Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Gạn đục khơi trong

07:05 | 18/03/2018

935 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một loại hình tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống mãnh liệt, phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tín ngưỡng thờ Mẫu đã và đang phải đối mặt với nguy cơ bị trục lợi, biến tướng, dẫn tới tình trạng buôn thần bán thánh.

Khi tâm linh “biến tướng”

Có thể nói, tín ngưỡng thờ Mẫu có từ rất lâu đời, gắn liền với quá trình sản xuất nông nghiệp vốn phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Theo quan niệm dân gian, vũ trụ gồm tứ phủ: Thiên phủ (miền trời), Địa phủ (miền đất), Nhạc phủ (miền rừng núi), Thủy (Thoải) phủ (miền sông nước). Mỗi một miền này có một nữ thần cai quản. Đó là Mẫu Cửu Thiên cai quản miền trời, Mẫu Địa cai quản miền đất, Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi, Mẫu Thoải cai quản miền sông nước.

gan duc khoi trong
Một giá hầu đồng

Thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng trong lên đồng và lễ hội. Sức mạnh và ý nghĩa của thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt…

Năm 2017, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, hiện nay tín ngưỡng này đang bị lợi dụng và biến tướng.

Hiện tượng hầu đồng mọi lúc, mọi nơi, từ hầu Tứ phủ trong Phủ Trần Triều, đến hầu đồng tại các chùa, đình, đền. Tại các đền to, phủ lớn, trong các dịp lễ thường hầu đồng ở mọi ban, thậm chí cả ngoài sân, bật loa đài hết cỡ. Bên cạnh đó, sự bùng phát trình đồng, mở phủ cũng dẫn đến sự biến đổi trong hàng ngũ con nhang, đệ tử. Nhiều người sau 3 năm, thậm chí có người mới “ra đồng” 1 năm đã “đẻ đồng”, tự phong cho mình là “đồng thầy”.

Ngoài ra, việc lợi dụng truyền phán, dọa nạt để con nhang sắm to lễ vật, dâng cúng cũng đang diễn ra ở nhiều nơi. Trong đội ngũ các ông, bà đồng vẫn có không ít người lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi, phán bừa vô trách nhiệm. Không chỉ vậy, việc phát lộc trong lễ hầu đồng còn có sự phân biệt nặng nề về vật chất, làm mất đi nét đẹp ứng xử.

Ngăn chặn “buôn thần bán thánh”

Để bảo vệ tín ngưỡng thờ Mẫu, TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đề xuất, phải bắt đầu bằng việc nhìn thẳng vào những vấn đề bất cập với tiêu chí của di sản. Bà Lý nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng nhất với truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là trao truyền nhận thức về giá trị di sản, về hướng dẫn thực hành và hành động bảo vệ di sản đó. Tất cả đều phải bám sát những giá trị cốt lõi, đích thực đang làm nên bức tranh đa dạng của di sản văn hóa này”.

GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: “Không có tín ngưỡng nào trên đời này dạy con người làm những điều xấu xa, chỉ có con người lợi dụng nó cho những mục tiêu xấu xa. Bản chất nguyên sơ của hầu đồng là hình thức hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh, nhưng hiện nay đang bị bóp méo và lợi dụng”.

Nhằm giữ gìn sự trong sáng của việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, ngày 12-2, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đặng Thị Bích Liên đã ký ban hành Công văn số 618/BVHTTDL - DSVH gửi Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động hầu đồng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Cụ thể, Bộ VH-TT&DL yêu cầu chỉ tổ chức hầu đồng ở những nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người thực hành về giá trị của di sản, qua đó khuyến cáo hạn chế việc sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng; ngăn chặn, xử lý hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng.

Việc bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là công việc lâu dài và khó khăn. Tín ngưỡng thờ Mẫu vốn chưa có quy định, khuôn mẫu cố định. Và những tranh luận về tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có nhiều ý kiến khác nhau, do vậy rất cần sự đóng góp của các nhà khoa học cùng các thanh đồng để bảo đảm việc thực hành nghi lễ đúng theo bản sắc tín ngưỡng chứ không phải là hành vi lợi dụng để trục lợi, mê tín, dị đoan.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.