Đảm bảo cung điện cho phát triển kinh tế - xã hội

EVN đang giải bài toán khó

06:55 | 03/03/2017

247 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành điện là ngành kinh tế đặc thù, là đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Vậy nên, theo ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với sứ mệnh được giao, EVN luôn xác định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn thách thức tới đâu thì mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước luôn là ưu tiên số 1 của Tập đoàn.

Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, quá trình mở rộng, phát triển của các ngành, lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế, áp lực mở rộng, phát triển hệ thống lưới điện để đáp ứng các nhu cầu gia tăng phụ tải đặt ra với EVN là vô cùng lớn. Áp lực đó không chỉ là vấn đề phát triển hệ thống nguồn và lưới truyền tải mà còn là áp lực từ việc đầu tư hiện đại hóa hệ thống lưới điện phân phối, đáp ứng các nhu cầu về chất lượng dịch vụ khách hàng ngành điện…

Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An khi đề cập đến vấn đề này đã cho biết: Những năm gần đây, tuy tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của Việt Nam đã giảm nhiệt nhưng vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới, thường xuyên ở mức 2 con số. Như năm 2016, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở Việt Nam là trên 10%. Điều này đã đặt ra áp lực phát triển, mở rộng hệ thống điện quốc gia là rất lớn.

evn dang giai bai toan kho
Một góc Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải

Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn, thách thức đó, theo ông An, sau nhiều năm nỗ lực không biết mệt mỏi, được sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự hiệu quả, đồng hành của xã hội trong công tác tuyên truyền, sử dụng điện tiết kiệm, từ năm 2014 đến nay, hệ thống lưới điện quốc gia đã có dự phòng. Hệ thống điện hiện nay có tổng công suất 42.000MW, đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 30 thế giới. Chất lượng dịch vụ khách hàng của ngành điện tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ khi chỉ số tiếp cận điện năng năm 2016 theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tăng 5 bậc so với năm 2015. Còn nếu tính từ năm 2014, từ khi Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế thì Việt Nam đã tăng được 60 bậc, từ 156 lên 96.

Bước sang năm 2017, mục tiêu được EVN đặt ra là đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ và đưa vào vận hành các dự án nguồn và lưới điện theo kế hoạch; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động để sản xuất kinh doanh có lợi nhuận. Theo đó, dựa trên các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội đất nước với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, EVN tính toán điện thương phẩm năm 2017 sẽ tăng tới 11,5% so với năm 2016. Có thể thấy, khó khăn thách thức đặt ra cho EVN trong việc hoàn thành các mục tiêu này là rất lớn, đặc biệt là vấn đề về vốn.

Khó khăn thách thức càng lớn hơn khi theo ông An, các nguồn điện đầu tư ở khu vực phía Nam đang bị chậm tiến độ và chủ yếu là các nguồn điện của các đơn vị khác chứ không phải của EVN. Vì vậy, việc đảm bảo cung ứng điện cho khu vực phía Nam vẫn lệ thuộc rất nhiều vào tuyến đường dây 500kV Bắc Nam. Để giải quyết bài toán điện trong những năm tới, trong năm 2017, EVN đã xây dựng kế hoạch và phấn đấu khởi công xây dựng tuyến đường dây 500kV mạch 3 bắt nguồn từ Vũng Áng, qua Quảng Trạch vào Pleiku. Đường dây này có tổng mức đầu tư khoảng 17 nghìn tỉ đồng và phải đóng điện vào quý I/2019. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện cho khu vực phía Nam và đảm bảo cân đối vùng miền của hệ thống điện.

Cũng theo ông An, khối lượng đầu tư dự kiện của EVN năm 2017 dự kiến vào khoảng 137 nghìn tỉ đồng. Đây cũng là khó khăn, thách thức lớn mà EVN sẽ phải đối diện trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ chế bảo lãnh vay vốn dần hạn chế… Vậy nên, để huy động được 137 nghìn tỉ đồng đầu tư là con đường rất cam go. Tuy nhiên, EVN lại không thể ngừng đầu tư, vì nếu ngừng đầu tư thì chúng ta sẽ phải đối diện với nguy cơ điện trong 5 năm nữa, đặc biệt khi tốc độ tăng trưởng điện tiêu thụ của nền kinh tế 5 năm qua chưa bao giờ là 1 con số mà luôn luôn là 2 con số.

“Các doanh nghiệp khác có thể ngừng đầu tư nguồn điện nhưng EVN thì không. Thậm chí, nếu các doanh nghiệp khác chậm đầu tư thì EVN cũng phải có giải pháp” - ông An nhấn mạnh.

Một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của EVN năm 2017:

- Điện sản xuất và mua đạt 197,2 tỉ kWh, tăng 11,4% so với năm 2016;

- Điện thương phẩm đạt 177,59 tỉ kWh, tăng 11,5% so với 2016;

- Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn là 7,6%;

- Thời gian tiếp cận điện năng (các thủ tục của điện lực) còn dưới 10 ngày;

- Đầu tư xây dựng với tổng giá trị 137 nghìn tỉ đồng.

- Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tăng 8-10% so với năm 2016, giảm 5-10% chi phí…

Thanh Ngọc

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps