Gánh nặng học phí?

07:57 | 15/10/2015

1,863 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ nay đến năm 2020, học phí từ mầm non và giáo dục phổ thông công lập đến đại học đều tăng. Cụ thể, ngay từ năm học 2015 - 2016 học phí các trường và giáo dục phổ thông đại trà sẽ tăng từ 60.000-300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị; từ 30.000-120.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực nông thôn và từ 8.000-60.000 đồng/tháng/học sinh đối với miền núi.

Theo Bộ GD&ĐT, mức thu học phí ở các trường mầm non, phổ thông phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.

ganh nang hoc phi

Học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí đào tạo.

Còn đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ, học phí được xác định trên cơ sở tính toán có sự cân đối giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người học, thực hiện theo lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước.

Được biết, ngay đầu năm học 2015-2016, dư luận phụ huynh học sinh đã khá bức xúc về việc học phí tăng và có nhiều khoản đóng góp vừa cao vừa phi lý của nhiều trường. Tuy nhiên, số trường trả lại khoản thu trái quy định rất ít và mới có vài ba hiệu trưởng bị xem xét vì tự ý đặt ra các khoản thu mang màu sắc lợi ích nhóm. Vì vậy, lo toan của người dân về gánh nặng học phí là có cơ sở. Và yêu cầu của Chính phủ đòi hỏi từ ngành giáo dục đến từng cơ sở phải minh bạch, công khai mức đóng học phí để người học kiểm tra cần được thực hiện nghiêm chỉnh với sự giám sát của cha mẹ học sinh, sinh viên và xã hội.

Tuy nhiên, đừng quên rằng nghị định của Chính phủ đã quy định tới 15 đối tượng được miễn giảm học phí. Cụ thể, gồm người có công với cách mạng và thân nhân của người có công; trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân; Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên; Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học; Học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; Học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các chuyên ngành: lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh.

Ngoài ra, đối tượng ưu tiên miễn học phí còn có học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn hoặc học các ngành xã hội có nhu cầu, các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Nghị định cũng quy định các đối tượng được giảm 70% học phí gồm học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật công lập và ngoài công lập, gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống; các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; và một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… đối với giáo dục nghề nghiệp. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Còn các đối tượng được giảm 50% học phí là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ cho học sinh, sinh viên nghèo vay tiền trang trải học tập, tăng tương ứng với học phí mới. Năm 2014, cả nước có hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn với số tiền trên 52.000 tỉ đồng.

 

Minh Nghĩa

Năng lượng Mới 465

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc