Đường ống khí đốt từ Ai Cập sang Israel bị đánh bom

11:17 | 04/07/2011

337 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một quan chức an ninh Ai Cập cho biết ngày 4/7, những kẻ phá hoại đã đặt bom phá hủy đường ống khí đốt chạy từ nước này sang Jordan và Israel khiến cho nguồn cung khí đốt sang hai nước này bị gián đoạn.

Vị trí đường ống bị đánh bom nằm cách thị trấn El-Arish trên bán đảo Sinai 80 km về phía Bắc.

Các quan chức an ninh cho biết quả bom trên đã được kích nổ từ xa. Hiện các đơn vị hành động khẩn cấp đã được điều tới hiện trường để khống chế ngọn lửa bùng lên từ đoạn đường ống bị đánh bom. Các nhân chứng cho biết, ngọn lửa đã bùng cao tới 10 mét. Cho đến giờ, vẫn chưa có thông tin chính thức gì về con số thương vong do vụ đánh bom trên gây ra.

Đây là vụ tấn công thứ ba nhằm vào đường ống trên kể từ hồi tháng Hai vừa qua sau khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức. Hôm 27/4, đoạn đường ống chạy qua khu vực Al-Sabil ở phía Bắc Sinai cũng bị tấn công gây gián đoạn nguồn cung. Trước đó hồi tháng Hai, những kẻ tấn công đã sử dụng thuốc nổ để đánh bom đường ống trên ở thị trấn Lihfren ở phía Bắc Sinai, nằm gần Dải Gaza. Đó là còn chưa kể đến âm mưu tấn công bất thành đường ống này hồi tháng Ba vừa qua.

Một đường ống khí đốt của Ai Cập ở Sinai, bị cháy sau vụ tấn công tháng 4/2011 (Ảnh: AFP).

Jordan đã phải nhập khẩu khoảng 6,8 triệu m3 khí đốt từ Ai Cập mỗi ngày để đáp ứng 85% nhu cầu sản xuất điện của nước này. Theo thỏa thuận ký năm 2002 có thời hạn 14 năm, Ai Cập bán khí đốt cho Jordan với mức giá ưu đãi bằng phân nửa giá thị trường, tức là có 3 USD/1.000 m3.

Trong khi đó, Ai Cập đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt dùng để sản xuất điện của Israel. Hồi tháng 12 năm ngoái, bốn công ty của Israel đã ký các hợp đồng có thời hạn 20 năm trị giá lên tới 10 tỷ USD để nhập khẩu khí đốt của Ai Cập.

Hồi tháng Tư vừa qua, Thủ tướng Ai Cập Essam Sharaf đã yêu cầu rà soát lại tất cả các hợp đồng cung ứng khí đốt cho nước ngoài, trong đó có cả hợp đồng với Israel, để nguồn khí đốt này “sẽ được bán với mức giá thỏa đáng, đem lại số tiền cao nhất cho Ai Cập”. Hợp đồng bán khí đốt gây tranh cãi với Israel đã nhiều lần được đưa ra trước tòa do những điều khoản tối mật của nó và do nó được tiến hành mà không có sự tham vấn qua Quốc hội Ai Cập.

Vân Chi (Theo AFP)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc