dương tính; người nhận có kháng thể chống lại kháng nguyên người hiến, quá mẫn cảm. Ghép thận đổi chéo này đã được thực hiện lần đầu trên thế giới từ năm 1991 tại Hàn Quốc và hiện được áp dụng ở nhiều quốc gia có nền y học tiên tiến, thậm chí đã phát triển đến việc ghép đổi chéo xuyên viện, xuyên quốc gia, xuyên lục địa.

“Ngành ghép bây giờ đã tiến xa như vậy. Chúng ta phải phát triển đi kịp với anh em bè bạn trên thế giới”, bác sĩ Sâm chia sẻ.

Vậy là hai cặp cho và nhận thận đã được mời tới bệnh viện để thông báo, giải thích phương án ghép đưa ra, các vấn đề có thể xảy ra trong cuộc mổ… và đã đồng ý ngay.

“Sau khi đổi nhau thì không còn kháng thể chống lại kháng nguyên của người cho nữa và các cặp cho - nhận cũng hòa hợp thêm một số chỉ tiêu về mặt miễn dịch. Vì vậy, chúng tôi làm rất an tâm, mạnh dạn về trường hợp này”, BS Sâm cho biết.

Vậy là ca phẫu thuật được chuẩn bị rất nhanh chóng. Theo nguyên tắc thế giới đưa ra là trong cuộc mổ này các bệnh nhân phải được gây mê cùng một lúc, được lấy tạng và ghép cùng lúc. Bởi nếu làm chênh thời gian với nhau thì chỉ cần một người thay đổi ý định là sẽ xảy ra sự cố, ca mổ sẽ thất bại. Vì vậy, 4 ê-kíp đã được chuẩn bị cho cuộc đại phẫu thuật.

8 giờ ngày 11-1-2017, cả 4 người trong ca hiến và ghép thận được đưa vào phòng mổ. Hai cuộc mổ lấy thận qua nội soi được thực hiện song song và kết thúc lúc 11 giờ; hai cuộc mổ ghép thận cũng được tiến hành song song, kết thúc lúc 14 giờ cùng ngày.

Cuộc phẫu thuật diễn ra rất suôn sẻ. BS Thái Minh Sâm vui mừng thông báo: “Hai quả thận lấy ra sau khi rửa sạch rất trắng, đẹp. Khi được ghép cơ thể mới, thận hồng hào, không có vùng nào bị thâm tím và hoạt động trở lại bình thường rất nhanh. Hai thận ghép đều hoạt động ngay sau khi mở toan mạch máu, tức là sau khi nối xong thận mở toan mạch máu ra thì bệnh nhân có nước tiểu ngay và rất nhiều ngay tại bàn mổ. Chức năng hai thận cũng trở về hoạt động bình thường nhanh chóng vào ngày thứ 2 sau hậu phẫu. Thành công rất ngoạn mục!

Nếu làm không khéo khiến vỡ mạch máu thì trên thận ghép sẽ có những vùng tím. Thận mềm không căng, không có nước tiểu”.

Hồi sinh sau ghép thận

Sau một tháng được ghép thận, hai bệnh nhân đến tái khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tâm trạng vô cùng phấn khởi, da dẻ hồng hào, khỏe mạnh, chấm dứt những tháng ngày tinh thần mòn mỏi, tương lai mờ mịt, cuộc sống gia đình đảo lộn vì chạy thận. Điều đặc biệt, từ việc ghép đổi chéo này mà giữa họ trở nên gắn bó thân thiết như chị em trong nhà.

“Em thấy sức khỏe được cải thiện lên nhiều và rất mừng vì qua kiểm tra các chỉ số hoạt động của thận rất tốt. Là người đầu tiên trên cả nước được ghép thận đổi chéo thành công, em thấy mình vô cùng may mắn. Em mong nhiều người có hoàn cảnh như mình cũng sẽ được ghép thận. Em cũng cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn ba mẹ hai bên đã hiến một phần thân thể để chúng em có cuộc sống mới, tốt đẹp hơn. Giờ em không lo lắng gì nữa, thấy mình có thêm nghị lực sống để lo cho gia đình, lo cho các con”, Huề bày tỏ.

ghep than doi cheo sau nang nghia tinh ghep than doi cheo sau nang nghia tinh
Ánh Hồng sau khi được ghép thận Huề sau khi được ghép thận

Ông Xuân, cha dượng của Ánh Hồng cũng đã nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau hiến thận và trở về với cuộc sống sinh hoạt bình thường. Ông tâm sự: “Trước đây khi biết thận của mình không phù hợp để ghép cho con gái tôi đã rất buồn vì không thể giúp con đỡ nỗi đau bệnh tật. Vì vậy có thể đổi để lấy quả thận khác cứu con gái, tôi sẵn sàng ngay. Và tôi cũng cảm thấy rất vui khi quả thận của mình đã cứu sống một cô gái khác cũng cùng hoàn cảnh như con mình”.

Tri ân người cha đã hiến một phần thân thể quý giá cứu mình, Ánh Hồng xúc động, bày tỏ: “Cả đời này em không biết làm sao để báo đáp cho ba, ba không chỉ là người đã có công dưỡng dục mà còn là người sinh ra em lần nữa trên đời, cho em cuộc sống mới!”.

Từ ca phẫu thuật ghép thận đổi chéo, hai cô gái trẻ Hồng và Huề đã có được cuộc sống mới, tốt đẹp hơn. Đó là món quà vô giá được mang đến bởi bàn tay tài hoa của các y, bác sĩ và trên hết là nhờ tấm lòng nhân ái của những người cha, người mẹ đã sẵn sàng cho đi một phần thân thể quý giá của mình, đó là một việc làm cao cả, đầy tính nhân văn, nhân đạo mà không dễ mấy ai làm được.

“Đây là hai cặp ghép thận trao đổi chéo đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy và cũng là ca đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh viện sẽ tiếp tục mở rộng việc thực hiện mô hình trao đổi chéo nhằm đem sức khỏe, cuộc sống tốt hơn cho những bệnh nhân đang mắc căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối” BS - Thái Minh Sâm chia sẻ.

Đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành ghép thận cho 560 trường hợp, trong đó 95% là ghép từ nguồn thận của người cho sống, chỉ có 5% từ nguồn thận của người cho chết não. Hiện còn hơn 100 ca đang chờ được ghép thận. Các bác sĩ mong muốn nguồn thận hiến sẽ nhiều hơn, đặc biệt là từ người cho chết não để có thể cứu thêm được nhiều bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Vì so với các phương pháp điều trị khác, ghép thận đem đến cho bệnh nhân chất lượng cuộc sống tốt nhất.

Những bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối việc chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng liên tục chỉ có thể giúp duy trì cuộc sống chứ không giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Vì những phương pháp này chỉ lọc được những chất nguy hiểm nhất trong cơ thể để người bệnh tồn tại, không lọc được tất cả các độc chất như thận tự nhiên. Bệnh nhân vẫn bị ảnh hưởng bởi các chất độc trong cơ thể làm giảm chất lượng cuộc sống. Đồng thời, do không được thận tiết ra các nội tiết tố quan trọng như nội tiết tố tạo hồng cầu erythropoietin, nội tiết tố điều hòa áp huyết renin… người suy thận thường bị thiếu máu, cao huyết áp, mệt mỏi, khó thở… Bệnh nhân khó có thể trở lại làm việc bình thường. Nếu được ghép thận, với quả thận mới người bệnh có thể phục hồi được chức năng thận và trở lại cuộc sống sinh hoạt gần như bình thường, giải tỏa tâm lý bệnh tật. Tuy nhiên, do nguồn thận hiến tặng lại rất khan hiếm nên mặc dù pháp luật nghiêm cấm vẫn không tránh khỏi tình trạng mua bán thận, du lịch ghép thận.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện vào năm 2008 về cái chết thương tâm của sinh viên Tô Công Luân. Anh đã bán thận cho một người Việt Nam nhưng sang Trung Quốc để thực hiện ca phẫu thuật. Từ một thanh niên khỏe mạnh, sau khi bán thận trở về nước trong tình trạng sống đời sống thực vật và sau đó qua đời. Bởi bác sĩ trong quá trình thực hiện việc lấy, ghép không kiểm tra kỹ để biết bệnh nhân bị chứng máu khó đông nên sau khi cắt thận bệnh nhân để ghép cho người khác, bệnh nhân không ngừng bị chảy máu, hôn mê, mất tri giác… Dù trải qua 5 lần phẫu thuật nhưng không cứu được. Hay vào năm 2014, phát hiện gần chục nông dân ở huyện Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ vì hoàn cảnh túng thiếu, nghèo khó đã liều mình bán thận của mình để kiếm tiền trang trải cuộc sống… Những câu chuyện này dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc mua bán thận nói riêng và mua bán tạng phủ nói chung. Cũng là câu chuyện cảnh báo mọi người không nên vì khó khăn kinh tế mà giải quyết bằng cách bán tạng phủ của mình bởi nó gây ra nhiều hệ lụy.

Dù khoa học có tiến bộ đến đâu thì ghép mô tạng không thể thực hiện thành công nếu không có người hiến tạng. Do đó, đóng góp của những người hiến tạng thời gian qua và trong tương lai mãi mãi được coi là nguồn động lực cho sự phát triển của y học và giúp cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Mai Phương