Dùng i-ốt quá liều có thể gây… tử vong

18:30 | 02/02/2013

3,766 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Từ trước tới nay trong quan niệm của nhiều người, ăn càng nhiều muối i-ốt càng tốt, nhất là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ để phòng chống những bệnh bướu cổ, thiểu năng trí tuệ, câm điếc… Thế nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy, i-ốt như con dao hai lưỡi khi dùng quá liều sẽ dẫn đến trọng bệnh, thậm chí gây tử vong. Còn khi dùng đủ lượng cần thiết cho cơ thể, nó mới mang lại sức khỏe cho con người.

Ngộ nhận nguy hiểm

Hiện nay, có nhiều người nội trợ vẫn tin rằng, không những bữa ăn nào mà bất kể khi sử dụng đồ ăn thức uống gì nếu cần đến muối thì phải dùng muối i-ốt và coi đó như gia vị không thể thiếu. Như chị Nguyễn Minh Hằng, ở phố Liễu Giai, Hà Nội, sau khi được nghe tuyên truyền về i-ốt thì trong nhà chị đã là muối thì chỉ có muối i-ốt, không có loại gì khác. Nấu ăn nêm muối i-ốt. Ăn loại hoa quả cần chấm muối cũng sử dụng muối i-ốt. Ngâm các loại rau củ… cũng muối i-ốt…

Nói tóm lại, trong tâm thức của chị: Phải dùng muối i-ốt “ở mọi nơi mọi lúc” để nó ngấm vào cơ thể, chống lại bệnh tật.

Đặc biệt thời kỳ thai nghén, chị còn tăng cường ăn muối i-ốt để con chị không bị thiểu năng trí tuệ, các dị tật bẩm sinh... Tuy nhiên, khi được hỏi mặt trái của i-ốt thì chị Hằng ấp úng không biết như thế nào để trả lời. Chị chỉ bảo: đến nay đã hơn 15 năm sử dụng muối i-ốt, chị và những người trong gia đình (cùng dùng muối i-ốt) không thấy bị làm sao do đó cũng không biết tác hại của chất này như thế nào.

Một loại rong biển của Hàn Quốc bị thu hồi do quá nhiều i-ốt

Cũng như chị Hằng, bà Vũ Thanh Tân, ở Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội cũng coi muối i-ốt như gia vị “phải có” trong bữa ăn hằng ngày như vậy. Thậm chí, có thời điểm,  khi nghe khuyến cáo của ngành y tế rằng Việt Nam nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ thiếu i-ốt rất cao tới tận 95,7%, bà Tân chỉ ăn cơm với muối i-ốt. Bà còn khuyến khích con cháu nên ăn như mình nhằm phòng ngừa những bệnh do thiếu i-ốt gây ra.

Tuy nhiên, do thời gian gần đây  bị viêm tuyến giáp, có biểu hiện cường giáp, bà không dám ăn muối i-ốt nữa. Bà kể: Cách đây mấy tháng bà đi khám thì bác sĩ nói rằng bà bị viêm tuyến giáp nên không được ăn muối có i-ốt. Chính việc bà ăn nhiều muối có i-ốt đã là nguyên nhân gây nên bệnh này cho bà. Bác sĩ bảo: “Chỉ ăn đủ thôi chứ không được ăn thừa muối i-ốt. Nếu thừa, nó sẽ sinh ra nhiều bệnh tật khác rất nguy hiểm cho sức khỏe, nhất là với người già và có tiền sử bệnh huyết áp như bà”. Từ đó trở đi, bà Hằng không dám ăn muối i-ốt nữa mà thay bằng muối thường trong các bữa ăn.

Tương tự, ông Đàm Tuấn Thịnh, ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng mắc phải bệnh do thừa i-ốt gây ra. Chỉ khác là bệnh của ông Thịnh nặng hơn so với bà Tân bởi ông bị bướu tim. Nguyên nhân không gì khác mà bác sĩ bệnh viện Bạch Mai đã nhận định: “Ông thừa i-ốt trong người”. Đã thế ông bảo: vợ ông ở nhà lúc nào cũng bảo: “Ông phải ăn nhiều muối i-ốt vào để đỡ bướu cổ”. Và thế là cái gì bà cũng bỏ muối i-ốt vào từ món nấu chín đến món dùng muối i-ốt “tươi” để cho ông ăn. Nào ngờ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” thay vì bị bướu cổ, ông lại bị … bướu tim. “Thật là buồn!”, ông than. Bây giờ thì vợ ông thấy “gương” ông mà sợ, bà không dám động đến một tý muối i-ốt nào, mặc dù trước kia, đó là món “khoái khẩu” của bà.

Bướu tim… vì thừa i-ốt

Theo bác sĩ Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y: phần đông người dân trong xã hội chỉ “biết 1 mà không biết 10” về i-ốt như vậy mà nguyên nhân chính là bắt đầu từ việc việc tuyên truyền không đến nơi đến chốn về i-ốt. Đáng lẽ, trong việc sử dụng i-ốt phải nói ngọn ngành bên cạnh hiệu quả thì tác dụng phụ của i-ốt như thế nào giống hệt khuyến cáo sử dụng thuốc. Đồng thời nói rõ liều lượng cần dùng mỗi ngày đối với từng đối tượng ra sao… Đằng này, chỉ tuyên truyền một khía cạnh nên mới dẫn đến người dân không hiểu toàn diện về i-ốt.

Trong khi để hiểu đúng phải là: i-ốt là một vi chất rất cần thiết đối với sự phát triển của đời sống con người do đó cơ thể không thể thiếu vi chất này. Vì nếu thiếu, nó dẫn đến nhiều căn bệnh phức tạp nhất là ở trẻ em và phụ nữ mang thai như: đần độn, thiểu năng trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, điếc, sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non… Tổ chức Y tế Thế giới đã thống kê: Thiếu i-ốt, dù là thể nhẹ, ít nhất cũng lấy mất của mỗi trẻ 13,5 điểm IQ (chỉ số thông minh), làm giảm khả năng tư duy, trí tuệ của trẻ. Đồng thời trên toàn thế giới từ năm 1993 đến 2003, cũng có 707 triệu trẻ em 6-12 tuổi bị bướu cổ trên tổng số 848 triệu em, chiếm 83,5% trẻ em ở lứa tuổi này.

Nhưng bên cạnh việc thiếu i-ốt gây ra những bệnh nan y thì thừa i-ốt cũng hết sức nguy hiểm cho cơ thể khi là nguyên nhân của những bệnh bướu tim, u độc tuyến giáp, viêm tuyến giáp… Thậm chí, bác sĩ Yên Lâm Phúc còn cảnh báo: “Nếu dùng i-ốt với liều cao có thể gây tử vong. Vì theo thí nghiệm của y học liều tử vong trên chuột là 15g/kg; trên chó là 800mg/kg. Còn trên người là 30-40mg/kg. Trong trường hợp bị ngộ độc i-ốt do ăn quá nhiều có thể gây ra suy chức năng giáp, phù toàn thân, phù phổi, viêm phổi dẫn dến tử vong”. Cho nên: “Cần phải biết thế nào là đủ liều lượng i-ốt cần thiết”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Vậy như thế nào là  đủ i-ốt cho cơ thể? Bác sĩ Hoàng Kim Ước, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: “Liều cơ bản của i-ốt với người lớn là 150 micrôgam (mcg)/người/ngày, với trẻ em khoảng 100mcg/ngày/người, phụ nữ mang thai và cho con bú thì cần lượng i-ốt cao hơn do họ cần sự chuyển hóa nhiều hơn, lượng cần thiết vào khoảng 200mcg/ngày/người với bà mẹ mang thai và 290mcg/ngày/người với bà mẹ cho con bú”. Bác sĩ Ước cũng khuyến cáo thêm: “Nếu sử dụng cao hơn mức khuyến cáo, cơ thể sẽ đào thải ra ngoài, nhưng với điều kiện chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Còn trong thời gian dài, i-ốt sẽ tích tụ gây nên những bệnh nguy hiểm như đã nói”.

Hiện nay, có nhiều người nhầm lẫn, trong muối thường (không bổ sung i-ốt) cũng có i-ốt và cố “ăn lấy ăn để”. Đây là quan niệm rất sai lầm bởi i-ốt là chất độc lập được bổ sung vào muối chứ không phải có sẵn trong muối. Bởi vậy, theo bác sĩ Yên Lâm Phúc đã có rất nhiều trường hợp, do hiểu lầm khái niệm này mà đã bị cấp cứu do cơ thể khát nước, khô tế bào, suy thận vì hoạt động liên tục nhằm loại muối ra khỏi cơ thể, huyết áp tăng cao…

Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo:

Khi đã sử dụng các gia vị khác giàu natri như nước mắm, nước tương, mắm tôm, bột nêm hoặc các thức ăn mặn như cá khô, tôm khô, dưa muối, cà muối thì phải giảm bớt lượng muối i-ốt trong bữa ăn.

Trong trường hợp cần bổ sung lượng i-ốt cao cho cơ thể thì có thể ăn pho mai, trứng gà, hải sản, tảo biển, rau dền, bắp cải, lươn, sữa… Một lít sữa có thể cung cấp 100mcg i-ốt. Nếu trẻ 6 tháng tuổi uống 800ml sữa thì đã cung cấp được 90% nhu cầu i-ốt trong ngày.

Trong quá trình nấu nướng không rang muối i-ốt. Muối i-ốt phải giữ  nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời, dùng xong buộc kín miệng túi hoặc để trong lọ đậy nắp kín nhằm tránh bay hơi.

Khi ướp thức ăn, bỏ một ít muối i-ốt trước, sau khi nấu chín thì bỏ thêm cho vừa đủ. Tốt nhất là nên cho muối i-ốt vào thức ăn sau khi đã nấu chín.


Xuân Bách