Thanh lọc cơ thể, giảm cân bằng detox “tự chế”

Đừng rước họa vào thân

07:00 | 26/09/2016

908 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian qua, trào lưu thanh lọc cơ thể bằng phương pháp detox được nhiều người truyền nhau áp dụng. Đối tượng hào hứng nhất với detox là chị em phụ nữ luôn mong muốn vừa thanh lọc được chất độc trong cơ thể, vừa giảm cân nhưng tác dụng của phương pháp này là như thế nào thì không phải ai cũng biết.  

Rộ trào lưu detox “tự chế”

Chỉ cần vào google gõ từ khóa “detox” sẽ cho ra hàng triệu kết quả chỉ chưa đầy một giây. Trong đó, nhóm detox để đốt mỡ giảm cân bằng nhịn ăn, uống nước chanh tươi, hay dùng nước mía nguyên chất với nước ớt ngọt, cà phê... đang được nhiều người áp dụng với mong muốn giúp đào thải các chất có hại trong cơ thể, giải độc gan, ngoài ra còn giúp chữa các bệnh về khớp, đào thải mỡ vùng bụng, cánh tay và đùi rất hiệu quả. Đồng thời, giảm cân tốt, thậm chí phòng ngừa cả bệnh ung thư.

Các hướng dẫn “thanh lọc” được chia sẻ rất chi tiết trên các trang mạng: Buổi sáng, uống hết một lít nước muối loãng (pha khoảng 2 thìa cà phê muối với nước lọc). Sau khoảng 10-15 phút uống hết lít nước này, cơ thể sẽ có nhu cầu tháo thụt. Khi cơ thể đào thải hết nước muối loãng thì pha nước mía và nước ớt ngọt theo tỷ lệ 1:1, đồng thời vắt thêm một quả chanh tươi để uống. Mỗi người có lượng uống khác nhau, nhưng nên uống bất cứ lúc nào khi thấy đói, không nên chờ tới bữa mới dùng nước mía, như vậy rất dễ dẫn đến tình trạng tụt đường huyết nguy hiểm. Cả ngày người thanh lọc chỉ được dùng loại nước này mà không được ăn, uống bất cứ một thực phẩm nào khác.

Cũng có người thực hiện detox bằng nước chanh tươi pha với nước lọc và chỉ uống nước chanh tươi trong vòng 12 ngày. Số khác thì detox bằng dầu olive pha nước chanh...

Bên cạnh trào lưu detox “tự chế”, trên rất nhiều trang mạng hiện đang rao bán nhan nhản các loại thực phẩm chức năng (TPCN) với công dụng giải độc, thanh lọc cơ thể. Người xem rất dễ bị thu hút bởi các dòng quảng cáo như: TPCN detox không dùng thì tiếc; TPCN detox giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng…

Thực tế, đã có những chia sẻ thành công của cách thanh lọc cơ thể bằng phương pháp detox trên mạng xã hội như trường hợp của nhà thơ, nhưng cũng đã có những trường hợp rước họa do detox sai cách.

Th.S-BS Vũ Việt Hà, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, mới đây, khoa Cấp cứu tiếp nhận trường hợp bệnh nhân H (Phú Thọ) do bị bệnh tiểu đường nên nghe theo lời mách bảo của người quen dùng TPCN để detox.

Sau khi dùng loại thực phẩm chức năng này, ông H có dấu hiệu đi ngoài phân lỏng nhiều lần nhưng không đi khám. Tới khi đi ngoài quá nhiều (30 lần/ngày) khiến người lờ đờ, chậm chạp, mắt trũng, da khô, mạch nhanh, huyết áp tụt, bí tiểu, cơ thể kiệt quệ, ông H phải vào viện cấp cứu. Bác sĩ xác định bệnh nhân bị sốc giảm thể tích và bị suy thận cấp.

dung ruoc hoa vao than

Cách đây không lâu, dư luận cũng hết sức bàng hoàng về trường hợp một cô gái trẻ (Hà Nội) đã tử vong do có liên quan đến phương pháp detox. Do tự ti về cân nặng (90kg) nên đã học detox giảm béo trên mạng, nhịn ăn khoảng 10 ngày và chỉ uống nước cùng chanh tươi. Khi bệnh nhân được đưa đến viện thì đã ngừng tim, sau đó tử vong.

Th.s-BS Nguyễn Trung Cấp Trưởng khoa Cấp Cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương cho biết, tại Mỹ đã thống kê được hơn 60 trường hợp tử vong khi thực hiện giảm cân bằng chế độ thanh lọc cơ thể. Nhiều nước khác cũng đã ghi nhận những ca tử vong khi dùng biện pháp này. Tuy gây chết người nhưng đa số những trường hợp này tự mình thực hiện giảm cân nên hầu hết pháp luật không không xử lý được. Chỉ có duy nhất năm 2008 ở Anh, tòa án đã buộc một “chuyên gia dinh dưỡng” đền 800 ngàn bảng Anh vì đã chỉ định chế độ detox gây tổn thương não vĩnh viễn cho bà Dawn Page, 52 tuổi.

Ngộ nhận về phương pháp detox

Theo Th.S-BS. Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9 - BV Bạch Mai: Detox bằng uống nước lọc với chanh, nước mía... là sai lầm.

Trong y học, detox là phương pháp giải độc để điều trị cho các trường hợp ngộ độc cụ thể như thuốc, rượu hoặc chất độc (ví dụ: kim loại nặng như chì...), chứ không phải là cách giải độc, thanh lọc cơ thể bằng uống một thứ dung dịch gì đó (như rau quả tươi, nước ép trái cây và nước) trong vài ngày đến vài tuần.

Detox bằng nước chanh buổi sáng khi đói là một sai lầm. Nước chanh chứa rất nhiều axit citric rất hại cho đường ruột. Acid citric là acid yếu tham gia vào chu trình kreb (là một chuỗi các phản ứng hóa học xúc tác bởi enzyme có vai trò quan trọng bậc nhất trong mọi tế bào sống có dùng ôxy trong hô hấp tế bào) trong ti thể của tế bào. Nhưng không có nghĩa là dùng nó thì có thêm năng lượng và tốt cho chuyển hóa. Uống acid kéo dài sẽ làm tăng [H+] nghĩa là cơ thể sẽ mệt mỏi thêm vì phải tìm cách đào thải nó.

Hơn nữa, trong quả chanh không có nhiều vitamin C như bấy lâu chúng ta vẫn mặc định. Hàm lượng vitamin C cũng có trong múi chanh nhưng không nhiều mà chỉ tập chung chủ yếu ở phần vỏ và cùi trắng nhưng chúng ta lại hay bỏ đi phần này.

Mỗi buổi sáng uống 2 lít nước pha lẫn chanh, hoa quả như mọi người lan truyền đó là cung cấp nước sinh lý cho cơ thể chứ không phải để “quét ruột” như thông tin vẫn lan truyền trên mạng. Ruột là nơi hấp thu nước chính, mỗi ngày ruột hút đến 10 lít dịch, trong đó có 2 lít con người uống vào và 8 lít dịch đường tiêu hóa tiết ra. Để ý thấy, mỗi lần khát nước, đấy là khi cơ thể đang “kêu gào” thiếu nước, chúng ta chỉ cần uống một cốc nước trong vài giây đồng hồ cảm giác khát sẽ hết, đấy là nước được hấp thu vào máu và “báo hiệu” cho não biết là nước đã vào máu.

Hằng ngày, cơ thể nếu không hoạt động gì cũng mất gần 0,5 lít qua hơi thở và mồ hôi, đi đại tiện mất 200-300ml, tiểu tiện mất 1,5 lít. Cơ thể tự sinh ra 0,2 lít do các phản ứng hóa học. Với những người làm việc nhẹ nhàng như nhân viên văn phòng thì chỉ cần 2 lít nước/ngày là đủ.

Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều nước sẽ gây ra gánh nặng cho quả tim và hai quả thận phải làm việc thêm giờ để đưa nước thừa ra ngoài bằng tiểu tiện. Hoặc thừa quá nó sẽ kích thích đường ruột đưa ra ngoài bằng cách đại tiện. Pha mấy thứ chua chua và cay cay càng kích thích đi đại tiện nhiều hơn.

Ớt bột pha vào nước uống khi đói sẽ kích thích niêm mạc dạ dày và kích thích nhu động đường tiêu hóa. Cho nên dùng bột ớt để detox là sai lầm.

Ăn hoa quả để detox sau khi uống mấy thứ nước hỗn hợp như trên để thanh lọc cơ thể cũng không phải là phương pháp có căn cứ. Hoa quả, bản chất chứa đầy fructose và các đường thuỷ phân khác, khi vào cơ thể thì fructose dễ chuyển thành glucose và cung cấp năng lượng nhanh chóng hơn và khi thừa thì không gây ra tác hại gì. Như thế nghĩa là cơ thể chỉ dùng carbonhydrat, không thể giảm cân được trừ khi nhịn đói. Mà giảm cân kiểu nhịn đói là cách phản khoa học.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý để có thanh lọc cơ thể

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc thanh lọc cơ thể kết hợp giảm cân bằng detox bị coi là rất khắc nghiệt bởi detox loại bỏ hoàn toàn thức ăn có nguồn gốc từ động vật, trong khi cơ thể trưởng thành luôn cần đạm động vật để cung cấp đủ acid béo và protein thiết yếu cho hoạt động mỗi ngày (0,8 - 1,5g protein/1kg trọng lượng cơ thể).

Cách tốt nhất để có sức khỏe tốt, giảm thiểu bệnh tật là giữ cho cơ thể cân bằng với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Một “thực đơn thông minh” với rau xanh là chủ đạo và bổ sung vừa đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, duy trì chế độ sống lành mạnh, đảm bảo giấc ngủ sâu kết hợp vận động thể dục hằng ngày, giữ tinh thần thoải mái, sống lạc quan… là những cách thức tự nhiên, đơn giản nhất và hiệu quả nhất.

Cần tránh xa những thức ăn, đồ uống có hại cho cơ thể như rượu, cà phê, thuốc lá, đường tinh chế và chất béo bão hòa, chất béo trans (có trong đồ ăn chiên rán để lâu ngày, thức ăn nhanh) cũng sẽ giúp cơ thể được khỏe mạnh hơn. Có thể áp dụng những phương pháp thanh lọc cơ thể bằng cách:

Uống ít nhất 2 lít nước sạch mỗi ngày. Đây là cách bổ sung nước tốt nhất cho cơ thể và dễ thực hiện nhất. Nếu muốn thay đổi hương vị thì có thể cho vài giọt chanh và mật ong vào.

Tập thể dục, yoga, khí công và thiền là những cách đơn giản và hiệu quả giúp giảm bớt căng thẳng. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp thanh lọc nào và điều quan trọng là bạn nên lắng nghe cơ thể mình và cần hỏi ý kiến bác sĩ cho tình trạng sức khỏe cụ thể.

Th.s-BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:

Detox sai cách không khác gì “tự ăn thịt” bản thân

Mặc dù được gọi là chế độ thanh lọc cơ thể nhưng các nhà khoa học hiện không tìm thấy chất độc cụ thể nào được thanh lọc mà lại thấy nhiều chất chuyển hóa độc được sản sinh trong chế độ ăn kiêng này.

Do nhịn ăn hoàn toàn, cơ thể bị thiếu năng lượng nên giảm chuyển hóa vì thế từ ngày thứ 3 trở đi người ăn kiêng sẽ không còn thấy đói. Tuy vậy cơ thể phải tiêu hủy các mô dự trữ như mô mỡ, mô cơ và phải sử dụng các sản phẩm chuyển hóa độc hơn như ketonic để sinh năng lượng.

Não thiếu năng lượng, giảm chuyển hóa nên người sử dụng detox sẽ thấy suy nghĩ chậm lại và cảm thấy thanh thản. Khi đó, theo phản ứng bản năng sinh tồn, cơ thể phải tìm kiếm nguồn thức ăn khi thiếu năng lượng nên một số giác quan bị huy động tối đa: Mắt tinh hơn, tai thính hơn... vì thế nhiều người lầm tưởng cơ thể được thanh lọc khỏe khoắn hơn.

Quá trình nhịn ăn nếu kéo quá dài, cơ thể khi hết nguồn dự trữ phải tiêu hủy các mô quan trọng để sinh năng lượng như mô cơ, thậm chí cả cơ tim và não sẽ dẫn tới tử vong. Ngoài ra chế độ này có thể gây thiếu hụt vitamin, rối loạn nước điện giải trầm trọng hoặc gây suy giảm chức năng nhiều cơ quan.

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức:

Chưa có cơ sở khoa học nào chứng tỏ Thực phẩm chức năng có tác dụng thanh lọc cơ thể

Riêng với các loại TPCN, theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hùng, hiện vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng tỏ TPCN có thể thay thế hoàn toàn được thuốc điều trị bệnh. Chính vì vậy, người bệnh khi sử dụng bất cứ thuốc hoặc TPCN nào vào cơ thể cần theo lời khuyên bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được lạm dụng. Bởi lẽ tất cả các thuốc vào cơ thể đều chuyển hóa qua gan thận, nếu dùng không có sự kiểm soát đều có thể dẫn đến tác hại nhiều hơn lợi ích, đó là chưa kể đến các thuốc còn có sự tương tác lẫn nhau.

Một số vị thuốc đông y cũng có tác dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, có tác dụng làm giảm đường máu, tuy nhiên, Th.S Hà cũng khuyến cáo, khi sử dụng vẫn phải hết sức thận trọng và tuân theo sự tư vấn của thầy thuốc.

Song Thi

Năng lượng Mới 560