Xử lý vi phạm hàng lang bảo vệ an toàn lưới điện:

Đường đi còn lắm chông gai!

15:55 | 29/09/2016

689 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chủ công trình vi phạm không những không nhận lỗi, lại còn dọa đánh... là một trong vô vàn tình huống “oái oăm” mà những cán bộ, công nhân ngành Điện đã phải đối mặt khi tiến hành xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện (HLBVATLĐ) cao áp...
duong di con lam chong gai
Hỗ trợ người dân tháo dỡ công trình vi phạm HLATLĐ ở Long Biên (Hà Nội)

Cũng có chuyện khó xử…

48 tuổi, 21 năm gắn bó với lưới điện cao thế, anh Nguyễn Tuấn Anh - Tổ trưởng Tổ vận hành 3, Công ty Lưới điện cao thế TP. Hà Nội không thể nhớ hết những khó khăn, vất vả đã nếm trải. Đó là những lúc ngồi cả ngày trên cột điện; hay làm việc liên tục 3-4 ngày đêm, phải “ăn, nghỉ tại chỗ” khi khắc phục sự cố; những lần đi bộ hàng chục cây số kiểm tra hành lang tuyến, mà trên người chỉ có nước và lương khô “cầm hơi”. Nhưng với anh, kỉ niệm đáng nhớ và “khó xử” nhất là những lần đi kiểm tra, xử lý vi phạm HLBVATLĐ cao áp.

Anh Tuấn Anh chia sẻ, năm trước, khi đi kiểm tra hành lang tuyến ở thị xã Sơn Tây, Tổ vận hành 3 phát hiện khu vực đồi thuộc xã Cổ Đông có nhiều cành cây vươn lên chạm vào lưới điện. Lúc đó, có một người đàn ông đang chặt tỉa cây, nghĩ là chủ vườn nên anh em liền trình bày và đề nghị được hỗ trợ tỉa những cành/ngọn cây vi phạm HLBVATLĐ. Người đàn ông này đồng ý ngay, còn đề nghị chặt luôn tận gốc. Tuy nhiên, khi anh em vừa chặt xong, bỗng một nhóm người xuất hiện, hùng hổ xông lên quát mắng, thu cưa, dọa đánh vì dám tự chặt cây của họ.

“Hóa ra, hai gia đình này là hàng xóm, không ưa nhau. Người kia thấy chúng tôi đề nghị được tỉa cây thì nhân ngay cơ hội “chơi xỏ” hàng xóm. Lúc này, anh em cũng rất hoảng, vì ngoảnh lại chẳng thấy người đàn ông kia đâu nữa! Chúng tôi phải mất nhiều thời gian, vừa giải trình, vừa nêu rõ sự nguy hiểm của cây cối khi vươn lên, chạm vào lưới điện cao áp, mong gia đình hết sức thông cảm. Rất may, khi hiểu ra vấn đề, gia đình cũng bỏ qua” - anh Tuấn Anh cho biết.

Thực tế, tình hình vi phạm HLBVATLĐ cao áp diễn biến hết sức phức tạp. Có những trường hợp, khi đi kiểm tra, nhắc nhở thì công trình chưa vi phạm, nhưng do địa bàn rộng, nên chỉ một tuần sau quay lại, công trình đã vi phạm và được xây dựng kiên cố. Trong khi đó, nhiều hộ dân, chủ công trình lại không có ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, nên rất khó xử lý.

Anh Trần Hồng Quảng - Tổ vận hành 3, Công ty Lưới điện Cao thế TP. Hà Nội cho biết: “Có nhiều vụ việc vi phạm, chúng tôi phải theo đuổi rất mệt. Kể từ khi phát hiện, lập biên bản, gửi văn bản đến các cấp chính quyền địa phương... đến khi tiến hành xử phạt kéo dài hàng năm trời do chủ công trình không chịu hợp tác”.

“Cụ thể, tại huyện Quốc Oai, một gia đình xây dựng công trình, đổ vật liệu lấp móng cột điện cao thế. Nhưng khi anh em đi kiểm tra, lập biên bản vi phạm thì chủ công trình nhất định không tiếp. Phải đến khi công an và chính quyền địa phương vào cuộc, họ mới chịu hợp tác”, anh Quảng cho hay.

Thợ đường dây phải biết làm dân vận

Anh Tuấn Anh chia sẻ, phải thật tâm huyết và trách nhiệm, mới gắn bó được với nghề “đường dây”. Không chỉ vất vả, khó khăn trongquản lý vận hành lưới điện, anh em còn kiêm luôn công tác “dân vận” khi đi tuyên truyền, thuyết phục người dân chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo vệ HLATLĐ.

“Với đa số các hộ dân, nói chuyện về luật pháp với họ là rất khó. Thay vào đó, phải tranh thủ tình cảm của chủ hộ, hỏi thăm công việc làm ăn, đến học hành của con cái, hướng dẫn gia đình cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm,... rồi mới đi vào chủ đề chính, thuyết phục gia đình tháo dỡ phần vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. Lúc này, vai trò “dân vận” của thợ đường dây có tính quyết định”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, việc vi phạm HLBVATLĐ cao áp có muôn hình, vạn trạng và không trường hợp nào giống nhau. Có nhiều vụ, phải có sự tham gia của chính quyền địa phương mới giải quyết được. Vì vậy, để giảm vi phạm, cùng với nỗ lực của ngành Điện, các cấp chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn, xử lý, cưỡng chế các công trình vi phạm, đảm bảo an toàn cho hệ thống điện cũng như tính mạng và tài sản cho người dân, nhất là trong mùa mưa bão.

Minh Tâm

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps